Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Hôm qua > Nguyễn Tri Phương (1800-1873)

Nguyễn Tri Phương (1800-1873)

Thứ Sáu 26, Tháng Giêng 2007

Nguyễn Tri Phương sinh năm 1800 (Canh Thân) trong một gia đình nông dân, nhưng nhờ ý chí tự học, tự lập ông đã làm nên sự nghiệp lớn cho mình và cho nước. Là Tổng đốc Hà Nội, ông đã tuyệt thực chết sau khi thành bị thất thủ năm 1873.

Ông trước tên là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên, quê ở làng Đường Long (sau đổi Chí Long) xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Thời trẻ, ông làm Thư lại ở huyện Phong Điền, rồi lên làm Thư lại Bộ Hộ, ông được Thượng thư Nguyễn Đăng Tuân tin phục tiến cử với vua Minh Mạng, từ đấy ông luôn thăng tiến cống hiến tài sức cho đất nước.

Năm 23 tuổi ông được vua bổ làm Bí thư ở Nội điện (hàm Điển bộ), sau thăng Tu soạn rồi Thừa chỉ ở Nội các, thăng Thị độc, Thị giảng, năm 31 tuổi thăng Hồng Lô tự khanh. Năm 1832, ông 32 tuổi, được bổ sung phái bộ sang Trung Quốc liên hệ việc thương mại. Năm 35 tuổi, ông vào Gia Định cùng Trương Minh Giảng bình định các vùng đất mới khai hoang. Ông được thăng hàm Thị lang, Tham tri, Tuần phủ, Khâm sai đại thần, Thượng thư.

Cuộc đời làm quan của ông cũng nhiều phen lận đận, thăng, giáng nhiều lần từ Thượng thư, Tổng đốc xuống Tham tri, Thư lại rồi lên làm Phụ chính, Kinh lược sứ. Ông có công đánh giặc, mở đất khai hoang lập đồn điền, dân cư an lạc. Ông được chép công trạng khắc vào bia đá ở tòa Võ Miếu Huế. Vua Tự Đức phong ông tước Tráng Liệt Bá, cải tên ông thành Nguyễn Tri Phương (lấy ý câu "Dõng thả tri phương" nghĩa là dũng mãnh mà lắm mưu chước).

Năm 1872, ông được bổ chức Tuyên sát đổng sức Đại thần thay mặt triều đình xem xét việc quân sự ở Bắc Kỳ. Khi quân Pháp tấn công thành Hà Nội tháng 11/1873, ông cùng con trai là Phò mã Nguyễn Lâm và binh lính chiến đấu oanh liệt trước sức mạnh của quân Pháp. Phò mã Nguyễn Lâm tử trận, ông bị thương, thành mất, ông mặc cho vết thương đau đớn rồi tuyệt thực gần 1 tháng và mất ngày 20/12/1873 (Quý Dậu).

Khu đông thành Hà Nội vào cuối thế kỷ 19, với con đường nay mang tên Nguyễn Tri Phương.


Xem online : Tiếng cu gù dọc đường Nguyễn Tri Phương