Trang nhà > Quan niệm > Triết học > SỰ CÁO CHUNG CỦA TRÍ THỨC?
SỰ CÁO CHUNG CỦA TRÍ THỨC?
(Trích trong LE SIÈCLE DES INTELLECTUELS)
Thứ Tư 11, Tháng Ba 2020, bởi
NGHĨA TRANG Montparnasse gần phố Edgar-Quinet nơi Jean Paul Sartre sống những năm cuối đời hôm 18/4/1980 trở nên quá chật để đón đám đông những người hâm mộ ông, và cả những người hiếu kì tới dự đám tang triết gia. Hàng chục ngàn người, phần lớn chỉ nhìn thấy thấp thoáng quan tài ông, có chung cảm xúc đang có mặt tại lễ mai táng một con người vĩ đại của thế kỉ. Serge July viết trên tờ Libération, nhật báo cực Tả do chính Sartre đỡ đầu: “Sartre phủ một tầm rộng lớn, ông đã chiếm giữ một vị trí trong thế kỉ này như Voltaire và Hugo ở thế kỉ của họ”. Ai cũng cảm thấy một cảm xúc thắt quặn trong lòng. Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing đến tận nhà thương Broussais, đứng cúi đầu rất lâu trước thi hài Sartre.
Những năm cuối đời của Sartre đã rẽ sang một hướng thật bi thương. Lúc này ông đã già yếu, mắt gần như mù. Ông tưởng như đã tìm thấy lại nghị lực mới mẻ bên cạnh người “thư kí” Pierre Victor, bí danh của Benny Lévi, một nhà hoạt động Maoiste, người sáng lập phong trào cánh tả vô sản. Victor hằng ngày đến nhà Sartre, đọc sách cho Sartre nghe, và Sartre đã nghĩ đến chuyện sẽ viết chung với Victor vài cuốn sách. Hai người đã có các bài phỏng vấn trên tờ Nouvel Observateur, chỉ vài tuần trước khi Sartre mất. Bạn bè Sartre, trước tiên là Simone de Beauvoir, đã đề nghị Jean Daniel không đăng. Theo họ, Sartre nhận trả lời phỏng vấn tức là Sartre đã từ bỏ chính mình, để chiều ý Victor. Castor (tên riêng của Beauvoir do Sartre đặt) gọi đây là hành động “cướp giật một ông già”. Beauvoir viết trong La Cérémonie des adieux (Nghi thức vĩnh biệt): Lúc này Sartre đã gần như mù, ông nhận Victor làm “thư kí” như tận dụng lại một đồ “phế phẩm" (ersatz), hi vọng Victor sẽ hiện thực hóa hình mẫu “người trí thức mới” mà Sartre vẫn mơ: triết gia kiêm chiến sĩ.
Ngay Raymond Aron cũng thấy lợm giọng khi đọc bài phỏng vấn của Sartre với Victor: “Thật đau lòng, đôi chỗ không thể chịu nổi, Beny Lévy, cố tình hay vô tình, đã gây sức ép lên một ông già gần như hết sức kháng cự thể lực dù vẫn còn sức mạnh trí tuệ”. Raymond Aron viết trên tờ L’Express: “Suốt cuộc đời mình, Sartre tận đáy lòng vẫn là một nhà đạo đức, mặc dù ông đã bị lôi cuốn vào cái lôgic của chuyên chế cách mạng cho nên đã đặt bút viết lời tựa cho cuốn sách của Fanon (Les Damnés de la terre), mà cuốn sách này có thể được đưa vào tuyển tập văn học phát-xít cũng được… […] Sartre chưa bao giờ rút lui khỏi đời sống xã hội như ông quan sát thấy, như ông thấy nó không xứng đáng với ý niệm của ông về số phận của con người.” Đối với Aron, Sartre đã sống trải “bi kịch của một nhà đạo đức bị lạc lối trong rừng già chính trị”.
Aron mất sau Sartre không lâu. Aron nổi tiếng muộn. Sau khi Sartre mất, mọi thứ đều đổ dồn vào Aron, bạn học cũ, cùng uống chung bầu sữa mẹ Giảng đường Phố Ulm, cùng chung văn hóa, thế nhưng cuộc đời và thế giới quan đã tỏ ra quá đỗi dị biệt. Cái bắt tay năm 1979, ở bên ngoài Điện Élysé, trước mặt Gluckmann và nhiều phóng viên, đã không hàn gắn được hai người, nhưng chí ít cũng là một thời điểm có tính tượng trưng: hai người đã đến gặp Tổng thống Giscard D’Estaing để kêu gọi ủng hộ “boat people”.
Lễ an táng Raymond Aron hôm 20/10/1083 tại hầm mộ gia đình cũng tại nghĩa trang Monparnasse không đông. Người ta đồn nhau rằng Aron dĩ nhiên không thể là một Hugo của thế kỉ XX, song sự sáng suốt chính trị đã đặt ông lên hàng những “nhà hiền triết còn lại cuối cùng” theo lời Claude Lévi-Strauss.
Thật nghịch lí! Trong hai người bạn cố tri, hai “đồng chí”, thì người nổi tiếng hơn, tài năng hơn, người đã bày tỏ sức mạnh trí tuệ của mình ở trong các cuốn sách thuộc mọi thể loại – Sartre – thì dường như lại là kẻ chịu thua Lịch sử, so với người kia, người chỉ đơn thuần được coi như một “giáo sư”! Aron, giữ khoảng cách và đồng thời đầy sự trân trọng dành cho tác giả của Critique de la raison dialectique (Phê phán lí tính biện chứng), luôn khiêm tốn thú nhận sự ngưỡng mộ về sức sáng tạo của người bạn cũ của ông.
Một người chỉ mơ mộng về cái không thể. Người kia được trao vương miện của lí tính hợp-lí tính (raison raisonable).
PHẠM ANH TUẤN dịch
trong những ngày virus Vũ Hán gây cách li nhiều nhà lí luận Marxiste