Is our traditional culture overwhelmed?

Xâm lăng văn hoá - có hay không?

Culture

Mở đầu năm Tân Sửu này tôi lại tận hưởng thời gian rảnh và không gian vắng vẻ trong dịp Tết ở Hà Nội để tiếp tục dẫn những người bạn trong nhóm Cà phê Lịch sử đi thăm một số di tích cũ và mới, đồng thời để cập nhật thông tin cho cơ sở dữ liệu của tôi về di sản văn hoá.

Ban thờ Mẫu ở điện Dục Anh. Photo NCCong ©2018

Liệu đang có sự xâm lăng văn hoá ở các di tích hay không?

Cả nhóm đã chia sẻ niềm vui ngay sau khi được nhìn tận mắt những kiến trúc dân tộc và cổ vật quý báu nhưng cũng rất lo lắng trước sự thay đổi không đáng có trong một số ngôi đình và đền thiêng của thủ đô. Một trong những bức xúc là sự thay đổi đó càng ngày càng nhanh chóng và ngang nhiên diễn ra ngay tại Hà Nội giữa thanh thiên bạch nhật, rất gần các cơ quan làm ra luật pháp và bảo vệ luật pháp nhà nước.

Xâm lăng văn hoá có mục đích lâu dài là tiêu diệt nền văn hoá của một cộng đồng và thay bằng văn hoá của một cộng đồng khác. Mục tiêu trước mắt là làm tăng lên số người tin vào những thứ tô vẽ hào nhoáng, thần bí khó hiểu, thậm chí ngô nghê hổ lốn, để cộng đồng ấy quên dần tinh hoa văn hoá mà chính cha ông mình từng trải qua hàng nghìn năm sáng tạo và sàng lọc mới có được.

Đặc biệt trong khi Việt Nam vẫn đang đứng trước mối đe doạ công khai của một số nước khác thì lơ là và hạ thấp việc tôn thờ những bậc anh hùng hoặc nhân tài hiền triết của dân tộc là vô cùng dại dột và nguy hiểm.

Ngoài sự lãng phí thời gian và tiền của, bản chất việc thực hành cầu tài, cầu lợi, dâng sao giải hạn v.v. mê tín quá mức và ở quá nhiều nơi cũng là trái với phong tục đề cao lòng hướng thiện, từ bi hỷ xả, giúp người, giúp nước của dân tộc ta và của các tôn giáo lớn.

Vài ví dụ nêu ra dưới đây chắc sẽ làm nhiều người sửng sốt như chúng tôi nếu họ còn nhớ suốt thời gian dài trước đây các phủ, đền thờ Mẫu đều có địa điểm riêng hoặc ở bên cạnh các ngôi đền, đình, chùa nhưng rất ít khi để lẫn lộn hoặc lấn át các toà điện thờ Thần, Phật và các nhân vật lịch sử của Việt Nam.

Trong đền Hương Nghĩa. Photo NCCong ©2020

Ngang nhiên vi phạm luật pháp Việt Nam?

Tại đình Vũ Thạch ở phố Bà Triệu, những pho tượng mới toanh thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu đã được bày đặt hầu như khắp nơi, làm yếu hẳn vai trò của Khoả Ba Sơn, vị anh hùng được thờ từ xưa ở đây. Theo thần tích, ông được Hai Bà Trưng cho lĩnh 500 quân tới ấp Hoa Động lập một đồn giả để lừa quân nhà Hán, nhờ đó mà Hai Bà đánh bại được thái thú Tô Định.

Tại ngôi đền Hương Nghĩa ở phố Đào Duy Từ thì cũng thế, chúng tôi khó mà nhận ra được tượng của vợ chồng tướng quân Cao Tứ bị khuất phía sau toà điện Mẫu hoành tráng lộng lẫy. Theo ngọc phả, Cao Tứ chỉ huy thuỷ quân, còn phu nhân là Phượng Minh công chúa, con gái của vua An Dương Vương. Bà đã trẫm mình khi nghe tin chồng anh dũng hy sinh trong cuộc xâm lược của Triệu Đà.

Tại đền Cổ Lương ở phố Nguyễn Văn Siêu, tình hình cũng không khá hơn. Chẳng mấy ai có thể biết được lai lịch hai vị Phổ Tế và Nam Hải vốn được thờ từ đầu trong ngôi đền cổ này. Các tấm bia ghi rõ sự tích không những đã mờ chữ mà còn bị che lấp.

Còn tại ngôi đền Yên Thành ở phố Phan Huy Ích thì điều tệ hại đã xảy ra. Khách đến viếng vị nữ hoàng cuối cùng của nhà Lý đã không thể nhìn thấy điện thờ Vua Bà nữa, thay vào đó là điện Mẫu mới bóng lộn, lối ra sân sau cũng bị chặn. Đáng buồn hơn vì đây là ngôi đìền duy nhất ở nội thành Hà Nội có thờ Lý Chiêu Hoàng.

V.v. và v.v.

Mới thăm loanh quanh vài phố cổ chúng tôi đã giật mình thon thót. Nghe nói đền Cẩu Nhi nay lại gọi là đền Thủy Trung Tiên, đành thôi dừng lại chẳng muốn đi tiếp nữa.

Đền Om: ban thờ Mẫu. Ảnh NCCong ©2023

Làm gì để gìn giữ tinh hoa văn hoá?

Luật pháp nước ta cho phép thực hành tín ngưỡng song song với bảo tồn di sản văn hoá. Tự do tín ngưỡng có nghĩa là mọi tín ngưỡng bình đẳng, không thể lấn lướt, phá hoại hoặc thay thế nhau.

Mà trớ trêu thay khi hầu hết những ngôi đền, đình chúng tôi thấy có sự thay đổi nói trên đều có biển đề hoặc bằng chứng nhận xếp hạng là di tích quốc gia. Chúng tôi tự hỏi không biết thừa cơ đại dịch Covid-19 người ta còn dám làm tiếp nữa bao nhiêu điều táo bạo và rành rành là vi phạm luật pháp của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

Hiện nay tại Hà Nội đã có hàng trăm đền, phủ, điện thờ liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu mà phần lớn lại là vừa mới ra đời. Đó là một con số quá lớn so với số lượng các cơ sở tôn giáo truyền thống có giáo lý và tổ chức như Phật giáo, Cơ Đốc giáo, đạo Tin Lành, đạo Hồi. Thật chẳng rõ làm sao lại phải đem Mẫu chúa Liễu Hạnh đáng kính từ trên trời xuống trần vào thời Lê trung hưng để đặt lên trên hoặc che khuất các nhân vật lịch sử của dân tộc, trong khi Mẫu đã có vị trí riêng rất chắc chắn.

Trong khi chờ đợi câu trả lời và hành động đúng đắn tiếp theo của những người đang giữ trọng trách "bảo vệ nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam" chúng tôi hy vọng tất cả các dạng xâm lăng kể trên chỉ xảy ra ở một số ít nơi chứ chưa phải là phổ biến trên toàn quốc.

Cần phải tổ chức các cuộc điều tra nghiêm túc và hội thảo khoa học về hiện trạng của các di sản văn hoá dân tộc, từ đó sẽ có đủ căn cứ thực tiễn và lý luận để loại bỏ dần sự xuyên tạc và phá hoại đang gặm nhấm những trang sử và truyền thống tốt đẹp của Việt Nam. Mối hiểm hoạ ấy là có thật và nguy hiểm nhất vì ít ai để ý.

Mong rằng những người yêu mến lịch sử dân tộc Việt Nam hãy cảnh giác hơn và dành thêm thời gian tham quan các di tích cũng như trau dồi hiểu biết về chúng và truyền lại cho con cháu tinh thần gìn giữ tinh hoa văn hoá được lâu bền mãi mãi.

Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCông