Nguyễn Hải Hoành
VIẾT VĂN NHƯ THẾ NÀO CHO HAY?
Ở lớp Bảy, chúng ta đã học cách viết văn cho đúng, tránh viết sai và khi có sai thì biết cách sửa. Bây giờ, ở lớp Tám, chúng ta tìm hiểu thêm về cách viết văn thế nào cho hay. Dĩ nhiên, viết hay thì khó hơn viết đúng. Viết một câu văn hay đã khó, viết cả một bài văn hay càng khó.
Thế nào là một câu hay?
Sách “Từ câu sai đến câu hay” của nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân (sau đây viết tắt là TK1) nhận định: “Câu hay là những câu lệch chuẩn tiếng Việt nhưng có thể chấp nhận được trong những tình huống, những hoàn cảnh giao tiếp cụ thể và thường được sáng tạo ra một cách có ý thức”. Chớ nên máy móc hiểu định nghĩa này theo ý “câu đúng chuẩn tiếng Việt thì không thể là câu hay”. Ở đây tác giả muốn nhấn mạnh trường hợp câu lệch chuẩn nhưng chấp nhận được và có sáng tạo thì chắc chắn là câu hay.
Ví dụ: nói về con mắt, câu “Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười” (Tố Hữu, thơ Việt Bắc) là một câu hay. Bình thường người ta chỉ nói miệng cười, còn “mắt cười” là một kết hợp lạ, “lệch chuẩn”, nhưng cách dùng này hợp lý và tạo hình ảnh đẹp, khiến người đọc tưởng tượng ra một đôi mắt tươi cười. Con mắt là cửa sổ tâm hồn, tâm trạng vui buồn hiện ra trong ánh mắt. Nói Bác Hồ cười bằng mắt là đúng, vì người già thường nghiêm nghị, không dễ hé miệng cười, lại càng khó cười thành tiếng.
Theo TK1, có hai loại câu hay mà một người bình thường có thể viết được:
1. Câu viết đúng và có giá trị thẩm mỹ về ngôn từ. Đó là những câu đơn giản, không thừa từ ngữ, có hình ảnh, ý súc tích, lời ít ý nhiều, diễn đạt theo cách nói của người Việt, dùng thích hợp với tình huống, phù hợp với văn hóa người Việt và tạo ra cảm hứng thích thú nơi người đọc qua nhiều biện pháp ngôn từ như so sánh, ẩn dụ, ngụ ý, ám chỉ, chơi chữ... để tạo ra thông điệp cần thiết. Những câu như vậy nếu thêm yếu tố bất ngờ lại càng hay.
Câu đơn giản không nhất thiết là câu ngắn. Câu dài mà không thừa từ ngữ, dễ hiểu, thì vẫn có thể là câu hay. Ví dụ: “Thời tiết bấp bênh. Ngày nắng. Đêm mưa. Mưa nhỏ thôi, nhưng mưa... Mưa... Núi non nhạt nhòa, những nẻo xa mờ mịt. Cây rừng ướt át. Cảnh rừng lặng lẽ. Tối ngày đất rừng ngun ngút bốc hơi. Biển hơi màu lục, ngụt mùi lá mục. / Và, cho tới tận những ngày đầu tháng Chạp, tất thảy những ngả đường trong rừng vẫn còn đang lầy lội khốn khổ, hư nát, bị hòa bình bỏ hoang, hầu như không thể qua lại được, dần dần tụt chìm xuống, mất dấu tích giữa rừng cỏ tốt um tùm.” (Nỗi buồn chiến tranh). Trong đoạn văn này, sau 10 câu ngắn, có câu chỉ một hai chữ (cộng 47 chữ), tác giả viết một câu dài 51 chữ. Cách viết ấy tạo ấn tượng rõ rệt: quãng nghỉ sau mỗi câu ngắn khiến người đọc nảy sinh suy nghĩ về sự khắc nghiệt của thời tiết thể hiện trong câu vừa đọc. Mỗi câu ngắn đó làm nổi bật một hình ảnh: nắng, mưa, núi, cây, rừng... Nếu viết liền trong một câu dài sẽ không có hiệu quả ấy. Câu cuối cùng như lời tổng kết nói lên hậu quả của thời tiết đó; nếu tách câu này thành vài câu ngắn thì sẽ làm loãng ý tác giả muốn thể hiện.
“Nỗi buồn chiến tranh” có những câu dài trên 100 chữ. Nhưng đó là cách các nhà văn dùng khi viết tiểu thuyết, còn khi viết bài văn ngắn thì nói chung không nên dùng câu dài. Một câu tham lam chứa nhiều ý thường dễ thừa từ ngữ, trở nên khó hiểu, tối nghĩa và không hay. Loại câu ấy thường thấy trong văn dịch hoặc trong cách nói của các nhà trí thức hoặc người sính dùng chữ. Ví dụ câu “Hitler sau khi tiết lộ với Frank cái bí mật tối cao của mình, đã cử Frank đến Áo để xác minh nguồn gốc của hắn: ai thực sự là cha ruột của người cha ra đời ngoài giá thú của hắn?” là một câu dài và khó hiểu, cho nên không hay. Thực ra câu này có thể tách làm hai câu đơn giản dễ hiểu: - Hitler có một bí mật muốn giấu kín nhất: cha hắn là một đứa con ngoài giá thú (bà nội hắn chửa hoang đẻ ra cha Hitler); - Sau khi nói cho Frank biết bí mật ấy, Hitler cử Frank sang Áo điều tra xem ông nội hắn (người làm cho bà nội hắn có thai và đẻ ra cha hắn) là ai. Dùng “cha ruột của người cha” là không hợp cách nói của người Việt; thường nói “ông nội”.
Ví dụ về câu dùng từ thích hợp tình huống câu chuyện: “Cô: Muốn giữ cho miệng sạch sẽ chúng ta phải làm gì nào? Bé: Dạ, phải tắm cho cái miệng ạ.” Dùng từ “tắm” là thích hợp với tình huống trong câu chuyện (người nói là một em bé còn chưa biết nhiều từ khác), đã tạo cảm hứng thích thú cho người đọc, vì thế là một câu hay, tuy rằng theo chuẩn viết văn thì không nói “tắm” cho miệng. Nhưng nếu viết “làm vệ sinh”, hoặc “chải răng” thì không hợp với cách nói của trẻ nhỏ và không tạo sự thích thú. Ví dụ: trong chuyện kể phóng viên về thăm một làng miền núi có viết “Bà cụ nói bà chia sẻ nhận xét ấy của chúng tôi”. Dùng “chia sẻ” là không hợp cách nói của người nông thôn, vì thế câu nói mất hay. Chia sẻ vốn là từ quen dùng trong tiếng Anh (share), du nhập vào tiếng Việt chưa lâu, chỉ mới quen dùng trong giới trẻ thành phố, nhất là trong giới dùng facebook.
Ví dụ câu không hợp phong cách nói của người Việt: “Choi Jil Sil đã cho Ahn, một người bạn của cô, vay tới 2,5 tỉ won” là một câu không hay. Có thể nói “Choi Jil Sil đã cho bạn cô là Ahn vay tới 2,5 tỉ won” vừa ngắn vừa dễ hiểu. Hoặc câu “Thành tích của bóng đá bãi biển Việt Nam còn khá khiêm tốn”, ở đây muốn nói thành tích còn “ít, nhỏ, chưa lớn, chưa nhiều”, dùng “khiêm tốn” là không hợp với ý nghĩa của từ này trong tiếng Việt. Trong tiếng Anh modest có hai nghĩa là khiêm tốn và vừa phải, khi chuyển sang tiếng Việt lẽ ra nên dùng từ vừa phải. Nhưng do lâu nay báo đài đã quen dùng khiêm tốn với nghĩa không có trong từ điển tiếng Việt, cho nên có thể từ này lại góp phần “làm giàu” tiếng Việt.
Tuy vậy, có khi biết dùng những kết hợp bất ngờ, lạ thường, “phá cách” lại tạo ra câu viết có hàm ý, câu hay. Ví dụ: “Đang nghĩ lang thang thế, bỗng chúng tôi bị một bác cán bộ xã vặn hỏi.” Từ “nghĩ” nói về một hành động trừu tượng, còn “lang thang” là từ trỏ hành động cụ thể, kết hợp lại, “nghĩ lang thang” là một kết hợp hay, lạ (so với “nghĩ vẩn vơ” đã quen dùng). Hoặc “Năm 1957, mẹ tôi sinh con đầu lòng, ... Rồi nỗi lo lắng cho bố tôi đã làm mẹ nước mắt nhiều hơn sữa...” Ở đây “nước mắt nhiều hơn sữa” là một kết hợp hay, tạo hình ảnh một bà mẹ mới sinh con khóc nhiều vì lo cho chồng đang ở nơi gian khó nguy hiểm.
Ví dụ về cách nói súc tích: Năm 1996, cố vấn Phạm Văn Đồng tròn 90 tuổi, một giáo viên hỏi ông: Thưa Bác, Bác sinh ngày nào ạ? Ông đáp: “Thỉnh thoảng mới có một ngày sinh”. Người nghe chưa hiểu ngay, ông giải thích “Bốn năm mới được sinh nhật một lần”. Suy ra ông sinh ngày 29 tháng Hai; vì tháng Hai bình thường chỉ có 28 ngày, bốn năm mới có một tháng Hai nhuận 29 ngày, như vậy trong mỗi bốn năm chỉ một năm có ngày sinh của ông. Hai câu “Thỉnh thoảng mới có một ngày sinh” và “Bốn năm mới được sinh nhật một lần” có nội dung súc tích, chứa nhiều lượng thông tin, người nghe phải suy nghĩ mới hiểu được, và khi hiểu sẽ cảm thấy rất thú vị, vì thế là những câu hay.
2. Câu nêu triết lý hợp với cảm nhận của nhiều người, hay ít nhất cũng được nhiều người chia sẻ và ưa thích, rồi dùng theo
Chẳng hạn, “Cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền” (Lời Thuyết “buôn vua” trong vụ Năm Cam). Câu này có vẻ như tự mâu thuẫn. Thực ra sự đối lập giữa tiền với rất nhiều tiền chỉ là đối lập bề ngoài, còn bản chất chỉ là sự đối lập giữa không nhiều tiền và rất nhiều tiền. Câu này bộc lộ triết lý có tiền mua tiên cũng được, nhưng nói theo ngôn ngữ thương mại là: “Không gì không mua được bằng tiền” (tương tự câu Everything can be bought của triết gia Albert Camus). Khi thay có thể bằng phải, câu đó được chuyển thành lời luật sư Ngọc Hoàn “Cái gì không mua được bằng tiền thì phải mua bằng rất nhiều tiền” (P. Bản lĩnh người đẹp, tập 8). Nghĩa là triết lý trên được luật sư chia sẻ và dùng theo.
Vài cách viết văn cho hay
Từ thực tế cuộc sống bạn có thể học được rất nhiều cách viết văn hay. Ở đây chỉ nêu một vài cách tương đối phổ biến, quen dùng, cần thiết với học sinh lớp 8.
1. Dùng từ ngữ có nội dung chính xác, tạo hình ảnh, tạo âm điệu, có giá trị thẩm mỹ, giá trị độc đáo, giá trị thời sự... thay cho từ ngữ bình thường
Ví dụ một câu dùng từ hay: “Tên ngụy hấp tấp bắn. Hắn cuống. Đạn nổ inh tai. Song cả ba chục viên đạn quạt căng rát kỳ thay không một viên gãi vào Kiên” (Nỗi buồn chiến tranh). Không dùng “trúng” mà dùng “gãi” là cách dùng từ rất đúng chỗ, hợp với cách nói trong bộ đội ta, làm câu văn trở nên hay.
Kho từ vựng tiếng Việt cực kỳ phong phú, hầu như từ nào cũng có thể thay thế bằng ít nhất một từ khác, có rất nhiều từ mang ý nghĩa tương đương (đồng nghĩa) hoặc gần như nhau, có thể chọn dùng một từ thích hợp nhất với ngữ cảnh, qua đó nâng được giá trị thẩm mỹ của câu văn. Nhờ có nhiều từ tương đương, khi viết văn có thể tránh được hiện tượng trong một câu buộc phải dùng mấy lần một từ khiến câu văn không xuôi tai.
Một thống kê cho biết từ “chết” có tới hơn 1000 cách diễn đạt. Từ “đất nước” có các từ tương đương như “giang sơn”, “sơn hà”, “sông núi”, “non sông”, “nước nhà”, “nước non”, “non nước”. Từ “thủy chung” có “chung thủy”, “son sắt”. Tính từ tiếng Việt lại càng phong phú, như cùng là màu đỏ có “đỏ hồng”, “đỏ au”, “đỏ ửng”, “đỏ hoe”, “đỏ chói”, “đỏ quạch”, “đỏ tía”, ... Trạng thái “buồn” có “buồn bã”, “buồn rầu”, “buồn thiu”, “buồn rười rượi”, “buồn tẻ”, “buồn tênh”,... Động từ cũng vậy, như “kiếm chác” có từ gần tương đương “xơ múi”.
Dĩ nhiên, mỗi từ có sắc thái biểu cảm, ý nghĩa và cách dùng không hoàn toàn giống nhau, thậm chí không thể lẫn lộn được.
Nên chú ý dùng các từ hợp với thời đại, phản ánh đúng thời cuộc. Ví dụ viết “Phạm Quỳnh từng làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục dưới triều vua Bảo Đại”, dùng từ “bộ trưởng” là sai, phải là “Thượng thư Bộ Học”.
Kho từ Hán-Việt cực kỳ phong phú đem lại nhiều từ tương đương cho từ thuần Việt. Ví dụ “giữ gìn” có thể thay bằng “bảo vệ”, “tổ yến” – “yến sào”, “tha” – “phóng thích”, “chó nghiệp vụ” – “cảnh khuyển” ... Từ Hán-Việt có nguồn gốc ở Hán ngữ, không biết chữ Hán sẽ rất dễ hiểu sai, vì thế khi dùng cần hết sức thận trọng, chưa hiểu thì chưa nên dùng. Ví dụ câu “Cha tôi muốn tái giá với một phụ nữ trẻ”, dùng “tái giá” là sai, từ này chỉ dùng cho phụ nữ (từ Hán-Việt “giá” nghĩa là lấy chồng), còn đàn ông thì dùng “tái hôn” hoặc “tục huyền”. Chú ý là tuy cùng dùng chữ Hán, nhưng cách dùng trong tiếng Việt có những chỗ khác trong Hán ngữ. Ví dụ Hán ngữ dùng từ “sử tiền”, “chiến tiền”, còn ta dùng “tiền sử”, “tiền chiến”...
2- Dùng thành ngữ hoặc tục ngữ một cách hợp lý và vận dụng sáng tạo
Thành ngữ là “Tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa thường không thể giải thích được một cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó”; ví dụ: “Hai sương một nắng”, “Rán sành ra mỡ”. Tục ngữ là “Câu ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức, kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân”; ví dụ “Đói cho sạch, rách cho thơm”.
Tiếng Việt có nhiều thành ngữ, hầu hết xuất phát từ lối nói dân gian, nôm na, giản dị mà giàu hình ảnh, thấm đượm tâm hồn và triết lý dân tộc, được toàn xã hội tiếp nhận, sử dụng, lại do nhiều người sáng tạo, chắt lọc trong hàng thế kỷ, dùng những từ có giá trị thẩm mỹ rất cao, không thể hay hơn, nhưng lại rất dễ hiểu như: “Lá lành đùm lá rách”, “Giậu đổ bìm leo”, “Ta về ta tắm ao ta”... (so sánh: phần lớn thành ngữ trong Hán ngữ là lời các vị hiền triết cổ đại, cực kỳ khó hiểu, khó dùng, ví dụ “cách vật trí tri”, “thiên mã hành không”...).
Một tục ngữ hoặc thành ngữ ngắn có thể thay cho cả một câu dài, nếu biết vận dụng đúng, khéo thì sẽ làm câu văn thêm hấp dẫn. Như để diễn tả ý “may mắn” có thể dùng các thành ngữ ”buồn ngủ gặp chiếu manh”, “chết đuối vớ được cọc”, “chuột sa chĩnh gạo”, “mèo mù vớ cá rán”... Để tả người chất phác, có thể dùng “chân chỉ hạt bột”, tả cô gái xinh có thể dùng “mỏng mày hay hạt”, tả cách làm ăn của một người nghèo có thể dùng “giật gấu vá vai”, tả sự vội vã nhanh nhảu có thể dùng “te tái như gà mái nhảy ổ”... Truyện Kiều có tới 180 chỗ dùng thành ngữ, đều rất có giá trị thẩm mỹ, rất “đắt”; có câu thơ dùng tới hai thành ngữ, chẳng hạn “Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao.”
Ví dụ câu dùng thành ngữ: “... Mễ gần như đi guốc trong bụng từng người trên tiểu đoàn, từ cơ quan đến ban chỉ huy” (Nguyễn Minh Châu toàn tập). “Đi guốc trong bụng” thể hiện ý hiểu rõ bụng dạ người khác, thành ngữ này có giá trị gợi hình gợi cảm hơn hẳn các từ tương đương.
Muốn hiểu đúng thành ngữ, tục ngữ, tốt nhất nên tra từ điển. Hiện nay không ít người vẫn dùng sai thành ngữ/tục ngữ. Ví dụ một bài báo viết: “Bà con nông dân đã yêu cầu chính quyền xã phải làm cho ra ngô ra khoai vấn đề này”. Đúng ra phải viết “Ra môn ra khoai”, bởi lẽ môn và khoai rất giống nhau, vì thế mới cần phân biệt, còn ngô và khoai khác hẳn nhau, chẳng ai nhầm lẫn hai loại này với nhau. Hoặc “Già trái non hột” thường viết nhầm là “Già dái non hột”. Thậm chí từ điển vẫn sai, như có từ điển nêu thành ngữ “Tát nước theo mưa”. Đúng ra phải là “Té nước theo mưa” – ý lợi dụng cơ hội hoặc hùa theo để kiếm lợi.
Cũng có thể vận dụng sáng tạo tục ngữ/thành ngữ, như Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Huy Ngọ khi nói về vấn đề khắc phục hậu quả lũ lụt từng chỉ thị: “Tập trung khắc phục tình trạng màn trời chiếu nước”. Câu này đã vận dụng tài tình thành ngữ “màn trời chiếu đất”.
Cần chú ý: dùng thành ngữ/tục ngữ không đúng chỗ sẽ gây phản cảm, gây cười.
3. Dùng cấu trúc câu hợp lý, mạch lạc, dễ hiểu
Cấu trúc câu văn, hoặc cách diễn đạt một câu văn, là yếu tố rất quan trọng. Một câu văn hội đủ hai yếu tố dùng từ ngữ hay, thành ngữ/tục ngữ hay nhưng nếu cách diễn đạt không hợp lý sẽ trở thành câu văn dở. Theo TK1, diễn đạt theo cách nói của người Việt là diễn đạt hay. Nhiều năm qua, do các phương tiện truyền thông của ta chủ yếu đều dùng nguồn thông tin lấy từ nước ngoài, phần lớn các ấn phẩm ta xuất bản cũng dịch từ nước ngoài (sách văn học, chính trị, khoa học công nghệ v.v...), cho nên văn dịch tràn lan khắp nơi khắp chốn, kể cả trong sách giáo khoa.
Mỗi ngôn ngữ có cách diễn đạt riêng, tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga... là ngôn ngữ đa âm tiết (multisyllabic), còn tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm tiết (monosyllabic, mỗi từ một âm tiết). Ngôn ngữ đa âm tiết có ngữ pháp chặt chẽ hơn tiếng Việt, cách diễn đạt cũng khác ta.
Ví dụ ta nói “Tôi đi săn về” – cách nói này kể lại tuần tự những sự việc đã xảy ra. Người Pháp nói “Tôi trở về từ sự đi săn” – cách nói này nhấn mạnh sự việc tôi đang làm (trở về).
Câu “Rất nhiều kỹ sư vi tính trẻ đang trở về từ Mỹ để tiến hành hoạt động kinh doanh Internet tại quê hương” là cách diễn đạt không phải của tiếng Việt. Nên nói “Rất nhiều kỹ sư vi tính trẻ đang từ Mỹ trở về để tiến hành hoạt động kinh doanh Internet tại quê hương”.
Có thể thấy: trong cách nói của người Việt, trật tự thời gian các hiện tượng, sự việc đã xảy ra như thế nào thì trật tự từ ngữ phản ánh chúng cũng như vậy. Cách diễn đạt theo trật tự thời gian dẫn tới hiện tượng tiếng Việt dùng nhiều động từ đi thành chuỗi, dùng nhiều động từ, ít dùng danh từ. Ví dụ câu “Tôi đi tìm mua một số sách để tặng các em học sinh được nhà trường khen thưởng” có tới 5 động từ đi, tìm, mua, tặng, khen thưởng.
Nên tránh dùng những cách nói người Việt nghe không quen tai. Ví dụ không nói “Hàng nghìn người đã bị giết chết bởi bom nguyên tử” mà nói “Hàng nghìn người đã bị bom nguyên tử giết chết”. Không nói “Những ý kiến như vậy đang được ủng hộ và vận động bởi những nhóm khác nhau ở Mỹ” mà nói “Những ý kiến như vậy đang được các nhóm khác nhau ở Mỹ ủng hộ và vận động ủng hộ”.
Tương tự, không nên nói “Sự có mặt của giám đốc làm chúng ta rất phấn khởi”, mà nói “Giám đốc đến (làm) chúng ta rất phấn khởi”.
4. Cấu trúc câu văn phải tuân theo trật tự bình thường của một câu tiếng Việt, tức tuân theo luật liên tục trong cấu trúc (liên tục trong mạch văn)
Theo TK1, một câu tiếng Việt bình thường có trật tự như sau:
trạng ngữ - chủ ngữ - vị ngữ - bổ ngữ - công cụ
Nếu vi phạm trật tự này, câu văn sẽ mất liên tục và trở nên khó hiểu, dẫn đến hiểu sai, nhất là trong câu dài. Ví dụ câu “Ngày 20.03, cựu Nữ hoàng Juliana, người cai trị Hà Lan trong 32 năm (1948-1980), đã qua đời do nhiễm trùng phổi tại điện Soestdijik, Hà Lan, thọ 94 tuổi” không viết theo trật tự trên, hậu quả làm câu văn bị đứt mạch, mất tính liên tục, khiến cho người đọc lẫn lộn giữa “qua đời tại điện Soestdijik” với “nhiễm trùng phổi tại điện Soestdijik”. Nếu đưa trạng ngữ lên đầu thì câu văn sẽ chính xác, rõ ràng: “Do nhiễm trùng phổi, ngày 20.03, cựu Nữ hoàng Juliana, người cai trị Hà Lan trong 32 năm (1948-1980), đã qua đời tại điện Soestdijik, Hà Lan, thọ 94 tuổi”.
Câu ngắn mà đặt sai vị trí của trạng ngữ cũng vẫn gây khó hiểu. Ví dụ “Ông Obama thảnh thơi ngồi ăn tối vài giờ sau khi thông báo bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam”. Trên thực tế, Tổng thống Obama ở Hà Nội có hơn một ngày, bận tối mắt lấy đâu ra vài giờ để ăn bữa tối? Nên đưa trạng ngữ thời gian lên đầu câu: “Vài giờ sau khi thông báo bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, ông Obama thảnh thơi ngồi ăn tối”.
Tương tự, câu “Việt Nam ở nữ tiểu thuyết gia ấy chỉ là cảm hứng, không là mục đích” cũng nên đưa trạng ngữ lên đầu câu: “Ở nữ tiểu thuyết gia ấy, Việt Nam chỉ là cảm hứng, không là mục đích”.
Nguyễn Hải Hoành