Vẫn còn cần sổ hộ khẩu?
Hiện, có khá nhiều người dân “khóc dở, mếu dở” vì đã bị thu hồi sổ hộ khẩu giấy, nhưng khi đi làm các thủ tục hành chính khác như hợp đồng công chứng, lắp điện, nước... đều bị đòi hỏi “trưng” ra sổ hộ khẩu bản chính hoặc photocopy.
Theo quy định của Luật Cư trú, từ 1/7/2021 khi người dân có thay đổi địa chỉ, nhân khẩu... thì lực lượng công an sẽ thực hiện việc thu hồi sổ hộ khẩu giấy, mọi thủ tục sau này sẽ dựa trên dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư để giải quyết. Những đối tượng còn lại chưa bị thu hồi vẫn có thể sử dụng sổ hộ khẩu giấy cho tới thời điểm cuối cùng là hết năm 2022.
Điều đó có nghĩa, sổ hộ khẩu giấy sẽ bị “khai tử” dần dần cho tới cuối năm 2022 sẽ hết hẳn giá trị sử dụng. Các cơ quan công quyền, đơn vị giải quyết dịch vụ hành chính công sẽ phải kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Đó là trên lý thuyết, thực tế lại không hề đơn giản như vậy.
Hiện, có khá nhiều người dân “khóc dở, mếu dở” vì đã bị thu hồi sổ hộ khẩu giấy, nhưng khi đi làm các thủ tục hành chính khác như hợp đồng công chứng, lắp điện, nước... đều bị đòi hỏi “trưng” ra sổ hộ khẩu bản chính hoặc photocopy. Vậy là người dân phải “lóc cóc” quay lại cơ quan công an xin xác nhận cư trú mới có thể giải quyết thủ tục hành chính.
Về nguyên tắc, theo quy định của Luật Cư trú, các cơ quan công quyền, các đơn vị cung cấp dịch vụ hành chính công phải có trách nhiệm truy xuất nhân thân của người có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết, chứ không thể đòi hỏi người dân xuất trình hộ khẩu như khi luật chưa có hiệu lực thi hành.
Việc một bên (công an) thu hồi sổ hộ khẩu giấy, còn một bên (công chứng, điện, nước...) cứ khăng khăng yêu cầu xuất trình hộ khẩu là làm khó cho người dân. Hơn nữa, thu hồi sổ hộ khẩu giấy để rồi lại cấp giấy xác nhận cư trú liệu có phải “vẽ rắn thêm chân”, khiến mục tiêu số hóa công tác quản lý dân cư đi ngang, nếu không muốn nói là thụt lùi?
Như vậy thử hỏi việc lực lượng công an trên toàn quốc vất vả ngày đêm trong mấy tháng qua để cập nhật dữ liệu về dân cư lên cơ sở dữ liệu quốc gia cho kịp tiến độ liệu có vô ích?
Lẽ ra, các bộ, ngành, địa phương phải “xắn tay áo” nhập cuộc khẩn trương để đồng bộ hóa với tiến độ của Bộ Công an, để đáp ứng kịp thời nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân. Song, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều “túc tắc”, “làm dần”, được đến đâu hay đến đấy, không cần quan tâm đến nỗi khổ, cái khó của người dân.
Đó chính là lý do mà dù cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Bộ Công an cập nhật tương đối đầy đủ, nhưng người dân vẫn phải tất tả ngược xuôi mà không thể giải quyết được các thủ tục hành chính đơn giản. Đây đâu phải là hiện đại hóa công tác quản lý dân cư, đâu phải giản tiện phiền hà cho người dân mà ngược lại còn gây thêm nhiều rắc rối hơn.
Trong khi Chính phủ đang quyết tâm xây dựng chính phủ điện tử, chủ trương giải quyết một cách tốt nhất, đơn giản nhất các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, tránh sự nhũng nhiễu, phiền hà, thì các bộ, ngành, địa phương lại “chưa vội”. Đó chính là căn bệnh “trên nóng, dưới lạnh” bấy lâu nay được nhắc tới mà chưa thể chữa trị tận gốc.
Vậy nên, thiết nghĩ đã đến lúc Chính phủ cần có thái độ cương quyết đối với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc khẩn trương kết nối liên thông, liền mạch với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để giải quyết nhanh chóng, trơn tru các thủ tục hành chính, dịch vụ công cho người dân. Đừng để xảy ra tình trạng: Sổ hộ khẩu giấy bị “khai tử” rồi mà mãi vẫn không thể “chết”!
ĐĐK