Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Công nghệ > An ninh > Tội phạm cho vay nặng lãi qua app trên điện thoại thông minh

Tội phạm cho vay nặng lãi qua app trên điện thoại thông minh

Thứ Bảy 23, Tháng Bảy 2022, bởi Cong_Chi_Nguyen

Vay tiền không lãi suất, không cần thế chấp, chỉ cần đăng ký bằng chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ sinh viên là có tiền, lãi suất hấp dẫn, thủ tục dễ dàng,.. là những cụm từ thường được dùng khi nhắc đến hình thức cho vay tiền online. Tuy nhiên, đó chỉ là quảng cáo...

Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) vừa phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai triệt phá đường dây cho vay nặng lãi quy mô lớn qua ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh hoạt động xuyên biên giới. Lực lượng chức năng đã triệu tập, làm việc với 41 đối tượng, thu giữ 72 điện thoại di động, 43 máy tính, nhiều chứng từ, con dấu của hai công ty và các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi. Tính đến nay, có khoảng 159.000 khách hàng vay tiền qua các ứng dụng này với tổng số tiền hơn 1.800 tỷ đồng.


Đây là đường dây phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia, do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu. Chúng lập các bộ phận chuyên trách đặt tại địa bàn 3 tỉnh, thành phố, gồm: Bộ phận quản lý, điều hành, thẩm định, hỗ trợ hoạt động vay tại TP Hồ Chí Minh; bộ phận trung gian thanh toán hoạt động chi hộ/thu hộ tại TP Hà Nội; bộ phận nhắc nợ/thu hồi nợ tại tỉnh Lào Cai, do Nguyễn Thị Hoài Thương, Phạm Thị Huyền, Tống Ngọc Phụng điều hành.

Các đối tượng đã lập ra Công ty TNHH Công nghệ Funmobi, sử dụng gần 300 ứng dụng cho vay tiền trên điện thoại di động liên kết với gần 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính để cung cấp các gói sản phẩm cho vay trị giá từ 2 đến 7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày với lãi suất lên tới 2.090,93%/năm.

Để vay tiền, khách hàng được hướng dẫn cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động, cung cấp đầy đủ thông tin: Họ tên; ngày, tháng, năm sinh; số CMND/CCCD/hộ chiếu; số tài khoản ngân hàng; nghề nghiệp; nơi làm việc; ảnh chân dung; giấy tờ tùy thân; cấp quyền cho ứng dụng truy cập danh bạ, các ứng dụng trên điện thoại... và đăng ký khoản vay.

Sau đó, hồ sơ vay của khách hàng sẽ được bộ phận thẩm định kiểm tra, đánh giá, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sẽ được duyệt khoản vay. Bộ phận trung gian thanh toán gửi vào tài khoản ngân hàng của khách hàng số tiền chỉ bằng 59,9% số tiền khách vay. Khi tới hạn thanh toán, nhân viên sẽ liên lạc với khách hàng để nhắc nợ. Nếu khoản vay quá hạn, bộ phận thu hồi nợ sẽ sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn đe dọa, khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự của khách hàng vay và người thân, bạn bè...

Điều 201, Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự số 01/VBHN-VPQH ngày 10-7-2017, quy định tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự bị xử phạt như sau:

  1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
  2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
  3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

PLO 22/7/2022