Keo pagoda

Chùa Keo (Thái Bình)

Thần Quang Tự

Thái Bình

Chùa Keo có từ thế kỷ XVII. Tên chữ: Thần Quang Tự. Thờ: thiền sư Dương Không Lộ 楊 空 路 (1016-1094). Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt (2012). Lễ hội: 4 tháng giêng, Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia (2017). Địa chỉ: 976W+9V Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình. Cách BĐX Bờ Hồ: 108km (hướng 5h)

Tam quan nội ngoại chùa Keo. Photo by NCCong ©2020

Lược sử

Chùa Keo nằm ngay sau con đê Tả Hồng và chiếm một khu đất rộng ở rìa làng Keo, nay là xã Duy Nhất, thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là một trong những ngôi chùa cổ lớn nhất ở Việt Nam nhưng vẫn tồn tại hầu như nguyên vẹn dù đã trải qua 4 thế kỷ. Tháng 9-2012, chùa được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Đến tháng 10-2017, Lễ hội chùa Keo được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Tương truyền, dưới thời vua Lý Thánh Tông, chùa Keo được xây dựng bởi thiền sư Dương Không Lộ vào năm 1061 tại hương Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Theo bản Thánh tổ thực lục diễn ca được lưu giữ ở chùa thì ban đầu chùa Keo có tên gọi Nghiêm Quang Tự và sư tổ của chùa là thiền sư Nguyễn Minh Không, pháp danh Không Lộ, từng được vua phong làm Lý Triều Quốc Sư.

Chùa Keo. Photo NCCong ©2020

Cuối thời Lý, năm 1167 chùa mới đổi tên thành Thần Quang Tự. Sau gần 5 thế kỷ, đến năm 1611, nước sông Hồng lên to, làm ngập cả chùa và làng Giao Thủy. Một số dân dời đi nơi khác, lập thành làng Hành Thiện và xây ngôi chùa Keo mới, còn gọi là chùa Keo Dưới (Keo Hạ) hoặc Keo Hành Thiện, nay ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định. Một số dân dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình và dựng ngôi chùa Keo Trên (Keo Thượng).

Chùa Keo Trên bắt đầu xây từ 1630 và hoàn thành vào 1632 nhờ công vận động của bà Lại Thị Ngọc Lễ [1], Đông Cung Vương phi Trịnh Thị Ngọc Thọ và vợ của Tuần Thọ hầu Hoàng Nhân Dũng. Chùa do Cường Dũng hầu Nguyễn Văn Trụ vẽ kiểu, phỏng theo kiến trúc thời Lê của chùa Keo Hành Thiện. Từ đó đến nay chùa được trùng tu nhiều lần, vào các năm 1689, 1707, 1941 [2] và gần đây.

Phật điện chùa Keo. Photo by NCCong ©2020

Kiến trúc

Dáng vẻ của ngôi chùa Keo như ta thấy hiện nay đã định hình từ năm 1632. Chùa được xây theo kiểu “nội Công ngoại Quốc” trên một khuôn viên rộng hơn 41.500m2, gồm 16 hạng mục với 116 gian nhà lớn nhỏ. Giữa tam quan ngoại và tam quan nội có một hồ nước, phía sau dãy hành lang đông và tây là hai hồ nữa, cả ba đều hình chữ nhật và to như nhau. Hàng ngày lũ trẻ trong làng vẫn ra đây bơi.

Du khách từ bến xe đi về phía cột cờ rồi qua một sân lát đá sẽ đến tam quan ngoại, rồi vòng qua hồ sen vào tam quan nội sẽ thấy ngôi chùa chính ở giữa, gồm 3 nếp nhà nối vào nhau thành hình “chữ Công”. Dọc hai bên chùa có lối đi trước hai dãy hành lang dài tới 24 gian.

Hồ bên tả chùa Keo. Photo by NCCong ©2020

Nhìn vào lưng Phật điện là khu thờ thánh Không Lộ. Tại lễ hội chùa Keo, sau khi tiến hành xong phần nghi lễ như mọi hội chùa khác, thì sẽ diễn ra trò chơi kéo nứa lấy lửa, nấu xôi, nấu chè và nấu cơm chay để mang cúng Thánh. Phía ngoài có một giếng nước. Thành giếng xếp bằng 36 cối đá bị thủng do đã từng dùng để giã gạo nuôi thợ xây chùa.

Phía sau cùng là tòa gác chuông cao 11,04m, gồm 3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong. Tầng 1 treo chiếc khánh đá cao 1,20m. Tầng 2 có một quả chuông đồng đúc năm 1686 cao 1,30m, đường kính 1m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng 3 và tầng thượng đều được đúc năm 1796, cao 0,62m, đường kính 0,69m.

Gác chuông và điện Thánh chùa Keo. Photo NCCong ©2020

Di sản

Hằng năm vào mùng 4 tháng giêng âm lịch, nhân dân làng Keo lại mở hội xuân tại chùa. Hội mùa thu mới là hội chính, kỷ niệm ngày hoá của thiền sư Không Lộ. Du khách có thể thăm quan những đồ thờ quý giá được coi là đồ dùng sinh thời của thiền sư, gồm một bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà tương truyền rằng chính do thiền sư nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành.

Toàn bộ khung công trình đều làm bằng gỗ lim và có nhiều mảng chạm khắc rất tinh xảo. Bộ cánh cửa ở tam quan nội cao 2m, rộng 2,6m, chạm một ổ rồng với rồng mẹ rồng con chầu mặt nguyệt, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Hậu Lê. Trong khu thờ Phật có gần 100 pho tượng tròn. Đáng chú ý là các pho Thích Ca nhập Niết bàn và Quan Âm Bồ Tát Chuẩn Đề đặt giữa hai tượng Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát.

Bản đồ trực tuyến

Di tích lân cận

  • Chùa Cổ Lễ: 87C7+JC Trực Ninh, Nam Định.
  • Chùa Lai Thành: 9CF6+8C Kiến Xương, Thái Bình.
  • Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu: 885H+3W Xuân Trường, Nam Định.
  • Nhà Thờ Phú Nhai: 79X7+X4 Xuân Trường, Nam Định.

Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong

[1Lại Thị Ngọc Lễ vốn quê ở làng Quang Lãng, huyện Tống Sơn, xứ Thanh Hoa, cụ tổ là quan huyện thừa Lại Thế Tương. Lại Thị Ngọc Lễ cùng em Lại Thế Nghĩa là con quan Phò mã Lãng quận công Lại Thế Thời, chắt nội Thái tể Khiêm quốc công Lại Thế Khanh, cháu ngoại Thanh Đô vương Trịnh Tráng

[2Lần trùng tu năm 1941 có sự giúp đỡ của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp