Trang nhà > Con người > Hiếu kỳ > Hóa thạch tìm thấy tại TQ hé lộ lý do loài có vú trở nên nghe (...)
AFP-JIJI
Hóa thạch tìm thấy tại TQ hé lộ lý do loài có vú trở nên nghe tốt
China fossil find dating back 125 million years reveals how mammals became good listeners
Thứ Hai 9, Tháng Mười Hai 2019, bởi
WASHINGTON – Các động vật có vú hiện đại, kể cả con người, có thể tiếp nhận âm thanh nhờ 3 mẩu xương bé xíu ở tai giữa (màu xanh trong hình sau), thứ không tồn tại ở loài bò sát tổ tiên của chúng, tuy nhiên thời điểm mà sự chuyển đổi này xảy ra vẫn còn chưa được rõ.
Giờ đây, các nhà khoa học đã xác định các giai đoạn tiến hóa nói trên ở hóa thạch của một loài thú mới được tìm thấy, sống trước chúng ta 125 triệu năm ở nơi hiện nay thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Đây thực sự là một mắt xích còn thiếu trong chuỗi biến đổi theo thuyết tiến hóa các loài sinh vật của Darwin.
Công bố trên tạp chí Science ngày 5-12-2019 phát hiện này đã được các nhà chuyên môn ca ngợi là một bước ngoặt trong nghiên cứu cổ sinh học.
Tiến sĩ Guillermo Rougier, một chuyên gia về tiến hóa sinh học tại Đại học Louisville, Kentucky (Mỹ), không tham gia nhóm nghiên cứu trên, đã nói với phóng viên hãng tin AFP: "Đây là một loạt bằng chứng tuyệt vời". Ông còn nói thêm rằng các mẫu vật mà nhóm nghiên cứu đã được tiếp cận quả thật là "làm nghẹt thở".
Tiến sĩ Jin Meng thuộc American Museum of Natural History (Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ) tại New York đã giải thích nghiên cứu mới dựa trên hóa thạch của 6 con vật được gọi là "Origolestes lii". Chúng gồm các động vật có vú nguyên thủy sống bên cạnh những loài bò sát khủng long ở đầu kỷ Cretaceous (Phấn trắng), và có kích cỡ cùng vẻ ngoài gần giống như động vật gặm nhấm.
Bức vẽ trên do tạp chí Science công bố hôm thứ Năm 5-12-2019 tái tạo lại bối cảnh môi trường khi Origolestes lii (bên trái) chết. Các mẫu vật được lấy từ những địa tầng phát hiện tại Lujiatun, Yixian, thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Tác phẩm nghệ thuật cho thấy các con vật đã chết trong an nghỉ, một điều kiện tương tự như ở những động vật có xương sống khác được tìm thấy từ cùng địa phương, bao gồm cả khủng long.
Động vật bò sát sử dụng xương hàm của mình để nhai và truyền âm thanh bên ngoài thông qua sóng rung tới não bộ, khác với hệ thống thính giác tinh tế và phức tạp hơn nhiều ở các động vật có vú, vốn sử dụng các loại xương búa, xương đe và xương bàn đạp trong lỗ tai để tiếp nhận âm thanh (ở người) hoặc định vị bằng tiếng vọng (đối với cá heo).
Các nhà khoa học đã giả định rằng việc tách biệt hệ thống nhai và nghe như vậy đã xóa bỏ các ràng buộc về cơ học giữa hai tiến trình, cho phép các động vật có vú vừa có thể đa dạng hóa chế độ ăn uống, vừa cải thiện được khả năng nghe của mình.
Sử dụng bộ ảnh phân giải cao bằng chụp cắt lớp (CT) và các kỹ thuật hình ảnh khác, nhóm nghiên cứu nói trên đã có thể mô tả chi tiết các mẫu vật, trong đó có cấu trúc của các xương và sụn phụ trách chức năng thu nhận âm thanh, không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa xương với xương ở các loài động vật trước đây.
TS Jin Meng cho rằng "Giờ đây chúng tôi đã có bằng chứng hóa thạch trong thời điểm tiến hóa khẳng định cho giả thuyết trên."
TS Guillermo Rougier thì đánh giá các hóa thạch phát hiện được là một "kho báu" cho các nhà nghiên cứu. Ông nói thêm đó là một “bước tiến lớn trong các ý tưởng và khái niệm của chúng tôi, và cơ sở vật chất mà chúng tôi có thể dựa vào khi thảo luận về các quá trình tiến hóa rất phức tạp”.
Nhưng nghiên cứu này hiện đặt ra một câu hỏi mới, ông nói: liệu quá trình này xảy ra ở tất cả các động vật có vú hay chỉ ở một tập hợp nhỏ của động vật có vú?
“Có phải nó xảy ra chỉ một lần, hay nó đã xảy ra trong các nhóm khác nhau? Chúng tôi đang dịch chuyển ranh giới của những gì chúng tôi có thể hỏi.”
TS Jin Meng cho biết ông và các đồng nghiệp hiện đang xem xét các bộ phận khác của hóa thạch Origolestes bao gồm khoang não, chủ đề của các bài báo trong tương lai sẽ đi sâu vào quá trình tiến hóa ban đầu của động vật có vú.
NCCong (Theo Japan Times)
Xem online : Source