Trang nhà > Xã hội > Đông Á > Việt Nam mật chiến (Phần 1)
Tác giả: Tiền Giang (TQ)
Việt Nam mật chiến (Phần 1)
Biên dịch và chú thích: Nguyễn Hải Hoành
Chủ Nhật 11, Tháng Bảy 2021, bởi
Dưới đây là nội dung biên dịch biên soạn tóm lược một số phần trong sách “Cuộc chiến tranh bí mật tại Việt Nam: Ghi chép thực về việc Trung Quốc giúp Việt Nam kháng chiến chống Pháp” (《越南密战》钱江 / 1950-1954中国援越抗法战争纪实), của tác giả Tiền Giang, do Nhà xuất bản Nhân dân Tứ Xuyên và Nhà xuất bản Hoa Hạ xuất bản tháng 6/2015. Sách viết dưới hình thức báo cáo văn học, khá dài dòng. Để thích hợp với bài báo có tính chất thông tin, người dịch đã lược bỏ những câu chữ hoặc đoạn không có liên quan nhiều tới nội dung chủ yếu mà người đọc Việt Nam cần biết, tuy vậy những đoạn quan trọng đều dịch nguyên văn. Ngoài ra, người dịch có làm một số ghi chú ngắn, viết trong ngoặc vuông.
Sách gồm sáu chương:
1. Xứ Đông Dương nổi sóng gió; 2. Đại biểu Liên lạc La Quý Ba nhận lệnh đi Việt Nam; 3. Mao Trạch Đông với quyết sách giúp Việt Nam chống Pháp; 4. Thành lập Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc; 5. Mong muốn của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; 6. Trần Canh bí mật vào Việt Nam.
Theo giới thiệu của Nhà xuất bản, nội dung sách chủ yếu gồm mấy vấn đề:
–* Trong tình hình phía Việt Nam ở vào thế yếu về quân sự, sau khi Hồ Chí Minh bí mật thăm Trung Quốc và Liên Xô, Mao Trạch Đông và Stalin đã thoả thuận như thế nào về vấn đề viện trợ Việt Nam?
–* Sau khi đại biểu liên lạc của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến Việt Nam, ngoài đề nghị Trung Quốc cung cấp địa điểm chỉnh huấn quân đội ra, phía Việt Nam còn nêu những điều kiện và yêu cầu gì?
–* Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc sang Việt Nam với sứ mệnh và nhiệm vụ cụ thể nào?
–* Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc do Trần Canh, Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàm đứng đầu đã phát huy những tác dụng quan trọng không thể thay thế như thế nào trong việc thực thi một loạt chiến dịch lớn tại Việt Nam như chiến dịch biên giới, chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Điện Biên Phủ?
–* Nước Mỹ đã có tác dụng và ảnh hưởng như thế nào trong cuộc chiến tranh Việt – Pháp này?
Sơ qua về tác giả: Tiền Giang (钱江) sinh 1954 tại Bắc Kinh, lớn lên tại Thượng Hải. Thời kỳ Cách mạng văn hoá là thanh niên trí thức trong Binh đoàn xây dựng Nội Mông Cổ. 1977 học Khoa Trung văn Học viện Sư phạm Nội Mông Cổ, ra trường làm phóng viên thể thao, biên tập viên. 1987 nhận học vị Thạc sĩ Pháp lý Học viện Nghiên cứu sinh thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc. Từng làm Phó Tổng biên tập “Nhân dân Nhật báo” bản Hải ngoại (phát hành ra ngoài TQ) . Tác giả các sách “Phía sau Ngoại giao bóng bàn”, “Washington Thủ đô nước Mỹ”, “Đặng Tiểu Bình với sự kiện Trung Quốc-Mỹ lập quan hệ ngoại giao”, “Chu Ân Lai với Hội nghị Geneva”. Hiện là phóng viên “Nhân dân nhật báo”. Có tin nói từng là phiên dịch tiếng Việt Nam làm việc tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
CHƯƠNG I . XỨ ĐÔNG DƯƠNG NỔI SÓNG GIÓ
Đặc sứ của Hồ Chí Minh bí mật thăm Trung Quốc
Hải Phòng, sáng ngày 6 tháng 10 năm 1949. Trên vùng ven biển sóng nước dập dờn, một chiếc thuyền đánh cá loại nhỏ dong buồm chạy về phía Bắc Hải [một cảng biển ở Nam Quảng Đông, Trung Quốc].
Đó là thời kỳ tràn ngập những sự kiện lịch sử làm cả thế giới rung chuyển dữ dội. Bốn năm trước, từ ngày 4 đến ngày 11 tháng 2 năm 1945, các nhà lãnh đạo Anh, Mỹ, Liên Xô gặp nhau lần thứ hai tại Hội nghị Yalta trên bờ Biển Đen (Liên Xô), nhằm thu xếp trật tự thế giới sau Thế chiến 2. Ba vị nguyên thủ Churchill, Roosevelt và Stalin xác định 4 nước lớn Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp sẽ chia vùng chiếm nước Đức và bắt Đức bồi thường chiến tranh. Họ cũng xác định ngày 5/4/1945 sẽ triệu tập Đại hội thành lập Liên Hiệp Quốc tại San Francisco, 5 nước Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp, Trung Quốc sẽ là 5 quốc gia thường trực của Liên Hiệp Quốc, mọi vấn đề Liên Hiệp Quốc thảo luận giải quyết đều phải được cả 5 nước này nhất trí, tức mỗi nước này đều có quyền phủ quyết. Hội nghị Yalta đã xác lập cục diện quốc tế sau đó suốt nửa thế kỷ. Sự kiện chính trị lớn nhất là hình thành sự đối lập giữa hai phe Tây và Đông.
Hồi ấy, khói lửa chiến tranh bao phủ khắp vùng Đông Á, nổi bật nhất ở Trung Quốc, khi mấy triệu Quân Giải phóng vượt Trường Giang nam tiến đuổi đánh tàn quân Quốc Dân Đảng. Hàng chục nước châu Phi thoát khỏi chế độ thuộc địa, giành độc lập.
Trong tình hình như vậy, chẳng ai quan tâm tới chiếc thuyền nhỏ rời bến Hải Phòng ngày 6/10/1949 ấy. Ngoài mấy thuỷ thủ ra, trên thuyền có hai người mặc thường phục, đôi lúc lại nhấp nhỏm nhìn về phía trước. Một người trạc 37-38 tuổi vẻ mặt từng trải. Đó là Lý Ban, Trưởng Ty Hoa Kiều Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ nhiệm Uỷ ban Công tác Hoa Kiều trong Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Ông nhận nhiệm vụ bí mật đi Trung Quốc, vào Khu Giải phóng tìm gặp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc để tái lập quan hệ liên lạc giữa hai Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc cách chọn Lý Ban làm nhiệm vụ này, và còn tự mình viết mật thư gửi Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu, dặn Lý Ban trực tiếp trao thư này tận tay người nhận.
Để phòng xa, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương còn cử thêm một cán bộ thạo tiếng Hoa là Nguyễn Đức Thuỵ làm phụ tá cho Lý Ban. Hai người sang Trung Quốc theo hai đường khác nhau. Nguyễn Đức Thuỵ đi đường bộ, qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc phía Móng Cái vào Đông Hưng. Lý Ban đi đường thuỷ. Hai người sẽ gặp nhau sau khi đến đất Trung Quốc.
Lý Ban quá quen thuộc Trung Quốc, coi Trung Quốc như tổ quốc thứ hai của mình. Ông là người miền Nam Việt Nam, 15 tuổi tham gia cách mạng, 18 tuổi vào Đảng Cộng sản Đông Dương, từng hai lần bị thực dân Pháp bắt giam. Ra tù lần chót, ông không bắt được liên lạc với tổ chức Đảng nhưng lại quen thân với một người Hoa tham gia cách mạng ở Trung Quốc sang Việt Nam công tác. Anh Hoa Kiều ấy khuyên Lý Ban sang Trung Quốc tiếp tục hoạt động: “Cách mạng vô sản là cách mạng toàn thế giới, ở đâu cũng có thể làm cách mạng vô sản! Tôi sẽ giới thiệu anh.” Năm 1933, Lý Ban mang giấy giới thiệu của đồng chí này sang Trung Quốc, tìm đến Khu Xô-viết Thuỵ Kim tỉnh Giang Tây. Tham gia hoạt động được một thời gian, Lý Ban được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau đó ông tham gia cuộc Vạn lý Trường chinh. Dọc đường hành quân, do ốm đau phải nằm lại và bị lính Quốc Dân Đảng bắt giữ. Sau khi được thả, Lý Ban trở về Sán Đầu, nơi ông từng hoạt động, đổi tên là Lý Bích Sơn và bắt liên lạc với cơ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong thời gian Kháng chiến chống Nhật, ông là Bí thư Huyện uỷ Đảng Cộng sản huyện Mai tỉnh Quảng Đông. Tại đây ông lấy vợ là một phụ nữ Trung Quốc. Lý Bích Sơn dâng toàn bộ tuổi xuân tươi đẹp của mình cho cuộc Kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc. Nhưng rốt cuộc ông vẫn là người Việt Nam, vì thế khi nghe tin Việt Nam giành độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Lý Bích Sơn đã xin Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho ông về Việt Nam công tác. Được Chu Ân Lai phê chuẩn, tháng 7/1946, Lý về Hà Nội, lấy lại tên cũ Lý Ban. Mấy tháng sau, Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Lý Ban bước vào cuộc chiến đấu mới.
Và bây giờ, Lý Ban sắp trở lại Trung Quốc gặp các chiến hữu cũ của mình. Trên thuyền còn một vị khách 26 tuổi tên là Hầu Hàn Giang, người Hoa. Anh đi Trung Quốc với hai sứ mệnh, vừa là đại biểu của cả triệu Hoa kiều ở Việt Nam đến Bắc Kinh dự Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, vừa là người hộ tống Lý Ban đại diện Đảng Cộng sản Đông Dương đi bắt liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hầu Hàn Giang vốn là cấp dưới của Lý Ban trong thời gian Kháng chiến chống Nhật tại Quảng Đông. Sau khi Nhật đầu hàng, theo thoả thuận giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với Quốc Dân Đảng, bộ đội Đảng Cộng sản rút về Sơn Đông. Hầu Hàn Giang được phân công sang Việt Nam làm công tác Hoa kiều, đầu tiên dạy ở trường Trung học Hoa kiều. Anh nhanh chóng nói thạo tiếng Việt. Kháng chiến bùng nổ, anh lên Việt Bắc tiếp tục làm công tác Hoa kiều dưới sự lãnh đạo của Lý Ban.
Tháng 7/1948, Hầu Hàn Giang được Trưởng ty Lý Ban giao nhiệm vụ đi từ Việt Bắc sang Hồng Kông rồi vào Trung Quốc bắt liên lạc với Cục Phương Nam của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đề nghị họ cử người sang Việt Nam giúp tăng cường công tác Hoa kiều. Anh đáp tàu biển đến Bắc Hải rồi đi thuyền vào Hồng Kông, tìm đến toà soạn “Hoa thương báo” do Đảng Cộng sản chủ trì. Tại đây anh gặp ba cán bộ Đảng phụ trách công tác công nhân ở Hồng Kông là Phương Phương, Liên Quán và Kiều Quán Hoa [sau này là Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc]. Hầu Hàn Giang báo cáo chi tiết cho Cục Phương Nam biết về tình hình Hoa kiều ở Việt Nam và chuyển tới họ ý kiến và đề nghị của Lý Ban.
Cục Phương Nam đồng ý đề nghị của Lý Ban, sau đó đã cử 5 cán bộ lần lượt sang Việt Nam làm công tác Hoa kiều. Hầu Hàn Giang đưa một trong 5 cán bộ này về Sài Gòn, sau đó anh tìm đường ra Việt Bắc.
Sau chuyến công tác thành công kể trên, bây giờ, Hầu Hàn Giang lại được thủ trưởng Lý Ban chọn đi Trung Quốc theo tuyến đường anh đã đi hồi năm ngoái. Lúc này, quân đội Quốc Dân Đảng đang từ Quảng Tây, Quảng Đông tháo chạy ra Đài Loan, tình hình rất hỗn loạn, rất khó biết trước là chuyến đi có an toàn hay không. Vì thế hai người phải hết sức giữ bí mật. Gay go nhất là họ phải mang theo một số vàng lá để chi dùng dọc đường, vì hồi ấy tiền Việt hoặc tiền Trung Quốc đều khó được thị trường chấp nhận. Mang vàng rất nguy hiểm, dễ bị cướp. Đến Bắc Hải, Hầu Hàn Giang mua mấy con cá, nhét vàng vào bụng cá, nhờ thế lúc lên bờ ở Hồng Kông không bị rắc rối khi khám xét.
Tại Hồng Kông, hai người được cán bộ Công đoàn của Đảng Cộng sản tiếp đón và báo lên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về chuyến công tác của Lý Ban và Nguyễn Đức Thuỵ. Sau đó Lý Ban và Hầu Hàn Giang đáp tàu thuỷ đi Thanh Đảo, cuối cùng khi hai người đến Bắc Kinh thì tiết trời đã sang đông. Tổng cộng quãng đường từ Việt Bắc đến đây họ đi mất gần hai tháng. Nguyễn Đức Thuỵ đến Bắc Kinh sau đó vài ngày.
Các đồng chí Lý Duy Hán, Từ Băng, Liên Quán phụ trách Ban Mặt trận Thống nhất thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiếp Lý Ban và Nguyễn Đức Thuỵ, nghe báo cáo tình hình Việt Nam.
Thời điểm quan trọng trong cuộc chiến tranh độc lập của nhân dân Việt Nam
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngay từ ngày ra đời – ngày 2 tháng 9 năm 1945, đã đối mặt với tình thế khắc nghiệt.
Theo quyết định của Hội nghị Potsdam (7/1945), sau khi Đồng minh đập tan Phát xít Nhật, quân đội Quốc Dân Đảng Trung Quốc sẽ tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật tại Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở lên phía Bắc; phía Nam vĩ tuyến này sẽ do quân đội Anh tiếp quản. Tháng 9/1945, ngay sau khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập, quân đội Pháp theo chân quân Anh đã đổ bộ vào Sài Gòn. Cuộc Kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam bùng nổ.
Thời kỳ đầu chiến tranh, quân Pháp có khoảng 80 nghìn lính, lực lượng vũ trang do Hồ Chí Minh lãnh đạo có khoảng 40 nghìn người. Tháng 1/1946 khi quân Anh rút khỏi Sài Gòn, quân Pháp đã chiếm được phần lớn miền Nam Việt Nam.
Tháng 3/1946, quân đội Quốc Dân Đảng bắt đầu rút khỏi Bắc Việt Nam, Pháp tập kết lực lượng ở Hải Phòng và Hà Nội. Ngày 19/12/1946 chúng nổ súng tấn công phía Việt Nam. Đồng thời chúng dùng 5 trung đoàn đổ bộ lên Đà Nẵng và các vùng duyên hải, thực hiện chia cắt quân sự hai vùng Nam, Bắc Việt Nam.
Đến mùa xuân 1947, tổng binh lực Pháp lên tới hơn 100 nghìn quân, chiếm được phần lớn thành phố thị trấn miền Bắc Việt Nam. Tháng 9/1946, Pháp tập trung 12 trung đoàn, dưới sự phối hợp của lính dù và tàu chiến chạy sông, sử dụng lực lượng cơ giới hoá tổ chức một chiến dịch đánh tung thâm vu hồi nhiều lần bao vây quân đội Việt Nam trên chiều dài cả trăm km. Chúng chiếm dải đất suốt dọc biên giới Việt Nam-Trung Quốc, nhìn chung hình thành thế bao vây quân đội Việt Nam và liên tục tìm kiếm cơ hội tiêu diệt lực lượng chủ lực Việt Nam.
Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ Việt Nam chuyển lên vùng núi Việt Bắc, các căn cứ địa bị quân Pháp chia cắt và liên tục bị chúng càn quét. Núi cao rừng rậm che chở cho bộ đội Việt Nam, họ kiên cường tập kích và tiêu hao quân địch. Thời gian này nước Pháp không còn được như xưa, đã bị suy yếu nhiều sau Thế chiến 2. Tuy dã tâm xâm lược vẫn như cũ nhưng quốc lực đã khó có thể đáp ứng nhu cầu tình hình chiến trường Việt Nam xa xôi. Từ 1948, quân Pháp dã không thể thực hiện chiến lược đặt ra là “Đánh nhanh, thắng nhanh”, phải chuyển sang chiến lược vết dầu loang, tranh thủ củng cố vùng chiếm đóng, lấn dần căn cứ địa của phía Việt Nam, thường dùng cách đánh tấn công với quy mô nhỏ, từng bước mở rộng chiến quả. Theo đó, chiến tranh Việt-Pháp chuyển sang giai đoạn chiến lược cầm cự.
Đây là giai đoạn gian nan, việc cung cấp lương thực, vũ khí và dược phẩm cho quân đội Việt Nam luôn luôn gặp khó khăn cực lớn. Trong tình hình các căn cứ địa bị chia cắt, bộ đội Việt Nam phải chia thành từng đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn để tự chiến đấu, thành lập các căn cứ địa du kích nông thôn.
Vào lúc quân dân Việt Nam đang gian khổ chiến đấu, cách mạng Trung Quốc xảy ra chuyển biến chiến lược lớn. Tin tức cả triệu Giải phóng quân Trung Quốc vượt Trường Giang tiến về miền Nam truyền đến Việt Nam. Cuộc chiến tranh giải phóng Trung Quốc sắp giành thắng lợi này sẽ làm thay đổi thế giới; hơn ai hết người đầu tiên cảm nhận được ý nghĩa sự kiện này là người Việt Nam núi liền núi sông liền sông với Trung Quốc.
Tháng 1/1949, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp hội nghị, xác nhận Giải phóng quân Trung Quốc sắp đánh đến biên giới Việt-Trung. Hội nghị yêu cầu bộ đội Việt Nam ra sức chuẩn bị đón “Thời cơ tốt sắp tới”, “tuyệt đối không được bỏ lỡ cơ hội chiến lược”. Hội nghị đã bàn về vấn đề Mỹ có thể can thiệp chiến tranh Đông Dương, và ra nghị quyết nói “Cho dù Mỹ dùng cách can thiệp như thế nào, chúng ta đều không sợ. Nếu Mỹ đã thua ở Trung Quốc thì tại Việt Nam, chúng tất sẽ gánh chịu thất bại thảm hại nhục nhã của thực dân Pháp.” Hội nghị quyết định, quân đội Việt Nam trên khắp các chiến trường sẽ liên tục phát động các cuộc chiến đấu quy mô nhỏ có tính đột kích.
Đầu năm 1949, Tướng Georges Revers, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp đi thăm chiến trường Đông Dương, nhận định Việt Bắc là chiến trường chính ở đây, và yêu cầu tăng cường khoá chặt vùng biên giới Việt-Trung. Theo lệnh của Revers, quân Pháp đã mở 8 cuộc tấn công lấn chiếm đất vào các căn cứ địa của Việt Nam. Revers yêu cầu quân Pháp phải giữ vững trận địa trước khi Quân Giải phóng Trung Quốc tiến đến biên giới Việt-Trung.
Các căn cứ địa của quân đội Việt Nam lại bị thu hẹp, trên chiến trường hình thành thế cài răng lược giữa quân đội hai bên. Thế nhưng, vì quân Pháp phải dùng một lực lượng hữu hạn để mở rộng tối đa vùng chiếm đóng, cho nên lực lượng cơ động của chúng bị phân tán hơn trước.
Chính vào thời điểm hai bên giằng co cầm cự với nhau, quân Pháp vẫn chiếm ưu thế, phía Việt Nam vẫn ở vào tình thế khó khăn, thì Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương phái Lý Ban và Nguyễn Đức Thuỵ sang Trung Quốc nêu ra với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu viện trợ Việt Nam. Câu chuyện này được thể hiện một cách vô cùng khéo léo trong mật thư Hồ Chí Minh gửi Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu [vợ Chu Ân Lai], do Lý Ban trao cho người nhận thư. Mặc dầu viết bằng ẩn ngữ nhưng mong muốn của Hồ Chí Minh vẫn thể hiện rất rõ, đọc qua là biết ngay:
Anh Ân, chị Dĩnh:
Em và anh chị xa nhau đã mười năm, luôn nhớ anh chị, nay có nhiều chuyện muốn nói với anh chị. Em xin thay mặt cửa hàng chúc mừng sự phát triển vĩ đại của quý công ty.
Cửa hàng chúng em làm ăn rất tốt, nay đang muốn tranh thủ thời cơ đánh bại đối phương. Xin cử hai cộng sự thân tín, gấp rút xin anh chị giúp đỡ.
Đinh.
Tháng Mười.
Thế là Lý Ban và Nguyễn Đức Thuỵ đã mang được những tin tức quan trọng đến Bắc Kinh. Giờ đây Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cần trả lời phía Việt Nam.■
(còn nữa)
Ghi chú: Trong bài này, Tác giả Tiền Giang dùng lẫn lộn 2 từ “Đảng Cộng sản Việt Nam” với “Đảng Cộng sản Đông Dương”, để tôn trọng tác giả, chúng tôi để nguyên không sửa.
Xem online : Phần 2