Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Tư duy > Khám phá > Cách phát hiện giới tính thai nhi ở Ai Cập cổ

Cách phát hiện giới tính thai nhi ở Ai Cập cổ

Thứ Bảy 30, Tháng Bảy 2022, bởi Cong_Chi_Nguyen

Được biết phương pháp phát hiện giới tính thai nhi của người Ai Cập cổ đại rất độc đáo mà lại khá dễ làm. Họ chuẩn bị hai chiếc thùng nhỏ, một thùng chứa lúa mạch và thùng còn lại chứa lúa mì. Rồi họ pha loãng nước tiểu của phụ nữ mang thai và tưới vào đó.

Nếu lúa mạch mọc trước, đứa trẻ sẽ là bé trai, nhưng nếu lúa mì mọc trước, thì đứa trẻ sẽ là bé gái. Thế đấy, đơn giản như là đan rổ.

Phương pháp này đã được thử đi thử lại nhiều lần, thậm chí tại những nước văn minh hiện đại, và nó chứng tỏ là khá hiệu nghiệm. Như vậy, người Ai Cập cổ là những nhà phát minh đầu tiên đã thành công trong việc khám phá sớm giới tính thai nhi. Trong khi giới y học phương Tây phải chờ đến thế kỷ 20 mới có máy siêu âm để mà xác định. Nghe nói rằng tại một số nước đông dân như Trung Quốc sau đó phải cấm dùng sớm máy siêu âm để ngăn bớt việc bào thai các bé gái sẽ bị loại bỏ do tâm lý trọng nam khinh nữ.

Người Việt trước kia hay nhìn bụng thai phụ xem to hay nhỏ, tròn hay nhọn... mà luận ra sẽ sinh gái hay trai nhưng tỷ lệ đúng không cao. Nghe nói có những thày lang chỉ cần bắt mạch cũng biết giới tính thai nhi, tài thật.

Đáng tiếc các dòng chữ tượng hình khắc trong Kim tự tháp không nói gì về trường hợp thứ ba khi kết quả ở hai thùng không khác nhau. Tác giả đành suy đoán rằng nếu lúa mạch và lúa mì cùng nẩy mầm một lúc thì ắt sẽ có bé là á nam á nữ, tức ông đồng bà cốt bẩm sinh. Phải không ạ?


30/7/2022