Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Bạn đọc > Nhàn đàm > Sông Đỗ Động và đồng bằng

Sông Đỗ Động và đồng bằng

Thứ Tư 1, Tháng Tư 2020, bởi Cong_Chi_Nguyen

Dưới đây là ý kiến riêng của tôi trên FaceBook để trả lời một nhà nghiên cứu lúc 1 giờ sáng nay 1-4 có hỏi về Đỗ Động Giang. Cả hai đều tự cách ly bắt đầu từ lần đi thăm lại một số di tích ven sông Nhuệ vào 10 ngày trước.

Đình Văn Quán thờ SQ Đỗ Cảnh Thạc. Photo NCCong ©2017

Trong vùng đất rộng lớn kéo từ phía tây bắc tới phía đông nam Hà Nội sau khi sáp nhập Hà Tây, ngoài sông Tích, sông Đáy và có lẽ cả sông Nhuệ, sông Thiên Phù, thậm chí Tô Lịch (mặc dù cũng có phần do dân đào mà nên), còn có sông Đỗ Động. Mấy dòng sông đặc biệt này mà tôi tạm gọi là "vảy cá" cho dễ hình dung (nếu coi núi Ba Vì là đầu cá) đã hình thành dần vào giai đoạn cuối của quá trình biển tiến rồi lùi kéo dài mấy chục thế kỷ và tạm ổn định đến nay. Khi đó nước sông Đà, sông Thao, sông Lô hợp lưu tạo ra sông Hồng với những cơn lũ lụt hàng năm. Dọc theo những vảy này, ngoài những nơi thờ Tản viên tam thánh còn có rất nhiều di tích thờ các thủy thần và nhân vật lịch sử.

Bên cạnh tác động của nạn hạn hán tuy hiếm hoi, và sự đột ngột dâng cao hay hạ xuống mực nước theo từng cơn lũ, còn có dòng hải lưu và thuỷ triều liên tục diễn ra hàng ngày ở vịnh Bắc bộ. Chúng làm cho chênh lệch áp suất nước ở hai đầu mấy vảy cá đó thay đổi thường xuyên, lúc thì tràn nhanh gây lụt lội, lúc thì phẳng lặng lắng bùn, làm cho các sông đó không có đủ độ sâu và có thể bị cạn lấp từng đoạn hay toàn bộ như ta thấy bây giờ, nhất là từ khi có đập thủy điện Hoà Bình, Sơn La.

Cách nay mấy trăm năm, các triều đại vua chúa có bắt dân đắp đê, trị thuỷ nhưng dần dần thấy xuất hiện cả những hậu quả xấu. Trong đầu thế kỷ 20, người Pháp đã can thiệp vào dòng chảy của những sông đó, rõ rệt nhất là bằng cách xây đập Phùng, đắp đê sông Đáy, nắn lại sông Nhuệ, sông Tô, làm kênh, cống để tưới, tiêu và bảo vệ các khu đô thị, kinh tế, quân sự, chủ yếu ở Hà Nội, Hà Đông, Phủ Lý, Ninh Bình.

Ngoài ra gần đây việc lấn bờ, lấp sông do thiếu đất canh tác và hệ thống đường bộ, đường sắt, đường không lấn át dần đường thủy cũng là những nguyên nhân dẫn đến sự thu hẹp hay làm cạn các vảy cá, thậm chí biến mất gần hết sông Đỗ Động. Có lẽ con sông nhỏ và ngắn này là một chi lưu của sông Đáy, và thượng nguổn của nó ở cạnh Bình Đà, nơi sông Đáy đổi dòng với di tích là đầm Thanh Cao, hoặc ở cạnh Yên Nghĩa nơi có một con kênh nối sông Đáy với sông Nhuệ. Hạ lưu của sông Đỗ Động có lẽ ở quãng Vân Đình hoặc Đồng Quan. Giữa hai địa điểm này, ngày nay cũng có một con kênh khác nối sông Đáy với sông Nhuệ. Cần hỏi kỹ các nhà thuỷ lợi để biết những kênh đó là thiên tạo hay nhân tạo.

Miếu Cai Công nhìn ra sông Đáy. Photo NCCong ©2017

Nên nhớ Bình Đà là nơi có vết tích trống đồng văn hoá Đông Sơn và những tên Nôm như Quyếnh, Xốm... rất cổ. Gần đây dân vùng này đồn rằng vẫn giữ được mộ Kinh dương vương và các vua Hùng. Hay ven đầm Thanh Cao còn có miếu Thượng Thanh thờ vị tướng Cai Công từng đóng giả gái để Hai Bà Trưng nhận vào đoàn quân khởi nghĩa năm 40 ở cửa sông Hát Môn cách đó 40km...

Theo tư liệu lịch sử để lại, hơn nghìn năm trước vùng Đỗ Động—Văn Quán vốn là một trong các căn cứ của Đỗ Cảnh Thạc. Đỗ Động có thể mang nghĩa cổ là cánh đồng hay vùng đông dân của sứ quân họ Đỗ. Sứ quân này hùng mạnh, được vua Ngô cho đóng giữ dải đất màu mỡ dọc sông Đáy từ Thanh Oai ngược lên vùng Hoài Đức, Quốc Oai. Năm 966-967 Đinh Bộ Lĩnh lợi dụng khi nước sông Đáy, sông Tích... yên ả vào mùa không có lũ đã đem quân ngược dòng dễ dàng từ Ninh Bình đến thành Quèn và thành Bình Đà để bao vây rồi cuối cùng chiến thắng...

Bản đồ thời 12 sứ quân

Tôi đã từng dẫn nhiều người đến phần lớn những vùng trên để quan sát địa hình và thăm các đình, đền, chùa chiền cổ. Ngược thời gian về những năm 1960-1970, phía bờ tây sông Đáy còn có khá nhiều đồng bào Mường sinh sống, và đường mòn Hồ Chí Minh cũng đi qua đây. Ngược hơn nghìn năm thì thị xã Thái Bình và vùng Hoa Lư còn ở sát ngay biển...

Nên hỏi các nhà địa chất để rõ hơn về sự hình thành các dòng sông lớn và cổ nhất đã ảnh hưởng tới sự ra đời đồng bằng Bắc Bộ trước kia. Đại khái chúng ra đời chủ yếu do các vết đứt gãy hay đè lấn lên nhau của các mảng lục địa nên thường có chiều dài và độ sâu đáng kể để tồn tại có lẽ rất lâu trước khi sự sống xuất hiện. Hàng triệu năm trôi đi nhưng tuyết tan và mưa núi đã tạo ra nguồn nước làm xói lở các bờ sông suối và mang theo phù sa, khoáng chất đổ ra biển, tạo thành đồng bằng, đất bãi ven sông và vùng lầy nước lợ trong vịnh.

Đồng bằng hình thành thế nào

Chính mưa rào và lũ lụt đã san phẳng dần các cù lao, gò đồi trong lưu vực của mỗi dòng sông lớn và tạo ra những con sông nhỏ ở đồng bằng. Nhờ thế mà giới sinh vật trong vịnh và trên đất liền đã sinh sôi và cải tạo đồng bằng thành nơi phù hợp cho các nhóm người kéo nhau dần dần từ vùng núi xuống định cư, sống bằng đánh cá, trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản.

Đến khi dân cư đông dần lên, các tổ chức bộ lạc, làng xã, đô thị, quốc gia xuất hiện và làm "méo mó" quá trình phát triển của thiên nhiên bằng khoét núi, đào mỏ, đắp đê, lấp hồ ao, đào sông, lai giống, lấn biển, v.v.. Sau cùng họ đẻ ra vô số thứ gadget bằng phương pháp "nhân tạo". Với tốc độ công nghiệp hoá, tự động hoá và toàn cầu hoá khủng khiếp, hiện nay môi trường tự nhiên bị thu nhỏ đến ngưỡng sắp sửa không thể hồi phục để bảo đảm sinh tồn, đặc biệt ngay tại thành phố Hà Nội bị mở rộng vội vã làm thu hút dân từ delta sông Hồng và tăng mật độ dân số đô thị lên quá sức gánh chịu của kết cấu hạ tầng...


Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong