Trang nhà > Công nghệ > Kết nối > Chi phí tin nhắn của các ngân hàng
Chi phí tin nhắn của các ngân hàng
Thứ Tư 16, Tháng Hai 2022, bởi
Những năm gần đây thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ngày càng nhanh và mạnh. Lãnh đạo NHNN ̣(Ngân hàng nhà nước VN) cho biết, năm 2021 giao dịch về số lượng và giá trị qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng trên 73% và gần 90% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, bên cạnh yếu tố dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính sách miễn phí chuyển tiền của các ngân hàng lớn trong thời gian qua là động lực thúc đẩy xu hướng giao dịch online tăng trưởng mạnh mẽ.
Hiện nay, khách của ngân hàng vẫn sử dụng phổ biến hình thức nhận thông báo thay đổi số dư và nhận OTP (mật khẩu giao dịch một lần) qua tin nhắn SMS. Ngân hàng thường chỉ thu phí đối với dịch vụ thông báo thay đổi số dư và không thu phí đối với tin nhắn gửi OTP. Để gửi tin nhắn đến cho khách hàng, ngân hàng phải mua dịch vụ tin nhắn SMS và trả phí cho các nhà mạng viễn thông.
Có thể nói các NHTM ̣(ngân hàng thương mại) đang là khách hàng lớn nhất của nhà mạng. Nhưng thay vì được hưởng ưu đãi đối với khách hàng lớn, họ lại bị áp dụng mức phí gửi tin nhắn SMS cao hơn nhiều so với mức phí tin nhắn thông thường của khách hàng cá nhân hoặc tin nhắn áp dụng cho các lĩnh vực khác. Hiện mức giá cước nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao gấp ba lần so với tin nhắn thông thường. Cụ thể, Mobifone và Vinaphone thu 820 đồng/tin nhắn, Viettel thu 785 đồng/tin nhắn. Trong khi cước phí tin nhắn của các nhà mạng này với khách hàng cá nhân chỉ từ 99 - 350 đồng/tin nhắn.
Khi lượng giao dịch online tăng trưởng, các ngân hàng cũng phải gửi tin nhắn OTP và tin nhắn thay đổi số dư nhiều hơn, đồng nghĩa với mức chi phí tin nhắn cũng tăng theo. Cước tin nhắn mà các tổ chức tín dụng (TCTD) phải thanh toán cho nhà mạng rất lớn. Tính sơ bộ, một TCTD cỡ nhỏ hàng tháng phải trả phí cước cho 15 - 20 triệu tin nhắn/tháng, còn các TCTD tầm trung trở lên là 50 - 80 triệu tin nhắn/tháng.
Mặc dù đã có nhiều kiến nghị từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông vẫn chưa có phản hồi về đề xuất giảm phí SMS cho nhóm khách hàng này. Theo chia sẻ từ một NHTM, trong năm 2021 họ chi trả gần 1.000 tỷ đồng chi phí gửi SMS. Trong đó chi phí cho các tin nhắn thông báo số dư chiếm khoảng hơn 70%, còn lại là chi phí gửi mã OTP. Chỉ tính riêng với dịch vụ thông báo thay đổi số dư, ngân hàng này phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Trong khi nhà mạng vẫn im lặng thì các ngân hàng phải xoay xở mọi cách để giảm gánh nặng chi phí. Theo đó, nhiều ngân hàng đang khuyến khích khách hàng chuyển sang các hình thức khác thay thế, như nhận thông báo số dư qua app ngân hàng và xác thực giao dịch thông qua Smart OTP. Đặc điểm chung của các hình thức này là có độ bảo mật cao và đều miễn phí.
Theo quy định của NHNN, nếu xác thực giao dịch bằng OTP gửi qua tin nhắn SMS truyền thống, hạn mức giao dịch tối đa chỉ là 100 triệu đồng/giao dịch, nhưng nếu xác thực bằng Smart OTP, khách hàng có thể giao dịch với hạn mức lên tới cả tỷ đồng/giao dịch. Đối với thông báo số dư, ngoài việc khuyến khích khách hàng nhận thông báo qua app miễn phí, các ngân hàng cũng đã thực hiện thu phí thông báo thay đổi số dư qua SMS theo bậc thang.
Đơn cử, từ ngày 1/1/2022, Vietcombank và BIDV cũng thực hiện thu phí thông báo số dư qua tin nhắn SMS theo bậc thang. Cụ thể, Vietcombank thu phí từ 10.000 đồng/tháng (đối với khách hàng nhận dưới 20 SMS) đến 70.000 đồng/tháng (đối với khách hàng nhận từ 100 SMS trở lên). BIDV thu phí 9.000 đồng/tháng (đối với khách hàng nhận từ 0 – 15 SMS) đến 70.000 đồng/tháng (đối với khách hàng nhận từ 101 SMS trở lên). Đại diện của Vietcombank chia sẻ, ngân hàng đã gửi tin nhắn thông báo về việc thay đổi chính sách phí tới từng khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng để khách hàng nắm thông tin và chủ động lựa chọn dịch vụ thông báo số dư phù hợp với nhu cầu.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, các TCTD là khách hàng lớn của các nhà mạng. Hiện tại, số lượng các TCTD đang hoạt động tại Việt Nam, bao gồm cả các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng có đến cả trăm TCTD. Như vậy, nguồn thu từ các TCTD đối với nhà mạng rất lớn, đáng nhẽ các nhà mạng cần phải chăm sóc, nuôi dưỡng nguồn thu và phải có chính sách ưu đãi, chia sẻ khó khăn đối với khách hàng của mình, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong khi đó, các TCTD đã phải liên tục giảm phí, giảm lãi vay, thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng nhiều lần, trong đó có cả doanh nghiệp viễn thông. Việc các nhà mạng vẫn chưa hề giảm phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng cho các TCTD, gây bức xúc cho các TCTD...
Xem thêm: 4 ngân hàng lớn khuấy động làn sóng miễn phí giao dịch