Phuc Nhac pagoda

Chùa Phúc Nhạc (Yên Khánh)

Già Lê Tự

Ninh Bình

©NCCông 2017-2018, Phuc Nhac pagoda

Chỉ dẫn

Chùa Phúc Nhạc có từ thời Lê trung hưng. Tên chữ: Già Lê Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1999). Vị trí: 536G+V6, thôn Phúc Nhạc, xã Khánh Nhạc, H. Yên Khánh, Ninh Bình, Việt Nam. Tọa độ: 20°09′44″N 106°04′32″E. Cách trung tâm Hà Nội: 107km (hướng 5h).

Bản đồ trực tuyến

Du khách theo QL10 đến ngã tư Khánh Nhạc - Yên khánh thì rẽ về phía tây-nam rồi đi thêm 400m sẽ tới nơi.

Lược sử

Từ thời Trần (1225-1400) về trước, huyện Yên Khánh vốn gọi là Yên Ninh. Năm 1593 thời Lê trung hưng đổi tên là Yên Khang. Năm Gia Long 2 (1803) thời Nguyễn đổi là Yên Khánh. Huyện nằm cách thành phố Hà Nội 107km. Địa giới phía tây bắc giáp TP Ninh Bình. Phía tây giáp 2 huyện Hoa Lư, Yên Mô. Phía nam giáp huyện Kim Sơn. Từ phía bắc đến phía đông giáp tỉnh Nam Định qua sông Đáy.

Sân chùa Phúc Nhạc. Photo NCCong ©2018

“Già Lê Tự” là tên chữ ngôi chùa làng Phúc Nhạc, thuộc xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh. Phúc Nhạc có nghĩa là "núi Phúc". Xã có đường quốc lộ QL10 đi qua, nối thành phố Ninh Bình với thị trấn Phát Diệm. Diện tích xã lớn hơn 11km², dân số năm 1999 là 11.733 người, mật độ 1.053 người/km², cao nhất tỉnh Ninh Bình.

Tương truyền chùa Già Lê Tự có từ thời Lê. Cuốn thập niên 1820, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ từng về làng Phúc Nhạc. Được sự giúp đỡ của sư trụ trì Phổ Tế[1], ngài lấy Già Lê Tự làm cơ sở ban đầu để chiêu mộ dân quanh vùng khẩn hoang lấn biển, lập ra huyện Kim Sơn vào năm Kỷ Sửu 1829.[2]

Bia Hậu chùa Phúc Nhạc. Photo NCCong ©2018

Ngày 12 tháng 02 năm 1999, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin Nguyễn Khoa Điềm đã ký quyết định xếp hạng chùa Phúc Nhạc là di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

Kiến trúc

Khuôn viên chùa Phúc Nhạc rộng gần 9.000m2. Mặt chùa hướng nhìn về đất Phật ở chếch phía tây-tây-nam. Sau cổng là một sân gạch với bức bình phong ở giữa, bên trái có nhà Tổ 5 gian kích thước 6,5x5,5m, trai đường 8 gian, nhà khách và nhà Mẫu 5,5x3,5m. Bên tay phải có 8 ngôi tháp mộ, xa hơn một chút là hồ nước nhỏ.

Phật điện chùa Phúc Nhạc. Photo NCCong ©2018

Chùa có mặt bằng kiểu “tiền Nhất, hậu Đinh”, xung quanh xây tường. Toà nhà hình chữ Nhất gồm 3 gian 2 dĩ, kích thước 6,5x5,5m, được xây 2 tầng 4 mái để lấy sáng, dân sở tại gọi là “tam quan”. Tiếp theo là một sân nhỏ rồi đến tiền đường 5 gian, kích thước 5,5x4m, kết nối với thượng điện 4 gian theo hình chữ Đinh.

Di vật

Ngoài đồ thờ cúng và tháp mộ cổ, hai gian giáp tường hồi của tiền đường và bên trong thượng điện có đặt nhiều tấm bia Hậu và tượng Phật giáo khá đẹp. Tổng cộng có tới 17 tấm bia Hậu chạm khắc tinh xảo, tạc tượng 2 đôi vợ chồng và 13 người phụ nữ cung tiến công đức cho chùa Phúc Nhạc.

Nhà Tổ chùa Phúc Nhạc. Photo NCCong ©2018

Di tích lân cận

Chú thích

[1] Sư Phổ Tế họ Lê, sinh năm 1790 tại xã Mộ Xá, tổng Xuân La, huyện Chương Đức, phủ Ứng Hoà. Sư mất năm 1875, được tôn là tổ thứ hai của nhánh Lâm Tế ở chùa Phượng Ban, Ninh Bình.

[2] Nguyễn Công Trứ 阮 公 著 (1778 – 1858) đề xuất mở học xá, thương xá tại Kim Sơn, Tiền Hải nhằm nâng cao dân trí và lưu thông hàng hóa. Sau khi mất, ngài được thờ ở nhiều từ đường và tôn làm thành hoàng của một số làng tại hai huyện trên.

Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCông