Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Nghệ thuật > Kiến trúc > Vương cung thánh đường Sở Kiện

So Kien Minor Basilica

Vương cung thánh đường Sở Kiện

Thứ Ba 17, Tháng Mười Hai 2019, bởi Cong_Chi_Nguyen

Nhà thờ Sở Kiện xây năm 1877. Thuộc: Tổng Giáo phận Hà Nội. Xếp hạng: tiểu vương cung thánh đường (2010). Vị trí: FVXW+WH, xã Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Cách BĐX Bờ Hồ: 66km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: Bến xe Phủ Lý

Mặt tiền thánh đường Sở Kiện. Photo NCCong ©2019

Từ ga Hà Nội du khách theo quốc lộ QL1A và đường cao tốc ĐCT01 đi gần 60km về hướng nam. Đến Trạm thu phí Liêm Tuyền thuộc TP Phủ Lý thì rẽ phải vào tỉnh lộ ĐT494 rồi đi tiếp 9km nữa sẽ nhìn thấy đỉnh tháp Nhà thờ Sở Kiện ở bên phải.

Lược sử

"Sở Kiện" được ghép từ tên Kẻ Sở (thôn Ninh Phú) chuyên làm ruộng và làng Kiện (thôn Kiện Khê) chuyên nghề buôn bán, nung vôi. Nằm gần vòng cung Ninh Bình và sông Đáy, Sở Kiện từng là một trung tâm truyền đạo và nơi trú ngụ của các giáo sĩ thuộc giáo phận Đàng Ngoài từ năm 1659 (thời Lê trung hưng), rồi giáo phận Tây Đàng Ngoài từ năm 1858 đến 1892.

Bên trong nhà thờ còn lưu giữ một cây đàn đại phong cầm cổ trên lầu hát; hài cốt, vải thấm máu của nhiều vị Thánh tử đạo Việt Nam và các dụng cụ mà quan quân nhà Nguyễn đã xiềng xích, tra tấn các vị này trong thời kỳ Công giáo bị coi như "tà đạo".

Mặt bên thánh đường Sở Kiện. Photo NCCong ©2019

Nhà thờ được xây năm 1877, dưới thời Pháp thuộc gọi là Dôme de Sở Kiện, tọa lạc tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, và đóng vai trò đầu tiên như nhà thờ chính tòa giáo phận Hà Nội từ năm 1882 đến 1936.

Quần thể khu di tích Sở Kiện gồm có nhà thờ chính, tòa Giám mục và chủng viện. Nhà thờ được xây trên một cái đầm, bên dưới có nền bằng các phiến gỗ lim. Do công trình quá nặng nên đã lún dần và lún đều, nay trông như thấp hơn các nhà xung quanh khoảng 1 mét. Khuôn viên nhà thờ rộng khoảng 9 hecta. Trên cung thánh có mộ các Đức cha: Retord Liêu (1803-1858), Theurel Chiêu (1829-1868), Puginier Phước (1835-1892) và Gendreau Đông (1850-1935).

Vào năm 1897, Tràng lý đoán Kẻ Sở chính thức được thiết lập để giúp vào việc đào tạo các linh mục cho Địa phận Tây Đàng Ngoài cho đến lúc chuyển lên Hà Nội vào năm 1934. Theo sử liệu thì vào ngày 31 tháng 3 năm 1935, vẫn còn lễ truyền chức cho 6 linh mục, 1 thầy phó tế, 7 phụ phó tế, 20 chức nhỏ và 4 chức cắt tóc. Sau 40 năm hoạt động, Đại chủng viện đã làm tròn nhiệm vụ chính là đào tạo biết bao linh mục và giám mục cho Địa phận Tây Đàng Ngoài nói riêng và cho Giáo Hội tại Việt Nam nói chung.

Khu sau nhà thờ Sở Kiện.
Panorama NCCong ©2019

Ngoài ra còn Nhà in do Đức Cha Puginier Phước lập ra năm 1868, nơi đã xuất bản trên 100 đầu sách học tiếng Pháp, tiếng La-tinh, triết học, thần học, giáo sử, sách kinh, phụng vụ, Kinh Thánh... và các loại sách giáo khoa như: vật lý học, văn chương, văn phạm, toán học, địa lý.

Ngày 24 tháng 6 năm 2010, Tòa Thánh Vatican với sắc lệnh của Thánh Bộ Phụng Tự đã nâng nhà thờ Sở Kiện thành tiểu vương cung thánh đường, tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đây là một trong bốn tiểu vương cung thánh đường của Việt Nam do Vatican sắc phong [1].

Kiến trúc

Nhà thờ chính nhìn về hướng tây, được xây dựng theo kiến trúc Gothic, do Giám mục Tông tòa Tây Đàng Ngoài Puginier Phước khởi công vào ngày 23 tháng 10 năm 1877 và hoàn tất vào năm 1882. Công trình khá đồ sộ, dài 67,2m, rộng 31,2m và cao đỉnh 23,2m, bên trong với 4 hàng cột chia làm 5 gian dọc có thể chứa hơn 4 nghìn người. Bên ngoài có tòa Giám mục, Đại chủng viện và Nhà in, vườn, hồ.

Bên trong thánh đường Sở Kiện. Photo NCCong ©2019

Giống như hầu hết các kiến trúc nhà thờ phương Tây, bên trong nhà thờ Sở Kiện cũng có các ô cửa kính màu vẽ tranh các vị thánh hoặc các sự kiện trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, khu vực cung thánh và bàn thờ lại được làm bằng gỗ chạm trổ tinh vi, sơn son thiếp vàng theo phong cách truyền thống Việt Nam.

Tháp chuông nhà thờ có 4 quả chuông mang các sắc âm Đố - Mi - Sol - Đồ, với trọng lượng lần lượt là 2461kg, 1281kg, 717kg và 318kg, đều được làm phép treo vào ngày 25 tháng 12 năm 1898. Quả chuông lớn được người dân ở đây gọi là chuông "Bồng" (phiên âm từ tiếng Pháp: Bourdon).

Từ năm 1936, Tòa giám mục và Chủng viện chuyển về Hà Nội và Nhà thờ Lớn được chọn làm nơi đặt ngai Đại diện Tông tòa. Nhà thờ Sở Kiện trở thành nhà thờ giáo xứ, không còn đóng vai trò trung tâm của giáo phận này, không có ai coi sóc thường xuyên nên xuống cấp. Mãi đến năm 1990, nhà thờ mới được trùng tu lần đầu tiên. Năm 2008, Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt chỉ định Sở Kiện là Trung tâm Hành hương Các Thánh Tử đạo của Tổng giáo phận Hà Nội.

Bản đồ trực tuyến

Di tích lân cận

  • Chùa Bà Đanh: thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
  • Đền thờ Đinh Tiên Hoàng: xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
  • Đình Giẽ Hạ: thôn Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.
  • Văn Miếu Xích Đằng: Phường Xích Đằng, TP Hưng Yên.

(tham khảo Website Tổng giáo phận Hà Nội)


BT và ảnh: Đông Tỉnh NCCông


[1Theo thứ tự năm phong gồm có: Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn, VCTĐ Đức Mẹ La Vang, VCTĐ Phú Nhai, VCTĐ Sở Kiện. VCTĐ là danh hiệu được Tòa Thánh trao cho nhà thờ hoặc thánh địa đặc biệt có tầm quan trọng về lịch sử và tâm linh, kèm theo hai biểu trưng là chuông nhỏ để báo tin Giáo hoàng hay người thay mặt đến, và cái dù bằng lụa có hai màu vàng, đỏ để che cho giáo hoàng. Hiện chỉ có 4 Đại VCTĐ ở Roma, trên thế giới mọi VCTĐ khác đều là Tiểu VCTĐ.