Tội phạm mạng ở TP.HCM và Hà Nội
onlineLập trạm phát sóng di động giả
Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Viễn thông, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và các đơn vị liên quan vừa tiến hành thanh tra đột xuất việc lắp đặt, sử dụng trạm phát sóng di động (trạm BTS) trái pháp luật đối với 3 đối tượng trên địa bàn TP.HCM.
Cụ thể, đối tượng Bế Văn Trường (SN 1993, ở tỉnh Quảng Ninh) lắp đặt trái phép trạm BTS trên địa bàn quận Tân Bình. Đối tượng Trương Đức Dương (SN 1989, ở tỉnh Hà Nam) và đối tượng Hoàng Quốc Anh (SN 1999, ở Quảng Ninh) lắp đặt trái phép trạm BTS trên địa bàn quận 12. Bước đầu các đối tượng khai nhận được người nước ngoài giao cho các trạm BTS không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tên thiết bị, không có thông tin nhà sản xuất để thuê phát tán tin nhắn rác tại khu vực có nhiều người qua lại.
Đối tượng thực hiện hành vi vi phạm đã sử dụng kỹ thuật viễn thông, công nghệ thông tin để gửi các tin nhắn rác, tin quảng cáo dịch vụ, tin nhắn giới thiệu các trang web cờ bạc… đến máy điện thoại người sử dụng; không loại trừ khả năng có các tin nhắn xác thực cho dịch vụ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam hoặc tin nhắn giả mạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng để lừa đảo người dân.
Qua nghiên cứu sơ bộ, các đơn vị nghiệp vụ nhận thấy thiết bị các đối tượng sử dụng ngoài việc gây can nhiễu tần số vô tuyến điện, ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp viễn thông, việc sử dụng dịch vụ của người dân thì còn có thể thực hiện một số hành vi có tính chất hết sức nguy hiểm, có tác động ảnh hưởng lớn.
Cụ thể, phát tán tin nhắn rác rất cao (trung bình 80.000 tin/ngày/1 thiết bị của đối tượng); có khả năng giả mạo tin nhắn từ các cơ quan nhà nước, ngân hàng, giả mạo thuê bao di động của các tổ chức, cá nhân… để lừa đảo người dân (như giả ngân hàng yêu cầu người dân cung cấp tài khoản, mật khẩu); phát tán tin nhắn chống phá nhà nước, gây bất ổn an ninh, chính trị.
Hành vi của các đối tượng Bế Văn Trường, Trương Đức Dương, Hoàng Quốc Anh có dấu hiệu phạm tội xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (quy định tại Điều 289 Bộ Luật hình sự). Hiện vụ việc đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo quy định của pháp luật. (Giao Thông 19/3/2022)
Lừa chuyển hướng cuộc gọi để moi ví điện tử
Công an Hà Nội vừa cảnh báo thủ đoạn giả danh tổng đài viên để chiếm quyền kiểm soát SIM, cuộc gọi của người dùng, sau đó đăng nhập vào tài khoản, chiếm đoạt tiền. Cụ thể, kẻ gian thường giả là nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để gọi cho "con mồi" vờ hỗ trợ giải quyết sự cố. Sau đó, chúng yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp đưa ra, nhưng thực chất là thao tác chuyển hướng cuộc gọi để chiếm quyền kiểm soát SIM điện thoại của khách hàng.
Thông thường, kẻ gian thường yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp **21*#. Tuy nhiên, đây là cú pháp chuyển hướng cuộc gọi (Call Forward) của các nhà mạng, cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại nội mạng hoặc ngoại mạng khác. Khi thao túng được cuộc gọi, chúng sẽ đăng nhập ứng dụng ví Momo của nạn nhân từ xa. Tổng đài Momo khi gọi để cung cấp mã OTP, cuộc gọi sẽ được chuyển hướng đến số điện thoại của kẻ gian. Từ đó chúng dễ dàng chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.
Một cách khác, kẻ gian yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp DS gửi 901. Đây là cú pháp đổi SIM điện thoại qua phôi SIM trắng theo phương thức nhắn tin. Sau đó, chúng sẽ nhắn tin lừa đảo rằng giúp người dùng nâng cấp SIM điện thoại thành SIM 4G, 5G. Khi thao tác thành công, người dùng sẽ mất quyền kiểm soát SIM vì SIM của kẻ lừa đảo trở thành SIM chính chủ.
Khi đã chiếm được quyền kiểm soát SIM, mọi cuộc gọi đến thuê bao của người dùng lập tức chuyển tiếp tới số điện thoại của nhóm lừa đảo. Lúc này, chúng sẽ đăng nhập vào các tài khoản mạng xã hội, ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân và chọn tính năng "quên mật khẩu". Nhà cung cấp dịch vụ sẽ gửi mã xác thực OTP đến SIM điện thoại của chúng và từ đó chúng chiếm đoạt tiền.
Phổ biến từ xưa đến nay là kẻ xấu sử dụng thông tin của nạn nhân để vay tiền thông qua các app trên mạng.
—NCC, GT, VNX