Nikkei Asian Review
Thế giới đang quay kiểu Tàu?
(translated by NCCong)
Trung HoaWASHINGTON - Năm 1989, học giả Francis Fukuyama [1] đã đăng một bài báo với nhan đề "Kết thúc lịch sử?" về sự suy tàn của chủ nghĩa cộng sản và chiến thắng của phương Tây.
Ngày Thứ Bảy đánh dấu 30 năm kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ, thế giới một lần nữa lại phải đứng trước ngã rẽ lớn — lần này là sự bất bình đẳng, chủ nghĩa bảo hộ, cọ xát thương mại và những hậu quả tiêu cực khác của cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Nikkei Asian Review đã phỏng vấn ông Fukuyama, hiện là chuyên gia cao cấp tại Đại học Stanford, về ba thập kỷ đã trôi qua kể từ bài chính luận gây nhiều tranh cãi của ông.
Fukuyama: ’Suy thoái dân chủ’ đang diễn ra khi chủ nghĩa dân túy trỗi dậy (Ảnh của Mikio Sugeno)
"Vào năm 1970, chỉ từ 30 đến 35 quốc gia có thể được gọi là có nền dân chủ", ông Fukuyama nói. "Và ngày nay, bất chấp mọi sự đảo ngược vẫn có khoảng 110 nước như thế. Vì vậy đa số các quốc gia trên thế giới đang có thể chế dân chủ."
Ông nói rằng mặc dù nền kinh tế toàn cầu tăng gấp bốn lần dưới các thể chế dân chủ tự do từ năm 1970 đến 2008, thập niên vừa qua đã chứng kiến một "cuộc suy thoái dân chủ" với những thất bại. "Một phần trong đó là vì Nga và Trung Quốc hiện đang hợp nhất các chế độ độc tài, cố gắng thể hiện tầm ảnh hưởng của họ vượt ra ngoài biên giới và điều đó làm tổn hại đến lợi ích của nền dân chủ toàn cầu", ông giải thích.
Nhưng "một sự phát triển đáng ngạc nhiên hơn thế là việc gia tăng của các phong trào dân túy", ông nói, bao gồm cả các nền dân chủ đã lâu đời, như được minh chứng bởi cuộc bầu cử của Donald Trump với tư cách là tổng thống Mỹ, vụ Brexit tại Anh và các đảng phái dân túy ở châu Âu.
"Tất cả các lực lượng bên ngoài và bên trong đang hợp tác với nhau," Fukuyama nói. Tổng thống Nga Vladimir Putin "đã và đang hỗ trợ các đảng dân túy ở Hungary và Pháp v.v., thực sự sử dụng công nghệ số và phương tiện truyền thông xã hội như một vũ khí để làm suy yếu sự tự tin của các nền dân chủ hiện có", ông nói.
Fukuyama cho biết văn hóa, trái ngược với sự bất công về kinh tế, là động lực chính của chủ nghĩa dân túy.
"Nếu vấn đề chỉ đơn giản là bất bình đẳng kinh tế thì ta phải nghĩ rằng sẽ có sự gia tăng lớn của các đảng cánh tả, đẩy mạnh phân phối lại của cải và bảo vệ xã hội", ông nói. "Nhưng các đảng đang thực sự đạt được sức mạnh lại là cánh hữu và dân túy", ông tiếp tục.
"Cánh hữu đã có thể giải thích cuộc khủng hoảng về mặt văn hóa", mô tả sự toàn cầu hóa như là làm suy yếu bản sắc dân tộc bằng cách thúc đẩy nhập cư và "giới tinh hoa" được hưởng lợi cá nhân từ toàn cầu hóa nhưng "trung thành với những người cách nửa vòng trái đất hơn là với đồng bào của mình, "Fukuyama nói.
Vấn đề với dân chủ, theo ông, đó là tự nó "không phải là mọi thứ đang làm thỏa mãn, bởi vì nó không mang lại cho bạn ý thức về cộng đồng, nó không mang lại cho bạn ý thức về mục đích và đó là một điểm yếu trong chế độ dân chủ."
"Câu hỏi về ’[sự] kết thúc của lịch sử’ thực sự là một câu hỏi, "Có thực sự có một hệ thống ưu việt chưa từng được phát minh ra hay không, hoặc bằng cách nào đó chúng ta vẫn chưa tiến đến nó?", Fukuyama nói.
"Tôi sẽ nói rằng Trung Quốc có lẽ là sự thay thế duy nhất thực sự hợp lý", ông nói.
Trung Quốc "chắc chắn không dân chủ" nhưng đã tạo ra nhiều tăng trưởng kinh tế, ông nói. "Câu hỏi sau đó là, ’Có phải mọi người sẽ giống Trung Quốc trong vòng một trăm năm nữa không?’ ... Tôi hy vọng điều đó không đúng."
Cộng đồng toàn cầu hiện đang vật lộn để giữ cho thế giới không bị phá vỡ thành các phe đối lập, như đã từng làm với Bức màn sắt cách đây ba thập kỷ.
Bức tường thuế quan từ cuộc chiến thương mại Mỹ—Trung Quốc hiện đang đe dọa một thị trường toàn cầu đang phát triển kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Tổng thương mại hàng hóa được thiết lập để tăng 1,2% trong năm 2019, theo Tổ chức Thương mại Thế giới — mức tăng ít nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Tỷ lệ đầu tư trực tiếp vào GDP (tổng sản phẩm quốc nội) cũng đạt mức thấp khoảng 20 năm. là 1,4% trong năm 2018.
"Tôi nghĩ rằng điều không thể tránh khỏi là các nền kinh tế Trung Quốc và phương Tây sẽ bắt đầu tách rời ở một mức độ nào đó", ông Fukuyama nói.
"Mối quan hệ cũ" của việc có tất cả các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc "không phải là một vị trí an toàn để đậu vào, đề trở thành phụ thuộc Trung Quốc," ông nói.
"Trung Quốc có thể xâm chiếm Đài Loan. ... Bạn có thể có bão lửa ở Biển Đông. ... Có thể có nhiều kịch bản trong đó bạn sẽ xung đột trực diện với Trung Quốc, và nếu bạn gắn chặt với họ về mặt kinh tế thì là có một trách nhiệm chiến lược", Fukuyama nói.
"Tôi nghĩ rằng khả năng thực sự sẽ xảy ra xung đột ở châu Á cao hơn hẳn so với sự tưởng tượng của nhiều người. ... Rủi ro lớn nhất thực sự là Đài Loan ngay bây giờ", học giả 67 tuổi kết luận.
"Thật không may, Đài Loan đã làm rất ít để tự bảo vệ mình và cam kết của Mỹ đối với Đài Loan là một điều mà tôi sẽ đặt câu hỏi ... nếu tôi ở Bắc Kinh hay Đài Bắc," Fukuyama nói. "Vì vậy, tôi nghĩ rằng có một mối nguy hiểm thực sự ở đó."
NCCong dịch (theo Nikkei Asian Review)
[1] Francis Fukuyama là một người Mỹ gốc Nhật ở thế hệ thứ ba, cháu nội vị hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Thương mại Osaka, nay là Đại học Thành phố Osaka