Trang nhà > Lịch sử > Khảo cổ học > Lăng mộ Tĩnh vương Lưu Thắng và tài nghệ người xưa
Lăng mộ Tĩnh vương Lưu Thắng và tài nghệ người xưa
Thứ Hai 26, Tháng Tư 2021, bởi
Ngày 23/6/1968, một cái hang đã phát lộ khi công binh đào đường hầm bên sườn núi Linh Sơn, chỉ cách huyện Mãn Thành thuộc tỉnh Hà Bắc khoảng 1,5 km về phía tây nam. Viện Khảo cổ học Trung Quốc nhanh chóng tiến hành khai quật thực địa và xác định đây là lăng mộ thời Tây Hán đầu tiên được phát hiện khá nguyên vẹn, trong có thi hài của Tĩnh vương Lưu Thắng 劉 勝 cùng vương phi Đậu thị.
Lưu Thắng là con của Hán Cảnh Đế và anh của Hán Vũ Đế. Ông là một vị vương công ham tửu sắc nhưng cai trị khéo và có rất nhiều con, nổi tiếng trong số hậu duệ có Lưu Bị, vua nhà Thục thời Tam Quốc. Không rõ ở tuổi bao nhiêu, ông đột tử vào tháng 2 năm Nguyên Đỉnh thứ 4 (113 TCN) tức 42 năm sau khi được cha phong tước Tĩnh vương và ban cho đất Trung Sơn.
Bà vương phi họ Đậu của ông cũng chết không lâu sau đó và vợ chồng được chôn cất trong hai cái hang cạnh nhau bên sườn núi. Mỗi hang có hai phòng, một phòng nhỏ ở phía sau để đặt quan tài, và một phòng lớn ở chính giữa với mái ngói và các giá đỡ bằng gỗ đã bị sập. Thi hài của cả hai đều bọc quần áo che kín bằng những miếng ngọc bích nhỏ được khâu với hơn 1kg sợi chỉ vàng.
Đây được coi là phát hiện quan trọng bậc nhất đương thời và các nhà khảo cổ học tìm thấy hơn 2.700 hiện vật quý được phân loại thô như sau:
- 419 đồ vật bằng đồng
- 499 đồ vật bằng sắt
- 21 đồ vật bằng vàng
- 77 đồ vật bằng bạc
- 78 đồ vật bằng ngọc bích
- 70 đồ vật bằng sơn mài
- 6 xe ngựa (trong căn phòng phía nam)
- 571 mảnh gốm (chủ yếu ở căn phòng phía bắc)
- và các mảnh vải lụa.
Trong số các tạo tác được tìm thấy tại lăng mộ có một bức tượng nhỏ bằng đồng dát vàng tạc hình người hầu gái đang cầm ngọn đèn dầu. Không chỉ người hầu gái trong cung được điêu khắc đẹp đẽ mà chiếc đèn và vỏ của nó còn được thiết kế khéo léo để cho đến nay cả độ sáng và hướng của tia sáng đều vẫn có thể điều chỉnh được. "Cây đèn cung điện Changxin" này cao 48 cm và nặng tới 16 kg.
Một trong số hiện vật cũng nổi tiếng thế giới là chiếc lư hương bằng đồng dát vàng (baoshanlu) cao 26cm. Ba con rồng vươn lên từ chân đế để đỡ lấy bát lư. Lòng bát được trang trí bằng hoa văn cuộn xoáy dát vàng gợi hình sóng. Nắp lư được tạo hình thành ngọn lửa, trong đó chạm khắc cây cối, muông thú và thần linh bất tử. Có nhiều lỗ nhỏ trên nắp lư để khói hương lan toả bốn phương.
Ngoài những bộ kim châm cứu bằng vàng bạc... còn có vô số công cụ như: nồi, ấm, chảo, chén, bình rượu, thạp đựng thực phẩm, dao sắt và đồ làm bếp... Những thứ này đều được chế tác rất khéo, đẹp và có độ bền vững đáng kinh ngạc. Tuyệt phẩm là đôi cốc đúc liền bằng đồng mạ vàng khảm ngọc bích, cao 4"1/2 (12cm), ở giữa có linh vật hình chim, miệng ngậm một chiếc nhẫn bằng ngọc và chân dẫm trên lưng một linh vật khác.
Lại có chiếc đỉnh đồng được coi là hiện vật kỳ lạ ví như một cái nồi áp suất có từ cách đây hơn 2000 năm. Nó cao 18,1 cm, đường kính miệng 17,2cm, đường kính bụng 20cm, 3 chân đỉnh khắc hình những con gấu đang ngồi cười, trên nắp có các tai quai hình thú nhỏ có thể dịch chuyển để đậy đỉnh cho thật chặt. Trong sách "Thuyết văn giải tự" - một cuốn tự điển giải thích chữ Hán có từ đầu thế kỷ II - tác giả Hứa Thận từng viết "đỉnh đồng, ba chân và hai tai, kho tàng ngũ vị", có lẽ tả loại đỉnh đồng phổ biến thường có ba chân và hai tai, với chức năng cơ bản là để nấu ăn và đựng thực phẩm. Điều bất ngờ trong chiếc đỉnh đồng chân gấu có trước Hứa Thận mấy trăm năm là người xưa đã nghĩ ra cơ cấu khóa chốt với 2 tai quai gá chặt phía trên và dùng một lớp gioăng giúp đậy nắp đỉnh kín mít giống như ở chiếc nồi áp suất thời nay.
Biên soạn: NCCông ©2019