1,2 tỷ USD cho tuyến xe điện ngầm Hà Nội
vehicleTP - Đây là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Hà Nội và cả nước (đi ngầm 100%) và có mức đầu tư kỷ lục - 1,2 tỷ USD. Tiền phong có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội về dự án này.
Tuần qua, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo chính thức với Thường trực Thành ủy về dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 (giai đoạn 1 dài 15km) và đã ký quyết định chuẩn bị đầu tư.
Thưa ông, dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 sẽ có thể điều chỉnh cơ cấu giao thông ở Thủ đô như kỳ vọng của Hà Nội?
Trước sức ép gia tăng về ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đã chấp thuận dự án đầu tư tuyến tàu điện ngầm số 2 (Metro 2) tại Hà Nội.
Tuyến có chiều dài 41km (từ Nội Bài qua các trung tâm đô thị Bắc sông Hồng - Nam Thăng Long - Trung tâm Hà Nội - Hà Đông). Trong đó, giai đoạn I của dự án có chiều dài 15,2 km (từ Nam Thăng Long đến Thượng Đình).
Theo thông số mà tư vấn đưa ra, tuyến Metro có 6 toa, dài 132 m chạy hoàn toàn dưới lòng đất. Khả năng vận chuyển đạt trung bình 12.000 lượt khách/giờ/hướng (đến năm 2020 sẽ đạt 31.000 khách/giờ/hướng). Vận tốc thiết kế đạt 100km/giờ, tốc độ thương mại đạt 35km/giờ.
Có thể nói việc đưa tuyến Metro số 2 vào hoạt động sẽ giải quyết đáng kể nhu cầu đi lại của nhân dân thủ đô, góp phần hiện thực hoá mục tiêu đạt tỷ lệ đi lại tại nội thành bằng phương tiện công cộng là 30-50% vào năm 2020.
Được biết, hiện Hà Nội đã khởi công tuyến Metro số 1, song dự án tiến triển khá chậm. Với việc đầu tư thêm tuyến Metro số 2, dư luận lo ngại điều này sẽ là “quá sức” đối với Hà Nội.
Trước hết, phải khẳng định rằng việc đầu tư tuyến Metro số 2 là hết sức cần thiết và nó phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đúng là dự án có tổng mức đầu tư khá lớn là 1,2 tỷ USD, song đến nay đã có hướng giải quyết.
Cụ thể, chúng ta đã được chấp thuận vay ODA ưu đãi từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) 85% vốn dự án (1,03 tỷ USD), còn lại là vốn đối ứng trong nước, khoảng 181 triệu USD dùng cho GPMB, tái định cư và chi phí Ban QLDA...
Theo đánh giá của các đối tác Nhật Bản, dự án xây dựng tuyến Metro số 2 được xem là dự án đạt tiến độ kỷ lục trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư?
Có thể nói công tác chuẩn bị đầu tư đã được xúc tiến từ lâu, song kết quả đàm phán để đi đến thống nhất đầu tư dự án lại diễn ra khá nhanh. Điều này vừa nói lên sự quyết tâm của phía Việt Nam nhưng cũng thể hiện thiện chí từ phía đối tác Nhật Bản. Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công sau 9 tháng chuẩn bị và hoàn thành sau 51 tháng. Có nghĩa là dự án sẽ hoàn thành vào năm 2013.
Đó là về mặt lý thuyết, trên thực tế nhiều dự án giao thông của Hà Nội luôn kéo dài vài năm so với tiến độ ban đầu. Hà Nội có cơ sở gì để đảm bảo rằng dự án này sẽ về đích đúng hẹn khi mà dự án phải thi công ngầm với kỹ thuật hoàn toàn mới mẻ với chúng ta?
Tuyến Metro số 2 hoàn toàn đi ngầm tuy có khó khăn trong thi công nhưng chúng ta lại có thuận lợi vì không phải GPMB. Toàn dự án chỉ có khoảng 20 hécta mặt bằng nổi trên mặt đất thuộc xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm) dự kiến làm Depot và xưởng sửa chữa, nên công tác GPMB sẽ không gặp nhiều khó khăn.
Về phần đào hầm, tư vấn đưa ra phương án xây dựng hầm đơn, đường đơn và dùng thiết bị là máy khoan TBM hiện đại nhất trong thi công các tuyến đường ngầm trên thế giới. Vì vậy, có thể nói dự án nếu được chuẩn bị tốt, chắc chắn sẽ về đích đúng tiến độ.
Liệu việc thi công tuyến tàu điện ngầm này có ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân?
Như tôi đã nói, việc đào đường ngầm sử dụng thiết bị, công nghệ hiện đại, lại hoàn toàn đào kín, sâu từ 15m dưới lòng đất. Vì lý do đó, khi thi công tuyến Metro số 2 sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân thủ đô.
Hiện nay, Hà Nội đang triển khai công việc gì để dự án sớm được khởi công?
Ngay sau khi phía JBIC ký biên bản ghi nhớ hỗ trợ SAPROF ( tư vấn lập dự án) với Bộ KH&ĐT và UBND TP Hà Nội, các bên đã tiến hành lựa chọn tư vấn thực hiện SAPROF vào tháng 5 vừa qua. Việc nghiên cứu dự án được thực hiện vào tháng 6 và hoàn thành vào tháng 10/2007. Trong đó báo cáo kỳ đầu vào tháng 7/2007, tiếp đó là báo cáo giữa kỳ, hội thảo, và trình báo cáo cuối cùng vào tháng 12/2007.
Sau khi dự án được phê duyệt sẽ tiến hành thiết kế, GPMB và tổ chức đấu thầu, khởi công dự án. Để đẩy nhanh tiến độ, UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các quận, huyện có dự án đi qua phải tích cực tham gia cùng chủ đầu tư, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn để thúc đẩy dự án.
Tôi tin rằng với quyết tâm và nỗ lực cao của Hà Nội, dự án tuyến Metro số 2 sẽ hoàn thành đúng tiến độ.
Xin cảm ơn ông!
Phùng Sưởng (TP)
Khái quát về dự án xây dựng tuyến Metro số 2:
Điểm đầu tại khu Nam Thăng Long (huyện Từ Liêm) - Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt - Hàng Hoa Thám - Phan Đình Phùng - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - Phố Huế - Đại Cồ Việt - Đào Duy Anh - Chùa Bộc - Sơn Tây - Nguyễn Trãi và điểm cuối tại Thượng Đình (quận Thanh Xuân). Tổng chiều dài 15,2 km.
Trên tuyến có 14 ga, 1 Depot, xưởng sửa chữa. Metro có 6 toa, dài 132 m. Tốc độ thiết kế 100km/giờ. Khi đi vào khai thác năng lực vận chuyển đạt 12.000 khách/giờ/hướng. Tần suất: 3 phút/chuyến. Tổng mức đầu tư dự án: 1,21 tỷ USD.
Sơ đồ quy hoạch tổng thể mạng lưới: bấm chuột vào file sau.