Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Lịch sử > Hiện đại > Taliban chiếm thủ phủ tỉnh thứ 11, Afghanistan sẽ đi về đâu?

Taliban chiếm thủ phủ tỉnh thứ 11, Afghanistan sẽ đi về đâu?

Thứ Sáu 13, Tháng Tám 2021, bởi Cong_Chi_Nguyen

Đặc phái viên của Mỹ, Trung Quốc và các nước khác ngày 12/8 kêu gọi thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Afghanistan như một "vấn đề cực kỳ cấp bách". Liên hợp quốc đã kêu gọi hỗ trợ nhân đạo người dân lánh nạn... Chính phủ Afghanistan đã trao bản văn bản thỏa thuận cho Qatar - nước trung gian, trong đó đề xuất chia sẻ quyền lực điều hành đất nước.

Một nguồn tin an ninh trong Chính phủ Afghanistan ngày hôm qua 12/8/2021 cho biết lực lượng Taliban đã chiếm được Herat, thành phố lớn thứ ba của Afghanistan và cũng là thủ phủ tỉnh Herat ở miền Tây nước này. Nguồn tin xác nhận các lực lượng và nhân viên cơ quan chính quyền đã rút khỏi Herat “để ngăn chặn thiệt hại.” Đây là thủ phủ tỉnh thứ 11 bị thất thủ trong vòng một tuần qua.

Trước đó, một nhân chứng cũng cho biết Taliban đã chiếm được trụ sở cảnh sát thành phố Herat trong khi không hề có cuộc giao tranh nào với các lực lượng an ninh. Giao tranh đã gia tăng trên khắp Afghanistan kể từ tháng 5/2021 khi các lực lượng do Mỹ dẫn đầu bắt đầu rút quân khỏi đây với thời hạn chót vào ngày 31/8. Giới chức tình báo Mỹ lo ngại lực lượng Taliban có thể bao vây và chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan trong vòng 1-3 tháng tới, sớm hơn nhiều so với đánh giá tình báo đưa ra trước đó.

Hãng tin AFP ngày 12/8 dẫn một nguồn tin đàm phán của Chính phủ Afghanistan cho biết Kabul đã đề xuất một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với Taliban để chấm dứt tình trạng xung đột gia tăng hiện nay tại nước này. Nguồn tin cho biết Chính phủ Afghanistan đã trao bản văn bản thỏa thuận cho Qatar - nước trung gian, trong đó đề xuất chia sẻ quyền lực điều hành đất nước.

Đàm phán tại Doha kết thúc

Đặc phái viên của Mỹ, Trung Quốc và các nước khác ngày 12/8 kêu gọi thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Afghanistan như một "vấn đề cực kỳ cấp bách," và ngừng ngay lập tức các cuộc tấn công vào những thành phố cùng thủ phủ tỉnh tại quốc gia Tây Nam Á. Lời kêu gọi được đưa ra trong tuyên bố sau cuộc thương lượng tại Doha của Qatar, nơi phái viên các nước gặp các nhà đàm phán của Chính phủ Afghanistan và đại diện Taliban.

Tuyên bố cũng tái khẳng định rằng các nước sẽ không công nhận bất kỳ chính phủ nào tại Afghanistan nắm quyền “thông qua sử dụng vũ lực quân sự.” Các bên tham gia đàm phán Doha, trong đó có đại diện của Pakistan, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu, cam kết hỗ trợ tái thiết Afghanistan sau khi các bên liên quan đạt được một giải pháp chính trị “khả thi.”

Quan điểm và hành động của Mỹ

Ngày 10/8, tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định không hối tiếc về quyết định rút quân đội Mỹ và nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết cung cấp hỗ trợ trên không, tiếp tế lương thực, thiết bị cho lực lượng chính phủ Afghanistan. Ông khẳng định Mỹ đã chi hơn 1.000 tỷ USD trong hơn 20 năm qua và huấn luyện cũng như trang bị khí tài hiện đại cho hơn 300.000 binh lính Afghanistan. Hàng nghìn người Mỹ đã thiệt mạng và bị thương trong cuộc chiến này.

Hãng tin TASS của Nga dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Afghanistan, ông Fawad Aman ngày 7/8 xác nhận Mỹ điều máy bay B-52 không kích thủ phủ Sheberghan của tỉnh Jawzjan, khiến Taliban bị tổn thất nặng nề và khoảng 200 tay súng đã thiệt mạng.

Trong khi đó, tờ The Times dẫn các nguồn tin quốc phòng cho biết các máy bay B-52 của Mỹ đã bay vào Afghanistan từ một căn cứ không quân ở Qatar để tấn công các mục tiêu ở tỉnh Kandahar, tỉnh Herat và Lashkar Gah thuộc tỉnh Helmand. Còn theo tờ New York Post, Mỹ cũng điều động máy bay tiêm kích F/A-18 Super Hornet từ tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan đang hoạt động trên biển Arab cùng máy bay AC-130 Spectre tham gia các cuộc tấn công này.

Liên hợp quốc kêu gọi hỗ trợ nhân đạo

Ngày 12/8, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết xung đột ở các khu vực khác nhau trong tuần qua ở Afghanistan đã khiến hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa của họ.

Cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc nhấn mạnh “mặc dù tình hình an ninh ngày càng tồi tệ, các tổ chức nhân đạo vẫn duy trì hoạt động cứu trợ và đã trợ giúp được 7,8 triệu người Afghanistan trong sáu tháng đầu năm nay. Khoảng 156 tổ chức phi chính phủ và các cơ quan của Liên hợp quốc đã hỗ trợ trên khắp Afghanistan.”

Trong khi đó Quỹ ứng phó nhân đạo cho Afghanistan kêu gọi quyên góp 1,3 tỷ USD, nhưng hiện mới chỉ nhận được tài trợ 38%, còn khoản thiếu hụt lên đến gần 800 triệu USD.

Theo thông tin từ Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA), số thương vong của dân thường 6 tháng đầu năm tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Đã có 783 thường dân thiệt mạng và 1.609 người bị thương chỉ trong tháng Năm và tháng Sáu. Đây là con số thương vong dân sự cao nhất trong 2 tháng kể từ khi Liên hợp quốc tiến hành thống kê hồi năm 2009.

Afghanistan cũng đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, với hơn 18,4 triệu người (hơn một phần ba dân số) cần hỗ trợ nhân đạo. Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), trong năm 2020, người Afghanistan chiếm 10,6% tổng số người xin tị nạn ở EU vào năm 2020, đứng thứ hai sau người Syria (15,2%).

Mỹ, Đức giục công dân rời ngay Afghanistan

Ngày 12/8 theo thông báo trên trang web của Đại sứ quán Mỹ tại Kabul, Mỹ thúc giục các công dân nước này rời khỏi Afghanistan ngay lập tức bằng các chuyến bay thương mại sẵn có. Thông báo cũng lưu ý “do điều kiện an ninh hiện tại và cắt giảm nhân viên, khả năng của Đại sứ quán trong việc hỗ trợ các công dân Mỹ tại Afghanistan hiện cực kỳ hạn chế, ngay cả ở thủ đô Kabul.”

Trước đó trong tuần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington đang theo dõi và cập nhật hàng ngày về môi trường an ninh xung quanh đại sứ quán Mỹ tại Kabul trước khả năng phải tiến hành sơ tán khẩn cấp.

Cũng trong ngày 12/8, Bộ Ngoại giao Đức kêu gọi các công dân của mình sử dụng các chuyến bay thương mại hiện có để rời khỏi Afghanistan. Đầu tuần này Bộ Quốc phòng Đức đã bác bỏ khả năng đưa quân trở lại Afghanistan, sau khi phiến quân Taliban chiếm được thành phố Kunduz nơi triển khai các binh sỹ Đức trong hơn một thập kỷ.

Đức từng có số quân đông thứ hai sau Mỹ tại Afghanistan. Số binh sỹ Đức thiệt mạng tại Kunduz cũng cao hơn bất kỳ chiến trường nào mà Berlin từng gửi quân can dự kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Pakistan tuyên bố không chịu trách nhiệm

Kabul và chính phủ một số nước phương Tây cho rằng sự ủng hộ của Pakistan dành cho Taliban cho phép lực lượng này vượt qua cuộc chiến kéo dài 20 năm sau khi bị lật đổ vào năm 2001 khi Mỹ phát động cuộc chiến ở Afghanistan.

Pakistan bác bỏ sự ủng hộ dành cho Taliban. Ngoại trưởng Shah Mehmood Qureshi khẳng định Pakistan "không đứng về bất kỳ phe nào."

Ngày 9/8, Pakistan tuyên bố cộng đồng quốc tế cần xem xét "cuộc khủng hoảng" của các lực lượng an ninh Afghanistan, thay vì đổ lỗi cho Pakistan về việc tình hình xấu đi nhanh chóng. Phát biểu họp báo, đề cập tới nguồn lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt của Mỹ, nhằm tăng cường cho các lực lượng quốc gia Afghanistan, Ngoại trưởng Pakistan nói Islamabad không thể bị truy cứu trách nhiệm cho sự thất bại của nước khác.

Pakistan liền biên giới với Afghanistan, rất nghèo nhưng lại có bom nguyên tử từ năm 1998. Họ giúp ai và được ai chống lưng thì các bạn tự tìm hiểu nhé.


(NCC tổng hợp theo AFP, TASS và TTXVN)

Tập hồ sơ