Thích ứng thanh toán không dùng tiền mặt
moneyPhát triển thẻ tín dụng, trong đó có thẻ tín dụng nội địa, được coi là một trong những mục tiêu quan trọng của các ngân hàng thương mại, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng...
Thị trường nhiều tiềm năng
Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Theo thống kê, đến 31/12/2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ, phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019). Số lượng thẻ tín dụng nội địa lưu hành đến 31/12/2021 đạt trên 475 nghìn thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019). Trong giai đoạn 5 năm 2017-2021, số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.
Nhiều cá nhân sau một thời gian dài sở hữu thẻ quốc tế cũng muốn mở thêm thẻ tín dụng nội địa để tiện chi tiêu, mua sắm. Theo Giám đốc hoạch định tài chính Aeon Việt Nam Lưu Hồng Phước, tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của công ty đã tăng dần qua các năm, hiện đạt gần 50%. Việc tăng tốc chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của ty, đồng thời cũng phù hợp xu hướng chung, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh hiện tại.
Theo ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc NAPAS (cty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam) thẻ tín dụng nội địa có biểu phí hợp lý, bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên, giúp tiết kiệm phí thanh toán cho các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ. Bên cạnh đó, tính năng nổi trội của thẻ tín dụng là chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày. Do đó, đây là kênh tiếp cận tín dụng chính thức từ các tổ chức tài chính, đáp ứng nhu cầu cấp bách về tài chính cho người dân, góp phần ngăn chặn tín dụng đen gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Thẻ tín dụng nội địa ứng dụng công nghệ hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa của Ngân hàng Nhà nước và tiêu chuẩn quốc tế EMV, có tính an toàn, bảo mật cao, hạn chế rủi ro, gian lận, giả mạo cho chủ thẻ. Thẻ tín dụng nội địa phi tiếp xúc còn có ưu điểm thanh toán nhanh, thực hiện số lượng giao dịch lớn trong thanh toán bán lẻ. Người dùng thẻ không cần nhập mã pin khi thanh toán các giao dịch giá trị nhỏ.
Ngân hàng nhập cuộc
Thấy được tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa, nhiều ngân hàng cũng đã xây dựng hệ sinh thái để khai thác. Dựa trên khảo sát 600 người tiêu dùng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, mặc dù mức độ sử dụng sản phẩm thẻ tín dụng còn thấp (tỷ lệ 46%) nhưng đây lại là sản phẩm có tiềm năng phát triển tốt.
Số lượng người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai chiếm 34%. Chính sách mở thẻ ngày càng dễ dàng, thuận tiện và khách hàng được hưởng nhiều ưu đãi khi thanh toán.
Trong bối cảnh chung, hiện nay nhiều người dân, đặc biệt là ở khu vực thành thị đã được tiếp cận rộng rãi, và có xu hướng thường xuyên sử dụng sản phẩm, dịch vụ thẻ tín dụng nội địa. Tuy nhiên, còn rất nhiều người dân sống, làm việc ở vùng nông thôn, có thu nhập ổn định, khả năng trả nợ và có nhu cầu tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân như chi trả sinh hoạt hàng ngày, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền, thanh toán mua hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điển tử trong nước, đóng bảo hiểm… nhưng họ chưa được tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hữu ích này. Đây là phân khúc khách hàng, sản phẩm còn rất tiềm năng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho rằng, nếu khách hàng đã sử dụng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt rồi thì sẽ ít muốn quay trở lại dùng tiền mặt. Tuy nhiên, để khuyến khích khách hàng sử dụng lần đầu cần phải thông tin để người dùng hiểu lợi ích cũng như sự thuận tiện, an toàn khi tiếp cận các phương thức thanh toán thẻ, thanh toán không dùng tiền mặt.
Muốn phát triển thẻ tín dụng nhanh thì việc triển khai sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hóa, tự động hóa các quy trình, mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông với các ngành dịch vụ, lĩnh vực trong nền kinh tế.
Minh bạch hoá giao dịch
Theo các chuyên gia kinh tế, thực tế đã chứng minh việc đẩy mạnh thẻ tín dụng nội địa mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Một mặt vừa tránh lệ thuộc tổ chức thanh toán nước ngoài, mặt khác thúc đẩy ngân hàng sớm hoàn thiện và làm chủ hệ thống thanh toán, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là công cụ tốt để đẩy lùi hoạt động tín dụng đen, nạn tham nhũng, rửa tiền.
Giới chuyên gia phân tích, khi dòng tiền vào ra được quản lý, có sự giám sát bằng công nghệ mà ở đây là thẻ tín dụng thì việc công khai, minh bạch các giao dịch rất dễ. Kết hợp với cơ chế chính sách của Nhà nước thì những giao dịch của các chủ thể là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, doanh nghiệp… sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Từ đó hạn chế được vấn nạn tham nhũng, hối lộ.
Chính vì thế, những năm gần đây, Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ chủ trương triển khai Chính phủ điện tử.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng... Do đó, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hệ thống ngân hàng cần tạo niềm tin cho khách hàng bằng cách nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, đầu tư về công nghệ.
Đồng thời, tăng cường truyền thông, hỗ trợ người dân tích cực hơn nữa trong vấn đề giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, giảm chi phí, giúp họ hiểu về các tiện ích của hệ thống thanh toán này để từ đó thay đổi thói quen sử dụng từ tiền mặt sang sử dụng thẻ thanh toán.
Ông Lê Thanh Hà, Trưởng tiểu ban rủi ro, Hội Thẻ Việt Nam khuyến cáo, khách hàng không đưa thẻ của mình cho bất cứ người nào khác, trừ nhân viên của ngân hàng hoặc các nhân viên thu ngân của đơn vị chấp nhận thanh toán được chỉ định để làm việc với khách hàng. Khi thu ngân thực hiện giao dịch phải trong tầm quan sát của khách hàng.
Đối với nhân viên ngân hàng, khách hàng chỉ nên đưa thẻ cho nhân viên của ngân hàng khi thực hiện các giao dịch/thủ tục tại các điểm giao dịch của ngân hàng, không đưa thẻ ở các địa điểm bên ngoài điểm giao dịch của ngân hàng. Khách hàng nên chủ động quản trị rủi ro thẻ thông qua các công cụ mà ngân hàng cung cấp. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã cung cấp cho khách hàng các công cụ để có thể chủ động quản trị thẻ thông qua các ứng dụng hoặc các trang web.
ĐĐK 1/4