Các vụ làm ăn và lừa đảo mới nhất trên cõi mạng

online

Tác phẩm kinh dị vừa tạo hiện tượng văn đàn
“Ngủ cùng người chết” là một cuốn sách hấp dẫn. Tác phẩm kinh dị thứ hai của nhà văn trẻ Thảo Trang sau khi phát hành phiên bản Audio đã nhận tổng cộng gần 3 triệu lượt nghe trên Youtube, trở thành một hiện tượng chưa từng có tại văn học mạng Việt Nam. Tác giả là đồng sáng lập viên của một công ty sản xuất thực phẩm tại Úc.

Cuối năm 2021, cuốn tiểu thuyết thứ nhất “Tết ở làng Địa Ngục” đã chính thức phát hành ở dạng sách và được độc giả đón nhận không kém bản online, chỉ trong một thời gian ngắn đã liên tục xếp “top tiki”, vượt qua doanh thu của nhiều tác phẩm nước ngoài. Được biết, “Tết ở làng Địa Ngục” đang được giới điện ảnh để mắt tới. Cây bút nữ 9X dường như đã tạo cho bạn đọc cảm giác được về quê nghe lời kể của bà ngoại.

Đề nghị truy tố “cậu IT”
Ngược lại, tin xấu trên mạng nhiều hơn tin tốt. Ngày 12-7-2022, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Nhâm Hoàng Khang (sinh năm 1988, ngụ quận Tân Bình) về tội Cưỡng đoạt tài sản. Khang là một lập trình viên hiện đang sinh sống và làm việc tại TPHCM, được cư dân mạng gọi bằng cái tên "cậu IT".

Theo hồ sơ vụ án, Nhâm Hoàng Khang đã đột nhập, nắm các dữ liệu, bằng chứng của trang web cờ bạc rồi quay sang đe dọa, tố cáo các sai phạm đến cơ quan điều tra. “Cậu IT” đã buộc chủ nhân trang web sai phạm nói trên chuyển cho anh ta 400 triệu đồng.

Được biết, “Cậu IT” từng hack Facebook của một số nghệ sĩ và bán thông tin cho bà Phương Hằng tố cáo ầm ĩ trên YouTube, dẫn đến bản án mà bà ta vừa lãnh. Năm 2016, Nhâm Hoàng Khang từng bị TAND quận 6 (TP HCM) xử phạt 3 năm tù về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy".

Thêm một người bị lừa mất 1,2 tỷ đồng khi tìm việc trên mạng
Ngày 12-7-2022, Công an quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, đang điều tra vụ một người phụ nữ 29 tuổi bị lừa 1,2 tỷ đồng. Ngày 1-7, chị Nguyễn Thị T. vào Facebook để tìm kiếm việc làm tại nhà và đã tham gia làm cộng tác viên xử lý đơn hàng online.

Khi thanh toán 4 đơn hàng đầu, chị T. nhận được số tiền công 900.000 đồng. Theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo, từ đơn hàng thứ 5 đến thứ 10, chị T. chuyển 1,2 tỷ đồng cho đối tượng nhưng không nhận được tiền công. Biết mình bị lừa, chị T. đã đến Công an phường Bồ Đề, quận Long Biên trình báo sự việc.

Trường hợp chị T. không phải là duy nhất bởi thời gian gần đây ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố rất nhiều phụ nữ đã bị lừa tiền theo cách này. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo của cơ quan Công an về tình trạng lừa đảo trên mạng nhưng vẫn có người do thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng ảo cho các sàn thương mại điện tử.

Hacker rao bán ’dữ liệu của 30 triệu người Việt’
Bài rao được thành viên “meli0das” đăng trên một diễn đàn từ ngày 8-7-2022. Người này khẳng định đã thu thập được dữ liệu "từ một website trường học phổ biến ở Việt Nam" và mô tả các thông tin bao gồm tên đăng nhập, email, số điện thoại, họ tên đầy đủ, ngày sinh, trường học và địa chỉ, là những dữ liệu chưa từng rò rỉ trước đây và mới được lấy trong tháng 7-2022.

Để tăng sự tin tưởng, meli0das đăng ảnh chụp thông tin của khoảng 70 người, hầu hết là giáo viên. Ngoài ra, hacker này cũng cho biết có thể cung cấp bản xem trước của khoảng 10.000 người, hoặc có thể thương lượng để mua bán các gói dữ liệu nhỏ hơn. "Cơ sở dữ liệu này rất hữu ích cho việc tiếp thị hay đánh cắp thông tin, vì con số này tương đương 1/3 dân số Việt Nam", meli0das trắng trợn quảng cáo. Số tiền mà hacker này đòi là 3.500 USD, thanh toán bằng loại tiền điện tử Monero.

Một chuyên gia bảo mật tại Việt Nam cho biết đã thử liên hệ với hacker nói trên, nhưng tin tặc này "tương đối thận trọng". Bài viết của hacker cũng được đặt chế độ hạn chế bình luận. Những người muốn mua phải liên hệ qua nền tảng thư mã hoá Telegram.