Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Công nghệ > Chuyển đổi số > Ngân hàng chạy đua chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip

Ngân hàng chạy đua chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip

Thứ Ba 28, Tháng Mười Hai 2021, bởi Cong_Chi_Nguyen

Nhiều khó khăn như dịch bệnh Covid-19, quy mô thị trường lớn, chi phí tài chính cao… đang đè nặng lên quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip của ngành ngân hàng. Vì vậy, dù đã cố gắng chạy đua với thời gian, nhưng có lẽ lần này, nhiều ngân hàng sẽ phải lỗi hẹn với nhà điều hành...

Theo Thông tư 41/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 28/12/2018, đến thời hạn ngày 31/12/2021, 100% thẻ nội địa đang lưu hành sẽ được chuyển sang thẻ chip cho khách hàng. Ngay từ khi Thông tư trên được ban hành, các ngân hàng, NAPAS và các đơn vị có liên quan đã phối hợp chặt chẽ, tích cực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thẻ chip nội địa.

Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 122 triệu thẻ đang lưu hành, bao gồm cả thẻ nội địa và quốc tế; thiết bị chấp nhận thẻ gồm có 21.000 máy ATM và gần 297.000 máy POS. Nhờ vậy, trong 9 tháng, thanh toán giao dịch nội địa qua thẻ tăng 29,8% về số lượng và tăng 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Theo lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến hết quý 3/2021, đã có 7 tổ chức phát hành thẻ chuyển đổi được 100%; 8 tổ chức chuyển đổi 70-90%; 9 tổ chức chuyển đổi 50-70%; chỉ còn khoảng 20 tổ chức phát hành thẻ chuyển đổi dưới 50%.

Tỷ lệ ATM và POS đang hoạt động tại Việt Nam đã tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở thẻ chip nội địa đạt tương ứng 86,82% và 91,13% thiết bị đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, 18 tổ chức thanh toán thẻ đã hoàn thành chuyển đổi 100% ATM/POS.
Nhìn nhận về yêu cầu chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho rằng đây là yêu cầu phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.

Bởi lẽ, trước đó ngành ngân hàng đã có bước phát triển rất mạnh mẽ trong giai đoạn thẻ từ. Tuy nhiên, vấn đề rủi ro, mất an toàn dần nổi lên như việc các đối tượng nước ngoài tận dụng công nghệ thẻ từ cũ đã hoạt động hành vi phạm tội. Nếu không sớm chuyển đổi, Việt Nam có thể trở thành vùng trũng của tội phạm công nghệ.

“Thêm vào đó, thẻ chip còn cho phép kết nối với nước ngoài theo một chuẩn chung, tích hợp nhiều ứng dụng để mở ra không gian phát triển mới cho lĩnh vực thanh toán thẻ. Nhìn chung, thẻ chip mang lại lợi ích cho cả người dùng, cho tổ chức phát hành thẻ và trung gian thanh toán thì việc chuyển đổi là điều chắc chắn xảy ra”, ông Dũng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Chi Hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip phản ánh xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này còn phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của người dân, mặc dù đã hội đủ các điều kiện cần (như: ngân hàng trung ương đưa ra lộ trình cụ thể, sự tham gia nhiệt tình của tổ chức chuyển mạch, tổ chức phát hành thẻ).

“Các quốc gia trong khu vực đều cần thời gian để khách hàng có thể tiếp cận được thông tin. Sau đó mới kéo theo sự thay đổi về ý thức hành vi đối với việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Vì vậy, ngân hàng trung ương các nước đều đặt ra một lộ trình dài về quá trình chuyển đổi này”, bà Oanh nói. Bà Oanh nêu ví dụ cụ thể: tại Indonesia, quốc gia này bắt đầu thực hiện từ năm 2015 đến cuối năm 2021 mới hoàn thành, tương đương 6 năm để thực hiện chuyển đổi; Thái Lan chuyển đổi 60 triệu thẻ từ năm 2016 và đến hết năm 2020 mới kết thúc được việc chuyển đổi.

Tại Việt Nam, theo bà Oanh đánh giá, kể từ khi ra quy định yêu cầu chuyển đổi từ năm 2018 đến nay, tương đương chỉ trong 3 năm, các ngân hàng đã chạy đua với thời gian để đầu tư và nỗ lực rất lớn vào quá trình chuyển đổi. Số liệu Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các đơn vị chấp nhận thẻ liên quan đến ATM và POS hầu như đã chuyển đổi thành công 100%; chỉ còn 20 tổ chức chuyển đổi dưới 50%. Tuy nhiên, 20 tổ chức này đều là những ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất, khiến trung bình toàn bộ thị trường nằm dưới 40% tổng số thẻ cần chuyển đổi.

Lãnh đạo Chi hội thẻ Việt Nam thừa nhận rằng, ngân hàng nỗ lực nhưng việc chuyển đổi chậm là do vấn đề thời gian ngắn, khiến ý thức chấp hành của khách hàng chưa cao. Ngoài ra, còn liên quan đến quy mô thị trường, đặc điểm tệp khách hàng. Cụ thể, số lượng thẻ đang lưu hành rất lớn, nhưng một khách hàng có thể có nhiều thẻ, trong đó chỉ sử dụng một thẻ chính, số thẻ còn lại gần như “ngủ đông”.
Đồng thời, rất nhiều thẻ liên kết với trường học, y tế, bệnh viện hoặc thẻ trả trước vô danh, rất khó thể tìm ra khách hàng để chuyển đổi. Thậm chí, việc kêu gọi khách hàng cũng khó khăn do thời hạn của thẻ liên kết rất ngắn.

Do đó, bà Oanh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước không nên bắt buộc ngân hàng thương mại thực hiện chuyển đổi với các thẻ liên kết, thẻ không có giao dịch trên 12 tháng để dồn nguồn lực cho số lượng thẻ còn lại. “Với tác động của dịch Covid-19 và đặc điểm của tệp khách hàng sử dụng thẻ mà không hoạt động trong 12 tháng hoặc thẻ liên kết, thì trong thời gian ngắn, khách hàng khó có thể hấp thụ được thông tin. Nếu Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ khó khăn như đã nói, cùng với nỗ lực của các ngân hàng, thành viên Chi hội Thẻ có thể hoàn thành việc chuyển đổi trong năm 2022”, bà Oanh khẳng định.

Biên dịch: Đ. Vũ