THẾ GIỚI SỐ
Ra mắt Bảo tàng Công nghệ thông tin đầu tiên tại Việt Nam
Bạch Đằng
museumMột bảo tàng tư nhân độc đáo về công nghệ thông tin vừa được khai trương trong ngày mùng 3 Tết Canh Tý 2020.
Bảo tàng được thực hiện nhờ những nỗ lực và tâm huyết của Tiến sĩ Nguyễn Chí Công - nguyên Trưởng ban Khoa học Công nghệ Hội Tin học Việt Nam cùng sự góp sức của cộng đồng tin học gần xa.
Bảo tàng hiện trưng bày khoảng 200 hiện vật, sách vở và sơ đồ khái quát lịch sử hình thành và phát triển ngành công nghệ thông tin Việt Nam và thế giới.
Là một trong những chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực CNTT Việt Nam, TS Nguyễn Chí Công cho biết, nhiều hiện vật trưng bày đã được ông lưu trữ trong hơn nửa thế kỷ theo nghề từ thập niên 60 của thế kỷ trước. “Bản thân tôi rất thích lịch sử, đi đâu cũng vào các bảo tàng. Người ta làm được thì mình cũng làm được, thậm chí hiện vật của mình có vừa nhiều vừa cổ hơn họ. Người Việt Nam mình trước giờ không mê lịch sử nhiều, vì vậy tôi nghĩ mình cần phải giữ lại cho đời sau hiểu, trên thực tế ngành CNTT Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên từ rất sớm” - ông Công cho biết tâm huyết thành lập bảo tàng.
Với ý tưởng đó, việc thành lập một bảo tàng CNTT được lên kế hoạch và xúc tiến thực hiện trong hơn một năm qua. Một trong các hiện vật cổ nhất hiện được trưng bày là cuốn sách về CNTT được xuất bản tại Hà Nội năm 1975.
Sau khi đăng Facebook về ý tưởng bảo tàng CNTT, TS. Công nhận được nhiều hưởng ứng, đặc biệt từ nhiều học trò cũ cũng như các bạn bè, Việt kiều cùng một số nhà tài trợ. Rất nhiều trong số các nhà tài trợ ủng hộ thầm lặng và giấu tên. Việc thực hiện hầu như đều do TS. Công thực hiện từ thu thập, phân loại cho đến thuyết minh. Nhiều bạn trẻ tham gia bảo tàng không hình dung được đoạn đầu lịch sử của ngành diễn ra như thế nào nên TS. Công phải trực tiếp thực hiện.
Theo TS. Công, bảo tàng không bán vé thu tiền, ai có nhu cầu gần xa muốn tham quan thì liên hệ trước, ông sẽ lên lịch hẹn và mở cửa bảo tàng. Kinh phí vừa qua được sử dụng vào việc thiết kế không gian trưng bày và trong tương lai gần sẽ được ảo hóa 3D toàn diện để có thể tham quan từ xa. Bên cạnh đó, 200 hiện vật trưng bày hiện có cũng chỉ là một phần nhỏ trong kho hiện vật mà TS. Công lưu trữ và tiếp nhận được. Hàng ngàn các phần cứng, đĩa mềm, sách vở, bức ảnh đánh dấu những cột mốc của ngành CNTT Việt Nam trong bối cảnh phát triển của ngành CNTT thế giới được TS. Công bảo quản tại nhà riêng ở làng Đông Tác, Kim Liên, Hà Nội sẽ tiếp tục được đầu tư mở rộng trong giai đoạn 2 của bảo tàng.
“Khi thực hiện bảo tàng, tôi muốn tạo ra một cái nhìn toàn diện. Ngành CNTT muốn đi lên được cần có những chính sách từ nhà nước. Từ những năm 1960, GS. Tạ Quang Bửu đã có những quyết định đầu tiên. Tiếp đó là quá trình đào tạo, gửi những người đầu tiên ra nước ngoài học tập. Trong khi đó, ở miền Nam Việt Nam, do có chiến tranh, quân đội Mỹ đã mang những máy tính hiện đại vào từ rất sớm cũng như các công ty tư nhân trong lĩnh vực cũng mang máy tính vào. Do đó, bảo tàng giới thiệu cả các mốc sự kiện lịch sử, con người, chính sách, vật tư linh kiện, sách vở... Điều rất tiếc là có nhiều hiện vật qua thời gian và những biến động của lịch sử đến nay đã không còn nữa” – TS. Công cho biết.
Bảo tàng hiện đặt tại nhà riêng của TS. Nguyễn Chí Công, số 89 ngõ 41 Đông Tác, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội. Ngoài ra người quan tâm có thể tham khảo mô hình 3D để có thể hình dung toàn cảnh bảo tàng tại địa chỉ:
https://vr.house3d.com/web/panorama-player/H00163385?fbclid=IwAR0huJhId7NxL2GD0D0OiE-k2o-ASUxfZChxlUr092GmiABb9695lkonZjg
Bạch Đằng 29/01/2020 10:33