Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Quan niệm > Triết học > BIỆN HỘ CHO TRÍ THỨC (1)

BIỆN HỘ CHO TRÍ THỨC (1)

Thứ Hai 9, Tháng Ba 2020, bởi CTV

Bài nói thứ nhất: TRÍ THỨC LÀ GÌ?

LỜI NGƯỜI DỊCH: Năm 1966 Jean-Paul Sartre sang Nhật Bản với Simon de Beauvoir đi cùng. Ông có 3 bài nói chuyện tại Tokyo và Kyoto. 3 bài nói được Gallimard in lại trong Jean-Paul Sartre, Situations philosophiques, năm 1972, với đầu đề chung Plaidoyer pour les intellectuels (Biện hộ cho trí thức).

Sartre và Beauvoir

Sartre không giải thích “trí thức là gì” theo lối đi vào “định nghĩa” hay bản chất. Theo Sartre, “tồn tại đến trước bản chất”, con người bao giờ cũng tồn tại ở trong “hoàn cảnh” hay “tình huống” (situation). Khác với loài vật, nơi chúng (cũng có sự “hoạt động”) song chỉ có sự “hoạt động” thuần túy, sự hoạt động gắn liền với bản tính sinh vật, CON NGƯỜI còn có thêm sự “hoạt động theo thực tiễn” (praxis), hoạt động ở trong thực tại, mà thực tại người bao giờ cũng là thực tại mang tính xã hội. Như thế, Sartre khai tử khái niệm “trí thức” hiểu theo nghĩa phổ quát chủ nghĩa (universaliste) hay bản chất luận (essentialiste), và sau Sartre có thể thấy cách hiểu này được mở rộng ra nơi Jean-François Lyotard (Jean-François Lyotard, Le Tombeau de l’intelectuel – Nấm mồ của trí thức).

1. Hoàn cảnh của trí thức

Chỉ cần nghe những chỉ trích về người trí thức ắt hẳn có thể buộc họ nhiều tội lớn. Cũng thật ngạc nhiên là những lời chỉ trích họ ở khắp nơi đều giống hệt nhau. Ở Nhật Bản, chẳng hạn, khi tôi đọc nhiều bài đăng trên các báo, tạp chí của Nhật, được dịch sang tiếng Anh cho phương Tây, tôi cứ tưởng như xưa nay mình vẫn hiểu, rằng sau thời Minh Trị thì đã có sự tách rời giữa chính quyền và giới trí thức; sau Thế chiến II, nhất là giai đoạn 1945-1950, hình như người ta cho rằng trí thức đã nắm quyền trong nền chính trị và đã làm nhiều điều không tốt. Cũng vào giai đoạn này, nếu đọc báo chí của nước tôi thì thấy có vẻ như trí thức đã thống trị ở nước Pháp và đã gây ra những thảm họa: đó là giai đoạn tái quân phiệt hóa xã hội vì chiến tranh lạnh, cả ở Nhật cũng như ở Pháp sau đại họa súng đạn (nước tôi gọi là thắng trận còn các vị gọi là thất trận). Giới trí thức tuyệt nhiên chẳng hiểu gì về cái tiến trình này. Ở Nhật hay ở Pháp người ta đều lên án trí thức vì cùng những lí do như nhau, lí do nào cũng kịch liệt hoặc mâu thuẫn. Ở Nhật thì người ta nói rằng trí thức sinh ra là để bảo tồn và truyền thừa văn hóa, do đó về bản chất trí thức là những người bảo thủ, song họ nhầm lẫn về chức phận và vai trò của mình và thế là họ đã thành ra chỉ nhìn thấy cái ác trong lịch sử nước mình, phê phán và tiêu cực, không ngừng công kích chính quyền. Do đó họ đã nhầm lẫn tất tật, điều này có lẽ cũng không nghiêm trọng lắm giá như trong những hoàn cảnh hệ trọng, họ đã không lừa dối cả Nhân dân.

Lừa dối Nhân dân! Lừa dối nhân dân nghĩa là: làm sao cho nhân dân quay lưng lại với những lợi ích của chính mình. Nói vậy nghĩa là ở trong cùng một địa hạt, trí thức và chính quyền đều sử dụng một quyền lực nào đó? Không, hễ trí thức tự gạt bỏ thái độ bảo thủ về văn hóa, là cái định nghĩa hành động và chức phận của họ, thì y như rằng người ta chỉ trích họ là rơi vào thái độ bất lực: ai lắng nghe trí thức đây? Vả lại, trí thức do bản tính là yếu nhược: họ không sản xuất và chỉ sống bằng đồng lương, điều này tước bỏ ở họ mọi khả năng tự vệ, cả trong xã hội dân sự lẫn trong chính giới. Thế là họ bị xem là những kẻ vô tích sự, những kẻ hay dao động; do không có quyền lực kinh tế hoặc quyền lực xã hội, nên trí thức tự coi mình là một tầng lớp tinh hoa, họ được hỏi ý kiến để phán xét đủ mọi thứ, thế nhưng họ đâu có phải tinh hoa. Đây chính là nguyên nhân của thái độ đạo đức chủ nghĩa hoặc lí tưởng chủ nghĩa nơi họ (họ suy nghĩ như thể họ đã đang sống trong tương lai xa xôi và phán xét thời cuộc của chúng ta bằng quan điểm trừu tượng về tương lai).

Phải bổ sung "thái độ giáo điều"; trí thức tự qui chiếu tới những nguyên tắc không phải ai cũng hiểu thấu được, trừu tượng, nhưng lại đòi quyết định người khác phải làm gì, làm gì. Dĩ nhiên ở chỗ này có người đang nghĩ tới học thuyết Marx; như thế là rơi vào một sự mâu thuẫn mới mẻ nữa, bởi lẽ học thuyết Marx về nguyên tắc là đối lập lại với thái độ cổ xúy đạo đức chủ nghĩa. Sự mâu thuẫn này cũng chẳng gây phiền phức gì cho trí thức bởi lẽ thái độ mâu thuẫn này là do người khác hướng cho họ mà thôi.

Dù sao đi nữa, người ta chống lại thái độ đạo đức chủ nghĩa này bằng thuyết duy thực của những chính sách: trong khi trí thức phản bội lại chức phận của họ, lẽ sống của họ, và tự đồng nhất mình với cái “tinh thần luôn luôn phủ định”, thì giới chính trị, ở đất nước chúng tôi (Pháp) lẫn ở đất nước của các vị (Nhật Bản), đã tái thiết lại đất nước bị chiến tranh tàn phá, họ làm điều này một cách khiêm tốn, họ chứng tỏ cho thấy một chủ nghĩa duy nghiệm khôn ngoan, nó đích xác gắn liền với các truyền thống và, trong những trường hợp nhất định, là với những thực hành (và lí thuyết) của thế giới Tây phương.

Nhìn bằng quan điểm này, ở Âu châu người ta đi xa hơn ở Nhật Bản. Ở Nhật Bản, người ta coi trí thức như là một cái không mong muốn nhưng phải chấp nhận (un mal nécessaire): người ta cần đến họ để bảo tồn, truyền thừa, làm giàu có nền văn hóa; có những trí thức nào đó bao giờ cũng là những con chiên ghẻ, sẽ bắt buộc phải tiêu diệt sự ảnh hưởng của họ. Ở nước chúng tôi, người ta loan báo cái chết của trí thức: do ảnh hưởng của những quan niệm của Mĩ, người ta tiên đoán sự biến mất của những kẻ tự cho rằng mình cái gì cũng biết: sự tiến bộ của khoa học gây ra một tác động, đó là trí thức đại học sẽ được thay thế bằng các nhóm nghiên cứu chuyên môn hóa một cách nghiêm ngặt.

Bất chấp những mâu thuẫn trong những phê phán nhằm vào người trí thức, liệu có thể tìm thấy một ý nghĩa chung trong đó hay không? Có thể. Chỉ xin được nói thế này, đó là mọi sự phê phán đều bắt nguồn từ một sự chỉ trích có tính căn bản: trí thức là kẻ can thiệp vào những chuyện chả liên quan đến mình và họ đòi tranh luận về toàn bộ những sự thật được thừa nhận rộng rãi, đòi tranh luận về những hành động nhân danh một quan niệm có tính tổng thể về con người và xã hội - ngày nay quan niệm ấy là không thể có, do đó nó trừu tượng và sai lạc - bởi lẽ một xã hội phát triển được định nghĩa là nó phải đa dạng hóa cực độ về các phương thức sống, về các chức năng xã hội, về những vấn đề cụ thể.

Như vậy, "đúng thật" là trí thức là kẻ không dưng buộc mình vào những chuyện chả liên quan gì đến mình. Điều này rất đúng ở đất nước chúng tôi, đến nỗi từ “trí thức” được áp dụng cho những cá nhân đã từng rất nổi tiếng hiểu theo nghĩa tiêu cực của từ này khi xảy ra vụ án Dreyfus. Đối với phe chống Dreyfus, thì việc tuyên bố trắng án hay kết tội viên đại úy Dreyfus là chuyện của tòa án binh và, xét cho cùng, liên quan đến Bộ Tổng tham mưu: phe bênh vực Dreyfus, bằng việc khẳng quyết Drefus vô tội, đã tự đặt mình ra ngoài chuyên môn của họ. Do đó, khởi đầu, trí thức là hễ ai xuất hiện ra như một kiểu người sau khi đã có được sự nổi tiếng nào đó bằng lao động trí tuệ (khoa học tự nhiên, công nghệ, y học, văn chương v.v.) và họ "lợi dụng" sự nổi tiếng này để thoát ra khỏi lĩnh vực của mình và phê phán xã hội và các quyền lực được xác lập nhân danh một quan niệm có tính tổng thể và giáo điều (dù mơ hồ hay cụ thể, cỏ xúy đạo đức hay marxist) về con người.

Nếu ta muốn có một ví dụ về một quan niệm tổng thể về người trí thức, tôi sẽ nói ngay rằng ta sẽ không gọi các nhà khoa học nghiên cứu sự phân hạch của bom nguyên tử để hoàn thiện các phương tiện của chiến tranh nguyên tử, là “trí thức”: họ là các nhà khoa học, có thế thôi. Nhưng cũng chính các nhà khoa học này, sợ hãi vì sức mạnh hủy diệt của các phương tiện do họ góp phần chế tạo nên, nếu họ tập hợp lại và cùng kí một bản tuyên bố cảnh báo công luận về việc sử dụng bom nguyên tử, họ trở thành những trí thức.

Thật vậy: (1) họ đi ra ngoài lĩnh vực chuyên môn của mình: chế tạo một quả bom là một chuyện, phê phán việc sử dụng nó là một chuyện khác; (2) họ lợi dụng sự nổi tiếng hay chuyên môn đã được thừa nhận, để làm trái với công luận, qua đó che đậy vực thẳm không thể vượt qua, cái vực thẳm làm phân đôi một mặt là tri thức khoa học của họ mà mặt khác là nhận thức chính trị của họ xuất phát từ những nguyên tắc khác, về cái phương tiện do họ làm ra; (3) Thực ra, họ không lên án việc sử dụng quả bom bởi đã nhận thức được những điều bất lương do kĩ thuật gây ra, mà là nhân danh một hệ giá trị rõ ràng là cần phải đem ra tranh luận, một hệ giá trị coi sự sống con người là tiêu chuẩn tối cao.

Những lời tố cáo có tính nền tảng này có giá trị gì? Chúng có tương ứng với một thực tế? Chúng ta không thể trả lời dứt khoát được mà không trước tiên không biết được thế nào "là" một người trí thức?

(còn tiếp)
PHẠM ANH TUẤN dịch


Xem online : Simone de Beauvoir, người tình trọn đời của Jean Paul Sartre