Trần Chiến
Lịch sử thì xa, cuộc sống thì gần
Việt NamSinh thời, nhà sử học Trần Huy Liệu nhận xét với đồng nghiệp về một tác phẩm của người khác vừa được công bố: “Đánh giá Tây Sơn có công thống nhất đất nước tôi thấy nó miễn cưỡng thế nào...”. Ông đã và cũng chỉ có thể bày tỏ ra miệng như vậy với một cách nhìn, hơn thế, một xu hướng sử dụng sử học như một công cụ cho các mục đích gần.
Đó là một thời gian không ngắn khi người ta muốn hiện đại hóa, chính trị hóa lịch sử, vận dụng một cách giáo điều, công thức các nguyên lí duy vật vào minh họa những quan điểm có sẵn. Chẳng hạn nhà Nguyễn bị “bắt chết” vào tội danh “cõng rắn cắn gà nhà”, những nhân vật “tranh tối tranh sáng” bị đơn giản hóa thành đơn sắc (tích cực hoặc tiêu cực)... Những khuynh hướng nghiên cứu đó hạ thấp sự khách quan của khoa học lịch sử xuống tầm minh họa, hạn chế sự sáng tạo độc lập của người trí thức.
Có nhiều nguyên do dẫn tới sự đơn giản trên: đội ngũ làm nghề đông nhưng hạn chế về trình độ, phương pháp luận; nguồn tư liệu hạn hẹp. Đất nước đang chiến tranh, khó bề “xới tung” qúa khứ lên... Dù sao ảnh hưởng của khuynh hướng “sử học bao cấp” để lại những “dị tật” khá nặng nề, cách nhìn phiến diện từ một phát hiện của cá nhân đến sự đánh giá trong sách giáo khoa cho học trò...
*
Vài năm trở lại đây, trong không khí xã hội cởi mở, dân chủ hơn, các viện, trường, các nhà nghiên cứu, giáo sư, thày giáo... đã có thể “tự cởi trói” để dần dà tiếp cận vấn đề nghiên cứu một cách độc lập, thực tế hơn. Cũng không thể không nhắc đến đóng góp của hội Khoa học lịch sử. Sau những cú đột quỵ của hai vị chủ tịch Trần Huy Liệu, Phạm Huy Thông, hội đã hoạt động rất khiêm tốn. Đại hội III (1994) đã tập hợp lực lượng trở lại, ra tạp chí riêng. Bằng một loạt hoạt động, hội chứng tỏ sức sống độc lập của mình, trong đó cực kì quan trọng là hai hội thảo lớn “Sử học trước yêu cầu đổi mới của đất nước” tại hai trung tâm lớn nhất nước. Nhiều giai đoạn, sự kiện, nhân vật được đánh giá lại, có những cách nhìn khác nhau, nhưng với phương pháp thực tiễn, khách quan hơn. Không khí tranh luận trong học thuật được nhen lên, vai trò của văn bản, sử liệu gốc không còn quá mỏng manh trước “quan điểm chủ đạo”. Những giá trị tưởng đã được khẳng định hóa ra cần bàn thêm, bàn lại. Và ngược lại, có những tên tuổi tưởng đã mãi mãi lui vào quên lãng nay lại thấy lấp lánh ánh trong lành sau khi lớp bụi thời gian đã được lau phủi.
Ví như nhà Hồ, trước đây bị coi là kẻ tiếm ngôi, để mất nước, nay được phát lộ những cải cách rất tiến bộ. Nhà Mạc sau thất bại ở Thăng Long chạy lên Cao Bằng tồn tại đến ba đời vua, đã tổ chức thi cử, kén người hiền tài, để lại bao thành quả văn minh ở đây. Được đem ra suy xét, đánh giá lại nhiều nhất là nhà Nguyễn, triều đại phong kiến gần nhất. Trước kia, đặt lên vương triều này là cái nhìn nặng về phủ định. Nhưng các tư liệu, hội thảo mới đây đưa ra đòi hỏi phải nhìn nhận sự phân chia đất nước thành hai Đàng (Ngoài và Trong) với nguyên cớ nội tại. Trong thời đại của mình, nhà Nguyễn đã góp phần hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước (mà các triều đại trước đã đặt nền móng, Quang Trung chỉ là người đi trước), khai hoang, phát triển kinh tế về phương Nam. Chính sách cho các gia đình khai hoang được chiếm làm tư điền ở Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long đã thúc đẩy công thương nghiệp phát triển rất nhiều. Sau thế kỉ XVI, những Hội An, Thanh Hà, Gia Định sầm uất được vậy không thể không kể đến công lao của các cải cách. Gia Long, nhất là Minh Mạng, sau thời gian đầu phải dựa vào Pháp đều cố gắng làm mất dần những ảnh hưởng thực dân. Để xây dựng nhà nước tập quyền trung ương, Minh Mạng đã có những biện pháp hành chính hợp lí: bỏ cấp Trấn Bắc Thành và Gia Định Thành, chia 30 tỉnh. Công cuộc khẩn hoang của Dinh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ, bộ Quốc Sử của Quốc sử quán đều là những di sản lớn thời kì này để lại.
Nhưng trong “trào lưu khôi phục” nhà Nguyễn hôm nay có những xu hướng “quá đà” đến cực đoan, cho chỉ toàn là tích cực. Đến thế kỉ XIX rồi mà vương triều này vẫn độc tôn Nho giáo thì bảo thủ quá. Có tinh thần dân tộc nhưng không thấy tương quan đất nước mình với thế giới, bỏ qua những điều trần canh tân của Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy Trứ, nhà Nguyễn đã không thúc đẩy được lực lượng toàn dân, để người Pháp đánh bại. Dù sao, sự đánh giá lại nhà Nguyễn và một nhân vật công giáo là Alexandre Rhodes cho thấy người nghiên cứu lịch sử không thể xuôi chiều. Sự nhìn nhận đa sắc, đa diện như hôm nay đã giải tỏa khá nhiều mối quan hệ giữa giới sử học ăn lương công chức với một số trí thức công giáo.
Bên cạnh vấn đề nhà Nguyễn (tốt nhất là phải đặt thành vấn đề “nghiên cứu Việt Nam trong thế kỉ XIX”), nhiều cuộc lần tìm, đào bới trong cổ sử, sử cận đại đã phát hiện lại những giá trị bị chôn vùi. Đó là những cải cách của Hồ Quý Ly, các chúa Trịnh, công lao của các vua Trần (cạnh vai trò của Trần Hưng Đạo) trong kháng chiến chống Nguyên Mông... Đào Duy Từ, một nhân vật chỉ gắn với lũy Thầy, thật ra lại có công rất lớn với văn hóa phương Nam, là tác giả “Hổ trướng khu cơ”, cuốn binh thư lâu nay vẫn được coi là của Trần Hưng Đạo. Riêng trường hợp Phan Thanh Giản thì khó kết luận hơn. Hội thảo Vĩnh Long năm 1995 đã bước đầu nhìn nhận công lao, tội trạng của ông quan thanh liêm nhưng quá trung quân này. Giống như ông, một số thành viên của phái bộ kí hiệp ước Patenotre như Nguyễn Trọng Hợp… đã bắt đầu được ghi nhận những đóng góp về văn hóa.
Các hội thảo của Hội Sử học đã góp phần soi sáng hơn những Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học (cùng Quốc Dân Đảng của ông), Nguyễn An Ninh, Nguyễn Sơn, Trần Đăng Ninh. Một số nhân vật ít nhiều khó đụng chạm như Nguyễn Bình, Nguyễn Văn Vĩnh, ngay cả Phạm Quỳnh cũng đang được giới nghiên cứu chuẩn bị tư liệu.
*
“Nghiên cứu lịch sử là một khoa học, cần được tắm mình trong không khí học thuật cởi mở, dân chủ, có tranh luận”. Cái định đề này có vẻ cần thiết cho người ngoại giới, nhất là người trả lương cho nhà nghiên cứu.
Một vài công việc, kiến nghị của giới sử đã được người có trách nhiệm lắng nghe và thực hiện: đặt tên phố Alexandre de Rhodes ở thành phố Hồ Chí Minh (Hà Nội chưa có), khôi phục lại đoạn thành Hà Nội bị đục phá ở phố Phan Đình Phùng... Nhưng đa phần những lời kêu gọi còn bị rơi vào quên lãng, khi dân tình và người quản lí mải lo làm ăn, mở cửa, hội nhập tức thì.
Đó là việc không gian lịch sử, không gian huyền thoại của hồ Hoàn Kiếm - “lẵng hoa giữa thủ đô” - cứ bị mất dần, do chính quyền thành phố, trong liên doanh với nước ngoài, cho phép xây quá nhiều nhà cao tầng xung quanh. Hà Nội từng có dự án xây trụ sở lớn nhìn sang Tháp Bút. Bộ Văn hóa - Thông tin cùng Tổng cục Du lịch từng muốn làm nhà cao “nhốt” tượng vua Lê trên đường Lê Thái Tổ lại. Nhiều di tích ở khắp đất nước bị khai thác một cách thực dụng, không chú ý tôn tạo, do nhận thức về lịch sử, văn hóa hạn chế.
Đó là việc sưu tầm, tập hợp tư liệu - chìa khóa của mọi sự nghiên cứu - đang còn bị bỏ lỏng. Ai có thể tưởng tượng được rằng kho lưu trữ Việt Nam mà người Pháp thực dân cướp về chính quốc ở Aix en Provence và các tổ chức truyền giáo ở Pháp chưa được Nhà nước đặt vấn đề mua (một trang chụp lại giá chỉ khoảng 2,5 Francs), trừ những lần cần tư liệu cụ thể.
Đó là việc giảng dậy, viết sách lịch sử phổ thông đang còn rất nhiều lẫn lộn, sai sót. Nhiều luận án tốt đã không thể có tiền in. Một giải thưởng lớn về nghiên cứu chưa có. Hội Nghiên cứu lịch sử hoạt động không có tài khoản...
Còn nhiều việc nữa, mà nếu không làm ngay thì đến một lúc chúng ta, mải mở cửa, hội nhập, sẽ không cảm thấy mình là con dân của một đất nước có lịch sử, hay một lịch sử mỏng dính.
TG: TC, 1996
BTV: NCC, 26/03/2021