Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Nghệ thuật > Kiến trúc > Biểu tượng hổ phù trên cung đình Huế

Biểu tượng hổ phù trên cung đình Huế

Thứ Hai 14, Tháng Hai 2022, bởi Cong_Chi_Nguyen

Theo truyền thuyết Ấn Độ, Rahu (La Hầu) là một con quỷ sinh sống cùng thần mặt trời Suriya và thần mặt trăng Chandra. Một hôm Chandra lơ là, quỷ bèn lấy trộm bình sữa trường sinh nhưng đang uống giữa chừng thì bị thần Vishnu lấy gươm chém đứt ngang thân. Nửa trên của nó đã ngấm sữa trường sinh nên trở thành vĩnh cửu, nửa dưới chưa ngấm nên tan rữa. Thỉnh thoảng Rahu lại nuốt mặt trời và mặt trăng một lúc để trả thù nên sinh ra hiện tượng nhật thực và nguyệt thực.


Mái điện ở Lăng vua Đồng Khánh

Mặt Rahu được trang trí trên cổng vào các đền tháp và chùa Nam tông như ở Thái Lan, Lào, Campuchia. Về sau, nó thường được người Việt gọi là hổ phù và thay đổi ý nghĩa, từ biểu tượng tham lam trong truyền thuyết trở thành biểu tượng giữ lại sự trường tồn.


Ở Việt Nam, trên các đền miếu thờ nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý ở Hoa Lư và Thăng Long, các kiến trúc sư cũng đã đưa biểu tượng này vào trang trí. Trong thời Nguyễn, yếu tố hổ phù cách điệu từ hoa lá xuất hiện rất nhiều ở cung đình Huế.


Mang ý nghĩa biểu tượng của sự trường tồn, bất tử và xua đuổi tà khí, mặt hổ phù được dùng để trang trí trên vòm cổng, đầu hồi của nhiều cung điện, lăng tẩm ở Quần thể di tích Cố đô Huế.


Trong Đại Nội Huế, hình ảnh hổ phù năm móng có thể được bắt gặp ngay ở phía đầu hồi cổng Ngọ Môn.


Cổng Hiền Nhân

Trên mái nóc của điện Thái Hòa có hình tượng hổ phù cách điệu từ những áng mây đang nâng quả cầu lửa; hai bên phía mái hồi là hổ phù được đắp khảm sành sứ đang ngậm chữ Thọ.


Hổ phù trên vòm cổng Hiền Nhân

Với kiến trúc cung đình Huế, từ lâu đã không thể thiếu hình tượng của hổ phù, như là khát vọng về sự trường tồn của một vương triều hùng mạnh trong lịch sử đã thống nhất được mọi miền của Việt Nam.


Ảnh: Đỗ Trưởng/VNA