Trang nhà > Quan niệm > Triết học > Nietzsche, nhớ và quên
Nietzsche, memory and oblivion
Nietzsche, nhớ và quên
Chủ Nhật 8, Tháng Ba 2020, bởi
Nietzsche (1844–1900) sinh trong một gia đình trung lưu ở nước Phổ, cha là mục sư phái Luther. Nietzsche học ngữ văn rồi viết báo, đi lính và trở thành một nhà triết học. Ông nổi bật với phong cách viết thường mang tính ẩn dụ và nhiều nghịch lý, đã ảnh hưởng đến các thuyết hiện sinh, hậu hiện đại, tâm phân học và nhiều tư tưởng theo sau đó.
Nhớ và quên
Nietzsche chống lại truyền thống triết học cổ điển mà có thể được mô tả như lý tưởng hoá hay là cường điệu con người. Chống lại lý thuyết về hồi tưởng của Plato, ông cho rằng quên là một điều tích cực, thậm chí là một điều kiện căn bản của hạnh phúc: quên là giải phóng quá khứ, có thể hành động. Theo ông, một ý thức hoài cổ đã bị tê liệt, không thể không tính đến phần "con" trong mỗi con người.
Có thể tư tưởng này nhuốm màu sắc đạo Phật và Lão Trang. Con người khi lòng thấy buồn phiền, mệt mỏi, bất hạnh thì thường là vì còn lưỡng lự giữa giữ và buông. Cuộc sống luôn có những điều đáng nhớ nhưng cũng có nhiều thứ phải bỏ. Dám bỏ là dũng cảm, giữ hay buông đúng lúc là thông minh, đều do mình tự quyết.
Trong đời không phải mình nắm giữ được quá ít mà là mình toan tính quá nhiều, nhìn người khác có vẻ hạnh phúc mà cảm thấy mình bị mất mát hay thiệt thòi. Thực ra những thứ nhìn thấy chỉ là biểu hiện bề ngoài, bên trong thì người nào tự biết người nấy. Dục vọng và ham muốn của con người có thể vô cùng, nếu đạt được thì cảm thấy vui nhưng không lâu, còn nếu không đạt thì thấy khổ cả đời. Biết giới hạn thế nào là đủ mới có thể kìm hãm bản thân để không mắc bẫy và không khổ.
Nỗi khổ xét tận cùng không phải từ nơi khác đến, mà chính là do mình chưa đủ bản lĩnh, không có khả năng chấp nhận vô thường. Có những việc bé lại xé ra to, thực ra thu nhỏ lại mới hết khổ. Trên quả đất, không thứ gì là không có thiếu sót, nhờ thế mà tạo ra ý muốn làm cho tốt đẹp hơn. Ai không ngừng vượt qua những thử thách mới cảm nhận được niềm vui đích thực.
Thông thường tất cả những gì nên nhớ lẫn không nên nhớ đều lưu lại trong trí não. Nhưng mình lại hay nhớ kỹ những thứ nên quên và quên mất những gì nên nhớ. Hạnh phúc là một dạng mong mỏi, một loại tri giác của tâm hồn. Chỉ cần cố gắng để ý, cảm thụ, thì sẽ phát hiện ra hạnh phúc đang ở ngay bên cạnh mình.
Nhiều người ngô ngố được mến vì họ hay quên những sự không vui, những lời chế giễu, cười nhạo, những ân oán, công danh lợi lộc trần gian, những trò láu tôm láu cá. Họ sống trong thế giới của họ và vui vẻ trẻ trung với thế giới của họ. Nhưng nếu ta có thể nhớ việc cần nhớ, quên điều cần quên, mỗi ngày lại bắt đầu như một ngày mới thì đó mới là tốt nhất.
Lý thuyết này đã được minh họa trong bộ phim tuyệt vời của Michel Gondry “Eternal Sunshine of the Spotless Mind” (Ánh Mặt trời vĩnh cửu của tâm trí không tỳ vết). Và thảo luận về mối liên hệ giữa ký ức và sự lãng quên từ bộ phim tài liệu “The Flat”, nói về sự im lặng của thế hệ liên quan đến chính sách Holocaust [1], cũng như sự thiếu kiến thức về chính trị của các thế hệ tiếp theo.
Tư tưởng chủ đạo
Trong số các nhà triết học quan trọng, Nietzsche có lẽ đã tạo ra ít sự nhất trí nhất giữa những người giải nghĩa. Ông tuyên bố "Chúa đã chết", và cái chết này hoặc dẫn đến chủ nghĩa quan điểm [2] cấp tiến hoặc buộc người ta phải đối diện với thực tế rằng chân lý đã luôn luôn mang tính quan điểm.
Ông phân biệt giữa đạo đức chủ và đạo đức nô. Đạo đức chủ nổi lên từ một sự ca tụng cuộc sống, đạo đức nô là kết quả của sự thù hận đối với những người kia. Sự khác biệt này được tóm gọn là sự khác biệt giữa "tốt và xấu" ở bên này, và giữa "thiện và ác" ở bên kia; điều quan trọng là người "tốt" của đạo đức chủ là người "ác" của đạo đức nô.
Nietzsche còn đưa ra một số khái niệm quan trọng khác như là: 1/ Ý chí Quyền lực; 2/ Siêu nhân; và 3/ Hồi Quy Vĩnh Cửu. Đảng Quốc xã với Hitler đã chọn ông là một tiền bối, mặc dù Nietzsche có quan điểm chống chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa dân tộc Đức. Khái niệm hạnh phúc của Nietzsche xa lạ với phương Tây thời đó.
Một số câu của Nietzsche
• Chúa đã chết. (Gott ist tot)
• Không có sự thật nào cả, chỉ có sự diễn giải của sự thật đó mà thôi.
• Chúng ta không nên đi đến nhà thờ nếu muốn hít thở không khí trong lành.
• Phật giáo thì hiện thực hơn Cơ Đốc giáo cả trăm lần.
• [Cơ Đốc giáo và Phật giáo] đều thuộc về những tôn giáo hư vô chủ nghĩa – đều là những tôn giáo suy đồi.
• Người chiến đấu với quái vật, nên cẩn thận đừng để bản thân cũng biến thành quái vật trong cuộc chiến.
Đông Tỉnh
[1] Holocaust là cuộc diệt chủng do Đức Quốc xã và bè cánh tiến hành đã dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái cùng khoảng 5 triệu nạn nhân khác.
[2] Lý thuyết cho rằng kiến thức về một chủ đề chắc chắn là một phần và bị giới hạn bởi quan điểm cá nhân mà từ đó nó được xem xét.