Trang nhà > Khoa học > Không gian > Lịch là gì?
Lịch là gì?
Thứ Sáu 14, Tháng Hai 2020, bởi
1. Lịch là gì?
Con người sống trên Trái Đất thấy Ban Ngày, Mặt Trời chiếu sáng, tiếp đến Ban Đêm trời tối. Cứ như vậy nối tiếp nhau hết ngày lại đến đêm, hết sáng lại tối. Rồi hàng đêm, thấy ánh trăng từ lúc không có dần dần lưỡi liềm trăng cứ mỗi đêm lại to dần cho đến khi trăng tròn lại nhỏ dần đến khi mất hẳn và cứ nối tiếp như vậy, Rồi thấy mùa nóng tiếp đến mát mẻ, lạnh giá cứ lần lượt như vậy… Nhu cầu tìm hiểu tự nhiên, tìm ra quy luật theo chu kỳ của sáng, tối, nóng, lạnh của thời tiết của con người là một nhu cầu cần thiết. Hoàng Xuân Hãn viết: “Theo truyền thuyết ở Trung Quốc, đời Tam Hoàng – Ngũ Đế ở khoảng 2550 TCN đến 2140 đã có lịch. Hoàng Đế sai Hi Hòa xem Mặt Trời; Thường Nghi xem Mặt Trăng; Sử Khu xem sao, khí, Đại Náo đặt Can Chi; Lệ Thủ đặt toán số; sai Dung Thành hợp sáu thuật ấy để soạn Điều Lịch. Nhưng theo Nghiêu Điển mà Khổng tử ghi lại trong Kinh Thư: “Vua Nghiêu sai hai họ Hi, Hòa xét chuyển vận của Mặt Trời, Mặt Trăng và sao để thể mệnh Trời, báo cho dân biết thời tiết.” … Không những thế, con người cũng như động vật sinh ra, lớn lên, già đi rồi chết… Cây cối rụng lá, nảy chồi đâm lộc, ra hoa kết quả… cuộc sống là những chu kỳ lặp đi lặp lại. Rồi cuộc sống hàng ngày làm việc cầy cấy, săn bắn,… Xã hội ngày càng tiến bộ, nhu cầu lập kế hoạch sản xuất, buôn bán, giải trí ngày càng lớn. Để có thể ghi chép lại những điều đã xảy ra trong quá khứ; dự đoán thời tiết sắp tới, sắp xếp công việc trong hiện tại và tương lai; dự đoán những điều sắp xảy ra… người ta đã làm ra LỊCH.
LỊCH là một hệ thống quy tắc dựa trên quan sát quy luật chuyển động theo chu kỳ của các thiên thể trên bầu trời để xác định mối liên hệ giữa thời gian chuyển động của các thiên thể. Trên cơ sở đó, xây dựng các đơn vị thời gian và phương pháp tính Lịch, gọi tắt là Lịch Pháp.
Lịch là một phép đo thời gian. Căn cứ vào Lịch, người ta xác định được những chu kỳ thời tiết trên trái đất.
Việc tính lịch đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng về thiên văn, khí hậu, địa lý… mới có thể đưa ra được các phương pháp tính lịch. Đồng thời, phương pháp tính lịch cũng như việc tính lịch ở từng nước phải được chính quyền công nhận thì lịch đó mới được lưu hành trong công quyền và công chúng. Do đó lịch có tính pháp định. Cơ quan tính lịch có thể tính sai, nhưng khi lịch đã được chính quyền công bố thì nhân dân bắt buộc vẫn phải theo lịch Nhà Nước đã công bố. Khái niệm “lịch dân gian” là không thể có. Chưa thấy ở đâu có thể lưu hành loại lịch do “dân gian” tính toán ra để sử dụng.
Người ta có thể dựa vào chuyển động của thiên thể khác nhau để đưa ra những phương pháp tính lịch khác nhau. Tuy nhiên bất kỳ loại lịch nào cũng dùng đến đơn vị “ngày” là đơn vị thời gian dựa vào chuyển động tự quay của Trái Đất dưới ánh sáng Mặt Trời chiếu vào. Nếu dựa vào chuyển động của Mặt Trời để tính Lịch ta gọi là Dương Lịch. Nếu dựa vào Mặt Trăng để tính lịch ta gọi là Âm Lịch. Có loại Lịch chỉ dùng đơn vị ngày không dùng đến đơn vị Năm, Tháng, Tuần Lễ, Giờ... như loại lịch Ngày Julius (Julius Day).
Mỗi nước lại đưa ra những phương pháp tính lịch khác nhau nên có những loại lịch khác nhau như: lịch La Mã, lịch Trung Quốc, lịch Do Thái, lịch Ả Rập, lịch Ấn Độ, lịch Julius…
Người ta xem lịch là cuốn sách chỉ rõ huyền cơ của các Tinh tú, Trời, Đất. Căn cứ vào Lịch, người ta thấy khi nào thì nhật thực, khi nào thì nguyệt thực, mùa nào thì nóng, mùa nào thì lạnh. Vì vậy, người ta coi Lịch là thiêng liêng. Kể cả Phương Đông cũng như Phương Tây để bói toán số phận của con người đều dựa vào Lịch. Soạn lịch và ban lịch là trách nhiệm của Vua, cũng là thể hiện uy quyền của Vua. Hàng năm, khi Vua công bố Lịch dùng trong năm phải tổ chức lễ ban lịch trọng thể.
Ở nước ta, việc sử dụng Lịch theo Quyết định 121-CP ngày 8 tháng 8 năm 1967 của Chính Phủ thì: “Dương Lịch (lịch Gregory) là công lịch tức là lịch duy nhất được dùng trong các cơ quan Nhà Nước, trong các tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta và trong giao dịch giữa các cơ quan Nhà nước với nhân dân. Ngày tết dân tộc, một số ngày kỷ niệm lịch sử và lễ cổ truyền vẫn được tính theo âm lịch.”
Như vậy, theo pháp định nước ta sử dụng 2 loại lịch là Dương lịch và Âm lịch. Vì vậy, chúng tôi chỉ đề cập đến lịch pháp của Dương lịch và Âm lịch.
2. Cơ sở để tính lịch
2.1 Thiên văn quan sát
Thiên văn học là một môn khoa học nghiên cứu các thiên thể trong vũ trụ. Nội dung cơ bản của thiên văn học là:
- Nghiên cứu thành phần cấu tạo của vũ trụ, sự hình thành và tiến hóa của các dạng vật chất trong vũ trụ.
- Cấu tạo và bản chất của các thiên thể.
- Quy luật chuyển động của các thiên thể.
- Mối liên hệ giữa các thiên thể trong vũ trụ với Trái Đất.
Phương pháp nghiên cứu của thiên văn học trước hết là quan sát từ xa bằng mắt thường và kính thiên văn. Với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật, các phương pháp nghiên cứu hiện đại được sử dụng trong nghiên cứu thiên văn như phân tích quang phổ, phân tích phổ vô tuyến… Với các con tàu vũ trụ được phóng lên các thiên thể, người ta còn nghiên cứu trực tiếp các thiên thể ngoài Trái Đất như Mặt Trăng, Sao Hỏa…
Tuy nhiên, để tính lịch người ta chỉ sử dụng phương pháp quan sát các thiên thể trên bầu trời gọi là thiên văn quan sát. Thiên văn quan sát là ta đứng trên mặt đất quan sát mặt trời, mặt trăng và các thiên thể khác chuyển vận trên bầu trời của Trái Đất để phát hiện ra quy luật chuyển động của nó, đưa ra cách tính toán các chuyển động đó và quy định mối liên hệ giữa chuyển động của các thiên thể để tính lịch. Việc quan sát này không liên hệ với thuyết địa tâm hay nhật tâm của khoa thiên văn học. Ví dụ: đứng trên Trái Đất quan sát bầu trời ta thấy Mặt Trời, Mặt Trăng chuyển động trên bầu trời. Quỹ đạo của Mặt Trời trên bầu trời là Hoàng Đạo, quỹ đạo của Mặt Trăng trên bầu trời gọi là Bạch Đạo. Hoàng Đạo và Bạch Đạo cắt nhau ở hai điểm gọi là tiết điểm. Thực tế thì Mặt Trăng quay quanh Trái Đất và cả hệ Trái Đất và Mặt Trăng quay quanh Mặt Trời. Quỹ đạo của Mặt Trời và Mặt Trăng không bao giờ cắt nhau. Sự cắt nhau của hai quỹ đạo đó chỉ là do ta nhìn thấy từ Trái Đất. Giống như việc ta ngồi trên tầu hỏa đang chạy, quan sát nhà cửa, cây cối, xe cộ… chuyển động bên đường và miêu tả sự chuyển động ấy. Ta thấy nhà cửa, cây cối chạy vùn vụt về phía sau mà thực tế thì nó đứng yên. Chuyển động của các thiên thể trên bầu trời mà ta nhìn thấy gọi là chuyển động biểu kiến.
Sự chuyển động của các thiên thể rất phức tạp nên việc tính toán lịch cho chính xác là việc rất khó khăn và phụ thuộc vào trình độ khoa học từng thời kỳ. Chỉ riêng trái đất, các nhà khoa học đã thấy được nó có 4 chuyển động:
- Chuyển động của Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời
- Chuyển động của bản thân Trái đất quay xung quanh trục Trái đất
- Chuyển động trục trái đất xoay quanh tâm Trái đất (Tiến động)
- Chuyển động trục trái đất lắc quanh tâm trái đất (Chương động)
- Những nhiễu loạn của chuyển động của Trái Đất do ảnh hưởng của các thiên thể khác trong Hệ Mặt Trời.
2.2 Cơ thể con người
Trong phương pháp tính lịch của Trung Quốc, người ta còn dựa vào các đặc tính sinh học của cơ thể con người để định ra các tính lịch như đơn vị giờ là thời gian huyệt đóng, mở, đơn vị khắc là thời gian mạch máu chạy trong cơ thể…
3. Một số lịch trên thế giới
3.1 Lịch Julius
Lịch Julius là loại lịch được tính toán dựa vào sự chuyển động của Mặt Trời. Lịch này do nhà thiên văn người Alexandria là Sosigenes soạn thảo, đã được Julius Caesar, người đứng đầu Cộng Hòa La Mã công bố năm 46 trước Công Nguyên và lịch mang tên Julius.
Lịch Julius quy định 1 năm có 365 ngày và cứ 4 năm có 1 năm nhuận 366 ngày. Do đó, bình quân 1 năm Lịch Julius dài 365, 25 ngày. Độ dài của 1 năm Lịch Julius dài hơn năm Xuân Phân chỉ có 365, 242216 ngày là khoảng 11 phút 14 giây (0,0078 ngày).
12 tháng trong năm được đặt tên là: Januarius, Februarius, Martius, Aprilis, Maius, Junius, Quintilis, Sextilis, September, October, November và December.
Đến năm 1582, Lịch Julius đã vượt năm Xuân Phân 10 ngày.
3.2 Lịch Gregorius
Ngày 24 tháng 2 năm 1582 (khi vẫn đang dùng lịch Julius), căn cứ vào tính toán của các nhà thiên văn Christopher và Aloysius, giáo hoàng Gregorius XIII quyết định bỏ 10 ngày trong tháng 10 năm đó để cho lịch và thời tiết ăn khớp với nhau trở lại. Giáo hoàng lấy ngày ngay sau ngày thứ năm (4 tháng 10 năm 1582 theo lịch Julius), đáng ra là ngày thứ sáu 5 tháng 10, thì đổi thành ngày thứ sáu 15 tháng 10 năm 1582 theo lịch mới. Phép lịch mới này vẫn lấy năm nhuận là năm có số thứ tự chia hết cho 4 (như năm 1964, 1980, 2004,...), nhưng thêm quy định là các năm tận cùng bằng 00 thì phải chia hết cho 400 mới là năm nhuận (kể từ năm 1582 đến nay, các năm 1600, 2000 chia hết cho 400 nên là năm nhuận, những năm 1700, 1800 và 1900 không chia hết cho 400 nên không phải là năm nhuận...). Lịch mới này mang tên lịch Gregorius và được áp dụng cho đến bây giờ. Tính trung bình, 1 năm Lịch Gregorius dài 365,2425 ngày. Do đó, sau khoảng 3300 năm thì năm Gregorius vượt lên năm Xuân phân 1 ngày.
Lịch Gregorius được tính từ năm 1582. Còn đối với thời gian trước ngày 15 tháng 10 năm 1582, lịch Gregorius được tạo ra bằng cách mở rộng lịch Gregorius. Nghĩa là cũng áp dụng cách tính lịch Gregorius cho thời gian trước 15/10/1582 để tra cứu thời gian cho thuận tiện.
Ngày đầu năm của Lịch Gregorius là ngày 1 tháng 1 sát với ngày Trái Đất gần Mặt Trời nhất (cận điểm) hiện nay là vào ngày 3 tháng 1.
3.3 Lịch Ngày Julius (Julius Day)
Lịch Ngày Julius được đề xuất vào năm 1583 bởi Joseph Scaliger, người Italia, làm việc tại Pháp. Đây là loại lịch đặc biệt mà cơ sở của lịch này chỉ dựa vào chu kỳ tự quay của Trái Đất là đơn vị ngày. Khởi nguyên của một ngày của Lịch ngày Julius là giữa trưa, tương đương 12h của lịch Julius, Gregory và tương đương với thời điểm Chính Ngọ của lịch Tiết Khí. Chiều dài 1 ngày của Lịch Ngày Julius là từ 12h hôm nay đến 12 giờ hôm sau. Lịch này lấy ngày 1 là ngày đầu tiên và cứ thế đếm liên tục các ngày tiếp theo là 2, 3, 4, …
Ngày 1 của Lịch Ngày Julius tính từ 12h ngày Thứ Hai, ngày 1 tháng 1 năm 4713 trước công nguyên (- 4713) của lịch Julius mở rộng và tương đương với 12h ngày 24 tháng 11 năm 4714 (- 4714) trước công nguyên của lịch Gregory mở rộng.
Ví dụ: từ 12h ngày 1 tháng 1 năm – 4713 là ngày thứ 1; đến 12h ngày 1 tháng 1 năm 1 sau công nguyên là ngày thứ 1721424; đến 12h ngày 10 tháng 10 năm 2018 là ngày thứ 2458402.
Joseph Scaliger lấy ngày 1 tháng 1 năm 4713 trước công nguyên (- 4713) của lịch Julius mở rộng là ngày 1 của Lịch Ngày Julius là do năm 4713 trước công nguyên là thời gian mà lịch sử loài người chưa được ghi chép.
Sở dĩ người ta chọn khởi đầu 1 ngày vào giữa trưa vì thời điểm giữa trưa là thời điểm Mặt Trời hàng ngày ở vị trí cao nhất trên bầu trời, không thay đổi hàng năm, trong khi thời điểm Mặt Trời mọc hay lặn là thay đổi hàng ngày trong năm.
Thời kỳ Julius là một khoảng thời gian 7980 năm. Năm 1 của Thời kỳ Julius là năm 4713 Trước công nguyên. Năm cuối của thời kỳ Julius là năm 3267 Sau công nguyên. Giai đoạn Julius tiếp theo bắt đầu vào năm 3268 Sau công nguyên.
Con số 7980 năm là bội số chung nhỏ nhất của 3 chu kỳ:
- Chu kỳ mặt trời: Chu kỳ 28 năm của lịch Julius (không phải lịch của Gregory). Nghĩa là các ngày có số đếm trong tháng kể cả ngày nhuận và số đếm (thứ) trong tuần lễ sẽ lặp lại sau 28 năm.
- Chu trình Metonic hoặc "số vàng": Chu kỳ 19 năm của các pha mặt trăng và các ngày trong năm. Nghĩa là sau 19 năm thì các ngày trong tháng âm lịch, tháng nhuận trong năm, sẽ lặp lại.
- Chu kỳ viễn chinh: chu kỳ thuế La Mã 15 năm được tuyên bố bởi Constantine Đại đế.
Lịch Ngày Julius thường dùng trong thiên văn, phần mềm máy tính, quân đội... Trên thế giới có nhiều loại lịch, người ta dùng Lịch Ngày Julius để tính toán chuyển đổi thời gian giữa các loại lịch khác nhau.
3.4 Lịch Trung Quốc
Trung quốc có 2 loại lịch: Dương Lịch là lịch Tiết Khí và Âm Lịch.
3.4.1 Lịch Tiết Khí
Lịch Tiết Khí hoàn toàn tính theo đường vận chuyển của Mặt Trời trên bầu trời gọi là Hoàng Đạo. Các sách lịch không nghiên cứu kỹ lịch này mà chỉ coi là loại lịch phụ vào Âm Lịch dùng để xác định tháng nhuận. Người ta đánh giá lịch Tiết Khí chỉ là Nông Lịch do tên của các tiết khí trong lịch này gắn với mùa màng cấy gặt, sinh nở của sâu bọ… Thực chất của lịch Tiết Khí là một loại dương lịch phản ánh chính xác thời tiết hơn cả Dương lịch hiện hành.
Trong lịch Tiết Khí, hệ thống can chi – Lục thập hoa giáp, hệ thống Nhị thập bát Tú, hệ thống Kiến Trừ thập nhị khách đều được tính toán theo chuyển vận của Mặt Trời. Các sao dùng để xem ngày lành tháng tốt hoàn toàn tính theo lịch này.
Các Tiết Khí là các cung của Hoàng Đạo. Do đó độ dài của năm Tiết Khí đúng bằng năm Xuân Phân. Tháng của Lịch Tiết Khí gồm 1 Tiết Khí và 1 Trung Khí là thời gian Mặt Trời đi được 1 cung 30 độ trên đường Hoàng Đạo.
Ngày của Lịch Tiết Khí cũng dài bằng ngày của Lịch Gregorius. Tuy nhiên Ngày Gregorius lấy thời điểm Mặt Trời ở vị trí cao nhất trong ngày là 12h. Sau đó, chia ngày ra làm 24h, thì điểm giữa đêm là 0h. Thời điểm 0 giờ là bắt đầu 1 ngày. Còn Lịch Tiết Khí lấy thời điểm Mặt Trời ở vị trí cao nhất trong ngày là Chính Ngọ. Sau đó chia ngày ra làm 12 khoảng mà Chính Ngọ làm điểm giữa giờ Ngọ. Đối chiếu với lịch Gregorius thì ngày Tiết Khí dài từ 23h hôm trước đến 23h hôm sau.
Ngày của Lịch Tiết Khí được đặt nhiều tên khác nhau theo hệ thống Can Chi, Nhị Thập Bát Tú, Kiến Trừ Thập Nhị Khách. Còn ngày của Lịch Gregorius gọi theo thứ tự trong tháng và theo thứ trong tuần.
Không hiểu tại sao cả Phương Đông lẫn Phương Tây đều tìm ra đường Hoàng Đạo, đều chia Hoàng Đạo ra những cung như nhau, các tháng đều không khác nhau mà lại không dùng các cung Hoàng Đạo để tính ngày tháng trong lịch.
3.4.2 Âm Lịch
Âm Lịch là loại lịch tính tháng theo Mặt Trăng. Ngày tính theo Mặt Trời. Năm thì lấy 12 tháng Mặt Trăng làm một năm và lấy thời gian Mặt Trời chuyển vận 1 vòng trên đường Hoàng Đạo (năm Chí Tuyến) để điều chỉnh bằng cách tính năm nhuận.
Chuyển động của Mặt Trăng trên Thiên cầu được xác định bằng sự thay đổi hình dạng của phần Mặt Trăng được chiếu sáng khi nhìn từ Trái Đất được gọi là các pha của Mặt Trăng. Tháng Âm lịch dài bằng một chu kỳ pha Mặt Trăng, còn được gọi là tháng giao hội hay tuần trăng. Tháng Âm Lịch dài 29 ngày 12 giờ 44 phút 2,8 giây = 29,53059 ngày Mặt Trời trung bình. Ngày Mùng 1 hàng tháng Âm Lịch là ngày Sóc là ngày Trăng sống lại.
Một năm Âm Lịch bằng 12 tháng Âm Lịch, tức là 12 Tuần Trăng = 354 ngày 8 giờ 48 phút 34 giây = 354,3671 ngày Mặt Trời Trung bình. So với năm Xuân Phân, năm Âm Lịch hụt 10,8751 ngày. Để bảo đảm Năm Âm Lịch khớp với năm Xuân Phân, lịch Trung Quốc quy định thêm một tháng nhuận vào năm nhuận. Người ta đã tính được cứ 19 năm Âm Lịch thì có 7 năm nhuận, mỗi năm nhuận có thêm 1 tháng thứ 13. Quy tắc tính năm nhuận là theo lịch Tiết Khí.
Ngày của Âm Lịch được gọi theo tháng theo thứ tự từ ngày Sóc là ngày Mùng Một đến ngày cuối tháng.
Đặng Trần Hiệp
Xem online : ĐỐI CHIẾU GIỜ ÂM LỊCH VÀ DƯƠNG LỊCH (1)