Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Giáo dục > Tâm lý học > Sức ỳ của thanh niên

Sức ỳ của thanh niên

Thứ Tư 20, Tháng Sáu 2007

Bốn năm công tác phong trào Đoàn và Hội, kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là mùa hè tình nguyện nhiều duyên nợ và kỷ niệm xanh màu chè Đại Từ, Thái Nguyên. Phải qua một cuộc tranh luận nảy lửa ở lớp, người nọ bảo vệ người kia, tôi mới có mặt ở nơi ấy.

Từ tư duy

Qua cuộc tranh luận trên lớp ấy, tôi mới thấy sự khốc liệt của sức ỳ tư duy thế hệ trẻ. Thường chúng tôi tranh giành những điều tưởng chừng như thăng tiến cho ngày mai lập nghiệp, để rồi đánh mất những thời khắc sôi động quý giá của tuổi trẻ, của thời sinh viên.

Sức ỳ đó thể hiện ở tác phong đợi trong câu chuyện phong trào. Không có sự độc lập tư duy và độc lập hành động trong hoạt động xã hội.

Cần ĐỢI rất nhiều chỉ đạo hướng dẫn của Đoàn cấp trên, của cấp uỷ mới thực sự triển khai được công việc phong trào.

Sức ỳ còn thể hiện ở sự hướng ngoại một cách dè dặt và thiếu hiểu biết. Tôi đã tổ chức một buổi nói chuyện chuyên đề với Ngài Tham tán Văn hoá Đại sứ quán Mỹ về “Bầu cử Tổng thống Mỹ” với thính giả là sinh viên Khoa Luật không dưới 150 người (đầy ắp một giảng đường lớn).

Thế nhưng số người thực sự tới Phòng Tư liệu của Đại sứ quán Mỹ không vượt qua con số 10.

Phần vì sinh viên Khoa Luật nói riêng và sinh viên ta nói chung chưa thực sự thạo Tiếng Anh chuyên ngành mình đang học. Phần vì chúng ta ngại va chạm đặc biệt là sự va chạm về tư duy. Điều này thật đáng sợ.

Bên cạnh đó, còn là sức ỳ của cơ chế kinh phí hoạt động Đoàn Hội bị bó cứng vào chỉ tiêu của cấp uỷ, cấp trên, sự chỉ đạo nhiều khi không có kinh nghiệm thực tế về phong trào thanh niên.

Đến hành động

Việc hoạt động cầm chừng, hoạt động lấy lệ, hoạt động theo chỉ tiêu là có thật. Các hoạt động của Đoàn hay Hội cũng chỉ bó quanh câu chuyện đàn ca hát nhảy là chính, chưa thực sự đi sâu vào bản chất và nhu cầu thực sự của thanh niên.

Cái thanh niên cần là tri thức và công việc. Phong trào Đoàn Hội chưa thực sự chạm tới tầng vỉa quan trọng này của sinh viên, thanh niên.

Thời sinh viên, tuổi thanh niên vui vẻ là đáng quý, thời gian là đáng trân trọng. Nhưng quý hơn cả là tri thức học đường, tri thức cuộc sống lĩnh hội được.

Điều đó thì phong trào thanh niên, Đoàn Hội chưa thực sự phát huy tận cùng sức sáng tạo của người trẻ.

Giải pháp

Tôi mạn phép đưa ra mấy chữ sau cho phong trào Đoàn Hội và thanh niên nói chung ĐỘC LẬP- TỰ CHỦ- SÁNG TẠO.

Độc lập là độc lập trong việc kêu gọi kinh phí. Tự chủ trong câu chuyện hoạt động, sáng tạo là kêu gọi sự đóng góp nhiệt tình của tất cả những người trẻ.

Nếu các bạn có xem bộ phim “The girl next door” (Cô bạn hàng xóm) của điện ảnh Mỹ, các bạn sẽ thấy nhân vật Michael Kidman (Chủ tịch Hội học sinh một trường cấp 3) tự quyên góp gần 30.000 $ làm học bổng cho một học sinh người Cambodia để sang Mỹ học. Người Mỹ làm phong trào rất thực dụng và kinh tế như thế.

Những mong một mùa Đại hội thành công và có nhiều đổi mới cùng với cánh sóng WTO vỗ ngoài thềm biển nước nhà.

Hàn Sỹ Huy

Hàn Sĩ Huy (1983) Sinh ra trong một gia đình sớm được cách ly khỏi nông thôn Hưng Yên những năm 80. Hắn đã dần hiểu được cuộc sống nơi thị thành Hà Nội những năm ấy và thời gian gần đây, chính vì thế hắn có đôi dòng để viết về hắn...

Gã sinh tại Đống Đa, Hà Nội, tên thật là Phạm Quang Huy. Thích viết văn làm thơ đăng báo. Thành tích : Giải Nhì báo Thanh Niên cuộc thi “Độc giả bình luận 2006”. Châm ngôn của gã là : NOTHING IS EVERYTHING (1998) và TƯ DUY LẠI TƯ DUY (2000). Những mong đóng góp phần nhỏ bé vào công cuộc kiến thiết đất nước, xây dựng xã hội. Gã là người thích đọc và sưu tầm sách, muốn tìm thật nhiều sách Luật có giá trị của các học giả Sài Gòn trước năm 1975. Các sách cổ quý hiếm về văn hóa,lịch sử Việt Nam. Từng học lớp 10 chuyên Sinh tại Trường Hà Nội - Amsterdam, THPT Trần Hưng Đạo, ESTIH. Hiện đang học tại Khoa Luật, ĐH Quốc Gia Hà Nội.

Ta thét vang trời một tiếng vang /mong cho gió cuốn vụt lên ngàn /phai nhạt chi mà HẬN GIANG SAN’’ NHƯ THẾ THÔI, LIỆU THƠ CỦA HẮN ĐÃ BUỒN CHƯA NHỈ?