Lý Thường Kiệt (1019–1105)
李常傑
HistoryLý Thường Kiệt làm quan trải qua 3 triều vua: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông. Ông từng chỉ huy trừng phạt Chiêm Thành (1069), tiến đánh 3 châu Khâm, Ung, Liêm (1075–1076) và chặn đứng cuộc xâm lược Đại Việt của quân Tống do Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy. Sử sách Trung Quốc thường chép tên ông là Lý Thường Cát hoặc Lý Thượng Cát.
Nguồn gốc
Ông vốn là người phường Thái Hòa (太和坊) của thành Thăng Long. Thái Hòa cũng là tên một gò đất nhỏ thuộc phường Liễu Giai bây giờ. Theo "Phả hệ họ Ngô Việt Nam" cùng "Thần phổ Lý Thường Kiệt" do Nhữ Bá Sĩ soạn vào thời Nguyễn, nguyên danh của ông là Ngô Tuấn (吳俊), tự Thường Kiệt, con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ, cháu của Sứ quân Ngô Xương Xí và chắt của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập (con trai trưởng của Ngô Quyền), vì được vua ban quốc tính nên mới mang họ Lý. [1]
Còn theo bia "An Hoạch Báo Ân tự bi ký" (lập năm 1100) và bia "Cồ Việt quốc Thái úy Lý công thạch bi minh tính tự" (năm 1159), ông vốn họ Quách, tên Tuấn, tự Thường Kiệt, quê làng An Xá, huyện Quảng Đức (tức Cơ Xá, Gia Lâm), có lẽ sau mới đổi thành phường Thái Hòa. Cha ông làm Thái úy đời Lý Thái Tông, có hai tên khác nhau: theo Đại Việt sử lược là Thái úy Quách Thịnh Ích (郭盛謚), còn An Nam chí lược chép là Thái úy Quách Thịnh Dật (郭盛溢), quê ở huyện Câu Lậu, Tế Giang (nay thuộc huyện Mỹ Văn, Hưng Yên). Theo văn bia của Thái úy Đỗ Anh Vũ, thì cha của Anh Vũ gọi Thường Kiệt là cậu ruột.
Cuộc đời
Năm 22 tuổi, vì vẻ đẹp mà ông được sung làm Hoàng môn Chi hậu, một chức hoạn quan theo hầu vua Lý Thái Tông [2]. Năm 35 tuổi, ông được thăng chức Nội thị sảnh Đô tri. Năm 1054, Thái tử Lý Nhật Tôn kế ngôi xưng là Lý Thánh Tông, ông lên chức Bổng hành quân Hiệu úy, làm võ quan cao cấp. Ông thường can gián do ở cạnh vua, rồi thăng làm Kiểm hiệu Thái bảo.
Việt sử lược ghi rằng "Năm 1061, Ngũ Huyện Giang ở Ái Châu nổi loạn". Theo Việt điện u linh, "vua sai Kiệt làm Kinh phỏng sứ vào Hoan Ái thanh tra và trao quyền tiện nghi hành sự. Ông phủ dụ dân khôn khéo, nên tất cả 5 châu, 6 huyện, 3 nguồn, 24 động đều quy phục và được yên ổn".
Tháng 2.1069, ông theo vua làm tiên phong, bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ. Cuối cùng, Chế Củ chịu dâng 3 châu để được tha về nước. Vì có công lớn, ông được phong chức Phụ quốc Thái phó, kiêm hàm Dao thụ chư trấn Tiết độ, Đồng trung thư môn hạ, Thượng trụ quốc, Phụ quốc thượng tướng quân. Có quốc tính và danh xưng "Thiên tử nghĩa đệ", ông còn được ban tước Khai quốc công.
Tháng 2.1072, Thái tử Càn Đức 7 tuổi lên ngôi Lý Nhân Tông. Thái sư Lý Đạo Thành tôn Hoàng hậu Dương thị làm Hoàng thái hậu buông rèm cùng nghe chính sự. Mẹ đẻ Nhân Tông là Thái phi Ỷ Lan không được dự việc triều đình, bèn dựa vào Thường Kiệt khi đó làm Đô úy ở dưới Lý Đạo Thành. Tháng 6.1072, Nhân Tông nghe mẹ phế truất Dương Thái hậu, giam cùng 72 thị nữ trong lãnh cung rồi chôn theo Thánh Tông. Lý Đạo Thành bị giáng làm "Tả Gián nghị đại phu" ra trấn thủ Nghệ An, từ đó Thường Kiệt làm phụ chính đại thần.
Năm 1075, tể tướng Vương An Thạch tâu với vua Tống rằng Đại Việt bị suy yếu do Chiêm Thành đánh phá, có thể chiếm lấy. Vua Tống sai Thẩm Khởi, và Lưu Di làm tri Quế Châu ngầm dấy binh người Man động, đóng thuyền bè, tập thủy chiến, cấm các châu huyện không được mua bán với Đại Việt. Thái hậu Ỷ Lan sai Thường Kiệt, Tôn Đản đem 10 vạn quân đi đánh. Thường Kiệt chỉ huy quân thủy cùng voi chiến đi đường biển từ châu Vĩnh An (Quảng Ninh) đổ bộ lên đánh các châu Khâm, Liêm; Tông Đản thì vây châu Ung. Thường Kiệt còn cho tiến công Chiêm Thành vào năm 1075 nhưng không thắng lợi.
Ngày 30.12, quân Đại Việt chiếm thành Khâm Châu, bắt toàn bộ quan quân nhà Tống mà không phải đánh trận. Ba ngày sau, Liêm Châu cũng thất thủ. Thường Kiệt cho 1 đạo quân đổ bộ ở Khâm Châu vượt 120km qua dãy núi Thập Vạn lên Ung Châu. Còn đạo đổ bộ ở Liêm Châu tiến sang phía đông bắc, chiếm lấy Bạch Châu. Ngày 18.1.1076, hai đạo hội quân vây chặt Ung Châu do Tô Giám cùng với 2.800 quân cố thủ. Đô giám Quảng Tây là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu bị Thường Kiệt đón đánh ở ải Côn Lôn (nay thuộc tp Nam Ninh) chém chết tại trận. Ngày thứ 42, Ung Châu bị hạ, Tô Giám tự thiêu, dân không hàng bị giết hết hơn 58.000 người. Tổng cộng số người chết ở Khâm, Liêm đến hơn 10 vạn, quân Đại Việt cũng mất 1 vạn người và nhiều voi chiến. Thường Kiệt chiếm xong rồi tiến lên phía Bắc. Quan coi Tân Châu bỏ thành chạy trốn, Thường Kiệt cho rút quân, bắt sống người 3 châu ấy đem về nước cho vào khai phá vùng Hoan - Ái.
Tháng 3.1076, vua Tống sai Tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem 10 vạn quân hẹn Chiêm Thành, Chân Lạp sang đánh Đại Việt nhưng 2 nước kia không dám tiến. Tuy các tướng Nùng Quang Lãm, Nùng Thịnh Đức, Hoàng Kim Mãn, Sầm Khánh Tân, Vi Thủ An, Lưu Kỷ coi các châu ải đầu hàng Tống, riêng phò mã Thân Cảnh Phúc giữ châu Quang Lang (Lạng Sơn) rút vào rừng đánh du kích.
Thường Kiệt đem quân lên lập chiến lũy sông Như Nguyệt, chặn đường từ trại Vĩnh Bình đến sông Cầu bằng cách đặt những đồn và phục binh tại ải Quyết Lý ở phía bắc và ải Giáp Khẩu (Chi Lăng) ở phía nam châu Quang Lang. Sông Cầu từ địa phận Cao Bằng chảy đến Lục Đầu, hợp với sông Bạch Đằng, hầu hết khó vượt. Chỉ khúc giữa của đoạn từ huyện Đa Phúc đến Lục Đầu là phải phòng ngự bờ nam bằng thành đất lũy tre.
Quân Tống với kỵ binh mở đường có lúc đã chọc thủng chiến tuyến và tràn qua sông Như Nguyệt, nhưng đều bị phản kích đẩy lùi. Còn thủy binh Tống do Hòa Mân và Dương Tùng Tiểu chỉ huy đã bị thủy quân Đại Việt do Lý Kế Nguyên chặn đánh ngoài khơi lối vào Vĩnh An. Quân Tống tiến, thoái không xong, hao mòn vì chiến sự và khí hậu, không được thủy quân tiếp viện, 10 phần chết đến 6, 7 phần, dù cũng giết được hai tướng Hoàng Chân và Chiêu Văn. Thường Kiệt biết tình thế giặc đã sai sứ sang "nghị hòa" để quân Tống rút về. Quách Quỳ vội chấp nhận. Triều thần nhà Tống cho rằng "Cũng may mà lúc đó địch lại xin giảng hòa, không thì chưa biết làm thế nào".
Năm 1082 ông thôi chức Thái úy, làm trấn thủ Thanh Hóa 19 năm, đến 82 tuổi (1101) thì được Lý Nhân Tông mời về triều giữ lại chức Nội thị phán thủ đô áp nha hành điện nội ngoại đô tri sự. Những năm cuối, Thường Kiệt còn cầm quân đi đánh Lý Giác ở Diễn Châu (1103). Năm 1104, vua Chiêm Thành là Chế Ma Na[[Chế Ma Na: Jaya Indravarman 2 (1086-1113) đem quân đánh và lấy lại 3 châu Địa Lý v.v... mà vua Chế Củ đã cắt cho Đại Việt. Thường Kiệt lại chinh phạt, buộc Chế Ma Na nộp lại đất ấy.
Tháng 6 năm Ất Dậu (1105), Thường Kiệt mất, thọ 86 tuổi. Lý Nhân Tông truy phong làm Nhập nội điện đô tri Kiểm hiệu Thái úy bình chương Quân quốc trọng sự, tước Việt quốc công, thực ấp 10.000 hộ và cho người em là Lý Thường Hiến (李常憲) được kế phong Hầu tước.
Nơi thờ Lý Thường Kiệt
- Đền Cơ Xá: số 4 phố Nguyễn Huy Tự, phường Bạch Đằng, Hà Nội.
- Đền Ngọc Nương: xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.
- Đền Thiên Tiên: số 120 phố Hàng Bông, phường Hàng Bông, Hà Nội.
- Đền Xà: xã Tam Giang, huyện Yên Phong, Bắc Ninh.
- Đình Nam Đồng: số 73 phố Nguyễn Lương Bằng, phường Nam Đồng, Hà Nội.
- Đình Phúc Xá: số 293 đường Ngọc Thụy, phường Ngọc Thụy, Hà Nội.
Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong
[1] Ly Thuong Kiet was a Vietnamese eunuch, general, an admiral during the Ly Dynasty in Vietnam. He stood out for his conquest of the Champa Kingdom (1069), raiding the three Chinese Southern provinces Kham, Ung, Liem of the Song Empire (1075-1076), and then defeated the Chinese invasion of the Song army led by generals Gou Kui, Zhao Xie.
[2] Hoàng Xuân Hãn và nhiều sử gia ghi rằng Thường Kiệt tự hoạn để tiến thân.