Vương Thị Huyền bị IWF phạt không dự Olympic Tokyo

Ngày 7/7, Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam cho biết Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF) đã công bố danh sách VĐV sẽ tham dự Olympic 2020 môn cử tạ.

Theo danh sách mới nhất này, hai VĐV là Hoàng Thị Duyên (hạng 59 kg nữ) và Thạch Kim Tuấn (hạng 61kg nam) sẽ đại diện cho Việt Nam tranh tài tại thế vận hội. Trong khi đó, vận động viên Vương Thị Huyền đã không có tên trong danh sách đăng ký thi đấu hạng 49 kg nữ.


Trước đó, IWF thông báo Việt Nam có ba VĐV là Thạch Kim Tuấn (61kg nam), Vương Thị Huyền (49kg nữ), Hoàng Thị Duyên (59kg nữ) đủ điều kiện tới Tokyo, Nhật Bản. Sở dĩ Vương Thị Huyền bị loại vào phút chót vì IWF áp án phạt do việc Việt Nam có tới bốn vận động viên bị phát hiện sử dụng doping kể từ năm 2018 đến nay. Các trường hợp này đều là vận động viên xuất sắc, từng giành thành tích quốc tế nhưng bị phát hiện khi địa phương chủ quản tập trung tập huấn chuẩn bị cho các giải đấu quốc gia - vì Việt Nam chưa xét nghiệm doping tại các giải cử tạ trong nước.

Đối với các vận động viên đã giành huy chương ở các cuộc thi đấu quốc tế, Tổ chức Phòng chống doping quốc tế (WADA) sẽ cấp ID để theo dõi, giám sát. Như trường hai vận động viên của Hà Nội bị phát hiện chất cấp vừa qua là do chính Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cung cấp nơi tập huấn ở nước ngoài của họ, sau đó WADA kiểm tra đột xuất và phát hiện. Điều đáng nói là có những địa phương dù bị phát hiện vận động viên “dính” doping đã nhiều tháng đến nay vẫn chưa công bố hình thức kỷ luật các cá nhân liên quan.

Theo ông Đỗ Đình Kháng Phó Vụ trưởng Thể thao thành tích cao II (Tổng cục Thể dục - Thể thao) kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam cho biết: “Hiện cả Tổng cục Thể dục - Thể thao và Liên đoàn Cử tạ - thể hình Việt Nam vẫn chưa có chế tài cụ thể xử lý nghiêm khắc các vận động viên, huấn luyện viên hay các đơn vị chủ quản để xảy ra những sự cố doping. Trước mắt, khi IWF cấm vận động viên nào, Liên đoàn cũng như Tổng cục Thể dục - Thể thao chỉ áp dụng theo chứ chưa có biện pháp phạt nặng”.

Sau những sự cố nêu trên, Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn khẳng định: “Quan điểm của Tổng cục Thể dục - Thể thao là không chấp nhận VĐV dùng chất kích thích để nâng cao thành tích; thi đấu thể thao thành tích cao phải chiến thắng bằng ý trí, nghị lực, tinh thần.

Sắp tới, Tổng cục Thể dục - Thể thao sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm tra doping ở các giải đấu trong nước, trước mắt ở các nhóm môn nhạy cảm như cử tạ, điền kinh, bơi lội… bằng kinh phí Nhà nước và từ nguồn xã hội hóa. Tổng cục Thể dục - Thể thao đang xây dựng Thông tư quy định về phòng, doping trong hoạt động thể thao và sẽ sớm tổ chức lấy ý kiến công khai để hoàn thiện và ban hành”.