Trang nhà > Lịch sử > Khảo cổ học > Ai Cập phát hiện hóa thạch cá voi lưỡng cư 43 triệu năm trước
Ai Cập phát hiện hóa thạch cá voi lưỡng cư 43 triệu năm trước
Thứ Tư 25, Tháng Tám 2021, bởi
Theo tin từ thủ đô Cairo của Ai Cập, Bộ trưởng Bộ Môi trường Yasmin Fouad ngày 25/8/2021 đã thông báo các nhà khoa học vừa phát hiện ra hóa thạch của một loài cá voi lưỡng cư sống cách đây 43 triệu năm tại khu vực nay là tỉnh Fayoum thuộc miền Trung Ai Cập.
Tỉnh Fayoum nằm cách thủ đô Cairo của Ai Cập khoảng 150km về phía tây-nam, và nơi có di chỉ cổ sinh vật học Wadi Al-Hitan còn được gọi là Thung lũng Cá voi. Địa điểm này vào năm 2005 đã được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) công nhận là di sản thế giới với hàng trăm hóa thạch của một số loài cá voi đã tuyệt chủng.
Bộ trưởng Y. Fouad cho biết đây là hóa thạch lâu đời nhất từng được phát hiện cho đến nay tại châu Phi. Khám phá quan trọng đã được thực hiện với sự hợp tác của Nhóm nghiên cứu Cổ sinh vật học tại Thung lũng Cá voi, Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu Khoa học, cùng Trường Đại học Mansoura (Bộ trưởng nói công tác kiểm tra hóa thạch do các chuyên gia của Đại học Mansoura đảm trách).
Các nhà cổ sinh vật học đã đặt tên khoa học cho loài cá voi lưỡng cư này là Phiomicetus Anubis, dựa theo tên Anubis của vị Thần chết rất có ảnh hưởng tới cuộc sống của con người trong xã hội thời vương quốc Ai Cập cổ đại.
Theo kết quả nghiên cứu, loài cá voi mới được phát hiện đó có thể di chuyển trên cạn cũng như bơi dưới nước, đồng thời có cơ hàm rất khỏe để ăn thịt những con mồi săn đuổi được. Nó quả là một kẻ săn mồi chuyên ăn các sinh vật khác.
Đây được xem là phát hiện quan trọng mới nhất của Khoa cổ sinh vật học thuộc Đại học Mansoura, sau vụ phát hiện mang tính đột phá hồi năm 2018 về loài khủng long Mansourasaurus sinh sống cách đây 80 triệu năm tại Ốc đảo Dakhala.
NCCong (theo https://english.ahram.org.eg/)
Xem online : Fossils of 43-million-year-old semiaquatic whale discovered in Egypt