Trang nhà > Văn chương > Truyện ngắn > Phép thử cô vi
Trần Chiến
Phép thử cô vi
Thứ Tư 9, Tháng Chín 2020, bởi
—Ôông mế ôông mế…
Cu Miu lẫm chẫm chạy đến, mái đầu xù lúc lắc như múa sư tử. Người đẫm mồ hôi, tay chân mập mạp có ngấn “chỉ thâm”, hơi thở thơm mùi sữa, thể nào nó cũng được ông nội bể bổng lên cho vuốt ve chòm râu chớm bạc. Rồi là bí ba bí bô như hai thằng bạn, khiến vợ cằn nhằn “quá trẻ con”, con dâu đứng bếp tủm tỉm. “Hạnh phúc quá đơn sơ đời tôi đâu có ngờ”, cả nhà đồng lòng “quán triệt” câu hát năm nào. Lũy mới nghỉ hưu vài tháng đã ngại đến cơ quan cũ, thấy mình hợp với cháu hơn con, vợ chồng già ít chuyện trò càng đỡ cãi cọ. Từ trẻ, Lũy đã đĩnh đạc, đàng hoàng, tư chất tư cách một phần, phần chuyên chân cán bộ lớp bí thư đoàn, tức luôn “làm tấm gương” cho anh khác soi. Bây giờ thì làm “người chồng tốt nhịn, người bố hiền từ, người ông hiếu thảo”, hẳn nhiên đảm đương xuất sắc “đến hơi thở cuối cùng”. Nhưng ông chưa thể toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp mới, còn phải gánh khối thứ đồng nghiệp đồng môn đồng tuế trông cậy, như chức “trưởng tràng” [1]. Và tìm mọi cách tránh để địa phương quàng vào cổ những chức phận giời ơi, như phó chi hội trưởng chuyên trách chia buồn của hội Người cao tuổi, ủy viên một tiểu ban ở Hội đồng Nhân dân phường. Phó thường dân mới là được sống cho mình, con người có vô vàn cảm nhận riêng muốn thế.
Lần này Lũy bế cục vàng mà mặt mũi lại bần thần như mất cái gì quý giá. Đời ông tròn trặn, nếp hành xử phải chăng, rất ít khi hoài nghi hay nghĩ xấu về người khác. Thảng hoặc cũng gặp khó, như có người bạn thân chả giận nhau nhưng tự dưng không thể đôi hồi xuồng xã nữa. Hoặc một tập quán hay quan hệ có từ lâu, lặp đi lặp lại đã lì bóng bỗng sứt mẻ, thấy khó tha thiết nữa mà nguyên cớ lại chả thể đánh giá rõ rành là có chính đáng không. Chỉ đôi lần thế rồi tan nhanh quên ngay, chả như chuyện bây giờ. Cái u đang trong lòng Lũy còn nghiêm trọng, vừa thiêng liêng vừa phức tạp hơn nhiều, có cơ thành “ung thư”. Ngọn nguồn, bắt đầu từ rạn nứt giữa thầy phải kính với bạn quen thân. Lũy đã đến cái tuổi tìm tri kỷ mới rất khó, người vốn thân quen xử hồn nhiên chút cũng dễ chạnh lòng, dằn dỗi. Thế nên cứ thẫn thờ, đến mức con dâu phải chùi tay đứng dậy “Thôi Miu ra mẹ đừng quấy ông”.
*
* *
Lũy nhớ như in tiết học đầu tiên, bốn mươi năm trước. Thầy Phán lông mày nổi bướu, vạm vỡ như đô vật bước vào, chả có “mích” như giờ mà giọng vang rền đuổi lũ chim trên cây xà cừ ngoài cửa sổ: “Đời, ai mà lại không ước mơ. Mơ ước là hiện tượng bình thường, quá phổ biến, đến nỗi không được để ý. Nhưng nó lại quan trọng. Vô cùng quan trọng! Và đây là lý do để tôi đích thân truyền thụ cho các anh chị chuyên đề Phương pháp luận mơ ước”. Bao nhiêu là tự tin, cảm hứng được truyền đi, những đôi mắt trong veo lấp lánh khát vọng. “Tôi xuất thân quê nghèo, ăn nhiều khoai đến nỗi giờ đi qua hàng khoai là buồn nôn. Từng phải học trên mình trâu, đi làm vài năm mới vào đại học, tôi gian khó hơn các anh chị đấy. Nhưng giờ tôi lại đứng đây vì tôi là củ khoai có mơ ước và mơ ước đúng cách. Tôi ra trường hai năm đã ra sách, giờ hai mươi bốn à hai lăm đầu sách rồi. Muốn đủ kiến thức truyền thụ phải đọc nhiều lắm, nghiên cứu không ngừng nghỉ. Làm củ khoai nhưng không thể ngủ nhiều mơ nhiều, mà phải động đậy, linh hoạt, nóng hổi, lăn đúng chỗ đúng lúc. Và tuyệt nhiên phải mơ ước đúng chính tả, chấm câu xuống dòng theo phép tắc…”
Rồi ra biết rằng năm nào sinh viên Mơ ước học cũng được nghe những nhời vàng như thế tiết nhập môn. Ma mới cũ đi, những thằng bố láo bố toét gọi trộm Phán là thầy Khoai, bác Khoai, ý tứ vừa kính cẩn vừa cợt nhả. “Mít tơ Khoai” là “tên hiệu” mới và khoái khẩu nhất, do một giảng viên đặt. Ông thầy trẻ này du học u Mỹ về, xem chừng không thụ giáo cụ tiết nào nên chả có phong độ “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Dầu vậy, Lũy như miếng mút xốp nhúng vào thế giới ước mơ, ăn nhời Mít tơ thun thút. Cứ tằng tằng theo, làm học trò chân truyền, ở lại khoa giảng dậy, nghiên cứu cùng tổ bộ môn cụ. Giáo sư về hưu, anh lãnh chân trưởng bộ môn Phương pháp luận, giờ làm “trưởng tràng” [1] của 5 giảng viên, người đã phó giáo sư, người chỉ tiến sĩ chung thân, đều đã nhặt chữ rơi chữ vãi của thầy.
Mơ ước học ngày càng phát triển dưới uy tín, sự dẫn dắt của Mít tơ. Tổ bộ môn chính thức tách thành khoa, sum suê các nhánh “Phép chính tả của mơ ước”, “Tư thế ngủ để mơ ước đúng cách”, “So sánh mơ ước và ước mơ”, “Công nghệ dệt ước mơ mô phỏng mạng nhện, tổ chim”… Xã hội ngày càng trọng bằng cấp nên cơ cấu đào tạo của khoa phát triển theo hình phễu ngửa, số sinh viên bằng một phần ba nghiên cứu sinh thạc sĩ, một phần chín những ông sắp tiến sĩ. Sót đứt ruột là chưa đào tạo được viện sĩ.
Sự phát triển nghiêm túc nào cũng luôn đồng hành với thói nhả nhớt. Ông thầy “đến từ u Mỹ”, vốn là “phen cứng” của đội bóng đá Manchester United bên Anh quốc, cắc cớ đặt cách gọi tắt “khoa MU học” khiến bọn mất dạy liên tưởng những chuyện rất ám muội. Lại còn có cả một bài ca riêng trên cơ sở điệu hò dân gian, đội bóng đá khoa du đấu các tỉnh cứ ông ổng
Niềm mơ ước của người Thanh Hóa
Rau má to bằng cái lá sen
Niềm mơ ước của người Nghệ An
Mả ông bà to bằng rú mẹ
Niềm mơ ước của người Hà Tĩnh
Cả thế giới ăn kẹo cu đơ
Niềm mơ ước của người Quảng Bình
Là đèo Ngang hóa thành đèo Đứng
Niềm mơ ước của người Hà Nội
Là đắp xây kinh tế mới cho Lâm Đồng.
Sau mỗi câu của thằng lĩnh xướng, cả đội lại gào “dô tá dô tà”, khiến người ha hả kẻ nhíu mày, rồi đều cho là trò vui cả. Dân đá bóng ấy mà…
*
* *
Mơ ước học lớn vồng lên, thành thực thể lực lưỡng. Tiếc thay, những con người tiên phong cứ già đi. Giờ Mít tơ Khoai sừng sững, cô độc trên đỉnh cao khoa học, thế hệ kế cận dần nhường chỗ cho hậu sinh. Với tính cách chân phương chu đáo, trưởng tràng Lũy, năm đôi lần dẫn bộ ngũ “trò chân truyền” đến thầy, có “chút quà” ấm lòng. Ngày Nhà giáo đầu tiên, không nhắc “sự tích của khoai”, thầy kể về truyền thống tôn sư trọng đạo xưa. “Chu Văn An là bậc chân Nho, rất nghiêm, học trò cũ cỡ tể tướng như Phạm Sư Mạnh đến, cụ chỉ cho ngồi mươi phút, ai nấy vẫn sợ hãi”. Chả hiểu ý tứ cụ nhưng “hội nhớ nguồn” thấy sờ sợ thật, giữ lệ thật chặt chẽ còn biếu cả tiền “để thầy đỡ phải tiết kiệm”. Là nói thơm tho thế để được nhận cho, chứ ai chả biết về hưu rồi Mít tơ năng động hơn nhiều. Ngồi đôi chục hội đồng khoa học, năm hướng dẫn vài tá nghiên cứu sinh, chả bao giờ chỉ nhận tiêu chuẩn “trần xì nhà nước” thì hẻo thế nào.
Lệ thơm thảo tiến hành sang năm thứ mười lăm thì có biến. Vẫn biết “Ma ra tông nhớ nguồn” thử thách “vận động viên” ghê gớm, Lũy phải choáng khi thằng đào tẩu là Khôi, từng được giáo sư khen “sống trọn vẹn có nghĩa có tình”. Nhưng quê nó lại là vùng đất sản sinh ra những con người cứng rắn, say mê cách mạng, tôn thờ hay bất phục đều thể hiện rõ. “Tôi xin phép không đi nữa. Tôi cũng nghỉ đến nơi rồi”. Trưởng tràng gạn mãi thì ra một nguồn cơn chả ngờ. “Cuốn “Mơ ước hay không mơ ước?” thầy chỉ viết đề dẫn và kết luận, sáu chương khác tôi cầy, rồi nhuận bút thầy bẩy tôi ba. Nhiều cuốn khác cụ chủ biên đều thế, ai cũng biết cũng ấm ách nhưng cứ theo lệ. Tôi không tiếc tiền đâu nhưng uống nước nhớ nguồn thế nào cho một vừa hai phải chứ cứ mãi mãi nhọc lắm”. Người khác bàn “Ông cứ đi, không phải nói năng gì” thì tòi câu khác: “Kể nốt đoạn này rồi các anh chị trách thế nào cũng chịu. Bài “Tương tác giữa trào lưu âm nhạc “Giấc mơ Chalotica” ở Zimbabwe và các nghiên cứu ở Việt Nam trong thế kỷ XXI” đăng tạp chí, tôi đã khoanh vùng đối tượng ngay trên đầu rồi. Thầy có liên quan gì đến âm nhạc đâu, và dù là người tiên phong thì sang thế kỷ này cũng chả viết gì gọi là mới. Thế mà gọi trách sao không nhắc tôi chẳng có lớp trước các anh tương tác thế nào được. Cả tiếng đồng hồ máy nóng ran, tôi nào dám thưa thốt chỉ sợ mình chửi lại”. Khôi nói rất khó khăn, mặt đỏ tía, nhăn nhúm vì phải kiềm chế.
Chả biết phải gọi hành động này là “đào tẩu” hay “khởi nghĩa”, cả hội im thít, không thuyết phục chê trách càng chả. “Bệnh” khó bắt mà dễ lây, trưởng tràng là người lo nhất. Ấy thế mà nó lại khiến chính Lũy phải “sống lại” một kí ức với những cảm nhận, màu sắc hết sức khó gọi tên. Ba mươi năm trước, Lũy xin Mít tơ Khoai hướng dẫn làm tiến sĩ. Hôm nộp đề cương, anh được thầy dốc bầu tâm sự, gia cảnh tôi đang khốn khó thế này mà thằng bố láo nọ đăng báo đánh tôi vì tư tưởng gạo thịt có thể thiếu chứ không thể không có ước mơ. Tâm trạng được san sẻ đang lâng lâng thì thầy lại kể chuyện: “Họa sĩ nổi tiếng nọ vẽ chân dung cho nhà quý tộc trong hai giờ, đòi giá rất cao. Khách hàng bảo vẽ nhanh sao lấy đắt vậy? Anh biết câu trả lời thế nào không”. “Đây là công cả đời tìm tòi sáng tạo của tôi cộng với hai giờ đồng hồ kia”. Thế đấy!”. Trí thức là bọn cả nghĩ nói một này hiểu ra chín mười nọ, nên mỗi lần nộp một chương, Lũy đều kẹp phong bì tiền vào trong. Thầy trò đánh giao hữu theo chiến thuật ấy hết tám chương thì luận văn hoàn thành. Bảo vệ thành công rực rỡ, tất nhiên có đoạn “ngoài ra không kể”.
“Nhớ lại và suy nghĩ”, có tên sách như vậy. Lũy và nhóm “Nhớ nguồn” xác định hô biến vế sau, không “và” gì sất. “Nhớ lại” càng ít càng sống vui sống khỏe. Thế là có thằng nào đi thằng nấy thiếu phần nào không cần bù cho “chẵn”. Thầy đánh giá sao đành chịu không bào chữa hộ. Mà Mít tơ cũng nhạy cảm, không hỏi han đến thằng đào tẩu, nhận quà và phong bì (thiếu đi một phần sáu) như mọi bận. Nhưng tết năm ấy chủ động gọi. “Các anh định đến hôm nào để tôi gác việc khác dành thời giờ tiếp cho cẩn thận. Mà không sơ mi rượu tây nữa nhé hoa cũng thôi. Tôi gốc khoai sắn Pi e Các đanh [2] mặc nó phí đi”. Lũy bỏ máy tần ngần, thầy kết đồng hương với Khôi hay sao mà đổi tính thành rạch ròi thẳng thắn rứa… Ngạc nhiên phát nữa, ngoài tám mươi bữa đều đặn ba bát còn cắn vỡ cục xương, bọn xấu đồn nữ nghiên cứu sinh đến nghe hướng dẫn cứ phải “Thầy cho em xin cái tay để em về ạ”.
Hội Nhớ nguồn vẫn “hoạt động” năm đôi lần, nhờ cố gắng hết mực của trưởng tràng. Nhưng duy trì như cái lệ, vị nồng thắm phai đã nhiều. Mít tơ Khoai tâm lý lắm, lâu lâu chủ động mời “các anh chị” đi chả cá Lã Vọng, nhưng đời nào trò để thầy thanh toán cho được ạ. Đâm mắm tôm chanh cho thìa rượu gạo vào chả dậy mùi.
*
* *
2020, số năm đẹp phết mà toàn chuyện oái oăm. Mở đầu là lệnh cấm ngặt rượu bia khi lái xe khiến dân nhậu ngáp quá cá bị vứt lên bờ. Hàng quán lắm thằng chết khối đứa hy sinh. Tết Canh Tý ai ai chót ba say chưa chai đi đường nem nép sợ cảnh sát bắt hôn ống thử độ cồn. Lũy chả sao, từ trẻ đến giờ luôn cơm nhà lòng vợ lệnh thủ trưởng, tha hồ bế cu Miu dòm dòm tranh Đám cưới chuột mới treo. Các cụ Đông Hồ cũng lạ, lũ chít chít lễ mễ bê gà cá cống nộp ông Mèo sao mặt mũi cứ tơn tớn, đáng phải rầu rĩ chứ.
Ra giêng ít ngày càng tệ. Dịch viêm phổi cấp do con vi rút Covid 19 gây ra bò từ Trung Quốc sang tứ tung lục địa khác. Mỗi ngày mấy trăm người chết, mở đài lên mạng chỉ thấy kêu gọi đeo khẩu trang đừng bắt tay mới cả hôn hít. Đường phố như có ma, vật vờ những cái bóng nhìn nhau đầy cảnh giác. Những đứa ham rong chơi cách ly tại nhà canh ti vi phát rồ, bọn đi nước người về thấy như bị săn đuổi. Thảm đạm thế này thì nêu cao tinh thần mơ ước cũng khó nhỉ, may quá sự nghiệp nấy mình đã trao sang tay đứa khác.
Dân tình trốn hết về quê
Thị xã Hà Nội buồn tê tái buồn
Cầu Thăng Long cầu Chương Dương
Ngẩn ngơ mấy đứa ra đường cách ly
Qua hồ Gươm càng thấy bi
Rùa vàng cứ đội gươm cùn lên khoe [3]
Đang lẩm nhẩm đọc thơ vớ vỉn vớ trên mạng cho cu Miu thưởng thức thì rí reng tin nhắn. Ông đến tôi ngay, đang nhớ quá, của thầy. Ông cụ tám tư lẫn rồi, hội “Nhớ nguồn” mới đến trước Tết, cách có một tháng. Mà hiếu kính mấy cũng chịu, nhà thầy cùng chung cư với thằng yêu phải “em Cô Vi” [4], tất nhiên cũng bị cấm ngặt. Bèn nhắn lại Em Lũy đây ạ thầy nhầm với ai.
Mít tơ Khoai đích thân gọi lại: “Không phải là tôi nhầm đâu. Đang đại dịch, mà con virus hay tấn công người già à người cao tuổi nhất. Đêm qua chợt nhớ đến Nguyễn Du, cách nay đúng hai trăm năm mất vì dịch đấy, còn than ba trăm nữa có ai khóc mình. Tôi chưa dính nhưng rất có thể sẽ “đi”, muốn được các học trò khóc ngay khỏi não nề như đại thi hào. Mong mỏi thế nhưng giờ chỉ còn hi vọng vào anh thôi. Mà không phải vẽ chuyện quà cáp gì đâu”.
Tháng ba 2020
Trần Chiến
Tiền Phong chủ nhật đăng ngày 31/5/2020
[1] Gần giống trưởng lớp thời học chữ Nho.
[2] Tên hãng thời trang.
[3] Nhại thơ Đỗ Doãn Phương.
[4] Gọi đùa con virus Covid 19.