Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Lịch sử > Cổ đại > Vương quốc Dạ Lang

Vương quốc Dạ Lang

Thứ Bảy 10, Tháng Mười 2020, bởi Cong_Chi_Nguyen


Năm 2001, các nhà khảo cổ học TQ đã khai quật di chỉ Khả Lạc (Ye le 可乐) tại Quý Châu, TQ. Kết quả khai quật khẳng định sự tồn tại và phát triển của vương quốc Dạ Lang (Ye lang 夜郎) của người Di.

Hán Vũ Đế bành trướng

Chuyện cũ

Thế kỷ V, Hậu Hán Thư chép: Nước Dạ Lang phía đông liền quận Giao Chỉ, nước này ở phía nam hồ [Động Đình], có quân trưởng (vua) vốn sinh ra từ cây tre, nhân đó lấy làm họ Trúc. Thế kỷ XV, Ngô Sĩ Liên viết Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trong phần Ngoại Kỷ có nhắc đến Dạ Lang, Ba Thục, Động Đình, v.v.. nhưng không ghi rõ cách thức xâm lược và tiêu diệt nước Dạ Lang của vua quan nhà Hán.

Chủ nhân vương quốc Dạ lang và văn hóa Khả Lạc là người Di (Yi 夷) có lẽ được gọi theo nghĩa "không văn minh", "man rợ" ... để chỉ các quốc gia, tộc người sống ở phía Tây Nam vùng Trung Nguyên thời Tần, Hán. Một chữ Hán khác được dùng chính thức để chỉ người Di là 彝族 (Di tộc) có lẽ được sử dụng sau này.

Ở Việt Nam hiện nay, người Di được gọi là người Lô Lô, dân số khoảng gần 4.000 người phân bố chủ yếu ở Cao Bằng và Hà Giang trong khi ở Trung Quốc người Di có khoảng gần 8 triệu người, phân bố ở Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu và một chút ở Quảng Tây.

Dạ Lang (夜郎 Yèláng) là một vương quốc hoặc liên minh bộ lạc thành lập vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN trên các cao nguyên giáp miền Ba Thục ở phía bắc, hồ Động Đình ở phía đông và nước Điền của dân tộc Lô Lô ở phía tây Vân Nam. Trước đó đã tồn tại Tang Kha (牂柯), một nước cổ đã có sự tiếp xúc với Trung Nguyên. Đến thời Chiến Quốc, Tang Kha bị thuộc quận Kiềm Trung của nước Sở.

Dạ Lang phồn thịnh cho đến khi nhà Hán làm chủ khu vực Trung Nguyên và bắt đầu dòm ngó đất đai của các láng giềng. Theo sử gia Tư Mã Thiên, trong các bộ tộc phía tây nam nước Đại Hán thì Dạ Lang là nước hùng mạnh nhất với hàng chục vạn quân tinh nhuệ và tàu bè của họ đi lại trên sông rất tấp nập [1]. Năm 136 TCN Hán Vũ Đế cử Đường Mông làm Trung lang tướng dẫn 1000 binh sĩ và mấy vạn dân đem theo lương thực và công cụ sản xuất từ Ba Thục vượt qua ải Phù Quan đến Dạ Lang ban tặng của cải. Dạ Lang vương sợ oai nên cho phép Đường Mông đặt trị sở và cử con trai Dạ Lang hầu làm Lệnh quan.

Năm 130 TCN Vũ Đế ra lệnh lập quận ở Dạ Lang và chọn Bậc Đạo làm quận lị rồi bắt quân sĩ 2 quận Ba Thục mở đường từ Bậc Đạo thông đến sông Tường Kha. Tư Mã Tương Như [2] dâng thư xin Vũ Đế đặt quận huyện tại đất Cùng [3] và đất Trách [4] thuộc Tây Di. Được cử làm Trung lang tướng, Tương Như mua chuộc và đe doạ các thủ lĩnh dân thiểu số ở đó để họ đồng ý cho nhà Hán đặt ra hơn chục huyện và 1 đô úy trực thuộc Thục quận.

Sau đó Vũ Đế bãi chức Tương Như bị tố giác nhận hối lộ, vua lại cho 8 hiệu úy chỉ huy tội nhân tấn công vùng Thả Lan [5] giết mấy vạn người rồi đặt quận Tường Kha tại khu vực Nam Di này. Mảnh đất cuối cùng của Dạ Lang hoàn toàn bị chiếm hết vào năm 111 TCN và nhà Hán lập ra quận Kiện Vi.

Chuyện mới hơn

Theo Nghiên Cứu Lịch Sử, thập niên 2000 tại xã Khả Lạc, huyện Hách Chương, tỉnh Quý Châu, các nhà khảo cổ đã khai quật được hơn 200 ngôi mộ của quý tộc, đây là lần tìm ra đồ tùy táng phong phú nhất trong quá trình khảo cổ nước Dạ Lang. Vì vậy, sự kiện này được xếp là “một trong 10 phát hiện khảo cổ quan trọng nhất của TQ năm 2001.” Nơi đây đã từng sinh ra nền văn hóa Dạ Lang với nội hàm phong phú và sức hấp dẫn vô tận. Sau khi nước Dạ Lang bị mất, do các nguyên nhân như: khu hành chính thay đổi, dân tộc di cư và không có ghi chép văn hiến, cho nên lịch sử của nước Cổ Dạ Lang rất lờ mờ, trở thành điều bí ẩn nan giải.

Từ Bục điểm tướng đến gạch đời Tần, ngói đời Hán... khai quật được đều có thể suy đoán ra cảnh phồn thịnh của nước cổ Dạ Lang. Phổ biến nhất là phương thức an táng kiểu “chụp đầu”: dùng dụng cụ nấu ăn gần giống cáu chảo hình trống làm bằng đồng chụp lên đầu người chết. Ngoài ra còn có một số phương thức an táng đặc biệt: thí dụ như lấy chậu rửa mặt chụp lên mặt người chết, hoặc đệm dưới đầu người chết, cắm chéo giáo đồng từ hai bên đầu người chết... An táng kiểu “chụp đầu” và các phương thức đặc biệt khác chưa hề được phát hiện tại các khu vực còn lại của TQ.

Những đồ đồng đen khai quật trong mộ cổ xã Khả Lạc không những đã lấp chỗ trống cho nền văn hóa đồng đen của tỉnh Quý Châu, mà còn đậm đà mầu sắc dân tộc. Ví dụ như: đồ dùng nấu ăn hình trống, chảo đồng hai quai đứng, giáo đồng đen, kiếm đồng đen, v.v tạo hình độc đáo, tại Trung Nguyên và các khu vực khác đều chưa từng nhìn thấy đồ đồng đen tạo hình như vậy, qua đó có thể thấy nền văn hóa đồng đen của nước Dạ Lang có hệ thống riêng.

Quát địa chí chép: “Châu Tạc vốn là chỗ ngoài phía tây quận Thục, là chỗ của người Miêu Khương, người Tủy.” Sách ẩn viết: Phục Kiền nói: “Là tên hai nước.” Vi Chiêu nói: ”Huyện Tư thuộc quận Thục, huyện Tạc thuộc quận Việt Tủy.” Theo Chính nghĩa: “Các châu Côn-Lang vốn là nước Điền, cách tây kinh năm ngàn ba trăm bảy chục dặm. Có hàng chục quân trưởng ở chỗ từ nước Điền lên phía bắc, lớn nhất là quân trưởng nước Cung Đô, người ở đây đều búi tóc, cày ruộng, có làng ấp. Ở phía tây ngoài chỗ ấy từ huyện Đồng Sư về phía đông... người ở đây đều bện tóc, dời theo bầy vật nuôi, không thường ở một chỗ, không có quân trưởng, đất rộng khoảng mấy ngàn dặm. Có hàng chục quân trưởng ở từ chỗ của người Tủy về phía đông bắc, lớn nhất là quân trưởng nước Tư-Tạc.”

Theo Wikiwand: “Đất Dạ Lang cũ trải rộng trên phần lớn tỉnh Quý Châu và một phần tỉnh Quảng Tây hiện nay. Nhà Đường đặt tên tỉnh Củ Châu (矩州), thời Mông Nguyên chữ Củ ("khuôn phép") được đổi thành Quý 貴 ("sang trọng"). Phía bắc Quý Châu có dãy núi Đại Lâu chếch ngang với cửa ải thông sang tỉnh Tứ Xuyên là Lâu Sơn Quan cao 1444 mét. Miền trung và phía nam có dãy Miêu Lĩnh (Núi Mèo) chạy dọc, đỉnh cao 2.178m là Lôi Công Sơn. Phía đông bắc có dãy Vũ Lăng kéo đến giáp hồ Động Đình, đỉnh cao 2.572m là Phạm Tịnh Sơn. Phía tây có Ô Mông Sơn cao 2.900m. Điểm thấp nhất với 148m trên mực nước biển là vùng sông suối ở khu vực ranh giới tỉnh thuộc huyện Lê Bình, châu Kiềm Đông Nam (khu tự trị dân tộc Miêu–Đồng).”

Trung Động hay Hang Miêu (Miao Room) là hang động tự nhiên to thứ nhì thế giới. Các sông Ô Giang, Bắc Bàn, Nam Bàn, Đô Liễu có tiềm năng thủy lực lớn và thác Hoàng Quả Thụ trên sông Bách Thủy rất nổi tiếng. Tuy vậy Quý Châu là một trong những vùng đồi núi ít được du lịch biết đến, lại bị sa mạc hóa và thiếu nước. Thủ phủ Quý Dương nằm giữa tỉnh và có dấu tích người ở từ thế kỷ VII trước Công nguyên. Thành phố hiện nay phình to đáng kinh ngạc và đông dân cư hơn cả Rome, Berlin, Los Angeles... Đa số họ là người Hán tụ tập về đây và đang khai thác tài nguyên đến mức gây báo động về ô nhiễm môi trường.

Quý Châu là một tỉnh nghèo ở Trung Quốc, người Miêu đã từng nhiều lần nổi dậy chống lại triều đình xưa kia, có những cuộc khởi nghĩa kéo dài hơn chục năm như 1795–1806 và 1854–1873. Năm 2018, tỉnh đứng thứ 19 về số dân với 35,5 triệu người và thứ 25 về kinh tế với 1.481 tỉ NDT. Tỉnh giàu tài nguyên thiên nhiên và rất đa dạng văn hóa với 37% dân số thuộc các sắc tộc ít người như Miêu, Dao, Bố Y, Đồng (Tráng), Thổ Gia, Di, Thủy, Ngật Lão, v.v..


Xem online : Trung Động - Hang người Miêu


BTV: Đông Tỉnh NCCong


[1Tư Mã Thiên 司馬遷 (145–86 TCN) Sử ký, q.116: Tây Nam Di liệt truyện

[2Tư Mã Tương Như 司馬相如 (179–117 TCN) một văn sĩ nổi tiếng vì chinh phục được goá phụ xinh đẹp Trác Văn Quân bằng tiếng đàn

[3Nay thuộc Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên

[4Nay thuộc huyện Diêm Nguyên, Tứ Xuyên

[5Phía tây nam huyện Hoàng Bình, Quý Châu