TS Nguyễn Hải Hoành

VÀI NÉT VỀ VĂN HÓA CÂU ĐỐI Ở TRUNG QUỐC

Trung quốc

Văn hóa Trung Hoa rộng lớn bao la, bao gồm nhiều lĩnh vực, nội dung phong phú và độc đáo. Trong đó văn hóa câu đối là một điển hình thể hiện sức sống của chữ Hán – yếu tố chứa đầy đủ nhất các đặc trưng của văn hóa Trung Hoa.

Chữ Hán là thứ chữ viết độc đáo: trong khi hầu hết chữ viết của các dân tộc trên thế giới đều là chữ biểu âm (phonograph), duy nhất chỉ có chữ Hán là chữ biểu ý (ideograph). Vì thế bản thân chữ Hán đã là cả một thế giới riêng đầy những đặc điểm thần kỳ thú vị không đâu có. Chẳng hạn chữ Hán làm nên nghệ thuật thư pháp, làm nên nhiều trò chơi chữ nghĩa văn minh, lịch sự, như câu đối, trò đoán chữ, bói chữ… Văn hóa câu đối của người Trung Quốc rất độc đáo, phương Tây không có loại hình văn hóa này.

Câu đối là một trong các thể loại của văn học chữ Hán, đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc, về sau các nước từng dùng chữ Hán như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật cũng có thể loại văn học này.

Tuy chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa, nhưng người Việt Nam không bê nguyên xi mọi thứ của người Trung Quốc mà luôn học tập họ một cách sáng tạo. Một ví dụ: Từ câu đối chữ Hán, tổ tiên ta đã nghĩ ra hình thức câu đối chữ Nôm và chữ Quốc ngữ – một loại chữ biểu âm, nhờ thế người không biết chữ Hán vẫn có thể làm câu đối và chơi trò đối chữ bằng vốn từ ngữ thuần Việt. Nhờ thế, sau khi chữ Hán bị loại bỏ khỏi đời sống văn hóa ở nước ta, người Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển văn hóa câu đối.

Thực tế cho thấy tổ tiên ta chẳng những giỏi làm câu đối chữ Hán mà còn làm được nhiều câu đối chữ Nôm hoặc chữ Quốc ngữ rất hay, lưu truyền đến nay. Ví dụ câu đối của Nguyễn Khuyến: “Tết đến, rượu ngon đưa mấy chén./ Xuân về, bút mới thử vài trang”. “Hàng ngày mổ bụng con nhét chữ./ Cuối năm bổ đầu bố lấy tiền” hoặc câu đối dùng từ Hán-Việt: “Tân niên hạnh phúc bình an tiến/ Xuân nhật vinh hoa phú quý lai”.

Người Trung Quốc gọi câu đối là “đối liên 對聯”. Thực ra tên gọi thời cổ của nó là “Đào phù 桃符”, tức hai tấm gỗ đào treo ở hai bên cửa, trên mỗi tấm có vẽ tranh một vị môn thần (thần canh cửa) hoặc đề tên môn thần nhằm để đuổi ma quỷ, trừ tà, đón phúc (đón sự may mắn) mỗi khi đón năm mới. Tục lệ này có từ thời Tần-Hán.

Theo ghi chép trong sách Tống sử Thục thế gia 宋史蜀世家, vào dịp Tết âm lịch năm 959, chúa nhà Hậu Thục là Mạnh Sướng 孟昶 (Mengchang, tại vị 934-965) xuất phát từ ý nghĩ muốn làm cái gì để chúc mừng năm mới, đã nảy ra một sáng kiến: viết lên hai tấm gỗ đào treo trước cửa phòng ngủ của mình hai câu “Tân niên nạp dư khánh 新年納餘慶” (Năm mới thừa chuyện vui) và “Gia tiết hiệu trường xuân 嘉節號長春” (Tiết đẹp xuân còn mãi). Mỗi câu này làm thành một vế. Câu đầu gọi là vế trên (Thượng liên 上聯), câu sau là vế dưới (Hạ liên 下聯). Tương truyền đây là câu đối đầu tiên ở Trung Quốc.

Từ đó trở đi mỗi dịp chuẩn bị đón ngày Tết, thiên hạ đều đua nhau làm câu đối treo hai bên cửa nhà, trên viết những câu thơ đối nhau về từ ngữ, thể hiện tâm tư tình cảm, ước vọng của con người nhân dịp năm cũ qua đi, năm mới sắp đến. Loại câu đối Tết này được gọi là “Xuân liên 春聯”.

Ngoài ra người ta còn làm câu đối có nội dung chúc mừng trong các dịp quan trọng khác, như cưới xin, mừng tân gia, mừng nhậm chức, thăng chức, mừng thọ (gọi là 壽聯 Thọ liên )… Cũng có cả câu đối viếng nhân dịp tang lễ của ai đó, gọi là 挽联 (Vãn liên).

Các đền, miếu, chùa hay dùng câu đối làm vật trang sức ngoài cổng hoặc trong nhà. Gian thờ trong các gia đình thường treo câu đối, có kết hợp hoành phi 横批 ở giữa, làm thành một bộ hoàn chỉnh, thể hiện ý tưởng, tâm nguyện tốt đẹp, cao xa cũng như thể hiện tài văn chương hoặc tài thư pháp của gia chủ. Loại câu đối là tác phẩm văn học dân gian này có nhiều câu rất hay; tác giả thường là các nhà Nho hay chữ. Họ thường làm câu đối giúp người trong địa phương mình.

Sau nhiều năm quen với tập tục làm câu đối, người Trung Quốc thấy đây là một hình thức sáng tác văn học rất có ý nghĩa, thú vị, vì thế ngày càng có nhiều người tham gia. Từ hứng thú với tập tục này, người ta nghĩ ra trò “chơi câu đối”: một người đặt ra vế trước để khích lệ (thách) người khác làm vế sau đối lại vế trước. Chơi câu đối trở thành hình thức giải trí, thi tài chữ nghĩa một cách văn minh lịch sự, có tác động thúc đẩy nguyện vọng học chữ.

Mỗi câu đối là một kết cấu ngôn ngữ ngắn gọn, hài hòa về ngữ âm, rành mạch về nội dung, cân xứng về tiết tấu, êm tai về vần điệu. Nó thể hiện sinh động tâm tư tình cảm, suy nghĩ cũng như trình độ sử dụng chữ Hán của tác giả. Quá trình làm câu đối giúp người ta trau dồi khả năng vận dụng chữ nghĩa sao cho thể hiện được sự thâm thúy của chữ Hán. Qua việc đọc câu đối của người xưa, có thể hình dung được tình trạng xã hội thời đó, các lề thói, phong tục trong dân gian, xu hướng tư duy của tầng lớp có học đương thời.

Mỗi câu đối đều có hai vế đối nhau nhằm thể hiện quan điểm, ý chí, tình cảm của tác giả câu đối trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội.

Từ “đối 對” ở đây có nghĩa là ngang nhau, hợp nhau, đối xứng nhau thành một cặp đôi. Mỗi đôi câu đối gồm hai câu, mỗi câu là một vế. Nếu câu đối do một tác giả làm ra thì hai vế ấy gọi là “vế trên” và “vế dưới”. Nếu một người làm vế này (vế làm ra để thách đối) và sau đó một người khác làm vế còn lại (để đối lại) thì vế đầu tiên gọi là “vế ra”, vế làm sau gọi là “vế đối”.

“Đối” gồm hai nội dung. “Đối ý”: hai ý đối nhau phải cân xứng với nhau, từ đó đặt thành hai câu sóng đôi nhau. “Đối chữ”: gồm đối thanh, tức thanh bằng đối với thanh trắc và ngược lại; và đối loại chữ, tức danh từ phải đối với danh từ, động từ đối với động từ…

Làm được câu đối hay là việc rất khó, đòi hỏi tác giả trước hết phải giỏi chữ Hán và có nhiều kiến thức tâm lý-xã hội học. Vì thế câu đối được xem là tinh hoa của văn hóa chữ Hán.

Người Trung Quốc nói "Nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa". Có những câu đối tuyệt hay được lịch sử lưu truyền, ca ngợi. Có những vế ra của câu đối rất hóc búa, chưa ai đối lại được.

Chơi câu đối trở thành một hình thức trò chơi chữ nghĩa có ích cho việc mở mang tri thức. Lời văn của câu đối rất ngắn gọn mà ý nghĩa lại thâm thúy, vì thế rất được các văn nhân mặc khách ưa thích. Những lúc trà dư tửu hậu, giới quan lại hoặc học giả thường chơi trò này để giải trí, cũng để so tài, thử xem trí tuệ về mặt chữ nghĩa của người được thách đối. Đời nhà Thanh, vua Càn Long thường hay cùng các đại thần Hòa Thân và Kỷ Hiểu Lam chơi trò này.

***
Trong lịch sử Trung Quốc từng thấy có một số câu đối hay, được gọi là câu đối kinh điển, với tác giả là những học giả giấu tên. Vế ra thường dùng chữ một cách thâm thúy, cầu kỳ, nói chung rất khó đối lại.

Xin giới thiệu chuyện về một câu đối như sau. Vế ra viết 7 chữ: “小偷偷偷偷東西 Tiểu thâu thâu thâu thâu đông tây”; tương truyền do một thực khách thư sinh say rượu làm ra rồi viết trên vách tửu quán, có ý thách đố các thực khách, mời mọi người đối lại. Chủ quán giữ lại, không xóa, nhằm kéo khách vào quán mình.

“Vế ra” này khó đối ở chỗ có 4 chữ “Thâu 偷” đặt liền nhau (gọi là câu đối lặp chữ, Điệp tự liên 叠字联). Để tiện phân tích, nên ngắt câu này làm 3 đoạn: “小偷 / 偷偷 / 偷东西”. Ở đây chữ “Thâu 偷” có 3 nghĩa: - “Tiểu thâu 小偷” là danh từ, nghĩa là “Kẻ trộm”. - “Thâu thâu 偷偷” là trạng từ, có nghĩa “lén lút”. - “Thâu đông tây 偷東西” là “lấy đồ vật”, ở đây “thâu 偷” là động từ. Đại ý câu này là “Kẻ trộm lén lấy đồ”.

Vế ra này thuộc loại kinh điển, rất hóc búa, đòi hỏi vế đối ắt phải chứa một chữ có 3 nghĩa và làm được 3 chức năng ngôn ngữ (danh từ, trạng từ, động từ), đối lại với chữ “thâu 偷”. Rất lâu về sau mới có mấy người đối lại được. Chắc hẳn họ phải là người rất uyên thâm về chữ Hán.

Một vế đối như sau: “孔明明明明事理 Khổng Minh minh minh minh sự lý”. Ngắt câu này ra làm 3 đoạn, được: “孔明 / 明明 / 明事理”. Trong đó chữ “Minh 明” có 3 nghĩa: - “Khổng Minh 孔明” là tên vị quân sư khôn ngoan trung thành của Lưu Bị, danh từ, đối lại với “Tiểu thâu” (kẻ trộm). - “Minh minh 明明” là “rõ ràng”, trạng từ, đối lại với “thâu thâu” (lén lút). - “Minh sự lý 明事理” hiểu lý lẽ, ở đây Minh 明 là “hiểu rõ”, động từ, đối lại với “Thâu đông tây” (lấy đồ vật). Khổng Minh là bậc quân tử đạo đức cao thượng, đối lập với “Tiểu thâu 小偷” (Kẻ trộm, là kẻ vô đạo đức). Sự đối nhau về tính chất nhân vật cho thấy tác giả chọn chữ rất khéo.

Cũng có người đối lại bằng câu: “史書書書書古香 Sử thư thư thư thư cổ hương”. Tách câu này ra làm 3 đoạn, được: “史書 / 書書 / 書古香”. Ở đây chữ “Thư 書” có 3 nghĩa: - “Sử thư 史書” (sách sử), “thư” là danh từ. - “Thư thư 書書” là “sách nào cũng vậy”, trạng từ. - “Thư cổ hương 書古香”, chữ Thư này là “viết/ ghi chép”, động từ. Đại ý của câu này: “Sách sử nào cũng đều chép lại hương thơm thời xưa”.

Lại có một vế đối như sau: dùng “Trương Phi 張飛” để đối với kẻ trộm: “Trương phi phi phi phi vân thiên 張飛飛飛飛雲天”. Tách câu này ra làm 3 đoạn, được: “張飛 / 飛飛 / 飛雲天”. - Ở đây “Trương Phi 張飛” là danh từ. tên một danh tướng nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Trong tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, Trương Phi cùng Lưu Bị và Quan Vũ kết nghĩa huynh đệ, Trương ít tuổi, là em út trong 3 người - “Phi phi 飛飛” nghĩa là dáng vẻ đang bay, tạm dịch là “phất phới”, trạng từ. - “Phi vân thiên 飛雲天”, “bay lên trời mây”, động từ. Đại ý câu này là “Trương Phi phất phới bay lên trời mây”.

***

Dưới đây giới thiệu 4 câu đối kèm hoành phi do người Trung Quốc làm trong dịp Tết Canh Tý 2020, được in trong sách “2020鼠年春节对联大全” 2020 thử niên xuân tiết đối liên đại toàn (Tổng tập câu đối Tết năm Chuột 2020). Chú ý: viết bằng chữ Hán giản thể.

1) 一帆风顺吉星到 万事如意福临门. 横批:财源广进 Nhất phàm phong thuận cát tinh đáo / Vạn sự như ý phúc lâm môn. (Dịch ý: Thuận buồm xuôi gió, tốt lành đến / Muôn sự như ý, phúc tới nhà). Hoành phi: Tài nguyên quảng tiến (Tiền của vào như nước).

2) 一帆风顺年年好 万事如意步步高. 横批:吉星高照 Nhất phàm phong thuận, niên niên hảo / Vạn sự như ý, bộ bộ cao. (Dịch ý: Thuận buồm xuôi gió, ngày càng tốt / Muôn sự như ý, bước càng cao). Hoành phi: Cát tinh cao chiếu (Ngôi sao tốt lành từ trên cao chiếu rọi).

3) 一年好运随春到 四季彩云滚滚来. 横批:万事如意 Nhất niên hảo vận tùy xuân đáo / Tứ quý thái vân cổn cổn lai. (Dịch ý: Suốt năm vận may theo xuân đến / Bốn mùa mây đẹp ùn ùn tới). Hoành phi: Vạn sự như ý (Muôn sự như ý).

4) 一年四季春常在 万紫千红永开花. 横批:喜迎新春 Nhất niên tứ quý xuân thường tại / Vạn tử thiên hồng vĩnh khai hoa. (Dịch ý: Một năm bốn mùa, mãi mãi là mùa xuân / Muôn hồng nghìn tía, đời đời hoa nở mãi). Hoành phi: Hỷ nghênh tân xuân (Vui mừng đón xuân mới).

Nguyễn Hải Hoành