Trang nhà > Xã hội > Kinh tế > NHNN tiếp tục không in thêm tiền lẻ trong dịp Tết Tân Sửu
NHNN tiếp tục không in thêm tiền lẻ trong dịp Tết Tân Sửu
Thứ Năm 24, Tháng Mười Hai 2020, bởi
Theo TTXVN, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: nhờ chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông trong dịp Tết, 8 năm qua ngân sách đã tiết kiệm được hơn 3.500 tỷ đồng bằng cách giảm chi phí in ấn, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, phân loại, kiểm đếm…
Tại buổi họp báo về triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 diễn ra trong ngày 24/12/2020, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, dịp Tết Tân Sửu năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục siết chặt chuyện đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ như những năm trước 2012.
Đây là năm thứ 8 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiền lẻ đã qua lưu thông vẫn đủ cung ứng để phục vụ nền kinh tế.
Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông dịp Tết. Việc không phát hành tiền mới in vào dịp Tết giúp tiết kiệm cho ngân sách nhờ giảm chi phí in ấn, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, phân loại, kiểm đếm… Vì vậy, những năm qua ngân sách đã tiết kiệm được hơn 3.500 tỷ đồng.
Phó Thống đốc cho rằng, việc người dân sử dụng tiền lẻ mới vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, đi lễ đền chùa là thói quen từ lâu của người dân và những sự kiện có yếu tố tâm linh thì không nên đặt nặng vấn đề tiền bạc. Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan để tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về vai trò của tiền mệnh giá nhỏ.
Được biết tiền mệnh giá nhỏ là những tờ tiền có mệnh giá 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng. Như mọi năm, cơ quan điều hành sẽ chủ động cung tiền mệnh giá nhỏ bao gồm cả tiền cũ và tiền mới đã in và phát hành vào các thời điểm trong năm, trước Tết nguyên đán.
Năm ngoái đại diện Ngân hàng Nhà nước nói: “Về mệnh giá tiền và nhu cầu cho thanh toán, hệ thống ngân hàng đều đảm bảo đầy đủ cho các nhu cầu và mục đích thanh toán đối với tất cả các tổ chức cá nhân trong nền kinh tế. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn khuyến khích người dân nên dùng các biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt".
Năm 2019 dù không in tiền lẻ mới nhân dịp Tết nguyên đán nhưng lượng tiền lẻ trong lưu thông cung ứng cho dịp này vẫn tăng khoảng 25% so với cùng kỳ. Trong mỗi dịp Tết gần đây, Ngân hàng Nhà nước đáp ứng nhu cầu lưu thông bằng cách tăng khoảng 15% so với dịp Tết năm trước.
Lãnh đạo một ngân hàng cho hay vòng quay của tiền mệnh giá nhỏ trong xã hội chỉ khoảng 1-2 lần và chủ yếu phục vụ yếu tố tâm linh nên hiệu quả của đồng tiền trong lưu thông rất thấp. Còn để mừng tuổi thường vẫn là những tờ tiền có mệnh giá từ 10.000 đồng trở lên.
Việc đặt tiền hay công đức khi đi lễ hội là một nét văn hóa lâu đời của người Việt. Mặc dù đã được tuyên truyền nhiều nhưng hiện tượng rải tiền mệnh giá nhỏ rải khắp các ban thờ, tượng thờ, thậm chí rơi đầy dưới nền nhà vẫn còn xảy ra tại một số đình, đền, chùa, đặc biệt trong dịp đầu năm mới. Nhiều người không khỏi xót xa khi nhìn thấy những đồng tiền vương vãi tạo ra hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Một trong những nguyên nhân là do không ít người quản lý đình, đền hoặc chùa đặt quá nhiều hòm công đức và mâm đựng tiền, từ đó làm nảy sinh tâm lý đám đông cần phải dâng hiến. Cho nên đa số người thu nhập thấp có nhu cầu đổi tiền lẻ để có thể đặt lễ ở nhiều nơi trong một lần đi lễ của họ.