Có nên học mô hình phát triển của TQ?

Chiều 3/10/2006, VietNamNet đã tổ chức giao lưu trực tuyến giữa bạn đọc với giáo sư Anthony Saich của Đại học Harvard với chủ đề "Đổi mới ở Trung Quốc: những điều chưa biết đến". GS Tony Saich đã trao đổi khá nhiều với độc giả VNN về mô hình phát triển KT, tình trạng tham nhũng, vấn đề giáo dục đại học ở Trung Quốc và những kinh nghiệm có liên quan đến Việt Nam.

Những kinh nghiệm của TQ rất đáng quan tâm

Nguyễn Ngọc Lâm - 61 tuổi - 12 đô thị Đền Lừ 2 - Hoàng Mai, Hà Nội:
- Xin ông vui lòng cho biết: mô hình và nội dung phát triển của Trung Quốc hiện nay có phải là phát triển kinh tế XHCN không?

GS. Tony Saich: - Tôi nghĩ đây là một câu hỏi rất thú vị song không dễ trả lời. Nhìn chung thì trong mấy năm qua con đường phát triển của TQ gần với mô hình mô hình của các nước Đông Á hơn. Ý tưởng chung là tự do hoá thương mại, mở cửa ra bên ngoài, đón nhận những ý tưởng về kinh tế thị trường, sử dụng lực đẩy thị trường về sản xuất hàng hóa và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Ý tưởng này ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, những khu vực thành công nhất của TQ là khu vực phát triển theo kiểu phương Tây. Mặt khác, việc tự do hóa kinh tế cũng đi kèm với khả năng kiểm soát chính trị mạnh hơn. Đây cũng là điều đã thấy ở các nước Đông Á khác trong giai đoạn đầu của phát triển, ví dụ như Hàn Quốc. Nền tảng chính là áp dụng kinh tế thị trường tăng lên cùng với kiểm soát chính trị. Đây cũng là thách thức cơ bản của phát triển trong tương lai. Kinh tế phát triển, dân giàu lên, dân trí tăng lên, liệu có thể duy trì cơ chế tập trung hóa cao độ hay không?

Phạm Văn Mạnh - Nam 21 tuổi - Đông Anh-Hà Nội:
- Theo GS, Trung Quốc có phải là mô hình thành công mà một nước đang phát triển như Việt Nam nên noi theo và đó có phải là hướng đi duy nhất không? Nếu đi theo mô hình đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức gì? Làm thế nào để chống tham nhũng hiệu quả vì Việt Nam không phải là một nước lớn như Trung Quốc, nếu làm mạnh tay có thể gây tác động lớn đến nền chính trị không?

GS. Tony Saich: - Tôi không nghĩ chỉ có 1 mô hình duy nhất để theo đuổi. Nhưng, tôi nghĩ một nước mà đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống là kế hoạch hoá tập trung sang một nền kinh tế được điều tiết thông qua cơ chế thị trường như Việt Nam thì những kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, theo tôi, có một số vấn đề nảy sinh khi theo mô hình kinh tế này. Đầu tiên phải kể đến, nếu thực hiện chuyển đổi nền kinh tế một cách từ từ, có một rủi ro là sẽ hình thành các nhóm lợi ích mới, họ sẽ chống lại việc tiếp tục cải cách xa hơn. Ví dụ từ Trung Quốc, có thể thấy có rất nhiều tranh cãi về việc cải cách hệ thống tài chính nhà nước, hệ thống doanh nghiệp nhà nước và những nơi có nhiều mối quan hệ gần gũi giữa cho vay và sở hữu nhà nước. Tôi nghĩ rằng, sẽ có nhiều vấn đề địa phương sẽ trở lên khó khăn hơn, khi có nhiều khoản vay dựa vào nhân tố chính trị thay vì các nhân tố kinh tế. Do vậy, việc chuyển đổi nền kinh tế theo phương thức chậm chắc có những ưu điểm của nó. Nhưng điều quan trọng là phải tạo được những nhóm có lợi ích gắn liền với bước cải cách tiếp theo. Một điều mà Việt Nam có thể phải xem xét đó là giữ đà tăng trưởng, hạn chế phát sinh các nhóm lợi ích nằm giữa kinh tế kế hoạch và kinh tế thị trường, từ đó ngăn cản cải cách. Quyền lợi cao nhất phải là quyền lợi của người dân Việt Nam. Vấn đề thứ 2, đó là việc tổ chức trong xã hội. Ở Trung Quốc, các nhà chức trách và hệ thống chính trị địa phương rất quan tâm đến nắm quyền trung tâm, trong khi vẫn cho quyền tự chủ đến các tổ chức trong xã hội. Một trong các thách thức lớn nhất, là chính phủ phải học cách tin vào người dân để họ có thể thay mặt chính phủ đưa ra các quyết định quan trọng. Khi tôi nghiên cứu về Trung Quốc và chưa biết gì về Việt Nam, có một vấn đề là chính phủ Trung Quốc tỏ ra biết chính xác nhu cầu của người dân. Nhưng có thể thấy rõ là đối với một đất nước rộng lớn như Trung Quốc, chính phủ không thể quản lý tất cả các khu vực cần phối hợp với nhau, không thể cung cấp tất cả các dịch vụ xã hội mà người dân mong muốn... Cái quan trọng Việt Nam cần học từ những kinh nghiệm của Trung Quốc, và cần duy trì được đà phát triển cho đến tương lai.

Ngo Anh Tuan - Nam 56 tuổi - 23 Văn Chuơng 2 Đống Đa Hà Nội:
- Thưa Giáo sư! Những xung đột giữa thực tiễn và lý luận đã và sẽ diễn ra, đến lúc sẽ rất gay gắt. Giáo sư có bình luận gì và dự đoán xu huớng phát triển xã hội TQ sẽ thế nào vào 2010 và 2020 ?

GS. Tony Saich: Theo quan điểm của tôi, người dân có thể yêu cầu chính phủ của mình giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế, bao gồm phát triển hệ thống tài chính, TTCK... và cả chống tham nhũng. Điều quan trọng nhất là chính phủ TQ có thể giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế được không? Những lý thuyết đưa ra có hài hòa với bức tranh thực tế hay không? Trong quá trình phát triển theo một định hướng nào đó, chính phủ một nước mà không giải quyết được các vấn đề đó, thì người dân sẽ phản đối và chính phủ sẽ phải có các chính sách thích hợp.

Trên thực tế, tỷ lệ tăng trưởng của TQ còn cao hơn cả con số thống kê

Nhiều bạn đọc: Con số tăng trưởng của Trung Quốc đưa ra như vậy có chính xác không? Nếu đúng thực sự là như vậy thì vấn đề chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng có xẩy ra không? Nếu có xảy ra thi Chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp gì để giải quyết vấn đề giàu nghèo giữa các vùng đó?

GS. Tony Saich: - Cảm ơn rất nhiều cho câu hỏi chân thành này. Để tôi nói từng vấn đề một cách cụ thể. Thứ nhất, phải nói là hệ thống thống kê của TQ ngày nay đã khá hơn rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, vẫn tồn tại việc thống kê thường đưa ra con số để ủng hộ các tuyên bố của chính phủ. Nhưng không có nghĩa là thống kê sai. Các con số ở TQ nhìn chung thể hiện khá tốt bức tranh thực, nhưng có thể không đáng tin cậy nếu muốn biết chi tiết trong một số lĩnh vực cụ thể. Một ví dụ: tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc năm ngoái là khoảng 9%. Song tất cả các tỉnh của TQ đều báo cáo tốc độ vượt xa con số bình quân cả nước. Về toán học mà nói, chắc chắn có gì sai ở đây. Khía cạnh thứ hai của câu hỏi này: con số thống kê thể hiện cao hơn hay thấp hơn thực tế? Vài năm trước, các nhà kinh tế ở các nước đều cho rằng thống kê của TQ cao hơn thực tế. Họ tìm những nguồn để phối kiểm như tiêu thụ năng lượng hay vài chỉ số khác… Tôi nghĩ bây giờ những nhà kinh tế trong và ngoài nước Trung Quốc đều có chung quan điểm ngược lại, họ cho rằng con số công bố về tăng trưởng kinh tế là thấp hơn thực tế, thậm chí có thể thấp hơn khoảng 25 - 30%. Lý do chính, phải nhìn cách tính GDP của TQ. Tôi cho là họ ước tính thấp khu vực tư nhân và khu vực dịch vụ. Chỉ cần dạo quanh phố phường nhìn lên những toà nhà chọc trời mọc lên từng ngày, bạn sẽ thấy rõ ràng là tăng trưởng kinh tế đã công bố của nước này là thấp hơn thực tế. Nhân đây cũng phải nói thêm về chất lượng tăng trưởng, điều đang là điều được nhắc tới rất nhiều trong thời gian gần đây. Tăng trưởng cao nhưng chưa chắc là chất lượng cuộc sống cao. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn của TQ khá thấp, còn nhiều lãng phí và phân bổ nguồn lực không hiệu quả. Đầu cơ vào bất động sản cũng rất phổ biến. Về vấn đề mất cân bằng, các nhà lãnh đạo mới của TQ như Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo rõ ràng đã đặt cân bằng xã hội lên bàn khi tính toán quyết sách (Cũng không công bằng nếu nói những nhà lãnh đạo trước đây như ông Giang Trạch Dân chưa nghĩ tới điều đó. Nhiệm vụ cấp bách mà đất nước đặt lên vai họ lúc đó chủ yếu lo về tăng trưởng kinh tế, nên vấn đề chênh lệch khi đó chưa được bàn tới nhiều. Thực tế, từ những năm 1990, vấn đề này đã là nỗi lo của họ, một nỗi lo chưa thể dành thời gian giải quyết ngay được.) Song đến nay, giảm chênh lệch trong phát triển được coi là trung tâm chính sách của TQ. Phải thấy một sự thực là TQ từ một nước có sự cân bằng bậc nhất châu Á đang trở nên một nơi có sự chênh lệch giàu nghèo nhiều nhất. Tuy nhiên, cần thận trọng khi nhìn vào con số. Nếu nhìn vào chỉ số Gini, cân bằng dường như đang xấu đi. Nhưng có khi Gini xấu đi do chất lượng cuộc sống đại đa số dân được nâng lên nhiều. Nguồn gốc của sự bất cân bằng hiện nay nhiều khi từ hệ thống kế họach tập trung trước kia. Chênh lệch thị thành và nông thôn luôn luôn rất lớn, ngay từ trước khi đổi mới. Một nguyên tắc trước đây là tự lập theo vùng, mỗi vùng phải sử dụng nguồn lực của chính mình, sản xuất cho mình và tiêu thụ hàng của mình. Những công nhân trong những doanh nghiệp giàu có mức sống cao hơn công nhân các doanh nghiệp nghèo. Nhưng ngay cả công nhân trong các doanh nghiệp nghèo nhất cũng sống tốt hơn nông dân ở nông thôn. Việc hạn chế người dân di cư giữa các vùng càng làm bất cân bằng trở nên tệ hơn.

Cần thận trọng khi so sánh TQ và Nga

Nhà văn - nhà báo Vũ Ngọc Tiến - Nam 60 tuổi - Hà Nội:
- Thưa GS Anthony Saich! Xin được hỏi ngài một câu thôi: Người ta nói, trước đây, nuớc Nga cải cách thì đang yên thành loạn, còn TQ cải cách thì đang loạn thành yên, đó là thành công đặc sắc của họ. Lại có ý kiến như Frannois Jullien và A Chieng thì cho rằng họ (TQ) cải cách thành công hơn Nga vì Nga cải cách vẫn theo văn hóa phương Tây, coi trọng chân lý; còn TQ cải cách theo văn hóa truyền thống phương Đông, coi trọng sự biến hoá. Vậy theo GS sẽ lý giải ra sao?

GS. Tony Saich: - Không có chỉ số nào có thể chỉ rõ ta giữa TQ và Nga thì ai thành công hơn ai. Nhưng bạn phải cẩn thận khi so sánh. Tình trạng ở Nga hoàn toàn khác với TQ. Nga đã là một nước công nghiệp vào thời điểm TQ vẫn còn là một nước nông nghiệp lạc hậu mới chuẩn bị tinh thần để bắt đầu công nghiệp hoá. Nhìn vào xuất phát điểm của hai nước trước khi cải cách, bạn sẽ thấy ngay. Rõ ràng là cải cách để nâng mức sống từ nghèo đói lên đủ ăn bao giờ cũng dễ làm và dễ nhận thấy, dễ được công nhận hơn là từ một xuất phát điểm khá cao lên cao hơn. Nói cách khác thành công, cứ coi như vậy, cũng có nhiều loại, loại dễ nhìn thấy và loại khó nhận biết. Vấn đề ở Nga là họ đã cố gắng cải tổ kinh tế từ 30 năm trước nhưng đã thất bại. Và có thể thời điểm cũng như xuất phát điểm đó không phù hợp, và đã là nguyên nhân của thất bại, nếu nó được gọi là thất bại. Và tôi nghĩ, ông Govbachev nghĩ tới điều đó, rằng cứ cố gắng, cố gắng cải cách như các thế hệ trước thì sẽ khó thành công, nên đã quyết định cải tổ đất nước theo cách của ông: cải tổ chính trị trước. Và các bạn biết rồi đấy, cải cách đó cũng được coi là thất bại. Điều quan trọng là không thể lao vào cải cách kinh tế theo thị trường mà không cải cách chính phủ. Phải tạo ra cơ cấu chính phủ mới, không phải là mạnh hơn theo khái niệm cũ, nhưng hiệu quả hơn. Thêm một điều nữa, các chương trình chính trị ở Nga không giống như các chương trình ở Tây Âu. Người Nga muốn bảo đảm là hệ thống kế hoạch tập trung sẽ không thể quay trở lại. Trung Quốc từ những năm đầu đổi mới đến tận cuối thập kỷ 90, điều này không rõ ràng như vậy. Đặng Tiểu Bình có một câu nói nổi tiếng: vừa lội qua sông vừa dò đường. Vấn đề là khi vượt sông, bạn phải biết rõ điều gì đang ở bờ bên kia. Nếu không, các thử nghiệm không có mục tiêu và điểm kết thúc. Những nhóm lợi ích có thể chặn bạn ở giữa sông và kéo bạn chìm trước khi đến bờ bên kia. Gia nhập WTO là một quyết định hết sức quan trọng của TQ: phải tiến lên phía trước, nhanh hơn, và xác định rõ là sẽ không quay trở lại!

Nên học TQ: Vào WTO là để cấu trúc lại nền kinh tế hợp lý hơn!

Huỳnh Văn Thuợng - Nam 30 tuổi - Tam Kỳ, Quảng Nam:
- Ông có thể cho độc giả Việt Nam biết những thay đổi cơ bản sau khi TQ gia nhập WTO? Các nước khác có thể học được gì từ những thay đổi này?

GS. Tony Saich: - Trước hết tôi muốn nói rằng, đã có nhiều hiểu sai về những gì xảy ra ở TQ trước và sau khi gia nhập WTO. Trung Quốc đã nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế. Chủ tịch Giang Trạch Dân và Thủ tướng Chu Dung Cơ nhận thức là nếu thiếu lực đẩy từ bên ngoài, cải cách sẽ chững lại. Việc gia nhập WTO là cách dùng lực đẩy quốc tế để cải cách tiến tới, vượt qua mối lo bị chặn lại giữa dòng, như tôi đã nói ở trên. Đó cũng là một quyết định rất thông minh của lãnh đạo chính trị. Nếu có điều gì bị chỉ trích, họ nói: đó là do sức ép quốc tế! Tôi nghĩ tác động tiêu cực của WTO đến TQ thấp hơn rất nhiều so với những gì người ta thường nói. Mất việc làm, một vài ngành công nghiệp sa sút… Nhưng các doanh nghiệp TQ hiện nay bị buộc phải hiệu quả. Các tổ chức tài chính chịu áp lực rất lớn phải phân bổ vốn hiệu quả hơn. Hệ thống dịch vụ của TQ đã phát triển cực kỳ mạnh. Trên thực tế, số việc làm được tạo ra cao hơn rất nhiều so với số việc làm bị mất. Vấn đề gia nhập WTO thường bị hiểu lầm. Nhưng phải nhận thấy là TQ đã xác định con đường cải cách kinh tế. Điều chỉnh kinh tế mang lại những bất lợi tức thời và rõ ràng, cùng những lợi ích to lớn nhưng dài hạn và khó thấy ngay. Điều hiểu lầm là nhiều người gắn WTO với những bất lợi của cải cách kinh tế. Thực tế thì không có WTO, những điều đó vẫn tất yếu phải xảy ra. Một số doanh nghiệp nhỏ và cả doanh nghiệp lớn bị phá sản, không phải do WTO, mà chính vì họ vốn đã không hiệu quả, nợ nần quá lớn. Trước đây họ đã nổi lên trong bối cảnh không minh bạch về tài chính. Chính quyền địa phương vẫn rót vốn dù biết các doanh nghiệp không hiệu quả. Đến nay những địa phương phát triển tốt nhất là những nơi có các doanh nhgiệp tư nhân hiệu quả. Tôi nghĩ vấn đề không phải là WTO, vấn đề là chuyển đổi kinh tế và quản lý các doanh nghiệp địa phương. Những doanh nghiệp không hiệu quả sẽ phải phá sản, hoặc cải cách để hiệu quả, hoặc bị sáp nhập vào các doanh nghiệp khác. WTO chỉ thúc đẩy quá trình nhanh hơn.

TQ "chạy nhanh" khiến cuộc chơi toàn cầu thú vị hơn!

Hoàng Lâm - Nam 24 tuổi - Hà Nội:
- Thưa GS, hiện nay trên thế giới đã hình thành ra một quốc gia hùng mạnh là Trung Quốc. Theo ông, liệu sự lớn mạnh đó có ảnh hưởng đến sự hoà bình trên thế giới không?

Nguyễn Thành Phương – Nam 20 tuổi – Đan Phượng – Hà Tây:
- Nước Mỹ có coi TQ là mối đe dọa cận kề trước ngôi vị số 1 thế giới gần như mọi mặt của nước ông hay không?

GS. Tony Saich: - Đây là câu hỏi rất quan trọng. Nhưng nếu TQ có thể lên vị trí số 1, điều này sẽ không xảy ra trong đời tôi, năm nay tôi mới 53 tuổi. Tôi có thể hiểu một số người Mỹ lo ngại liệu Mỹ có bị đe doạ bởi TQ hay không. Câu trả lời như tôi đã nói, nếu có thì sẽ xảy ra rất lâu sau ngày tôi không còn trên cõi đời này nữa, rất lâu. Thực tế là TQ đã là một cường quốc trên thế giới, nhưng người Mỹ không có gì phải lo ngại. Trung Quốc trở thành cường quốc và họ biết cách cư xử kiểu cường quốc. Đây là điều hết sức quan trọng cho môi trường toàn cầu. Tôi nghĩ Mỹ sẽ được lợi từ sự phát triển của TQ. Nhiều người Mỹ cũng lo ngại các điểm cụ thể như thâm hụt thương mại với TQ quá lớn, hay tỉ giá đồng nhân dân tệ, hay TQ lấy mất việc làm của dân Mỹ… Tất cả đó chỉ là những vấn đề tạm thời. Những người Mỹ lo ngại sức mạnh của TQ, họ đều sai. Một điểm lý thú là gần đây có thảo luận: Nước Mỹ đang xuống dốc. Đây là sai lầm nguy hiểm trong chính sách. Tôi nói điều này trong khi tôi đang là người Anh, dù đang làm việc ở Mỹ nhưng vẫn là quốc tịch Anh. Trước đây cũng có thảo luận là Nhật sẽ vượt qua Mỹ. Nhưng điều đó không xảy ra. Nền kinh tế Mỹ rất sáng tạo vào có khả năng điều chỉnh rất cao.

Chống tham nhũng ở Trung Quốc?

Trịnh Khôi Nguyên - Nam 26 tuổi - TP.Thanh Hóa:
- Tại sao giới lãnh đạo ở cấp cao nhất của Trung Quốc lại có quyết tâm chống tham nhũng quyết liệt như vậy? Họ có phải là những người thực sự liêm khiết, chỉ sống bằng đồng lương không? Liệu ĐCS Trung Quốc có một cơ chế tài chính ngầm nào đó giúp đỡ cho các nhà lãnh đạo cao cấp không?

GS. Tony Saich: - Tham nhũng? TQ đã chống nó từ 30 năm nay rồi. Họ xác định chống tham nhũng là vấn đề sống còn của Đảng. Họ thậm chí còn chú ý tới việc giáo dục người dân, cả trẻ em trong trường học, cần phải tránh xa và đấu tranh với tham nhũng. Nhưng tham nhũng ngày nay vẫn phổ biến, hơn cả 30 năm trước đây. Phải xem lại hiệu quả của các biện pháp đã đưa ra. Việc đầu tiên họ muốn là có một bộ máy quản lý thật trong sạch. Tuy nhiên điều đó không dễ thực hiện. Năm ngoái và năm nay đã xảy ra nhiều vụ lãnh đạo địa phương hay doanh nghiệp có hành vi phạm pháp, thí dụ như tham nhũng tiền lương hưu của người già hay tiền lương của công nhân, hay định loại đất đai từ đất nông nghiệp sang đất kinh doanh để chiếm đoạt khoản chênh lệch. Đây là điều rất phổ biến. Các lãnh đạo cấp cao cũng quan tâm việc tham nhũng đã chuyển thành vấn đề xã hội. Ngoài ra, lãnh đạo TQ cũng quan tâm đến tình hình ở các nước châu Á, gồm cả Việt Nam, gồm cả cuộc đảo chính mới đây ở Thái Lan, hay biểu tình phản đối lãnh đạo ở Đài Loan. Tất cả đều có nguồn gốc từ tham nhũng. Họ xác định tham nhũng có thể gây mất ổn định hệ thống. Tôi tin là đến nay TQ đã nghiêm túc hơn rất nhiều so với trước đây trong việc chống tham nhũng. Không thể giải quyết nạn tham nhũng chỉ thông qua giáo dục hay bắt giam vài quan chức. Cơ chế mới là gốc rễ. Cần có những thay đổi cơ bản về minh bạch, về ngân sách, cho phép xã hội đặt sức ép lên chính quyền địa phương. Và nói thực, vai trò của báo chí phải được phát huy trong vấn đề chống tham nhũng. Qua báo đài, người ta mới biết được các quan chức lấy đâu ra tiền? Người dân phải có quyền biết tiền của mình đang được các quan chức sử dụng như thế nào.

Le Lam - Nam 35 tuổi - TP.HCM:
- Thời gian qua, Trung Quốc đấu tranh rất mạnh với nạn tham nhũng và xử lý rất triệt để không kể cán bộ đó đã có công lao to lớn như thế nào. Việt Nam và Trung Quốc có những điều kiện rất giống nhau, vậy xin hỏi ông Việt Nam có nên học tập Trung Quốc trong vấn đề này?

GS. Tony Saich: - Tôi nghĩ, trong tình huống lý tưởng, không ai có quyền đứng trên luật pháp. Nhưng tôi nghĩ trường hợp Bí thư ở Thượng Hải, cần xét đoán cẩn thận hơn. Một mặt, có nhu cầu phải cảnh cáo các lãnh đạo địa phương, họ không thể qua mặt trung ương. Nhưng cũng phải để ý tới yếu tố chính trị, cần xác định trường hợp nào hoàn toàn do tham nhũng, và trường hợp nào có kết hợp cả yếu tố chính trị. Trong mấy năm trước, cũng có những trường hợp tham nhũng, nhưng lại được chuyển lên vị trí khác cao hơn. Cũng phải xét là ngày càng có nhiều vụ tham nhũng liên quan đến con cháu của các vị có công, hay con cháu lãnh đạo. Họ dùng mối quan hệ chính trị để gây dựng doanh nghiệp và tham nhũng. Hầu hết những con cháu như vậy vẫn đang kinh doanh với sự bảo vệ chính trị từ gia đình. Cũng cần thấy là trong hệ thống đang chuyển đổi, có nhiều quy chế không rõ ràng. Ai có mối quan hệ tốt thì thường lợi dụng được những kẽ hở trong quy định. Ở TQ, người dân rất bức xúc về tình hình này. Điểm thú vị là khi con gái Tổng thống Bush bị bắt giam vì say rượu lái xe, các báo chí ở TQ đều đăng tin rất đậm, cho thấy Tổng thống chẳng thể can thiệp gì để bênh con gái.

Giáo dục ĐH ở TQ: Họ đã có cuộc chơi khôn ngoan, Việt Nam nên học tập

Luơng Viết Sang - Nam 41 tuổi - 826 CT4, Mỹ đình-Mễ trì, Hà Nội:
- Qua kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý hợp tác với Trung Quốc, xin GS cho biết Việt Nam nên tập trung vào những gì trong lĩnh vực này?

GS. Tony Saich: - Trong 20 năm qua, TQ đã xây dựng năng lực chất lượng cao về phân tích kinh tế, xã hội học, và khoa học chính trị, một phần lớn thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, một phần khác thông qua việc gửi học sinh đi nước ngoài và cố gắng tạo môi trường tốt để thu hút họ trở về TQ. Vấn đề lớn là mối liên kết còn yếu kém giữa nguồn lực đó với phân tích chính sách. Điều TQ đã đạt được trong 20 năm qua là các trường đại học (ĐH) cũng như các trung tâm nghiên cứu của chính phủ đã cố gắng sử dụng những năng lực phân tích rất giỏi đó vào việc đưa ra những chính sách tốt. Tôi có thể nói TQ đã có những nhà nghiên cứu cực kỳ giỏi, đưa ra những phân tích và tư vấn tuyệt vời về mọi mặt trong chính sách công. Từ Harvard, chúng tôi đã có một số chương trình làm việc với TQ. Chúng tôi có quan hệ đối tác với Trường Chính sách công tại ĐH Thanh Hoa, hỗ trợ họ thiết kế những chương trình giảng dạy với những công cụ phân tích khách quan, tư duy chiến lược về những vấn đề chính sách công cốt yếu. Chúng tôi cũng hợp tác với ĐH Thanh Hoa xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Phát triển, đào tạo mỗi năm hơn 60 cán bộ nhà nước qua chương trình 3 tháng. Chương trình này tập trung vào cải thiện năng lực quản lý nhà nước. Tôi nghĩ hợp tác quốc tế đã rất có ích đối với TQ, nhưng cũng đã có quyết tâm rất nghiêm túc từ phía TQ qua việc cho những chương trình này sự độc lập tự chủ về nội dung đào tạo, cho phép những chuyên gia giỏi được phân tích phê phán. Tôi nghĩ lãnh đạo TQ đã rất khôn ngoan trong việc cho phép như vậy. Về nhiều phương diện, TQ không thật sự cần chúng tôi, những nhà nghiên cứu nước ngoài. Họ đã xây dựng được năng lực phân tích rất tuyệt vời. Ngoài một số chủ đề cụ thể về cơ cấu chính trị, việc thảo luận học thuật ở TQ rất cởi mở và sâu sắc. Đó là điều rất hữu ích để giúp chính phủ thiết lập các chính sách mới.

Trịnh Ngọc Đạt - Nam 48 tuổi - Thanh Hoá:
- Xin Giáo sư vui lòng cho biết nội dung đổi mới nền giáo dục Đại học ở Trung Quốc và Việt Nam nên học tập những kinh nghiệm gì từ Trung Quốc để giúp cho chính sách đào tạo nguồn nhân lực của mình phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

GS. Tony Saich: - Điều trước tiên, nếu bạn thực sự muốn có một đại học đẳng cấp quốc tế, bạn phải trao quyền tự chủ cho cộng đồng học thuật. Bạn không thể độc đoán chỉ định lĩnh vực nghiên cứu. Tôi nghĩ không thể xây dựng một tổ chức tinh hoa trong khi lại hạn chế chủ đề nghiên cứu. TQ đã học được điều này khá tốt. Điều thứ hai là tạo được môi trường làm việc tốt để thu hút mọi nguồn nhân tài từ nước ngoài. TQ đã nhận thức được là phải thu hút nhân tài về nước sau khi đi học ở nước ngoài. Điều này không chỉ giới hạn ở những trung tâm quốc gia. TQ đã có những trung tâm tuyệt vời về nghiên cứu kinh tế, xã hội học, khảo sát chính sách, và khoa học chính trị. Đây là điều hết sức quan trọng. Tôi nghĩ khó có thể làm điều này thông qua các trung tâm hiện hữu. Nhiều yếu tố truyền thống của các học viện cũ có tác động tiêu cực đối với các chuyên gia. Cũng có thể tạo ra các viện mới. TQ đã cho phép ra đời những trung tâm nghiên cứu mới, hoàn toàn độc lập từ chính phủ. Nhiều trung tâm được thành lập bởi chính những người đã từng làm việc trong chính phủ. Những trung tâm này là nguồn phân tích chính sách rất quan trọng. Điều thứ ba, cần nói đến một yếu tố tiêu cực trong cải cách giáo dục ở TQ. Tiếng Anh có câu “nhỏ là tốt”. Ở TQ đã có trào lưu tạo ra các ĐH siêu lớn bằng cách nhập các trường và viện với nhau. Ý tưởng ở đây là lớn hơn thì sẽ tốt hơn. Thực tế, nhiều trường hợp đã xảy ra xung đột trong nội bộ các tổ chức giáo dục và kéo chất lượng đi xuống. Tôi nghĩ là nhiều thành công đã thấy trong các học viện nhỏ, có trọng tâm, để đào tạo ở cấp đại học. Điều thứ tư, hợp tác quốc tế đã chứng tỏ rất hữu ích. Ở Việt Nam, đã có Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP. HCM. Đây là một mô hình rất đáng quan tâm ở Việt Nam. Mô hình này rất giống các mô hình ở mà TQ đang cố gắng theo đuổi: mối quan hệ đối tác chặt chẽ, phía nước ngoài đưa vào tư duy mới về chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo. Tôi nghĩ đây là một mô hình Việt Nam cần quan tâm để có thể sử dụng nguồn lực nước ngoài hiệu quả hơn. Thêm một yếu tố tiêu cực nữa mà Việt Nam nên tránh không lặp lại của TQ, đó là điều tôi gọi là “tham nhũng học thuật”. Đây đang là vấn đề rất lớn ở TQ. Gian lận không chỉ thấy ở sinh viên mà ở cả giáo viên. Đó là bỏ bễ trách nhiệm, làm ngoài để kiếm thêm, xuất bản những tác phẩm không phải của mình… Điều cần thiết không chỉ là xây dựng đạo đức trong cộng đồng, mà còn là đưa ra những quy chế rất chặt chẽ để trừng phạt những người vi phạm, loại bỏ họ ra khỏi môi trường đại học. TQ đang bắt đầu làm điều này, làm cho các cơ sở đào tạo phải xấu hổ về sự gian lận. So sánh chương trình hợp tác của ĐH Harvard với ĐH Thanh Hoa, hay ĐH Johns Hopkins với ĐH Nam Ninh, với Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP. HCM, tôi không thấy có nhiều khác biệt. Về các điểm tương đồng, trước tiên là quyết tâm theo đuổi chất lượng đỉnh cao ở cả ba chương trình này. Đó là quyết tâm đạt chất lượng đỉnh cao về giảng viên. Cả ba chương trình đều nỗ lực nâng cao chất lượng giảng viên trong nước để họ ngày càng gánh trách nhiệm nhiều hơn về nghiên cứu và giảng dạy. Cả ba chương trình đều nỗ lực duy trì sự độc lập về tư duy và tính trung thực. Đó là những yếu tố hết sức quan trọng đối với thành công. Cả ba đều không phải thay đổi dưới những áp lực chính trị hay áp lực tài chính. Cả ba đều đưa ra những môn học đỉnh cao. Không thể đạt được đỉnh cao nếu không có phê phán trên tinh thần xây dựng và cởi mở. Không thể tha thứ cho gian lận. Chỉ đặt một chân vào con đường trơn trượt thì sẽ trượt mãi. Quan điểm của tôi là: một khi bạn bắt đầu lơi lỏng với chất lượng, đó là thời điểm kết thúc của tổ chức. Vì không có con đường thoát.

VietNamNet: Cách đây vài tháng, tại đây đã có buổi giao lưu với Giáo sư Malcom Gillis, nguyên Chủ tịch Đại học Rice của Hoa Kỳ. Quan điểm của ông là: Việt Nam không thể không có đại học đẳng cấp hàng đầu. Không thể mãi giao việc đào tạo nhân tài hàng đầu cho nước ngoài. Ông nghĩ gì về quan điểm này?

GS. Tony Saich: - Trong một giai đoạn nào đó, các bạn có thể dựa vào việc đào tạo ở nước ngoài, nhưng chắc chắn sớm hay muộn Việt Nam nhất định phải có những đại học đẳng cấp hàng đầu. Đây là một lựa chọn chính trị. Chúng ta có thể nói: mong có đại học hàng đầu, trong khi vẫn can thiệp vào đó, và sẽ chẳng bao giờ có đại học đó. Cần có quyết tâm táo bạo, như tôi đã nói, cho phép sự độc lập về tư duy và chất lượng. Đó sẽ điều lay động và thức tỉnh nhiều trường đại học hiện hữu. Ngay cả ở TQ, điều này cũng không dễ dàng. Có những con người rất tốt, thông minh, nhiều kỳ vọng, nhưng họ sợ hãi trước đổi thay. Một khi họ lo ngại, họ có xu hướng ngăn chặn sự thay đổi. Không phải họ là người xấu, nhưng họ được đào tạo theo cách khác và đã quen với những giá trị cũ mà không còn phù hợp nữa. Đây là một quyết định chính trị: Việt Nam có thực sự mong muốn một đại học đẳng cấp hàng đầu? Nếu muốn, phải tìm cách đột phá. Không phải là tất cả, nhưng hầu hết những học viện thành công ở TQ là được thành lập mới. Những cơ sở mới này, mặc dù nằm trong những trường rất tốt như ĐH Thanh Hoa hay ĐH Bắc Kinh, nhưng nhà trường dựng lên một bức thành xung quanh họ, cho họ quyền độc lập tự chủ mà các nơi khác không có được. Điều rất quan trọng là TQ không đưa hệ thống quan liêu kiểu cũ vào các học viện mới, vì sẽ giết chết các viện mới. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này, chẳng cần phép màu nào cả, chỉ cần một quyết tâm chính trị.

Còn rất nhiều câu hỏi bạn đọc đặt ra về mô hình chính phủ TQ, doanh nhân trẻ ở TQ, hay giá thành của hàng hóa TQ... Do thời gian buổi giao lưu có hạn, chúng tôi sẽ chuyển các câu hỏi cho GS Saich và chuyển đến bạn đọc câu trả lời sau.

VietNamNet

Những người thực hiện: Bùi Văn, Hà Ngọc Dũng, Hồng Quý