Trang nhà > Con người > Hồi tưởng > BẠN VÀ HỌC TRÒ CỦA NHÀ GIÁO NGUYỄN HỮU TẢO (2)
Nhiều tác giả
BẠN VÀ HỌC TRÒ CỦA NHÀ GIÁO NGUYỄN HỮU TẢO (2)
trích từ "Nguyễn Hữu Tảo, người thầy mẫu mực" 2013
Thứ Ba 7, Tháng Tư 2020, bởi
Hãy cho tôi biết ai là bạn của anh thì tôi sẽ nói cho biết anh là người thế nào — Ngạn ngữ Assyria
- Nhóm Tam Hữu Hải Phòng (1938-1945)
BBT: sau đây là phần 2 trong hồi ký của TS Nguyễn Hải Hoành viết về cha mình — nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo — trích từ sách "Nguyễn Hữu Tảo, người thầy mẫu mực".
Cha tôi tự nhận xét mình là một người quả giao. Quả vậy, cách sống mô phạm giữ mình của một nhà sư phạm mẫu mực sùng đạo Nho thật sự khó lòng hòa nhập với lối sống có phần buông thả của phần lớn viên chức cấp cao thời Pháp thuộc.
Hồi ở Hải Phòng, chúng tôi thỉnh thoảng thấy vợ chồng bác Nguyễn Sơn Hà đến chơi nhà. Bác trai người dong dỏng cao, trông rất « Tây » trong bộ com-lê là phẳng phiu, đội mũ phớt, đeo kính cận, tay phải cầm can, miệng ngậm điếu thuốc lá. Bác gái xinh đẹp, hay mặc áo dài nhung, quần lụa trắng, đeo kiềng vàng, tính vui vẻ sởi lởi, nghe nói kém bác trai hơn hai chục tuổi. Bác trai luôn có chuyện để gặp cha chúng tôi. Có điều hai cụ nói gì với nhau thì chúng tôi chẳng hiểu, vì đều dùng tiếng Pháp. Cha kể hai bác Hà ở nhà toàn nói tiếng Pháp với nhau. Giọng bác trai rất ấm, bác hay cười ha hả rất tự nhiên, mang lại không khí vui vẻ thoải mái chứ không nghiêm nghị như Cha. Mẹ tôi bảo: Con này, bác Hà có bàn tay màu đỏ. Tôi để ý quan sát mấy lần thấy đúng là như vậy, hai lòng bàn tay bác trai lúc nào cũng đỏ màu son chứ không phải màu hồng của máu ; mẹ bảo đấy là do bác pha sơn nhiều bị sơn ăn vào tay và màu đỏ ấy được mọi người coi là biểu hiện sự may mắn thành đạt.
Sau này tôi mới biết chuyện Cha cùng bác Hà và bác Quảng Vạn Thành (廣 萬 成 tức Long Điền Nguyễn Văn Minh) ba bạn tri kỷ này thành lập một nhóm xuất bản sách lấy tên là nhóm Tam Hữu (Ba người bạn), cộng tác ra sách để nâng cao dân trí. Cha viết hoặc dịch sách không lấy tiền. Bác Hà in sách, bác Minh xuất bản—phát hành sách cũng đều không lấy tiền ; vì thế sách bán với giá rất rẻ, đạt mục đích của ba cụ.
Bác Hà còn kéo Cha vào Hội đồng thành phố Hải Phòng (kiểu như Hội đồng dân biểu), đấu tranh hăng hái bảo vệ quyền lợi của đồng bào nghèo. Hai cụ còn tham gia sáng lập Hội Truyền bá Quốc ngữ Hải Phòng và hoạt động trong đoàn Hướng Đạo Sinh (ngày ấy gọi là Xì-cút, gốc từ tiếng Pháp Scout) mà Cha là Huynh trưởng Đạo Cửa Cấm dưới cái tên Hải Hạc. Các hoạt động hội đoàn này tốn nhiều thời gian của hai cụ.
Bác Nguyễn Sơn Hà giàu nổi tiếng nhất nhì Hải Phòng, nhưng lạ thay hai bác đều rất bình dân, dễ hòa mình với tất cả mọi người. Sau này nghe chị Sơn Liên con bác kể tôi mới biết hai bác có cảm tình với phong trào giải phóng dân tộc từ rất sớm, sau lần bác gái gặp cụ Phan Bội Châu bị an trí ở Huế năm 1939.
Em trai bác Hà là Nguyễn Quốc Bảo từng ngồi tù Côn Đảo cùng với ông Nguyễn Văn Linh năm 1930. Sau ngày Sài Gòn cướp chính quyền, em rể bác là Tưởng Dân Bảo ở Sài Gòn được bác Hà cho phép đã rút từ ngân hàng toàn bộ tiền bán sơn ở miền Nam (của bác) để mua một tàu và thuê một số tàu ra Côn Đảo đón các chiến sĩ cách mạng. Chuyến đầu tiên chở các ông Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Văn Lương … cặp bến Sóc Trăng ngày 23/9, đúng ngày giặc Pháp nổ súng tấn công chính quyền cách mạng Sài Gòn. Pháp chiếm Sài Gòn ngày 12/10 ; nếu các tù nhân Côn Đảo về muộn 1-2 tuần thì có thể họ sẽ bị giặc Pháp giết hại. Tổng cộng hai chuyến đón được 2000 chiến sĩ cách mạng.
Đồng thời trong Tuần lễ Vàng ở miền Bắc, bác Nguyễn Sơn Hà hiến 105 lạng vàng. Sau ngày Hải Phòng cướp chính quyền (23/8/1945), bác Hà gái được cử làm Ủy viên Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời thành phố (gồm 6 người, do ông Vũ Quốc Uy làm Chủ tịch), phụ trách công tác xã hội. Bác trai là 1 trong 3 đại biểu Quốc hội của Hải Phòng trúng cử trong kỳ bầu cử ngày 6/1/1946. Khi Hải Phòng chuẩn bị kháng chiến, tất cả các con lớn trai và gái của hai bác đều tham gia chiến đấu, người làm cứu thương, người làm tự vệ. Anh Sơn Lâm con cả bác xung phong vào Quyết Tử Quân, chỉ huy một đơn vị ; anh đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu ngay ngày đầu tiên.
Công lao bác Hà đóng góp cho cách mạng có thể nói là vô giá, đáng lưu sử sách.
Lần cuối cùng tôi được gặp bác Hà gái là đầu năm 1969 mẹ tôi đi Kiến Thụy hỏi vợ cho tôi, khi về qua Hải Phòng, hai mẹ con tạt vào thăm nhà bác ở 51 phố Lạch Tray. Rất lạ là bác Hà gái (bác trai đang ở Hà Nội) không hề than phiền chuyện nhà cửa. Bác vui vẻ khoe ảnh chụp chung với các chuyên gia Liên Xô dạy tiếng Nga — chả là bác đang hăng hái hoạt động trong phong trào học tiếng Nga ở Hải Phòng. Bác gái tên Mùi, vợ kế của bác Hà. Bà vợ đầu sinh được 5 anh chị rồi ốm mất. Bác Mùi trẻ hơn anh con cả, thế mà bác khéo léo chỉ huy cả đại gia đình sống hòa thuận để bác trai yên tâm lo việc nghiên cứu khoa học và phát minh công nghệ làm sơn.
Năm 1948 khi nhà tôi tản cư ở Tân Cương (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), bác Hà có đến thăm. Bác cưỡi ngựa, vẫn vui tính và phong độ như xưa. Hồi đó cán bộ ta thường cưỡi ngựa để tiện đi lại đường rừng. Còn nhớ chúng tôi đang xúm quanh chú ngựa đực bác Hà buộc ngoài sân thì bỗng dưng nó giật tung dây phóng đi mất, đuổi theo một con ngựa khác đang đi trên đường. Thì ra con ngựa kia là ngựa cái ; thấy bị đuổi, nó chạy thục mạng. Mấy anh thanh niên hò hét đuổi theo mãi mới bắt được, làm náo động làng xóm. Bác Hà biếu cha tôi một chiếc áo mưa làm bằng lụa ngâm dầu trẩu, trong suốt như giấy bóng mờ, rất đẹp.
Anh em chúng tôi có lần vào thăm nhà bác ở Khuôn Năm, sâu tít trong rừng nứa rậm rạp và xem xưởng sản xuất áo mưa kháng chiến của bác. Nhà kỹ nghệ năng nổ này đi đâu cũng tìm tòi, mày mò, sáng tạo ra sản phẩm gì đó phục vụ xã hội, bao nhiêu lần thất bại, bác vẫn không nản. Cái áo mưa quà của bác Hà chẳng bao lâu sau đã « lão hóa », giòn tan, động vào là vỡ, gãy. Chắc do thiếu các hóa chất chống lão hóa ngày ấy không thể kiếm được. Trong thời gian kháng chiến, bác Hà đã nghiên cứu chế tạo thành công nhiều sản phẩm phục vụ quốc phòng như vải mưa, áo mưa, băng cách điện dùng cho bộ đội thông tin, v.v… và do đó được chính phủ tặng mấy huân chương. Năm 1951 bác được cử vào phái đoàn Việt Nam đi Liên Xô dự hội nghị kinh tế quốc tế.
Em Công kể, sau khi cha mẹ từ Khu Học xá về Hà Nội, bác Hà thỉnh thoảng vẫn lái chiếc Rơ-nô cổ lỗ sĩ của bác đến chơi, đôi lần đưa Cha lên thăm nhà bác ở Ngọc Hà và tự tay pha cốc-tay mời ; Cha ngại uống rượu nhưng vẫn phải chiều ông bạn thân. Tại đây bác có tòa nhà một tầng xây dựng rất hiện đại thời đó, bên cạnh là xưởng sản xuất đường mía. Hồi ấy tôi đang học ở Thượng Hải, đọc báo Nhân Dân có thấy bài phát biểu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Sơn Hà, nói người Việt Nam có thể sản xuất được đường trắng. Về sau nghe nói dự án này của bác bị phá sản. Một nhà tư sản dân tộc dù là yêu nước đi nữa, sao có thể làm được gì trong nền kinh tế kế hoạch tập trung kiểu Mao-ít !
Do bị đội cái mũ « Tư sản dân tộc », gia đình bác Hà chịu rất nhiều thiệt thòi. Phần lớn tòa nhà ba tầng có bể bơi ở 51 Lạch Tray của bác bị một cơ quan nhà nước mượn dùng từ năm tiếp quản Hải Phòng mãi không trả. Gia đình bác chỉ được ở một phần nhà, về sau do sinh con đẻ cháu trở nên rất chật chội. Tới thập niên 90, tức hơn 10 năm sau khi bác trai qua đời, nhờ sự giúp đỡ của đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tòa nhà này mới được trả cho chủ nhân. Nhưng bác gái lại hiến cho thành phố cái sân rộng có bể bơi để mở một trường tiểu học. Mảnh đất vàng ấy bây giờ có giá hàng trăm tỷ đồng.
Các con bác đều đi làm cơ quan nhà nước, sống cuộc đời thanh bạch. Anh Sơn Giang làm công nhân lái xe điện tuyến Bờ Hồ-Hà Đông. Từ năm 1948 chị Ân có quen chị Sơn Liên con bác Sơn Hà. Chị Liên tính sởi lởi rất dễ gần, không ai có thể nghĩ chị là con nhà giàu. Chồng chị là anh Đào Đức Dậu cũng vậy, hai anh chị giống tính nhau một cách kỳ lạ, đều học trường Sư phạm Trung cấp Khu Học xá nên rất biết và quý cha tôi.
Bác Quảng Vạn Thành cũng thường đến chơi nhà. Bác tên là Nguyễn Văn Minh, hiệu Long Điền. Quảng Vạn Thành là tên nhà xuất bản tư nhân do bác lập ra tại Hải Phòng. Bác Minh là chuyên gia nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử, đồng thời rất hăng hái tuyên truyền cổ vũ người Việt Nam chỉ dùng hàng Việt Nam, tẩy chay hàng nhập từ Pháp. Sau này vào thư viện, tôi có thấy cuốn Việt ngữ Tinh nghĩa Từ điển, tác giả Long Điền, xuất bản tháng 6/1950. Nghe nói đây là một trong những cuốn Từ điển Tiếng Việt đầu tiên của nước ta. Tại Hải Phòng, bác có mở một hiệu bán đồ nội hóa.
Năm cha mẹ tôi đem con út từ Khu Học xá Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) về Hà Nội có ở nhờ nhà bác Quảng Vạn Thành ít ngày để chờ chữa xong nhà ông nội ở Trung Tự. Rất tiếc vì Chí Công hồi ấy mới lên 6 cho nên không nhớ được nhiều kỷ niệm về bác Minh. Tòa nhà này tọa lạc ở ngã năm Bà Triệu—Nguyễn Bỉnh Khiêm—Nguyễn Du, mặt tường trước nhà có đắp nổi ba chữ 廣 萬 成 Quảng Vạn Thành (chữ Nho) khá to, chữ viết rất đẹp, từ xa đã nhìn thấy. Đây vừa là nhà ở vừa là trụ sở nhà xuất bản tư nhân Quảng Vạn Thành.
Bác Nguyễn Văn Minh là người duy nhất trong nhóm Tam hữu không đi tản cư theo kháng chiến. Một người yêu nước thương nòi như bác sao lại chọn con đường ấy ?
Nguyễn Huy Thắng con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (một học trò Bonnal được cha tôi quý nhất) kể: Ông Long Điền và cha tôi là bạn vong niên từ thời trước Cách mạng ở Hải Phòng (ông hơn cha tôi hàng chục tuổi). Hồi kháng chiến chống Pháp, do vướng mẹ già, ông ở lại Hà Nội, sống bằng nghề sách. Với tình yêu tiếng Việt và cũng để bày tỏ tấm lòng hướng về kháng chiến, năm 1950 ông cho xuất bản cuốn Việt ngữ tinh nghĩa từ điển có in dòng chữ: “Kính tặng các Chiến Sỹ theo đuổi công cuộc xây đắp độc lập Quốc gia, tự do Dân tộc và thống nhất Việt ngữ”.
Hơn một tuần sau Tiếp quản Thủ đô, ông Long Điền đã tìm đến cha tôi [Ng. Huy Tưởng] để tặng bộ sách, đến lúc ấy có lẽ đã thành của hiếm. Giờ đây, sau hơn nửa thế kỷ, những lời đề tặng của tác giả vẫn còn đó, chân phương, nghiêm ngắn, không phai nhạt một chút nào, chứng tỏ người viết đã chuẩn bị mực viết rất cẩn thận và đặt bút viết cũng cẩn thận không kém: “Kính tặng ông Nguyễn Huy Tưởng với tấm lòng kính mến của người bạn cũ – Hà nội, 21.10.1954 – Long Điền”.
Bác Quảng Vạn Thành có công rất lớn trong việc xuất bản phát hành các tác phẩm của nhóm Tam Hữu trong điều kiện kinh tế rất khó khăn do chiến tranh, chẳng những không có giấy ngoại để in mà giấy nội cũng rất hiếm. Nhóm này tồn tại không lâu, tới tháng 9/1945 thì không còn nữa vì ba người trong nhóm mỗi người một phương.
Tam Hữu ra được dăm đầu sách. Dầy trang nhất là cuốn Lòng Vàng dịch từ bản chữ Hán tiểu thuyết có tên tiếng Ý là Cuore, tức Trái Tim (tiếng Pháp là Grand Cœurs ; tiếng Anh là Heart) của nhà văn Ý Edmond de Amicis. [về sau có hai bản dịch tiếng Việt nữa : bản lấy tên Tâm hồn cao thượng xuất bản năm 1948, và Những tấm lòng cao cả xuất bản 1977]. Cha dịch đến đâu, tối tối lại đọc cho con cháu nghe với mục đích dạy con và xem xét hiệu quả của bản dịch. Bản dịch để trong ngăn kéo được chục năm mới xuất bản. Tên các nhân vật và địa điểm đều được Việt hóa. Nhân vật chính là Enrico Bottini, cha đổi là Cam-Gi, tôi nhớ mang máng là cha lấy theo tên cháu ruột Dương Danh Gi con bà em gái của cha, đang ở nhà tôi tham gia lớp học tại gia cùng các anh chị tôi. Thật may mắn là cách đây vài năm em Đại Đồng cất công sưu tầm được một cuốn Lòng Vàng xuất bản lần đầu (1944), in giấy nội, vừa dầy vừa nhám, không trắng, dày 332 trang khổ 14 x 19. Đồng chịu khó thuê đóng lại, bọc bìa da, in chữ vàng ngoài bìa và ở gáy sách. Thật là một vật kỷ niệm vô giá Cha để lại cho con cháu. Tiếc rằng sách có nhiều trang giấy mủn, bị sờn góc, thậm chí mất chữ. 70 năm đã qua nhưng tôi còn nhớ mãi mấy mẩu chuyện trong nhật ký của Cam-Gi mà hồi ấy khi đọc tôi đã xúc động ứa nước mắt: chuyện chú bé mạo hiểm một mình đi tìm mẹ ở châu Mỹ, chuyện chú bé đánh trống …
Cuốn Đạo làm người và Đời đoàn thể cha viết và đã xuất bản, mãi đến năm 1969 tôi mới được thấy ở nhà bác Sơn Hà. Tôi ngỏ ý xin mượn về để đánh máy lại (hồi ấy chưa có máy photocopy) nhưng bác không cho, vì đây là vật kỷ niệm quý của gia đình. Tôi tranh thủ đọc lướt qua hai cuốn, nội dung đại khái đề cao đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nhấn mạnh con người phải sống hòa mình với cộng đồng xã hội, có tinh thần đoàn thể. Mới đây khi biết tôi cần tìm các sách trên, anh Dậu con rể bác Hà đã lục lọi tủ sách tìm thấy cuốn Đạo làm ngườixuất bản năm 1942 có Lời Tựa do bác Hà viết ; anh liền phô-tô-cóp-pi toàn bộ các trang sách và gửi cho tôi. Thật là một cử chỉ quý báu.
N.H.H. con thứ sáu của Cha Mẹ kính ghi