26 tổ chức đã nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài

electronic

Quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam hiện đạt giá trị 21 tỷ USD, dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 57 tỷ USD. Mục tiêu này sẽ trở thành thách thức nếu cơ quan quản lý không sớm sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn và yêu cầu công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu và báo cáo Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, theo đó lần đầu tiên quy định trách nhiệm quản lý của cơ quan Thuế; nghĩa vụ của doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế tại Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Ngoài ra cũng quy định trách nhiệm của các cá nhân, ngân hàng tại Việt Nam liên quan đến việc mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp nước ngoài.

Đây là các căn cứ pháp lý, luận điểm quan trọng về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.


Đáng chú ý, ngày 21/3/2022, Bộ Tài chính đã chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, NCCNN có thu nhập từ Việt Nam có thể thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế tại bất kỳ đâu trên thế giới thông qua Cổng, từ đó tạo thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế của NCCNN theo xu hướng quản lý thuế quốc tế.

Kết quả sau hơn 3 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN, từ ngày 21/3/2022 đến nay, đã có 26 NCCNN lớn (Microsoft, Facebook, Netfix; Samsung; TikTok; eBay…) đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 20 triệu USD. Như vậy, Việt Nam đã trở thành một trong bốn nước đầu tiên khu vực Đông Nam Á thành công trong việc khẳng định quyền quản lý thuế của quốc gia đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Tính từ năm 2018 đến ngày 14/7/2022, đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, số thu từ hoạt động TMĐT thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu đạt 5.458 tỷ đồng. Tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Tiêu biểu có một số NCCNN được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như: Facebook (2.076 tỷ đồng); Google (2.040 tỷ đồng); Microsoft (699 tỷ đồng).

Theo VB và HQ 1/8/2022