Trang nhà > Tư duy > Đổi mới > Những cái nhất của Thụy Điển
Những cái nhất của Thụy Điển
Thứ Bảy 23, Tháng Sáu 2007
Công bằng, bình đẳng, ít tham nhũng nhất
Đây là đặc điểm nổi bật của đất nước rộng gần gấp rưỡi Việt Nam và chỉ có gần 9 triệu dân này. Tuy rất giàu và có các công ty nổi tiếng như ô tô Volvo, may mặc H&M (lớn nhất châu Âu), nhưng các nhà tư bản ở đây không tham lam vơ tiền của vào túi họ mà thực hiện sự phân phối công bằng nhất thế giới. Truyền thống dân tộc 5000 năm lịch sử và luật pháp Thụy Điển không cho phép tồn tại bất công và tham nhũng. Cả nước chỉ có một số cực ít doanh nhân xuất sắc, như Tổng Giám đốc Volvo mới có thu nhập trên 1 triệu Krona/năm (7,47 Krona = 1 USD). Nhìn chung chênh lệch về thu nhập thực tế của tuyệt đại đa số là nhỏ. Tiền lương đã trừ thuế của Thủ tướng chỉ bằng 2-3 lần lương công chức bình thường. Ngoài lương ra, người lãnh đạo không có bất kỳ phụ cấp nào. 10% người giàu nhất nước chiếm có 20,1% của cải xã hội (ở Mỹ là 28,5, Trung Quốc 30,9%). Luật pháp quy định: chỉ Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng mới được cấp ô tô công vụ, còn tất cả các quan chức khác đều đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng hoặc xe riêng tự lái; Bộ trưởng chỉ được phép nhận quà tặng có giá trị không quá 1500 Krona (khoảng 180 USD); cao hơn thì quà tặng thuộc về nhà nước. Thuế thu nhập lũy tiến có thuế suất rất cao; thậm chí tới 70% đối với người có thu nhập cao. Nhờ đó nhà nước nắm được 2/3 thu nhập quốc dân và có nguồn để thực hiện sự phân phối công bằng trong xã hội.
Diễn đàn kinh tế thế giới năm ngoái bình chọn Thụy Điển là quốc gia thực hiện nam nữ bình đẳng nhất thế giới – 80% phụ nữ đi làm; nữ chiếm 40% số nghị viên quốc hội; một nửa thành viên chính phủ là nữ. Năm nay, một đoàn thể phụ nữ Thụy Điển ra tuyên bố phải “đánh đổ tình trạng nam giới nắm chính trị”; họ giành được sự ủng hộ của ít nhất ¼ số dân Thụy Điển. Tuy đoàn thể đó cuối cùng phải giải tán vì nội bộ bất đồng về các chính sách như đề xướng hủy bỏ hôn nhân, sử dụng họ tên không phân biệt nam nữ, dù sao sự việc này cũng cho thấy trào lưu tư tưởng bình đẳng ở Thụy Điển rất mạnh. Một nữ giáo sư trường đại học Stockholm nói: “Trong lịch sử, vì Thụy Điển là một nước nhỏ yếu, nghèo khổ nên nam nữ đều phải chung sức cố gắng làm việc; mọi người không để ý tới sự phân biệt nam nữ.”
Sạch nhất
Mới đây chính phủ Thụy Điển tuyên bố: trong vòng 15 năm họ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không dùng xăng dầu. Trong khi các nước khác lo ngại trước việc giá dầu mỏ tăng lên thì người Thụy Điển chẳng có gì phải lo. Năng lượng hạt nhân và thủy điện hiện dùng sẽ bị thay thế bằng “khí mê tan sinh vật” (biogas) lấy từ phân, rác ... Để khuyến khích, chính phủ tuyên bố các lọai ô tô dùng biogas được miễn nộp thuế cầu đường, tiền đỗ xe v.v…. Nhờ đó năm ngoái số xe “sạch” ấy tăng 4 lần; dự kiến đến cuối năm nay sẽ chiếm 20% tổng số xe bán được.
Kinh tế thành công nhất
Hiện nay kinh tế Thụy Điển phát triển tốt nhất châu Âu, tăng trưởng năm 2005 đạt 2,7%; dự tính đến năm 1010 có thể đạt mức 15%. Nhờ có nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như ô tô Volvo, rượu vốt ca, hàng may mặc H&M … Thụy Điển được Diễn đàn kinh tế thế giới xếp thứ 3 trong số các nước có sức cạnh tranh nhất thế giới, chỉ sau Mỹ và Phần Lan.
Xét theo chỉ tiêu do Trung tâm dữ liệu IDC Canada điều tra công bố, Thụy Điển xếp thứ nhất ba năm liền trong bảng xếp hạng của IDC, vì họ có nền kinh tế ổn định, thực lực mạnh, nhiều nhân tài cao cấp và cơ sở hạ tầng rất tốt. Họ rất coi trọng mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp với giáo dục, tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu hàng năm cao nhất thế giới, do đó nhiều công ty hàng đầu thế giới về thông tin, điện tử đều lập trung tâm nghiên cứu tại Thụy Điển.
GDP Thụy Điển năm 2005 bằng khoảng hơn 268 tỷ USD, trong đó dịch vụ chiếm hơn 70%; GDP đầu người 29800 USD. Ngân sách nhà nước: thu hơn 210 tỷ USD, chi gần 206 tỷ USD. Tỷ lệ thất nghiệp 5,8%, tỷ lệ lạm phát 0,5%. Bình quân 2 người dân có 1 ô tô, 1 ti vi. 9 triệu dân mà có gần 6,5 triệu máy điện thoại cố định và hơn 8,4 triệu điện thoại di động, gần 5,2 triệu người sử dụng Internet.
Tuy giàu có nhưng thủ đô Stockholm của Thụy Điển chẳng phải là nơi xa hoa phung phí. Trong bảng xếp hạng về chỉ số tiêu dùng sinh hoạt của 141 thành phố lớn công bố đầu năm nay, Stockholm xếp thứ 36, sau thủ đô các nước Bắc Âu khác như Copenhaghen (8), Oslo (10).
Phúc lợi xã hội tốt nhất
Thụy Điển thi hành chính sách phúc lợi bảo đảm mỗi người dân từ lúc lọt lòng cho tới lúc chết đều có cuộc sống đầy đủ. Người lao động về hưu đều có lương hưu đủ sống; người già yếu nếu thích có thể vào viện dưỡng lão của nhà nước, được chăm sóc y tế miễn phí, điều kiện sống tương đương khách sạn 3 sao. Người thất nghiệp được định kỳ lĩnh tiền cứu tế, được nhà nước miễn phí giới thiệu việc làm trong phạm vi toàn quốc; nếu nơi làm việc mới cách xa chỗ ở, nhà nước có thể giúp một phần kinh phí dọn nhà. Toàn dân được đi học không mất tiền suốt đời; luật qui định từ nhà trẻ cho đến bậc trung học, nếu trong lớp có một học sinh nước ngoài, thì nhà trường phải bố trí một giáo viên biết tiếng mẹ đẻ của em đó, mỗi tháng phải lên lớp một số giờ bằng tiếng mẹ đẻ cho em này. Sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm và chưa muốn rời trường thì có thể học tiếp miễn phí. Phụ nữ được nghỉ đẻ 18 tháng, 12 tháng đầu hưởng 100% lương, 6 tháng cuối 90%; nếu đến tháng thứ 18 lại có thai sẽ được nghỉ tiếp hưởng 90% lương; khi sinh con lại được hưởng chế độ nghỉ đẻ 18 tháng. Nếu vợ làm công việc quan trọng không thể hoặc không muốn nghỉ đẻ lâu, thì chồng có thể nghỉ thay vợ. Người bị tạm giam hoặc bị tù được nuôi ăn ở không mất tiền, mỗi tháng được lĩnh một khoản tiền mặt trợ cấp không nhỏ... Nhờ phúc lợi xã hội tốt, đời sống cơ bản của mỗi người dân bao giờ cũng đều có sự bảo đảm cần thiết. Vì thế xã hội yên ổn, trật tự kỷ cương. Tuổi thọ bình quân nam giới đạt 77,3 tuổi; nữ 82,8 tuổi.
Tốt bụng nhất
So với các nước khác, Thụy Điển dành tỷ lệ cao nhất trong thu nhập quốc dân của mình để giúp các nước nghèo; viện trợ chính thức cho nước ngoài (ODA) năm 1997 đạt 1,7 tỷ USD. Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên viện trợ cho Việt Nam từ rất sớm, rất vô tư và viện trợ rất lớn cho tới ngày nay.
Người Thụy Điển có thái độ thân thiện hơn (so với các nước châu Âu khác) đối với người nhập cư, gọi họ là “người Thụy Điển mới”. Dân nhập cư từ nước ngoài hiện chiếm 12% số dân nước này, tương đương mức của Mỹ, cao hơn Anh và Pháp.
Ông Nobel, một nhà phát minh đại tài người Thụy Điển trước khi chết đã di chúc dùng tiền lãi từ gia tài khổng lồ ông để lại vào việc tặng thưởng cho bất cứ ai làm lợi nhiều nhất cho nhân loại. Giải thưởng Nobel được trao cho hàng trăm nhà khoa học và nhà hoạt động xã hội, văn học trên toàn thế giới suốt từ năm 1911 tới nay là một thí dụ cho thấy lòng tốt vô tư của người Thụy Điển.
Chính trị thành công nhất nhưng lại bị Mỹ ghét nhất
Do có đường lối tiến bộ hợp lòng dân, đảng Xã hội dân chủ (XHDC) Thụy Điển luôn giành được đa số phiếu trong các cuộc bầu cử quốc hội. Trong cuộc bầu cử tháng 9 năm nay, đảng XHDC chiếm 37,2% số phiếu và chiếm 130 trong số 349 ghế ở quốc hội. Nhờ đó đảng đã nắm quyền lãnh đạo nước này gần như liên tục trong suốt hơn 70 năm qua và đem lại sự thành công vững chắc trên các mặt chính trị, xã hội và kinh tế, khiến Thụy Điển trở thành hình mẫu của toàn thế giới. Đảng XHDC Thụy Điển coi đảng họ là đảng xã hội chủ nghĩa và Thụy Điển là nước theo chủ nghĩa xã hội dân chủ. Từ một nước lạc hậu nhất châu Âu hồi đầu thế kỷ XX, Thụy Điển vươn lên hàng ngũ nước giàu nhất thế giới và liên tục giữ vị trí đó. Thập niên 30 thế kỷ trước, một nhà báo Mỹ viết sách “Thụy Điển : con đường trung gian”, trình bày việc nước này “thực hiện sự trung hòa có tính xây dựng giữa chế độ tư bản với chế độ XHCN”. Từ đó trở đi, các nhà xã hội học và kinh tế học cả thế giới hăng hái nghiên cứu bí quyết thành công của Thụy Điển.
Thành công của họ thể hiện ở những cái nhất đã nói ở trên. Nếu không vì khí hậu lạnh thì Thụy Điển đã trở thành nơi hấp dẫn dân di cư khắp thế giới. Hầu hết những người Mỹ vì bất đồng chính kiến với chính phủ mà phải ra nước ngoài tị nạn đều chọn Thụy Điển, dù Mỹ luôn tự khoe là nước họ dân chủ bình đẳng nhất.
Chính giới và báo giới Mỹ hay nói nhiều về các mặt tiêu cực của xã hội Thụy Điển. Năm 1960, Tổng thống (TT) Mỹ Eisenhower công khai chê Thụy Điển là một nước đày rãy các hiện tượng “phạm tội, say rượu và tự tử”, và quy kết đó là do chế độ phúc lợi quá ư rộng rãi của nước này. Không ít người Mỹ ủng hộ quan điểm của Eisenhower. Ai cũng biết quan hệ của Mỹ với Liên Xô và Trung Quốc có lúc xấu lúc tốt, song với Thụy Điển thì Mỹ luôn có thái độ thù nghịch. TT Nixon từng có thời cắt quan hệ ngoại giao với nước này. Thông thường Mỹ chỉ có thái độ như thế với các nước chuyên chế hoặc dung túng bọn khủng bố. Riêng với Thụy Điển - một nước châu Âu dân chủ, không lớn mạnh, luôn ôn hòa - mà Mỹ đối xử như vậy, thật là chuyện lạ ! Nguyên nhân có thể là do Thụy Điển áp dụng các chính sách làm cho thế lực bảo thủ ở Mỹ không ưa thích, như đánh thuế cao, chế độ phúc lợi suốt đời người, quan tâm nhiều đến việc bảo vệ môi sinh v.v…Không những chỉ về hình thái ý thức mà các bất đồng khác cũng khá lớn. Người Thụy Điển khiêm tốn, cẩn trọng, khác với nhiều người Mỹ. Họ cũng chẳng sợ gì mà không vạch những cái xấu của chính quyền Mỹ. Họ từng đi đầu thế giới phương Tây trong phong trào chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam trước đây. /.
Nguyên Hải