Ngăn chặn mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng

bank

Hiện nay, nhiều ngân hàng đã có chính sách giảm bớt các thủ tục hành chính và tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp người dân dễ dàng mở tài khoản. Lợi dụng điều này, các đối tượng phạm tội đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để góp phần ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm này, lực lượng công an đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ.

Chia sẻ về những nguyên nhân dẫn tới loại tội phạm này, Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: Hiện nay, việc trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng đang diễn ra rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực. Cụ thể, nhiều đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng mang tên người khác vào việc thanh khoản cho các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc làm cổng thanh toán cho các trò chơi trực tuyến trái phép. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về dịch vụ mở tài khoản ngân hàng còn khá hạn chế, từ đó thành kẽ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động...

Để thực hiện trót lọt các hành vi phạm tội, các đối tượng thường thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như lợi dụng danh nghĩa nhân viên ngân hàng đang làm chỉ tiêu mở tài khoản thẻ ATM để vận động học sinh, sinh viên hoặc những người lao động có thu nhập thấp, hiểu biết hạn chế về pháp luật mở tài khoản miễn phí hoặc mức phí thấp. Sau đó thỏa thuận mua hoặc thuê lại của chủ tài khoản và quản lý hệ thống tài khoản ngân hàng bằng ứng dụng tự lập trình. Thực hiện các thủ thuật ẩn danh trên môi trường không gian mạng nhằm che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, xử lý của lực lượng công an…

Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Lã Thị Ánh (Công ty Luật TNHH MTV Ánh Trọng Tín, Hà Nội) cho rằng, việc trao đổi, thu thập, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác hoặc của chính mình đều là những hành vi vi phạm pháp luật. Vì tài khoản ngân hàng được mở gắn liền với thông tin của chủ tài khoản cho nên việc mua bán trái phép này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động quản lý, phát triển các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính cao nhất đến 150 triệu đồng theo Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ, nếu mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh; thực hiện các giao dịch với mục đích lừa đảo, gian lận...

Nếu người phạm tội thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; số lượng mua bán, công khai hóa trái phép thông tin 200 tài khoản ngân hàng trở lên thì theo Điều 291 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc bị phạt tù đến 7 năm...

Để hạn chế tình trạng này, các cơ quan có thẩm quyền cần siết chặt hoạt động quản lý tài khoản ngân hàng và tài khoản tín dụng có chức năng thanh toán; tăng chế tài xử phạt về hành chính cũng như hình sự đối với loại tội phạm này. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao ý thức trong việc mở tài khoản ngân hàng và quản lý các thông tin liên quan; hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân như căn cước công dân, số điện thoại lên mạng xã hội; không nên mở quá nhiều tài khoản ngân hàng với mục đích mua bán, trao đổi, cho tặng.

Đối với các bạn trẻ vừa được cấp căn cước công dân hoặc chứng minh thư chỉ nên mở tài khoản ngân hàng khi thật sự cần thiết; tuyệt đối không nghe người khác vận động, khuyến khích mở tài khoản, vì như vậy rất dễ tiếp tay cho các hành vi phạm tội. Các tài khoản ngân hàng phải được đăng ký bằng sim số điện thoại chính chủ để tăng tính bảo mật, đồng thời khiến các đối tượng xấu không có cơ hội trục lợi.

(ND 11/4/2022)