Trang nhà > Lịch sử > Khảo cổ học > Bảo kiếm của Việt vương Câu Tiễn
7191 Sword of Goujian the King of Yue
Bảo kiếm của Việt vương Câu Tiễn
Thứ Ba 9, Tháng Hai 2021, bởi
Trong Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc có trưng bày một thanh kiếm cực quý được làm ra cách nay đã gần 2500 năm. Theo truyền thuyết nó là tác phẩm tuyệt thế của một người thợ rèn kỳ tài và được tôi bằng máu của chính vợ ông. Cặp vợ chồng huyền thoại này sống ở miền đất rộng lớn bao la của những sắc dân được sử gia Tư Mã Thiên ghi gộp lại là “Bách Việt”.
Thanh kiếm trong bao kiếm bằng gỗ sơn mài đặt cạnh một bộ xương người đã được tìm thấy vào tháng 12 năm 1965 khi các nhà khảo cổ học khai quật một ngôi mộ ở Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, ngày nay thuộc Trung Quốc. Ngôi mộ này có vị trí chỉ khoảng 7 km cách thành Dĩnh Nam, kinh đô cũ của nước Sở trong thời Xuân Thu Chiến Quốc.
- Bảo kiếm của Việt vương Câu Tiễn
Theo nội dung của hai dòng chữ cổ khắc trên mặt kiếm đã được giải mã sau nhiều tranh cãi quyết liệt thì cần đọc như "越 王 勾 践 自 作 用 劍" ("Việt vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm"), nghĩa là “Bảo kiếm do Việt vương Câu Tiễn tự làm để dùng”. Tám chữ này được viết theo lối "điểu trùng văn" ("鸟 虫 文") là thứ chữ chuyên dùng để khắc triện thư và rất khó đọc. Nếu đúng vậy thì chủ nhân của nó chính là Câu Tiễn vị vua nổi tiếng từng trị vì nước Việt cổ ở một vùng lãnh thổ phía Đông-Nam sông Trường Giang vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Ông đã nhịn nhục đầu hàng sau trận thua nước Ngô, kiên trì nhiều năm để chấn hưng được quê hương và tiêu diệt nước Ngô rồi xưng bá trong thời kỳ đó.
Kiếm dài 55,6 cm trong đó phần cán kiếm dài 10 cm, lưỡi kiếm rộng 5 cm. Phân tích vật liệu cho thấy thanh kiếm được đúc từ đồng điếu, một hợp kim gồm đồng và thiếc, chì, sắt. Trông bên ngoài, bảo kiếm vẫn sáng loáng như mới mài xong, mặc dù đã trải qua hơn 24 thế kỷ nằm sâu dưới lòng đất ướt do bị ngập bởi nước ngầm. Lưỡi nó rất sắc và dùng kiếm có thể dễ dàng chém đứt 16 lớp giấy chỉ trong một nhát. Thanh kiếm được Bộ Văn hoá Trung Quốc xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp I. Bạn có thể đến thăm thành phố Vũ Hán và ghé vào Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc để chứng kiến tận mắt. Những thứ khác trong bảo tàng đó cũng sẽ khiến bạn bất ngờ về trình độ cao của những nền văn minh đã biến mất từ lâu.