BI KỊCH CỦA “EM LÂM”

Trung Hoa

Ai từng xem bộ phim truyền hình nhiều tập Hồng Lâu Mộng (Giấc mộng lầu son) đều không thể quên được nhân vật Lâm Đại Ngọc do nữ diễn viên Trần Hiểu Húc (陈晓旭 Chen Xiaoxu) thủ vai. Khuôn mặt xinh đẹp khả ái, đôi mắt mơ màng lúc nào cũng đượm nỗi buồn mênh mông khó tả, thân hình mảnh mai ẻo lả và dáng vẻ thanh tú của nhân vật này để lại thiện cảm và ấn tượng sâu sắc cho người xem

Biết bao thiếu nữ từng rơi lệ khi xem trường đoạn nàng Đại Ngọc thẫn thờ chôn hoa như chôn vùi chính tuổi xuân tươi đẹp của mình. Hoa tượng trưng cho sự tươi đẹp, cho mùa xuân. Đời người chỉ có một mùa xuân, đã qua đi thì không bao giờ trở lại. Mùa xuân của người phụ nữ lại rất ngắn. Cặp “song ngọc” – Giả Bảo Ngọc/Lâm Đại Ngọc đẹp đôi, thân thiết với nhau đến thế, Bảo Ngọc đã dành trọn trái tim mình cho nàng Đại Ngọc tài hoa, nhưng cuối cùng chàng lại bị lừa phải cưới Tiết Bảo Thoa. Lễ giáo phong kiến đã giết chết mùa xuân tươi đẹp của nàng Đại Ngọc ngay tại khuôn viên Giả Phủ lầu son gác tía ai cũng tưởng là nơi sung sướng nhất.

Quả thật Trần Hiểu Húc đã xuất thần nhập vai Lâm Đại Ngọc với sự hiểu biết sâu sắc về tác phẩm Hồng Lâu Mộng và về nhân vật cô thể hiện; từ đó trở đi người ta quen gọi cô bằng cái tên thân mật Lâm muội muội (em gái Lâm) mà Giả Bảo Ngọc thường gọi Lâm Đại Ngọc. Cuộc đời của Em Lâm thật sự có nhiều chuyện để nói.

Hóa thân của Lâm Đại Ngọc

Năm 1980, Trần Hiểu Húc vừa tròn 15 tuổi được tuyển vào đoàn kịch nói thành phố Yên Sơn. Ba năm sau, tạp chí Điện ảnh Đại chúng đăng tin nhóm biên kịch phim Hồng Lâu Mộng thông báo tuyển người đóng ba nhân vật Bảo Ngọc, Đại Ngọc và Bảo Thoa. Được bạn bè khích lệ, Trần Hiểu Húc mới 18 tuổi lập tức gửi tới đoàn làm phim một tấm ảnh của mình, phía sau ảnh có chép bài thơ Tơ Liễu cô làm năm 14 tuổi, và ghi rõ chỉ xin đóng vai Lâm Đại Ngọc.

Hôm nhận được thư mời đến diễn thử, Hiểu Húc xin đoàn kịch cho nghỉ ốm 3 ngày kín đáo trốn về Bắc Kinh dự thi vấn đáp. Năm sau cô tham dự lớp đào tạo đợt một. Ba tháng sau, Hiểu Húc được chính thức chọn đóng vai Lâm Đại Ngọc. Tiếp đó cô cùng đoàn làm phim ở lỳ suốt 3 năm trời trong Đại Quan Viên để đóng phim Hồng Lâu Mộng.

“Trong số hàng chục nghìn người đăng ký tranh nhau đóng vai Lâm Đại Ngọc, tôi giành được vai này có lẽ là duyên số nhân quả. Hồi mới mười mấy tuổi tôi đã bắt đầu tìm hiểu nhân vật Đại Ngọc, cảm thụ được cô, còn chép cả thơ của cô vào nhật ký. Chưa biết chừng kiếp trước chúng tôi là một người cũng nên.” – Trần Hiểu Húc viết trong nhật ký.

Trong 3 năm làm việc tại Đại Quan Viên, Trần Hiểu Húc đúng là đã trở thành Em Lâm đích thực. “Tôi chính là Lâm Đại Ngọc. Nếu để tôi thủ vai khác, người xem cũng sẽ thấy đó là Lâm Đại Ngọc đóng.”

Thật khó tưởng tượng, một cô gái chưa hề có kinh nghiệm diễn xuất nào thế mà ngay lần đầu đóng phim đã lột tả được tâm hồn sâu kín của nhân vật Lâm Đại Ngọc một cách chân thực, rung động lòng người đến thế. Đúng là Hiểu Húc đã hóa thân vào vai diễn. Từ đó người ta quen gọi cô là Em Lâm.

Tình duyên trắc trở

Mối tình đầu của Hiểu Húc nảy nở sau khi cô đến đoàn kịch nói Yên Sơn. Cô gái có vẻ đẹp cổ điển, nhỏ nhắn mảnh mai tới mức gió thổi cũng sợ bay mất này làm rung động trái tim nhiều chàng trai trong đoàn. Trong số đó có Tất Ngạn Quân, một thanh niên khôi ngô tuấn tú hơn cô 10 tuổi.

Quân phát hiện Trần Hiểu Húc có những tố chất rất hợp với vai Lâm Đại Ngọc. Anh đã dầy công thuyết phục cô bé bướng bỉnh này mạnh dạn nộp đơn cho đoàn làm phim Hồng Lâu Mộng. Hiểu Húc không quên ơn ấy; hai người chính thức yêu nhau trước khi cô rời đoàn kịch đi đóng phim, và cuối cùng họ nên vợ nên chồng khi bộ phim hoàn thành. Sau này Hiểu Húc luôn nói: Không có Tất Ngạn Quân, chẳng biết tương lai của tôi sẽ ra sao.

Nhưng mối tình ấy không được lâu bền. Hiểu Húc vốn có cá tính hướng nội, cố chấp, ương bướng, cái gì cô cho là đúng thì nhất định không nghe ai cả. Đời sống vợ chồng với muôn vàn chi tiết vụn vặt chạy theo cuộc mưu sinh gian khó khiến hai người cãi nhau suốt chỉ vì những chuyện vớ vẩn. Hiểu Húc bấy giờ đã quá nổi tiếng, thấy chồng mình ngày càng không còn là người đáng ngưỡng mộ như xưa và tỏ ra thiếu bao dung với vợ. Mỗi lần cãi nhau, cô giận dỗi coi như không còn biết tới anh nữa. Cuối cùng đôi uyên ương tỉnh dậy từ “giấc mộng lầu son”, họ đành chia tay một cách nhẹ nhàng. Sau này Quân đóng vai Cậu Hai nhà họ Bạch trong phim Danh gia vọng tộc.

Thực ra ở đây còn có một “kẻ thứ ba” xen vào. Trong lúc tình cảm vợ chồng sứt mẻ, Trần Hiểu Húc tình cờ gặp Vương Tiểu Soái, một sinh viên rất mực tài hoa vừa tốt nghiệp thủ khoa Học viện điện ảnh Bắc Kinh. Vương đến giúp việc cho đoàn làm phim Gia Xuân Thu mà Trần đang đóng vai Chị Mai. Đôi trai tài gái sắc lập tức rơi vào tình yêu sét đánh. Họ chung sống với nhau suốt thời gian làm phim. Sau đó Vương được phân công về Xưởng phim Phúc Kiến. Nàng lúc này đang bắt đầu say mê vùng vẫy trong đại dương kinh tế thị trường, đặt điều kiện: nếu chàng ở lại thì cưới nhau, nếu đi Phúc Kiến thì chia tay. Vương chọn con đường thứ hai. Về sau anh trở thành đạo diễn điện ảnh nổi tiếng từng có mấy bộ phim được giải thưởng Lớn tại Liên hoan Phim Cannes và Berlin.

Người chồng thứ hai của Trần Hiểu Húc là Hách Đồng, sinh viên khoa nhiếp ảnh Học viện điện ảnh Bắc Kinh, đẹp trai hết sảy, cao hơn mét tám, tính rất đàn ông. Hồi ấy Hách đang làm luận án tốt nghiệp, cần Hiểu Húc giúp đóng một vai trong tác phẩm của anh. Cậu sinh viên nhiều lần đến gặp chị Hiểu Húc kiêu kỳ. Trước sự kiên nhẫn nài nỉ của chàng trẻ tuổi, cuối cùng người đẹp chấp nhận giúp. Tác phẩm hoàn tất, Hách vẫn kiếm cớ lân la đến gặp bà chị. Lâu ngày hai “chị em” nảy sinh tình cảm và đi đến hôn nhân.

Đây thật là cặp vợ chồng hoạn nạn bên nhau. Từ năm 1992, hai người bắt đầu kinh doanh ngành quảng cáo, tay dắt tay cùng nhau đi suốt quãng đường từ buổi đầu tiên cực kỳ gian khó cho tới khi tài sản gia đình họ lên tới mấy trăm triệu Nhân dân tệ. Ngay cả sau này khi Trần Hiểu Húc cắt tóc đi tu, Hách Đồng cũng làm theo vợ. Đúng là anh đã thực hiện lời của Giả Bảo Ngọc từng nói với Lâm Đại Ngọc: “Bao giờ em chết thì anh đi tu!”

Trổ tài kinh doanh

Năm 1996 Trần Hiểu Húc 32 tuổi lập công ty của mình – công ty quảng cáo Thế Bang, và làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty. Vốn lập công ty kiếm được bằng kinh doanh cổ phiếu. Hồi ấy thị trường chứng khoán Trung Quốc mới ra đời. Bắt chước thiên hạ, chị bỏ ra 20-30 nghìn Nhân dân tệ mua cổ phiếu giá gốc. Ai ngờ khi giá cổ phiếu tăng mấy lần, chị trở thành giàu có.

Sau 9 năm kinh doanh, Thế Bang trở thành một doanh nghiệp có thương hiệu, gồm 3 công ty quảng cáo, văn hoá và thương mại. 6 năm sau nữa, Thế Bang có doanh thu hàng năm lên tới gần 200 triệu tệ. Thành tích này không tách rời “hiệu ứng danh nhân” của Trần Hiểu Húc. Ai chẳng thích được nàng Lâm Đại Ngọc của Hồng Lâu Mộng quảng cáo?

Thời gian 1999-2003 Thế Bang 4 lần được Đài truyền hình trung ương bình chọn là công ty quảng cáo ưu tú. Bản thân Trần Hiểu Húc được chọn đưa vào danh sách “10 Nhà nữ quảng cáo có phong cách nhất thời gian 2005-2006”, và danh sách “50 nhà nữ quảng cáo giỏi nhất Trung Quốc 2004-2005”

Xuất gia nương nhờ cửa Phật và bi kịch bệnh tật

Năm 1999, một lần ngẫu nhiên được nghe cuốn băng ghi âm bài giảng Kinh Vô Lượng Thọ của hòa thượng Tịnh Không, Trần Hiểu Húc bắt đầu có cảm tình với đạo Phật. Hai tháng sau, chị sang Singapore gặp vị hòa thượng này và đề nghị cho chị được học Phật. Từ đó trở đi, Hiểu Húc kiên trì nghiên cứu kinh Phật với quyết tâm ngày càng lớn.

Thực ra triết lý đạo Phật rất dễ hợp với người có tính hướng nội, đa cảm đa sầu và có cuộc đời đa đoan như Trần Hiểu Húc. Chị tâm sự, mình từng hết sức cố gắng kinh doanh kiếm tiền, nhưng sau khi đã trở thành giàu có chị cảm thấy tiền bạc không thực sự mang lại hạnh phúc cho bản thân và người nhà.

Dư luận cho rằng dường như bệnh tật cũng là nguyên nhân đưa chị đến cửa Phật, mặc dù chị phủ nhận điều đó.

Từ đầu năm 2003, Hiểu Húc bắt đầu cảm thấy khó chịu trong người, thỉnh thoảng ôm ngực kêu đau. Người nhà khuyên đi bệnh viện khám bệnh, nhưng chị ương ngạnh không chịu đi, cho là không có gì đáng lo. Đến khi khó chịu quá, Hiểu Húc tìm đến hiệu thuốc Bắc, cắt đơn lấy thuốc về sắc lên uống. Bệnh tình không đỡ, chị nghĩ đấy là do thuốc Bắc hiệu quả chậm, không thể vội.

Về sau, khi buộc phải đi bệnh viện, bác sĩ cho biết Trần Hiểu Húc mắc chứng ung thư vú. Một lần nữa, chị lại ương bướng từ chối Tây y, nhất quyết về nhà dùng Trung y điều trị.

Sau khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, Hiểu Húc nảy ý định nương nhờ cửa Phật, Khi bệnh tình quá nặng, chị lại từ chối làm phẫu thuật, quyết tâm dùng cách niệm Phật để chữa bệnh, và cuối cùng dứt khoát chọn con đường quy y cửa Phật.

Từ tháng 10 năm 2006, Hiểu Húc bắt đầu ở hẳn trong chùa Bách Quốc Hưng Long tại thành phố Trường Xuân tỉnh Cát Lâm.

Một chuyên gia về ung thư vú ở Nam Kinh nói với báo giới là một tháng trước ngày xuất gia, Trần Hiểu Húc đã biết bệnh tình của mình rất nguy hiểm, “Tháng Giêng năm nay, chị ấy trú tạm tại một ngôi chùa ở tỉnh An Huy và có kín đáo đến bệnh viện tỉnh khám bệnh.” Vị chuyên gia này có đồng nghiệp là người đã khám cho Hiểu Húc và chẩn đoán chị bị ung thư vú thời kỳ cuối. “Tế bào ung thư đã di căn khắp toàn thân, không thể kiểm soát được bệnh tình nữa. Thuốc hoặc phẫu thuật chỉ có tác dụng kéo dài thời gian sống của bệnh nhân.” – vị bác sĩ nói với bạn mình.

Mồng 6 Tết Đinh Hợi (23/2/2007), Trần Hiểu Húc chính thức quy y cửa Phật tại chùa Bách Quốc Hưng Long; đích thân pháp sư Thường Huệ trụ trì chùa này xuống tóc cho chị. Trần Hiểu Húc lấy pháp danh là Diệu Chân. Chị quyết chí hoằng dương Phật pháp, “làm một người công tác giáo dục văn hoá đa nguyên”. Hiểu Húc chia tài sản của mình làm 3 phần, một phần dành cho gia đình, một phần dành cho Phật Giáo và một phần dùng làm từ thiện.
Nửa tháng sau, Hách Đồng cũng xuống tóc xuất gia tại một ngôi chùa ở Thâm Quyến, lấy pháp danh là Khai Thành, có ý kết hợp với pháp danh của vợ thành Diệu khai chân thành. Anh tuyên bố hai người không còn quan hệ vợ chồng nữa mà là đồng tu.

Bay về Tây phương cực lạc

Khi bệnh tình quá nặng, Trần Hiểu Húc ẩn mình tại một đạo tràng bí mật ở Thâm Quyến. Thời gian cuối, khi phải nằm liệt giường, người chỉ còn da bọc xương, nặng chưa đầy 35 ký, dù người nhà mời bác sĩ đến khám, chị vẫn ương bướng từ chối Tây y, kiên trì niệm Phật chữa bệnh. Phải chăng Hiểu Húc tin vào sức mạnh của đạo Phật hay là tôn trong quy luật tự nhiên của đời người, phó mặc cho số phận quyết định?

7 giờ tối 13 tháng 5 năm 2007, Em Lâm - Trần Hiểu Húc thở hơi cuối cùng tại Thâm Quyến ở tuổi 42; khi ấy xung quanh chỉ có mặt chồng, cha mẹ, em gái và vợ chồng cô em họ là Trần Hiểu Lộ; bạn bè không ai biết tin dữ này.

Em Lâm yêu quý của chàng trai Giả Bảo Ngọc đã lặng lẽ bay về cõi cực lạc của đạo Phật trong niềm tiếc thương vô hạn của những người hâm mộ chị.

Mẹ Hiểu Húc là Vương Nguyên Tịch 70 tuổi cho biết cách đây hơn nửa năm bệnh tình của con gái bà bỗng xấu đi rõ ràng, nhưng bà từ chối cung cấp tin cho người ngoài.

Chiều ngày 16, trên mạng có tin “Trần Hiểu Húc đã qua đời”. Các nhà báo gọi điện hỏi bà dì của Hiểu Húc là Vương Nguyên Phượng tin ấy thật hư ra sao. Bà Phượng vội gọi điện thoại di động cho con gái là Hiểu Lộ hỏi tình hình. Lộ chỉ đáp: “Mẹ đừng nói gì cả. Trên mạng người ta muốn làm rùm beng chuyện gì thì mặc kệ họ !” Bà Phượng nhắn tin hỏi Lộ. Lát sau bà nhận được tin nhắn trả lời: “Mẹ ơi, chị con ra đi từ tối hôm 13 cơ. Tin này mẹ phải giữ bí mật cho chị con nhé !”

Hiểu Húc qua đời được mấy hôm, giới truyền thông mới biết tin dữ này qua bà Phượng.

Tin Trần Hiểu Húc từ trần khiến cho người chồng trước của cô là diễn viên kịch nói và điện ảnh Tốt Ngạn Quân vô cùng đau buồn. Nhà đạo diễn thế hệ 6 nổi tiếng Vương Tiểu Soái người yêu của Hiểu Húc sau khi chị li dị lần đầu cũng vậy. Nhiều năm nay họ không còn liên lạc với Hiểu Húc. Hai người đàn ông ấy không tin rằng Trần Hiểu Húc đã ra đi mãi mãi. Hình ảnh đáng yêu của chị không thể nào xa rời họ.

Tro hài cốt của Trần Hiểu Húc được an táng tại Bắc Kinh. Khá lâu về sau giới truyền thông mới biết nữ diễn viên tài sắc này cùng chồng là Hách Đồng đều xuất gia đi tu. Tin này càng làm nhiều người xúc động thương tiếc chị./.

Nguyễn Hải Hoành