Trang nhà > Con người > Hồi tưởng > BẠN VÀ HỌC TRÒ CỦA NHÀ GIÁO NGUYỄN HỮU TẢO (3)
Nhiều tác giả
BẠN VÀ HỌC TRÒ CỦA NHÀ GIÁO NGUYỄN HỮU TẢO (3)
trích từ "Nguyễn Hữu Tảo, người thầy mẫu mực" 2013
Thứ Ba 2, Tháng Sáu 2020, bởi
"Hiếm có ai trong ngành ta đã hội tụ khá đầy đủ những phẩm chất cao quý như nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo. Ở Thầy tỏa chiếu lòng dũng cảm kết hợp với đức kiên trì, tính nghiêm túc, mẫu mực kết hợp với đức khoan dung, đôn hậu; tinh hoa cũ của nhà giáo Việt Nam nhuần nhuyễn với lý tưởng mới, lý tưởng cách mạng của một chiến sĩ cộng sản; với tài năng “Tri hành hợp nhất”, cống hiến suốt đời cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng Tổ quốc phồn vinh, văn minh." — GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Giáo dục — NXB Giáo Dục 1996.
BBT: sau đây là phần 3 trong hồi ký của TS Nguyễn Hải Hoành viết về cha mình — nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo — trích từ sách "Nguyễn Hữu Tảo, người thầy mẫu mực".
Năm 1951, cha được phân công làm Tổng Thư ký Hội đồng Tu thư Trung ương Bộ Giáo dục, (một kiểu Trại viết văn) tập hợp nhiều nhà giáo nổi tiếng về đây làm công tác soạn sách giáo khoa.
Thế là cả nhà dọn từ Kéo Coong Lạng Sơn về một xóm người Thổ gần Chợ Ngọc Yên Bái, ở trong một căn nhà nứa giữa rừng nứa bạt ngàn.
Hồi ấy ông Đào Duy Anh (cũng làm việc soạn sách trong Hội đồng Tu thư) ở gần hay sang thăm cha. Hai người tỷ tê trò chuyện với nhau có vẻ tâm đầu ý hợp lắm, nhưng vì chỉ nói tiếng Pháp cho nên tôi chẳng hiểu gì sất. Anh Đạm võ vẽ biết chút tiếng Pháp bảo hai cụ nói chuyện chính trị thời sự. Bác Đào Duy Anh hay cầm một cuốn sách tiếng Pháp và có lần dẫn theo chị con gái bác, người trắng trẻo, mặc quần áo đen, có giọng nói rất êm tai, anh Đạm bảo là giọng Huế. Hồi ấy tôi cứ mừng thầm là mình sắp có chị dâu, vì thấy cha mẹ có lúc bàn chuyện hỏi vợ cho anh cả chúng tôi.
Hồi ở Hải Phòng có lần Mẹ dẫn tôi đến chơi nhà anh Nguyễn Đình Thi, cũng cùng phố Cầu Đất nhưng ở gần Nhà Hát Lớn. Mẹ anh Thi mở cửa hàng bánh kẹo, đến đây tôi chỉ mải ăn bằng thích các loại kẹo bánh mà không để ý hai cụ nói chuyện gì. Sau này tôi chơi thân với Nguyễn Đình Cát, con thứ tám trong gia đình anh Thi. Hình như Cát có kể rằng mình có ông (hay cụ ? tôi quên mất) là người Ấn Độ. Phải chăng vì thế cả nhà người cao lớn, nước da hơi sẫm và rất thông minh (ưu thế lai ?). Đáng tiếc Cát không may chết sớm vì một tai nạn bất đắc kỳ tử. Hôm đưa đám Cát, tôi có gặp anh Thi ; trò chuyện vài câu anh đã cáo lui vì bận.
Em Công kể lại lời cha: Ngày xưa chính quyền Pháp cứ theo điểm thi tốt nghiệp mà phân công công tác cho học sinh trường Cao đẳng Sư phạm, điểm cao thì dạy Hà Nội, Nam Định…, điểm kém thì đi Móng Cái, Lào … ; không có chuyện xin xỏ, hối lộ. Cha học giỏi nên tuy là con tù quốc sự phạm (cụ Cầu bị tù Côn Đảo 5 năm vì tội âm mưu lật đổ chính phủ bảo hộ) nhưng vẫn được bổ đi dạy trường Thành chung Nam Định. Lớp cha dạy năm 1924 có mấy học trò sau này rất nổi tiếng như Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), v.v… Dạy ở đây được hai năm, sau vụ cha ủng hộ các học sinh của mình tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh, cha bị chính quyền Pháp đổi đi Hải Phòng.
Không ngờ Hải Phòng lại có nhiều điều kiện tốt hơn Nam Định. Khí hậu biển ; ăn uống rẻ, lắm hải sản ; đi lại cũng tiện, ô tô ray chạy hai tiếng đồng hồ là đến Hà Nội. Thành phố đông vui, văn minh chẳng kém Hà Nội lắm.
Học sinh trường Bonnal nhiều người giỏi, về sau là niềm tự hào của đất Cảng : Văn Cao, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng… Họ đều gọi cha tôi là Thầy, gọi mẹ tôi là Cô giáo (dù bà làm nội trợ, chỉ mới biết chữ) và xưng Con rất lễ phép, thân mật. Nhưng suốt đời cha tôi đều gọi học trò là Anh, Chị, thậm chí Ông, Bà nếu họ lớn tuổi (như các giáo viên về học thêm), và xưng Tôi. Cha luôn coi học trò bình đẳng với mình, không bao giờ tỏ ra mình là người nhiều tuổi và hiểu biết hơn, là thầy dạy người ta. Cách xưng hô trịnh trọng ấy mới đầu có thể làm trò bỡ ngỡ, nhất là các trò trẻ. Cha xưng hô như thế rất hợp lý, vì có lẽ do Cha nghĩ rằng sau này trò sẽ vượt thầy về nhiều mặt.
Tập thể học trò là nơi mang lại niềm vui lớn nhất cho thầy Tảo. Có những anh coi thầy như cha, hay đến xin ý kiến thầy về mọi vấn đề ; có anh thường xuyên đến thăm thầy tới mức chúng tôi coi như anh nuôi. Hồi ở Hải Phòng tuy mỗi ngày chỉ lên lớp có vài tiết buổi sáng nhưng hầu như suốt ngày Cha ở trường. Ngoài giảng dạy các môn được nhà trường phân công, Cha còn xin dạy thêm môn thể dục để có nhiều thời gian gần gũi học trò. Cha còn tổ chức họ vào đội Hướng đạo sinh, thường xuyên đưa họ đi tắm biển, cắm trại tại các di tích lịch sử để khêu gợi lòng yêu nước yêu tổ tiên dân tộc.
Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn coi anh Lưu Văn Lợi như anh ruột và thỉnh thoảng đến thăm anh, lần gần đây nhất nhân mừng thọ anh 99 tuổi (6/2012). Anh coi chúng tôi như em, đều đặn về dự các lần giỗ cha mẹ chúng tôi. Viết được cuốn sách nào, anh đều đem về nhà mẹ tôi, đặt lên bàn thờ thắp hương ; trang lót đầu sách viết nắn nót: Kính dâng hương hồn Thầy. Con Lưu Văn Lợi.
Nếu anh không tự nói ra thì chúng tôi không biết cha mình đã đề nghị anh đến nhà mình ăn ở không lấy tiền suốt 4 năm anh học trường Bonnal (1928-1932). Anh kể : Thầy Tảo hay giúp các trò nghèo ; như anh Vũ Văn Hiền thường xuyên được thầy giúp tiền cho đến khi học xong bậc Thành chung, về sau tốt nghiệp tiến sĩ luật ở Paris, từng tham gia phái đoàn Chính phủ ta đàm phán với Pháp tại Đà Lạt năm 1946.
Để giúp anh học trò nghèo Lưu Văn Thi, Cha mời anh làm gia sư dạy mấy con lớn. Tôi hay tò mò bám theo các anh chị. Còn nhớ một hôm anh Thi bảo tất cả xuống nhà ngang. Anh nhúng phần dưới một cái vỏ chai thủy tinh vào nồi nước đang sôi sùng sục trên bếp, rồi nhấc lên và giơ cho xem : cái đáy chai đã biến mất. Chúng tôi « À » lên một tiếng. Anh bảo đấy là do khi đột ngột bị nóng, thủy tinh nở ra làm nứt vỏ chai.
Sau này khi anh Thi bị bắt, chúng tôi mới biết anh là Việt Minh. Trong kháng chiến chống Pháp anh chỉ huy quân đội, lấy bí danh Hoàng Thế Thiện. Thời chống Mỹ anh chiến đấu ở miền Nam, là Phó Chính ủy Miền, Chính ủy Quân đoàn 4, cấp bậc Thiếu tướng.
Anh Văn Cao thuộc lớp học trò đầu tiên của Cha, sau khi ra trường anh không còn liên hệ với Cha. Thế mà khi nghe tin anh túng thiếu sau ngày bị « đánh » do vụ Nhân văn Giai phẩm, cha rất buồn lòng. Em Công kể : một hôm trời mưa to gió lớn, cha mặc áo mưa che kín mặt (sợ bị nhận diện) kín đáo đến nhà Văn Cao ở phố Yết Kiêu biếu anh học trò cũ một số tiền. Năm 1994, Hồng Y Phạm Đình Tụng nhờ em Hải Bật mang đến nhà anh Văn Cao chiếc đài bán dẫn cụ tặng nhạc sĩ (cụ quen anh thời học trường dòng), Văn Cao trò chuyện với Bật và cho biết anh từng có lần về Trung Tự thăm nhà thầy Tảo.
Các học trò của Cha cũng hết lòng với thầy ; sự giúp đỡ của họ vô cùng quý giá — giúp về chính trị. Hồi năm 1945, phát xít Nhật ra sức lôi kéo trí thức Việt Nam tham gia cái gọi là chính quyền Việt Nam « độc lập », thậm chí mời cha làm Đốc học Hải Phòng, nhưng nhờ các học trò ở trong Việt Minh góp ý, cha đã không mắc mưu. Hồi ấy Văn Cao, Nguyễn Hữu Đang, Lưu Văn Thi, Nguyễn Huy Tưởng hoạt động cách mạng hăng lắm.
Năm 2002 khi chuẩn bị cuộc Hội thảo 100 năm sinh chú Nguyễn Hữu Kha (cư sĩ Phật giáo Thiều Chửu), tôi cùng em Đồng đến gặp nhà Hán học Vũ Tuấn Sán. Ông Sán kể : năm 1940 về Hải Phòng đến nhà bạn thân là Nguyễn Huy Tưởng thì người nhà nói đang ở nhà thầy Tảo. Khi đến nhà số 108 phố Cầu Đất thì thấy Tưởng và mấy bạn học đang túc trực bên một tòa nhà đổ nát. Thì ra nhà thầy Tảo vừa trúng bom Nhật. Các học trò nghe tin vội đến đây tự động canh gác và dọn dẹp suốt mấy ngày đêm, không cho người lạ hôi của, để thầy yên tâm đưa gia đình lánh lên Hà Nội. Tình nghĩa thầy trò sâu sắc như thế đấy. □
Xem online : BẠN VÀ HỌC TRÒ CỦA NHÀ GIÁO NGUYỄN HỮU TẢO (2)
N.H.H. con thứ sáu của Cha Mẹ kính ghi