Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Nghệ thuật > Kiến trúc > Chùa Cầu (Hội An)

Chùa Cầu (Hội An)

Chủ Nhật 24, Tháng Sáu 2007, bởi Cong_Chi_Nguyen

Chùa Cầu có từ thế kỷ XVII. Tên chữ: Lai Viễn Kiều. Vị trí: V8GG+RC phố Nguyễn Thị Minh Khai, phường Minh An, Hội An, Quảng Nam. Cách BĐX Bờ Hồ: 790km (hướng 5h)

Chùa Cầu. Ảnh NCCong ©2017

Lược sử

Chùa Cầu là ngôi chùa nằm trên một chiếc cầu nhỏ trong khu đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Chiếc cầu này do các thương nhân người Nhật Bản xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII, cho nên đôi khi còn được gọi là cầu Nhật Bản.

Theo truyền thuyết, ngôi chùa được coi như là một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật Mamazu, khiến nó không thể quẫy đuôi mà gây ra những trận động đất. Năm 1653, phần chùa được dựng thêm, nối liền vào lan can phía Bắc và nhô ra giữa cầu, từ đó dân địa phương gọi là chùa Cầu.

Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn, với ý nghĩa là "bạn phương xa đến".

Theo niên đại được ghi trên thượng lương và văn bia khắc ở đầu cầu thì chiếc cầu đã được dựng lại vào năm 1817. Ngôi chùa có lẽ cũng được sửa chữa lớn vào thời gian này. Sau đó chùa còn được trùng tu vào các năm 1865, 1915, 1986.

Trong chùa Cầu. Ảnh NCCong ©2017

Hình chùa Cầu trên tờ bạc 20.000 đồng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Kiến trúc

Chùa Cầu mang tính chất một ngôi chùa của ngoại kiều và có kiến trúc khá đặc biệt. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu. Chiếc cầu dài khoảng 18m, có mái che, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú. Trên cửa chính của chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán “Lai Viễn Kiều”.

Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông Thu Bồn ở hướng nam. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ, (có lẽ được xuất phát từ nghĩa cây cầu xây từ năm Thân đến năm Tuất). Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật tôn thờ từ xưa.

Tuy gọi là chùa Cầu nhưng bên trong không có tượng Phật nào hết. Phần gian chính giữa thờ một tượng gỗ tạc hình Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm cầu mong mọi điều tốt đẹp. Ở miền Nam thường có loại chùa không thờ Phật, thực chất là đền thờ các nam thần hay nữ thần của người Hoa.

Bản đồ trực tuyến

Di tích lân cận

  • Núi Bà Nà, XXXQ+36 Hòa Vang, Đà Nẵng.
  • Núi Ngũ Hành Sơn, 2737+5J Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
  • Thánh địa Mỹ Sơn, Q47F+JP Duy Xuyên, Quảng Nam.

BTV: Đông Tỉnh NCCong