Third generation computers and today

Máy tính thế hệ 3 và hôm nay

Technology

Việc phát minh ra mạch tích hợp vào năm 1958 đã âm thầm mở đường cho thế hệ máy tính thứ ba. Với phát minh này, các máy tính trở nên nhỏ hơn, mạnh hơn, và đáng tin cậy hơn. Năm 1964, loạt máy IBM 360 Series dùng mạch tích hợp với cùng một kiến trúc, hệ điều hành và các thiết bị ngoại vi tương thích lẫn nhau đã tạo nên sức mạnh và sự thành công thương mại lớn chưa từng thấy. Tuy nhiên ưu thế đó lại dẫn đến nguy cơ độc quyền của IBM.

Năm 1970, tiếp theo các bộ nhớ tích hợp, hãng Intel làm ra bộ vi xử lý 4-bit 4004. Từ đó, cuộc thay đổi thế hệ bắt đầu thực sự có ý nghĩa cách mạng và vượt ra khỏi đế chế IBM. Chúng ta có thể tự hào rằng một trong hai tác giả của chiếc máy vi tính 8-bit đầu tiên trên thế giới (Micral-N, chế tạo năm 1973) là một người Pháp gốc Việt: ông Trương Trọng Thi; còn tại Hà Nội thì một chiếc máy vi tính mạnh hơn đã ra đời vào tháng 1-1977 với sự giúp đỡ tận tình của KS Pháp Alain Teissonnière.

Năm 1981, sau nhiều thất bại, hãng IBM đã chế tạo thành công máy tính cá nhân 16-bit IBM-PC dựa trên bộ vi xử lý Intel 8088. Nhằm để sử dụng tại nhà và văn phòng, nó chạy hệ điều hành MicroSoft Disk Operating System (MS-DOS) tức là cũng không phải của IBM. Nhưng IBM có công bố nội dung của chương trình sụn ROM-BIOS, nhờ vậy đã sinh ra vô vàn chiếc máy nhái PC rẻ hơn. Các máy vi tính nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và làm thay đổi hoàn toàn cục diện CNTT thế giới, nhất là từ khi các phần mềm có thể chạy trên những phần cứng hoàn toàn khác nhau.... Vì thế mà có nhiều tác giả coi những máy tính sử dụng bộ vi xử lý là thuộc thế hệ thứ tư.

Năm 1984, hãng Apple đã đưa đến chúng ta loạt máy vi tính nhỏ xinh Macintosh 32-bit với giao diện đồ hoạ thân thiện, cho phép người dùng điều khiển bằng cách nhấp chuột lên các biểu tượng. Giao diện này trở nên phổ cập hơn vào thập niên 1990 khi MicroSoft từ bỏ MS-DOS và đi theo hướng tương tự như Apple nhưng với hệ điều hành Windows của riêng mình. Ngay sau đó, việc lõi hệ điều hành Linux được công bố đã đánh dấu sự hình thành đầy ý nghĩa của xu hướng phát triển phần mềm tự do mã nguồn mở.

Việc chế tạo khá dễ dàng và nhanh chóng những máy tính rẻ hơn xưa rất nhiều lần đã làm cho CNTT có thể ra khỏi phòng thí nghiệm và bước vào từng gia đình. Hơn thế nữa ai ai cũng có thể tham gia lập trình ứng dụng hoặc kiếm tiền trên mạng, thậm chí chỉ cần ngồi nhà và sử dụng những công cụ phần mềm miễn phí.

Một trong những mảng ứng dụng máy vi tính được bán chạy nhất chính là các trò chơi điện tử. Cũng chủ yếu nhờ đó mà các bìa xử lý đồ hoạ siêu tốc đã ra đời và nhanh chóng tìm thấy cả đất dụng võ ở lĩnh vực tiền tệ mã hoá, một vd. điển hình gần đây là trong việc "đào" Bitcoin.

Đến cuối thế kỷ XX, kết quả của những tiến bộ khổng lồ nói trên đối với sự phát triển CNTT đã cho cả thế giới thấy máy tính được sử dụng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Đó là một công cụ rất hữu ích đã đảo lộn cách suy nghĩ, học hành, sản xuất và ứng xử của con người, nhất là từ khi chúng có thể nhanh chóng liên kết và chia sẻ thông tin qua mạng toàn cầu Internet, mở ra thời đại kinh tế tri thức với cuộc chuyển đổi số chưa từng có.

Bước sang thiên niên kỷ thứ ba, nhất là sau khi có hệ điều hành di động và điện thoại thông minh thì các bộ vi xử lý càng hiện diện khắp nơi, kể cả trong cơ thể con người. Bây giờ số lượng máy tính dưới dạng thiết bị điện tử tiêu dùng thậm chí còn vượt xa số lượng máy tính làm việc theo cách truyền thống.

Tới giai đoạn này thì tất cả chúng ta đều gần như nắm rõ tình hình, khi CNTT không còn có thể tách rời cuộc sống hàng ngày của mỗi con người hiện đại. Một sư ̣thật chứng tỏ độ nóng của ngành này tại Mỹ được thể hiện trong hình trên, theo số liệu thống kê của Cục Lao động Mỹ có đến 5/10 ngạch lương cao nhất (màu đỏ) đang thuộc về những kỹ sư CNTT.

Các vi mạch bộ nhớ cùng kết nối không dây đã thay thế dần các cấu kiện cơ khí chuyển động hoặc cồng kềnh... Đặc biệt sự phát triển mạnh mẽ của ngành trí tuệ nhân tạo với các công cụ phần mềm, phần cứng khác nhau đang cho phép khai thác tài nguyên dữ liệu đa dạng và khổng lồ, hình thành nền kinh tế xuyên biên giới, kết nối mọi thứ trong cái gọi là mạng Internet vạn vật. Những tác giả lạc quan bắt đầu nói đến thế hệ máy tính thứ năm.

NCCong