Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Khoa học > Ngôn ngữ > “THUYẾT TRUNG QUỐC ĐE DOẠ” HAY “THUYẾT ĐE DOẠ TRUNG QUỐC”?

“THUYẾT TRUNG QUỐC ĐE DOẠ” HAY “THUYẾT ĐE DOẠ TRUNG QUỐC”?

Thứ Hai 8, Tháng Hai 2021, bởi Hoanh_Hai_Nguyen

Một báo mạng Việt Nam* ngày 5/12/2020 đăng bài đưa tin về cuộc họp báo cùng ngày của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành. Trong bài có một đoạn nguyên văn như sau:

Ông Lạc giải thích: "Trung Quốc xưa nay là quốc gia của lễ nghi, dĩ hòa vi quý, trước giờ không chủ động khiêu khích người khác". "Giờ đây họ đến ngưỡng cửa của chúng tôi, can thiệp vào việc nhà của chúng tôi, lại chửi mắng và bôi nhọ chúng tôi. Chúng tôi không còn đường lùi, buộc phải đứng dậy tự vệ, bảo vệ vững vàng sự tôn nghiêm và lợi ích của quốc gia" — ông Lạc phát biểu. " Rõ ràng ’ngoại giao chiến lang’ trên thực tế là một phiên bản của ‘Thuyết đe dọa Trung Quốc’, là một ’cạm bẫy ngôn ngữ’, với mục đích ngăn chúng tôi đáp trả.

Đối chiếu với bản tin ** của Trung Quốc, có thể thấy 2 cụm từ “ngoại giao chiến lang” và “Thuyết đe dọa Trung Quốc” trong báo mạng tiếng Việt nói trên tương ứng với nguyên văn tiếng Trung là “战狼外交” và “中国威胁论” (từ Hán-Việt là “Chiến lang ngoại giao” và “Trung Quốc uy hiếp luận”).

Ở đây chúng tôi muốn bàn về vấn đề: từ “中 国 威 胁 论” nên dịch ra tiếng Việt như thế nào?

Từ này truyền thông Trung Quốc dịch ra tiếng Anh là “China threat theory". Người biết tiếng Anh có thể hiểu ngay là "Thuyết Trung Quốc đe doạ", tức Trung Quốc đe doạ nước khác, chứ không phải nước khác đe doạ Trung Quốc. Rõ ràng, hiểu như thế là đúng. Từ đó có thể suy ra: Trung Quốc đe doạ các nước nhỏ yếu; Trung Quốc đe doạ Biển Đông…

Ngược lại, từ “Thuyết đe dọa Trung Quốc” dùng trong báo mạng tiếng Việt nói trên có thể sẽ bị hiểu là nước khác đe doạ Trung Quốc.

Dĩ nhiên chỉ người Trung Quốc mới giải thích được từ “中 国 威 胁 论 (Trung Quốc uy hiếp luận)” của họ. Hãy xem Công cụ tìm kiếm Baidu.com của Trung Quốc định nghĩa:

“中 国 威 胁 论 [Trung Quốc uy hiếp luận]” là nói cùng với sự tăng trưởng nhanh và lâu dài của kinh tế Trung Quốc, cùng với sự xuất hiện đầy rẫy trên các phương tiện truyền thông những từ ngữ “Trung Quốc trỗi dậy”, “chiến lược cường quốc”, có người cho rằng chế độ [chính trị] và mô hình phát triển của Trung Quốc hiệu quả hơn của Âu Mỹ, Trung Quốc sẽ thay thế Âu Mỹ. Trong một thời gian rất dài sau khi chấm dứt chiến tranh lạnh, thuyết nói trên liên tục dẫn dắt tư duy đối với Trung Quốc của phương Tây, nhất là của Mỹ, và ảnh hưởng sâu sắc tới chiến lược đối với Trung Quốc của Mỹ.

Định nghĩa này khá chung chung. Tóm lại, rốt cuộc Ai đe doạ ai ? Cụm từ Hán-Việt “Trung Quốc uy hiếp luận” nên dịch là “Thuyết đe doạ Trung Quốc” hay là “Thuyết Trung Quốc đe doạ” ? Phải chăng đây lại là một ví dụ cho thấy tiếng Trung Quốc khó hiểu, khó dùng, khó dịch hơn tiếng Anh? Nếu dịch không khéo lại rơi vào một “cạm bẫy ngôn ngữ”?

Có thể rút ra một điều:

Khi dịch bản Trung văn, tốt nhất nên tham khảo bản tiếng Anh do truyền thông Trung Quốc chính thống dịch, như vậy sẽ có lời dịch chính xác hơn. Đó là vì khi dịch từ Trung văn sang Anh văn, phía Trung Quốc đã phải suy nghĩ hết sức thận trọng, bởi lẽ họ biết trước là cả thế giới sẽ chỉ dùng bản Anh văn. Nhìn chung, các nước ưa dùng tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế (nghe nói tỷ lệ dùng Anh văn ở Liên Hợp Quốc lên tới 80%, Trung văn chưa đầy 1%).

Nguyễn Hải Hoành

Ghi chú

  1. https://tuoitre.vn/thu-truong-trung-quoc-phan-doi-truyen-thong-quoc-te-chung-toi-khong-phai-chien-lang-20201205230744985.htm
  2. https://baijiahao.baidu.com/s?id=1685215985899539161&wfr=spider&for=pc

(BTV: NCC 08/02/2021)