Trang nhà > Xã hội > Đầu tư > Tiền kỹ thuật số đang dần khẳng định vị thế?
Tiền kỹ thuật số đang dần khẳng định vị thế?
Thứ Ba 20, Tháng Tư 2021, bởi
Tiền kỹ thuật số (TKTS) ra đời mới hơn chục năm, trải qua bao thăng trầm là một hiện tượng đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, chỉ sau sự bùng nổ của internet, Google và sự phát triển của truyền thông hiệu quả, thì Google, Facebook lại tìm cách phát hành “tiền ảo” thay thế vai trò của ngân hàng, khiến tiền điện tử lên ngôi?
Vào đầu tháng 4/2021, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã bắt đầu giai đoạn một thử nghiệm TKTS do BOJ phát hành trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới ở châu Âu, Mỹ, Trung Quốc… cũng đang nỗ lực hướng tới việc áp dụng hình thức thanh toán mới này. Nhất là sự lên ngôi của đồng Bitcoin gần đây khiến giới tài chính và dư luận đặc biệt quan tâm.
Bộ xử lý thanh toán trực tuyến đầu tiên Confinity-Paypal có vai trò đột phá. Nhiệm vụ ban đầu của PayPal là tạo ra một loại tiền tệ toàn cầu độc lập không bị sự can thiệp của ngân hàng và chính phủ trung ương các nước.
- Cập nhật Bitcoin lúc 15h40 ngày 18/4/2021
Giờ đây, Google và Facebook đang thách thức lĩnh vực tài chính truyền thống. Vào ngày 12/11/2020, hệ thống thanh toán Facebook Pay đã bất ngờ ra mắt và Facebook hiện là người khổng lồ công nghệ duy nhất đang tìm cách tận dụng công nghệ Fintech và đang lên kế hoạch cho doanh nghiệp ngân hàng của riêng mình.
Trong khi Facebook đấu tranh để vượt qua sự quan liêu trong việc xây dựng một hệ thống mới và Google cố gắng cập nhật hệ thống hiện có, đối với nhiều nhà nghiên cứu tiền tệ thì Bitcoin và ngành công nghiệp tiền điện tử rộng lớn hơn đã khắc phục các vấn đề mà công nghệ đang muốn thay đổi.
Như vậy, TKTS vừa là đơn vị tiền tệ, vừa là một nền tảng thanh toán và là một loại “tài sản ảo” được định giá, nó cũng được so sánh như vàng, kim loại quý, thậm chí là siêu tài sản. Thực tiễn ngày càng chứng minh, TKTS có giá trị bởi tính phổ biến của nó trên mạng xã hội chuyên về hoạt động thanh toán. Sự tăng giá và tương đối ổn định của Bitcoin trong mấy năm gần đây đã nói lên điều đó.
Điều quan ngại lớn nhất của ngành tài chính, ngân hàng là mất quyền kiểm soát việc phát hành và điều chính tỷ giá… thì nay những tiến bộ công nghệ Fintech đã có thể hóa giải được điều đó. Vì thế, cho đến nay đã nhiều quốc gia thử nghiệm TKTS của riêng mình với các cấp độ khác nhau.
Pháp được coi là quốc gia dẫn đầu thế giới về thử nghiệm thành công đồng Euro kỹ thuật số chạy trên nền tảng công nghệ Blockchain. Đây là cơ sở ban đầu để việc phát hành chứng khoán đổi lấy đồng Euro kỹ thuật số. Tiếp sau là Trung Quốc cũng tiến hành thử nghiệm đồng NDT kỹ thuật số tại Ngân hàng Nông Nghiệp (ABC). Dự án tiến hành trong 6 năm với quyết tâm trở thành nước dẫn đầu trong lĩnh vực này.
PBOC của Trung Quốc còn hợp tác thử nghiệp với ngân hàng các nước khác như: Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và vùng lãnh thổ Hong Kong (Trung Quốc)…Tham vọng của Trung Quốc là có thể làm thay đổi hệ thống tài chính toàn cầu hiện nay, trong bối cảnh Chủ tịch FED Jeremy Powell cũng ưu tiên một đồng USD kỹ thuật số với nhiều tiềm năng.
Nhật Bản là nước đứng thứ 3 trong TOP đầu các nước thử nghiệm TKTS. BOJ chia ra 3 giai đoạn: 3/2021-3/2022 phát hành, phân phối, mua lại; kỹ thuật bảo đảm độ an toàn cho đồng tiền; có sự tham gia của khu vực tư nhân và những người sử dụng TKTS.
Tại Mỹ, ông Powell Chủ tịch FED nhấn mạnh, cơ quan ông quản lý đang “xem xét kỹ lưỡng” về đồng USD điện tử. Tuy nhiên, Mỹ không cần phải là nước đầu tiên phát hành đồng tiền này, mà Mỹ cần làm đúng. Còn Tổng thông Biden thì lo ngại TKTS của Trung Quốc có thể soán ngôi đồng USD Mỹ, mặc dù đồng NDT chỉ chiếm hơn 2% dự trữ ngoại hối toàn cầu so với gần 60% của USD.
Theo giới quan sát, ngay từ năm 2017, khi đồng Bitcoin lên ngôi đã có hàng chục quốc gia giao dịch bằng đồng tiền điện tử này với cấp độ pháp lý khác nhau. Khi đó Đức là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận tính hợp pháp của đồng Bitcoin, trong khi Nhật Bản chỉ công nhận Bitcoin là một trong những phương thức thanh toán chính thức có hiệu lực.
Tuy nhiên, qua những thăng trầm của các TKTS, khiến một số quốc gia e ngại thậm chí cấm đoán, nhưng nay thì khác, các nước với mức độ khác nhau, do xuất hiện những yếu tố kỹ thuật làm cho việc bảo mật và quản lý thuận lợi hơn. Trên thị trường TKTS người ta nhận thấy đồng Bitcoin vẫn sống khỏe và ngày càng bền vững hơn. Vì thế, sự “bùng nổ” thử nghiệm TKTS ở ngân hàng trung ương các nước với các hình thức mức độ khác nhau là có cơ sở.
Được biết, năm ngoái Bitcoin đã tăng 3 lần giá trị do sự hấp dẫn của thị trường đạt mốc 23.000USD/Bitcoin (năm 2017 mức cao nhất chỉ là 2.259 USD/Bitcoin). Ông Michael Sonnenshein, giám đốc điều hành của công ty đầu tư TKTS Grayscale Investments, nhận định đà tăng của Bitcoin chỉ mới bắt đầu và TKTS này sẽ còn tăng trong tương lai, nhưng ngày 13/4 vừa qua Bitcoin đã vượt mốc 62.000 USD/Bitcoin.
Theo hãng Reuters, giá Bitcoin tăng chóng mặt lên mức cao nhất mọi thời đại khi chứng kiến lực mua mạnh đến từ Bắc Mỹ. Giá Bitcoin lập đỉnh nhờ nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư. Có người xem TKTS lớn nhất thế giới này là một tài sản có độ rủi ro cao nhưng lại có khả năng sinh lời lớn, có người xem đây là một kênh đầu tư chống lạm phát hiệu quả và cũng có một số người xem Bitcoin là phương thức thanh toán đang ngày càng được chấp nhận rộng rãi hơn.
Theo giới phân tích dự báo, đồng Bitcoin sẽ soán ngôi vàng trong thời gian dài nữa. Theo Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ), TKTS lớn nhất thế giới có thể đang kìm hãm một phần nhu cầu vàng nhưng vị thế của kim loại quý này vẫn sẽ trường tồn. Theo thống kê năm 2020 giá đồng Bitcoin đã tăng gấp 300% trong khi vàng chỉ tăng 24% sau khi lập đỉnh 2.075 USD/ounce.
Theo hãng tin Bloomberg, sự trỗi dậy của Bitcoin khiến nhiều người lo ngại đồng tiền này sẽ đe dọa vị thế kênh lưu trữ và đầu tư của vàng trong bối cảnh đồng USD suy yếu và áp lực lạm phát có thể gia tăng trong những năm tới. Xu hướng rút vốn khỏi vàng để đầu tư vào Bitcoin đang tăng mạnh.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Goldman Sachs không xem đây là mối đe dọa hiện hữu đối với vị thế của vàng. Nhưng ông Scott Minerd, Giám đốc đầu tư của Ngân hàng Guggenheim Partners (Mỹ) cho rằng sự khan hiếm của đồng Bitcoin cộng thêm chính sách in tiền ồ ạt của FED có thể sẽ đẩy giá Bitcoin lên mức 400.000 USD/Bitcoin trong tương lai.
Như vậy, một loại TKTS phân cấp dựa trên một mã nguồn mở, giao thức Internet ngang hàng và được gọi là “tiền ảo”. Đến nay đã có nhiều nước thừa nhận với cấp độ khác nhau trong việc sử dụng đồng tiền ảo này để giao dịch trong nước và quốc tế giống như các đồng tiền khác đang lưu hành.
Tuy nhiên, để khắc phục sự hạn chế về niềm tin và quản lý đối với đồng tiền này các nước đã có những bước đi rất thận trọng là thử nghiệm TKTS của riêng mình, khiến TKTS nói chung và đồng Bitcoin nói riêng ngày càng có vị thế cao hơn, nhất là trên thị trường đầu tư chứng khoán và có thể trở thành một trong những đồng tiền giao dịch quốc tế trong tương lai.
(NN, ĐCS)