Want to Live Longer? Eating Less Might Be the Key
Ăn ít thì sẽ sống lâu?
Một bạn hỏi: Làm gì để sống lâu? Dưới đây là 1 quan điểm có thể tham khảo, nhưng cần thận trọng, chớ vội làm theo những gì nói trên mạng:
Có lẽ mọi người đều nghĩ rằng chỉ những ai muốn giảm béo mới cần bớt khẩu phần ăn hàng ngày. Thế nhưng khoa học ngày nay phát hiện thấy dường như việc giảm lượng calorie hấp thu thì có thể kéo dài tuổi thọ của nhiều loài sinh vật, từ loài đơn giản như nấm men (yeast) và giun cho tới các loài gậm nhấm như chuột, và có thể đối với loài người cũng vậy.
Ngay từ năm 1713, một nhà khoa học Nhật đã lần đầu tiên đưa ra thuyết ăn ít thì có lợi cho việc kéo dài tuổi thọ. Một năm sau, ông này qua đời ở tuổi 84 — ở thế kỷ XVIII như vậy là thọ lắm. Thế nhưng mãi cho đến gần đây các nhà khoa học mới bắt đầu thấy rằng giảm lượng calorie hấp thu thì có thể kéo dài tuổi thọ con người, bởi lẽ điều đó làm thay đổi cơ cấu quần thể vi khuẩn trong đường ruột.
Mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta thì ứng với 10 tế bào không phải của con người. Có khoảng 100 tỷ vi khuẩn sống ký sinh trong đường ruột của ta, chúng có tác dụng phối hợp với nhau tiếp xúc với các chất dinh dưỡng, phân hủy thức ăn, giúp cơ thể con người dễ hấp thu dinh dưỡng.
Kết quả nghiên cứu công bố năm 2013 của một nhóm nhà khoa học Trung Quốc dưới sự chỉ đạo của Triệu Lập Bình (Zhao Liping), giáo sư trường Đại học Giao thông Thượng Hải (Shanghai Jiao Tong University), Viện sĩ Viện Khoa học Vi sinh vật Mỹ *, cho thấy: giảm một phần ba lượng calorie do chuột hấp thu thì có thể xúc tiến sự tăng trưởng loại vi khuẩn đường ruột có liên quan tới việc kéo dài tuổi thọ của chuột. Nhóm này đã hạn chế lượng calorie cho chuột hấp thu trong thời gian sống của chúng và ghi chép sự biến đổi thành phần quần thể vi khuẩn trong ruột chúng.
Khoa học đã biết rằng một số loại vi khuẩn có liên quan đến khả năng sống lâu của sinh vật. Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy khi cho chuột ăn ít thì số lượng vi khuẩn hữu ích này tăng lên và số lượng vi khuẩn có liên quan tới giảm thọ thì giảm đi.
GS Triệu Lập Bình cho biết, giảm 30% lượng calorie hấp thu có thể thay đổi rõ rệt cơ cấu thành phần quần thể vi khuẩn đường ruột: làm tăng lượng vi khuẩn hữu ích (thí dụ khuẩn lactic acid), đồng thời làm giảm lượng vi khuẩn có thể gây bệnh. Khi đó mức độ kết hợp đường LPS (脂多糖 Lipopolysaccharide, tác nhân gây ra chứng viêm) với protein sẽ bị hạ thấp. Ông giải thích: nếu biến đổi cơ cấu thành phần của quần thể vi khuẩn đường ruột thành trạng thái lành mạnh hơn thì điều đó có nghĩa là vật chất chế tạo ra nội độc tố (endotoxin; esotoxin) sẽ bị giảm bớt, vi khuẩn hữu ích tăng lên, lượng nội độc tố đi vào máu sẽ giảm đi. Hiện nay nhóm của ông đang nghiên cứu tiếp các loài vi khuẩn hữu ích.
Chứng viêm cấp thấp mãn tính bao giờ cũng gắn liền với các bệnh béo phì, tiểu đường và các bệnh tuổi già. Nói cách khác, việc hạ thấp lượng calorie hấp thu có ưu điểm là làm cho quần thể vi khuẩn trong ruột cân bằng hơn, nhờ đó hạ thấp tỷ lệ mắc chứng viêm.
Giảm lượng calorie hấp thu dường như cũng có lợi cho não. Các nhà khoa học ở Học viện Công nghệ Massachusetts cho biết việc đó giúp phòng ngừa sự thoái hóa não có liên quan tới các bệnh tuổi già như Alzheimer và Parkinson. Họ lấy chuột làm mô hình mô phỏng tình trạng thoái hóa não ; sau khi giảm 30% lượng calorie cho chuột hấp thu, họ đã thành công trong việc làm chậm quá trình thoái hóa não, và lũ chuột này cũng không mắc các trở ngại về học tập và trí nhớ. Ngoài ra họ còn tiêm thuốc cho chuột để kích hoạt một chất protein có tên là Sirt1 ; khi đó chức năng não được bảo toàn tốt hơn. Loại protein này có công hiệu như bộ truyền cảm dinh dưỡng trong tế bào của chúng ta ; khi hạn chế lượng calorie hấp thu sẽ kích hoạt được chất Sirt1. Nói cách khác, chất Sirt1 có vai trò quan trọng trong việc giảm lượng calorie hấp thu để bảo vệ chức năng của não.
Một nhóm nhà khoa học ở Học viện Y khoa thuộc Đại học Washington đã nghiên cứu sự hoạt động của chất Sirt1 trong não, qua đó làm chậm quá trình lão hóa, kéo dài tuổi thọ. Họ tìm cách tạo ra một lượng quá mức chất protein Sirt1 trong não chuột, và phát hiện thấy chất Sirt1 đã kích thích hoạt động thần kinh não, làm cho cơ xương (skeletal muscle) biến đổi mạnh về mặt vật lý. Chuột 20 tháng tuổi (tương đương con người 70 tuổi) mà vẫn chạy nhảy nhanh nhẹn như chuột 5 tháng tuổi. Tuổi thọ chuột cái tăng 16%, chuột đực — 9%. Tính đổi cho loài người thì tuổi thọ của phụ nữ sẽ tăng 13-14 năm, bình quân bằng khoảng 100 tuổi, đàn ông — tăng 7 năm, bình quân thọ 85 tuổi.
Benjamin Lee, chuyên gia dinh dưỡng ở Cục Xúc tiến sức khỏe Singapore kiến nghị giảm cảm giác đói khi hạn chế lượng calorie hấp thu bằng cách không giảm lượng thực phẩm ăn vào nhưng chỉ ăn loại thực phẩm có mật độ năng lượng thấp. Ông nói, mật độ năng lượng là nhiệt lượng (lượng calorie) chứa trong một đơn vị trọng lượng thực phẩm. Nói chung những thực phẩm chứa nhiều chất béo và đường thì có mật độ năng lượng cao ; thực phẩm chứa nhiều nước và xen-luy-lô thì có mật độ năng lượng thấp, như nước luộc rau, ngũ cốc, trái cây và rau ; chưa kể chúng còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất.
Nguyễn Hải Hoành tóm tắt
theo 减少热量摄取有助长寿
* Fellow of American Academy of Microbiology, AAM