Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Khoa học > Sinh-Hoá > Mỹ thử nghiệm thiết bị nuôi ấp giấc mơ Dormio

Mỹ thử nghiệm thiết bị nuôi ấp giấc mơ Dormio

Dormio: A targeted dream incubation device

Thứ Ba 11, Tháng Tám 2020, bởi Cong_Chi_Nguyen

Việc xây dựng giấc mơ của con người cho đến nay vẫn bị coi là chuyện viễn tưởng nhưng nghiên cứu mới đây cho thấy rằng khoa học phát triển về điều khiển giấc mơ còn hơn cả tưởng tượng - và việc xử lý thông tin trong khi ngủ có khả năng được thiết kế từ bên ngoài.

Nhà khoa học thần kinh Adam Haar Horowitz và cộng sự tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT: Massachusetts Institute of Technology) đã phát triển một thiết bị và quy trình điều khiển nội dung giấc mơ của con người khi ngủ bằng cách làm nhớ lại những gợi ý. Các tác giả khác là giáo sư khoa học và nghệ thuật truyền thông Pattie Maes kiêm người đứng đầu nhóm Fluid Interfaces, Tony J. Cunningham đang làm postdoc tại Beth Israel Deaconess Medical Center và Harvard Medical School, Robert Stickgold là giám đốc Trung tâm Sleep and Cognition tại Beth Israel Deaconess Medical Center và giáo sư tâm thần học tại Harvard Medical School.

Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí “Ý thức và Nhận thức” (Consciousness and Cognition) số tháng 8.2020, các tác giả đã mô tả cách thức mà một thiết bị điện tử đeo trên người mang tên Dormio cho phép "nuôi ấp giấc mơ theo chủ đích" (họ gọi là TDI: Targeted Dream Incubation) như thế nào trong giai đoạn đầu tiên của giấc ngủ.

Ở giai đoạn đầu, người ngủ trải qua trạng thái nửa tỉnh nửa mê gọi là hypnagogia. “Trạng thái tâm trí này linh hoạt, lỏng lẻo, mềm dẻo và không hội tụ”, Haar Horowitz giải thích, "Nó giống như việc nâng cao trình độ khi tâm trí lang thang và làm cho nó trở nên đắm chìm - được đẩy và kéo với những cảm giác mới như cơ thể bạn lơ lửng và rơi xuống, với những suy nghĩ của bạn nhanh chóng xuất hiện và mất kiểm soát."

Về mặt cảm giác, hypnagogia có nhiều điểm giống giấc ngủ “mắt chuyển động nhanh” (REM: Rapid Eye Movement), nhưng vẫn có một khác biệt quan trọng. Xin tham khảo bài đăng 19.4.2020: "Rapid eye movement (REM) sleep and seizure control in idiopathic generalized epilepsy", https://www.epilepsybehavior.com/article/S1525-5050(20)30243-2/fulltext. Con người vẫn có thể nghe và xử lý âm thanh trong suốt giai đoạn chuyển giao từ thức tới ngủ và ngược lại. Đây chính là điểm mấu chốt cho phép thiết bị nuôi ấp giấc mơ hoạt động.

Tương tự phương pháp thí nghiệm “tái kích hoạt ký ức theo chủ đích” (TMR: Targeted Memory Reactivation) dựa trên sự khơi gợi hồi ức cụ thể thông qua việc gợi ý trong lúc ngủ, TDI có thể ứng dụng như một công cụ học hỏi giúp cải thiện khả năng củng cố trí nhớ, kích thích sáng tạo và giải quyết vấn đề. TDI chính là quy trình điều khiển nội dung giấc mơ của con người trong khi ngủ nhưng nó đi kèm với một lợi thế cụ thể: đó là thiết bị Dormio, được đeo trên cổ tay giống như một chiếc găng tay chứa đầy cảm biến.

Thiết bị Dornio đeo trên người do Viện Công nghệ Massachusetts chế tạo. Ảnh: MIT.

Khi một người đeo thiết bị Dormio đi ngủ, gợi ý bằng âm thanh được kích hoạt qua ứng dụng liên kết, chẳng hạn "Hãy nhớ nghĩ về cái cây". Đây là chủ đề giấc mơ dùng trong thí nghiệm, được tiến hành với 49 tình nguyện viên. Các cảm biến dữ liệu sinh lý của Dormio gửi tín hiệu đến người đang ngủ. Lúc đó, hệ thống nhanh chóng đánh thức họ, thúc giục họ kể lại những gì lướt qua trong tâm trí khi họ ngủ và ghi lại bằng ứng dụng.

Sau ít phút gián đoạn, tình nguyện viên quay lại với giấc ngủ nhưng chỉ ngủ trong thời gian ngắn. Chuỗi hoạt động mơ, thức dậy và kể lại nhanh giấc mơ sẽ lặp lại liên tục. "Nuôi ấp giấc mơ có chủ đích là quá trình tái kích hoạt ký ức trong lúc ngủ theo cách tích hợp những ký ức có liên quan vào nội dung giấc mơ", nhóm nghiên cứu giải thích. "Mục tiêu của nghiên cứu hiện nay là điều khiển thành công nội dung giấc mơ ở giai đoạn nửa tỉnh nửa mê thông qua gợi ý bằng âm thanh trước lúc ngủ".

Nhóm nghiên cứu vẫn đang căn chỉnh hệ thống, nhưng kết quả thí nghiệm đã cho thấy Dormio tác động thành công tới giấc mơ và có thể ghi lại phần lớn nội dung giấc mơ. Khi Dormio kích thích tình nguyện viên nghĩ về cái cây trước và trong suốt trạng thái hypnagogia, 67% báo cáo về giấc mơ do ứng dụng thu thập đã đề cập tới cây ấy.

"Giấc mơ của tôi liên quan tới một cái cây. Tôi đi quanh rễ cây với ai đó và rễ cây đưa tôi tới những địa điểm khác nhau. Tôi có thể nghe tiếng rễ cây rung động do năng lượng khi chúng đưa tôi đi", một tình nguyện viên kể lại khi thức giấc.

Ngược lại, các báo cáo về giấc mơ lấy từ một nhóm kiểm soát đối chứng —gồm những người chỉ được nhắc nhở để quan sát suy nghĩ của họ— thì hầu như không đề cập đến cây cối.

Ngoài việc giúp hình thành giấc mơ của mọi người, các nhà nghiên cứu cho biết hệ thống Dormio và giao thức ấp ủ giấc mơ của họ có thể được sử dụng cho các kỹ thuật học tập khác nhau liên quan đến việc củng cố trí nhớ dựa trên giấc ngủ - hoặc như một công cụ giúp sáng tạo và giải quyết vấn đề, bằng cách nhắc mọi người nhớ lại một cách có ý thức tư duy linh hoạt và sống động về trạng thái hypnagogia của họ.

Haar Horowitz nói: “Mơ về một chủ đề cụ thể dường như mang lại lợi ích sau khi ngủ, chẳng hạn như các nhiệm vụ sáng tạo liên quan đến chủ đề này.

"Điều này không có gì đáng ngạc nhiên nếu xét về những nhân vật lịch sử như [nữ nhà văn Anh] Mary Shelley hay [hoạ sĩ Tây Ban Nha] Salvador Dalí, những người được truyền cảm hứng sáng tạo từ những giấc mơ của họ. Sự khác biệt ở đây là chúng tôi tạo ra những giấc mơ có lợi một cách sáng tạo này một cách có chủ đích."

NCCông (Theo ScienceAlert và MIT News)


Xem online : Source